Sau sự kiện khủng bố khiến 158 người chết tại Paris ngày 13/11, rất đông người Việt và trên thế giới đã đồng loạt cài đặt ảnh đại diện in mờ màu quốc kỳ nước Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân bị khủng bố.
Trước phong trào phủ màu cờ Pháp rầm rộ trên Facebook, tranh cãi đã nổ ra từ một luồng quan điểm cho rằng, để avatar Paris là một sự phân biệt trắng trợn. "Tại sao nhiều nước bị chiến tranh cũng có mấy trăm người chết ở nước kia nước nọ lại không tưởng niệm?", "Vì sao không treo avatar hướng về Syria, Palestine?..." là những ý kiến phản ứng với hành động để avatar tưởng nhớ sự kiện khủng bố tại Paris.

Dòng hashtag ủng hộ Paris "prayforParis" cùng hành động đổi avatar được hưởng ứng rầm rộ.
Bức xúc trước những ý kiến cho rằng để avatar ủng hộ Paris chỉ là đua theo phong trào, đạo đức giả, Vĩnh Khang, du học sinh Việt tại ĐH Syracuse, New York phân tích, những lý do phản đối trên chưa thật sự logic và thiếu hiểu biết bởi 3 điểm:
- Bắt đầu từ sự kiện Paris bị đánh bom, Facebook lần đầu cung cấp chức năng tự động phủ màu cờ Pháp rất đơn giản chỉ với vài cú click chuột. Điều này khiến số lượng người thể hiện sự đồng cảm với Paris đông đảo hơn hẳn so với khi xảy ra những sự kiện thương tâm trước đây trên thế giới.
- Nước Pháp nói chung và Paris nói riêng là những địa danh biểu tượng của văn hoá, tình yêu và hoà bình. Một biểu tượng văn hoá nổi tiếng của nhân loại bị tấn công, thủ đô của ánh sáng vụt tắt, thì đó cũng là lúc thế lực khủng bố chính thức thách thức sự đoàn kết của con người.
- Pháp nằm trong số những nước đáng mơ ước để sống và học. Không ít người Việt đã, đang hoặc sắp du học ở đó. Những người đã trở về Việt Nam thì thấy nhớ thương, những người có người thân ở đó thì lo lắng. Trong trường hợp đó, họ #PrayforParis là họ có lý do của họ.

Loạt sao Việt như Midu, Diễm Trang, Thu Thảo... cũng hưởng ứng nhiệt tình hoạt động đổi avatar.
Là một trong những hot teen tham gia đổi avatar vì Paris, BB Trần, trưởng nhóm hài BB&BG nói về những ý kiến phản đối: "Facebook là trang cá nhân của mỗi người, ai cũng có quyền có ý kiến riêng của mình. Song có những việc trước khi nói thì cũng nên suy nghĩ nó có hợp hoàn cảnh không, vì cá nhân mình thấy, mọi người đang thể hiện một sự đồng cảm với các nạn nhân Paris. Một số bạn không thích thì có thể không làm theo, nhưng đừng chỉ trích người khác và cũng không thể cấm người khác".
Chia sẻ với iOne về những luồng ý kiến trái chiều trong sự việc để avatar ủng hộ Paris, anh Lương Thế Huy, chuyên viên truyền thông tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cho rằng, việc tốt dù nhỏ nhất cũng nên khuyến khích, việc xấu dù nhỏ nhất cũng nên tránh. Đổi avatar hay đăng tấm ảnh, nói vài dòng cảm thương vẫn là việc tốt nhỏ nên làm. Chửi bới, mỉa mai những người đang làm việc tốt là việc xấu nhỏ nên tránh. Cũng không nên gọi những người ủng hộ Paris là đạo đức giả, bởi nhận thức, quan hệ tới đâu thì tình cảm tới đó thôi
Với nhiều thắc mắc cho rằng nơi này loạn lạc, nơi kia chiến sự, Beirut, Syria, Palestine... một ngày hàng trăm, hàng ngàn người chết sao không thấy ai tiếc thương như ở Paris, chuyên gia này cho rằng, thứ nhất vì người ta có thể không biết Beirut là thủ đô nước nào, nằm ở đâu trên bản đồ, nhưng người ta luôn từng biết về Paris, có bạn bè hay chí ít là ký ức về nó.
Anh Huy phân tích, Paris khác với Beirut cơ bản ở chỗ Paris không phải là vùng chiến sự. Bạn được mong đợi là sẽ thong thả dạo chơi ngoài đường vào buổi tối ở Paris, nhưng bạn sẽ không mong điều đó ở Beirut. Ngược lại bạn cũng không bao giờ nghĩ mình có thể bị bắn chết khi đang ở rạp hát Paris. Vụ khủng bố này là “sự khởi đầu” cho thay đổi ở Paris, khác với Beirut lại là “sự tiếp diễn” của những khủng hoảng lâu nay.
![]() |
sLoạt sao Hàn bị chê ẩu khi viết lời cầu nguyện cho Paris |
Mai Mai