Thứ tư, 21/7/2021, 19:00 (GMT+7)

Mâu Thủy: 'Tôi học được tính kiên nhẫn khi làm tình nguyện viên giữa dịch'

Về nhà sau một ngày làm tình nguyện mệt nhoài, Mâu Thủy kể về hành trình hỗ trợ tuyến đầu chống dịch suốt một tháng qua.

Mâu Thủy.

- Động lực nào khiến Mâu Thủy quyết định đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch giữa lúc Covid-19 diễn biến căng thẳng tại TP HCM?

- Từ thời điểm dịch mới nhen nhóm, nhìn hình ảnh các bác sĩ, những người ở tuyến đầu hỗ trợ chống dịch không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí kiệt sức và ngất xỉu, tôi rất đau lòng. Xem tin tức mỗi ngày qua báo đài, tôi rất thương và xúc động khi thấy những áp lực đè nặng lên hệ thống y tế. Tôi quyết định đăng ký làm tình nguyện viên từ rất sớm với mong muốn hỗ trợ phần nào sức mình vào công cuộc chống dịch của nhà nước. Tôi không nghĩ đây là công việc tình nguyện mà xem đó như trách nhiệm mà bản thân cần thực hiện với xã hội lúc này.

Dịch xảy ra, tôi không có nhiều công việc nên thời gian thoải mái, linh động. Chỉ là, khi tham gia hỗ trợ chống dịch, tôi phải hạn chế gặp mẹ dù ở chung một nhà. Mỗi sáng, trước khi ra đường, tôi sẽ uống một ly nước cam để bổ sung vitamin. Đi hỗ trợ về, tôi tắm rửa sạch sẽ, đa phần ở trong phòng vì lo lắng không may bản thân bị nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình. Cứ ba ngày, tôi được xét nghiệm Covid-19 một lần. Tôi là người tự lập, có trách nhiệm với quyết định của mình nên gia đình, bạn bè ủng hộ khi biết tôi tham gia vào công tác chống dịch. Sức khỏe tôi khá tốt, chỉ sợ làm ảnh hưởng tới người khác thôi!

Mâu Thủy trong ngày làm tình nguyện viên.

- Những ngày làm tình nguyện viên của chị thường diễn ra thế nào?

- Hai tuần đầu tôi tham gia hỗ trợ người dân tiêm vaccine từ 11-17h, sau đó chạy xe xuống quận Bình Tân, hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm tới 22h. Những ngày gần đây, khi TP HCM thực hiện Chỉ thị 16, người dân phải hạn chế ra đường. Ở các siêu thị, số lượng đơn đặt hàng online rất nhiều nhưng nhân lực không đủ đáp ứng. Trong bối cảnh đó, nhóm chúng tôi dành ra 6 tiếng mỗi ngày, hỗ trợ người dân trong việc mua hàng online ở siêu thị. Chúng tôi sẽ nhận đơn từ nhân viên siêu thị, đi mua đồ và để thành từng giỏ riêng. Các thành viên sẽ liên lạc với người dân theo số điện thoại ghi trên đơn để đổi mặt hàng trong trường hợp sản phẩm hết.

Đi siêu thị, tôi thấy ngoài gạo, nhu yếu phẩm, người dân cần nhất vẫn là trứng, mì gói, rau củ, thịt heo, thịt gà. Tôi cũng khuyên người dân nên mua đồ hộp, chế biến sẵn và đông lạnh khi cần vì khâu giao hàng đang quá tải và thịt tươi giao sau 10 tiếng thì không còn ngon nữa. Hiện, có rất nhiều khu phong tỏa ở quận Bình Tân, quận 7, Gò Vấp..., các khu chế xuất có số lượng người dân rất đông nhưng nhu yếu phẩm không đủ. Họ không có việc làm. Mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đợi dịch qua để cuộc sống trở lại bình thường.

Người Sài Gòn hiền, dễ chịu lắm. Không được ăn ngon, ra đường và gặp gia đình nhưng mọi người đang làm mọi cách để "chữa lành bệnh" cho thành phố. Người Sài Gòn cũng cục mịch, ít khi nào thương qua lời nói mà chỉ biết hành động, đỡ đần nhau. Chỗ nào thiếu có người đến, chỗ nào cần có người giúp. Vậy là đủ, ấm lòng!

Mâu Thủy và Hoàng Phi Kha chống dịch
 
 
Mâu Thủy chứng kiến Hoàng Phi Kha lúng túng khi mua hàng giúp khách nữ.

- Công việc chị thấy khó nhất khi làm tình nguyện viên?

- Đi siêu thị giúp người dân là công việc tôi thấy khó và mệt nhất. Mì gói có nhiều nhãn hàng, mỗi nhãn có nhiều vị khác nhau hay salad cũng có gần 10 cái tên. Để mua đúng món đồ người dân order mất rất nhiều thời gian. Có những hôm về nhà rồi, 11h đêm hoặc 6h sáng, khách đã gọi và hỏi: "Giao hàng chưa em ơi?".

Còn nữa, nam tình nguyện viên đi mua đồ cho khách nữ cũng gặp phải những tình huống khiến họ lúng túng. Một lần, tôi thấy nam người mẫu Hoàng Phi Kha nhận được đơn hàng yêu cầu mua băng vệ sinh ban đêm, có cánh, mát lạnh. Anh ấy lúng túng vì chưa bao giờ đụng đến những mặt hàng này. Lúc ấy tôi không nhịn được cười.

- Trở thành tình nguyện viên mang đến cho chị những trải nghiệm gì?

- Cơ địa của tôi rất dễ đổ mồ hôi nên khi mặc đồ bảo hộ được khoảng 2 tiếng, tôi không còn cảm giác nóng nữa vì quá nóng, nóng cực độ (cười). Tôi cảm giác được áo từ ướt tới khô mấy lần trong một ngày. Nhưng tôi không thấy mệt hay xuống tinh thần.

Tham gia công tác tình nguyện, tôi học được cách kiên nhẫn và đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ. Khán giả và những người yêu thương khi biết tôi đi làm tình nguyện viên ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Các bạn còn gửi lời chúc sức khỏe, dặn dò đủ thứ để tôi có thể luôn an toàn khi ra ngoài thường xuyên. Cảm giác được mọi người nhắn nhủ, quan tâm như người thân tôi cảm thấy thật ấm áp.

Mâu Thủy cắt giảm chi tiêu thời dịch.

- Với những ý kiến cho rằng các hoa hậu, á hậu tham gia đội tình nguyện chỉ làm màu, chị phản hồi thế nào?

- Tôi cũng có nghe qua ý kiến này nhưng không để tâm. Tôi nghĩ mình phải chủ động hơn, có trách nhiệm với cộng đồng và không ngại đấu tranh. Chẳng hạn khi mọi người túm tụm, tôi phải quyết liệt tách họ ra để tuân thủ quy định về khoảng cách. Bình thường, tôi không lớn tiếng với ai bao giờ nhưng khi làm tình nguyện, tôi thấy mình đanh đá đấy.

- Nhiều nghệ sĩ lo lắng vì dịch khiến họ giảm thu nhập, khó đảm bảo cuộc sống như trước đây, chị thì sao?

- Thu nhập dĩ nhiên không bằng trước đây nhưng mình cũng khá hơn rất nhiều người rồi, phải may mắn lắm mới được như vậy. Sống ở TP HCM gần 30 năm, chưa bao giờ tôi thấy thành phố lại tĩnh lặng, vắng vẻ bất thường như vậy. Đau lòng lắm! Tôi chỉ mong Sài Gòn nhanh kẹt xe, nhộn nhịp trở lại.

- Chị thay đổi cách chi tiêu thế nào thời gian này?

- Thu nhập của tôi âm (cười lớn). Hàng tháng, tôi phải chi nhiều khoản cho nhân viên, gia đình. Thuyền to thì sóng lớn, cũng có lúc mình thu nhập khá mà! Tôi gồng sức chịu những tháng qua, may mắn vẫn ổn. Ba tháng gần đây, tôi giảm chi tiêu, không còn mua những món đồ mình thích. Chi tiêu cho gia đình, tôi giảm khoảng 30%.

Những ngày qua, tôi thường tập luyện thể dục, đi tình nguyện, nấu ăn, xem những bộ phim tích cực để cho mình thêm nhiều động lực. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian gọi điện hỏi thăm bạn bè. Thời gian dành cho những điều tích cực sẽ làm cho mình không bị lủi thủi, nhàm chán.

Mâu Thủy sinh năm 1992 tại TP HCM, được biết đến khi trở thành quán quân Vietnam's Net Top Model 2013. Sau cuộc thi, cô làm mẫu cho nhiều sự kiện lớn nhỏ trong nước. Năm 2017, cô đoạt Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Thời gian qua, cô gây chú ý khi đảm nhận vị trí giám khảo Vietnam's Next Top Model, Model Kids Vietnam và tham gia Vietnam Why Not. Cô là gương mặt trình diễn mở màn, vedette nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế trong nước. Cô cũng vừa kết hợp các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, mở lớp dạy giải phóng hình thể, catwalk, chụp hình, trang điểm và làm tóc, kỹ năng nói trước đám đông.

Thiên Anh