Thứ năm, 28/6/2018, 00:00 (GMT+7)

'Mr Cần Trô': 'Khán giả yêu mến Đức nhờ chất giọng Phú Yên'

Xuân Nghị chia sẻ, gương mặt nghiêm nghị và chất giọng đặc biệt là những yếu tố làm nên sự thành công của nhân vật cảnh sát Đức mà anh thủ vai trong 'Ngày ấy mình đã yêu'.

Mr Cần Trô
 
 
Những ngày qua, “Mr Cần Trô” - chàng cảnh sát giao thông trong phim “Ngày ấy mình đã yêu” là nhân vật chiếm trọn spotlight trên mạng xã hội. Với chất giọng Phú Yên đáng yêu cùng tính cách nghiêm nghị, cứng nhắc, mỗi lời thoại của anh cảnh sát giao thông tên Đức do Xuân Nghị thủ vai thu hút sự chú ý của  công chúng. Xuân Nghị được gọi với biệt danh Đức "Cần Trô" do cách nhân vật này phát âm từ "control" thành "cần trô".

Dù chỉ đảm nhận vai phụ bên cạnh dàn sao như Nhã Phương, Bảo Thanh, Lương Thế Thành trong “Ngày ấy mình đã yêu” nhưng vai diễn của Xuân Nghị được nhận xét là điểm sáng của phim. Từng tham gia nhiều bộ phim như Siêu sao siêu ngố, Xóm trọ 3D, Khúc hát mặt trời… nhưng phải đến vai diễn lần này, Xuân Nghị mới được khán giả chú ý.

Giọng của “Mr Cần Trô” không phải giọng thật ngoài đời

- Cơ duyên nào đưa anh tới bộ phim “Ngày ấy mình đã yêu”? 

- Trước đây, tôi từng hợp tác với VFC trong bộ phim “Khúc hát mặt trời”. Tôi rất thích cách làm việc của bên ấy nên có nói với họ, nếu dự án nào phù hợp thì mình sẽ tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, những địa điểm quay của VFC thường ở những nơi khá xa và quay trong thời gian dài nên tôi không dám nhận vì còn đang làm việc tại sân khấu.

Phim “Ngày ấy mình đã yêu” quay tại TP HCM và vai của tôi cũng khá “dễ thở” về thời gian nên tôi mới dám nhận. Tôi rất bất ngờ khi vai diễn lần này của mình lại tạo được hiệu ứng tốt đến như vậy. Tôi đoán mọi người mến mình vì chất giọng Phú Yên dễ thương, cộng hưởng thêm khuôn mặt nghiêm nghị trong vai cảnh sát. Hơn hết, tôi trân trọng quãng thời gian này vì mình vừa được hết mình nghệ thuật, vừa được khán giả đón nhận, yêu thương.

- Giọng của nhân vật “Mr. Cần Trô” trong phim có phải giọng nói thật của anh ở ngoài đời?

- Thực ra, đó không phải giọng nói thật của tôi. Tôi quê ở Khánh Hòa, ở Khánh Hòa có vùng Lương Sơn là vùng di dân của người Phú Yên. May mắn tôi có được học cấp 1, cấp 2, cấp 3 ở đó và một phần nữa là do nhà kinh doanh phòng trọ nên được tiếp xúc với rất nhiều người, ở nhiều vùng miền khác nhau, cho nên tôi có thể bắt chước nói theo.

Ban đầu tôi chỉ nói vui để chọc ghẹo những anh chị ở đó nhưng rồi lâu dần, ngữ điệu ăn sâu vào máu nên tôi nói được luôn. Giọng Phú Yên của tôi chưa chính xác lắm, mới chỉ tương đối thôi. (Cười)

Xuân Nghị ngoài đời.

- Vai diễn chàng cảnh sát giao thông lần này tạo cho anh những khó khăn gì?

- Tôi chỉ cảm thấy khó khăn ở thời điểm nhận kịch bản, tôi biết đó là một vai công an. Trước giờ tôi rất ít diễn viên công an nên sợ cách diễn có phần hơi loi nhoi của mình không hợp với vai khô khan, cứng nhắc và nghiêm túc đó.

Sau khi làm quen với vai một vài phân đoạn thì tôi bắt đầu cảm thấy quen và dễ dàng hơn. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn Khải Anh và những cú đẩy tâm lý của Bảo Thanh đã giúp tôi có được vai diễn làm nhiều khán giả yêu thích đến vậy.

Không hề nảy sinh tình cảm với Bảo Thanh khi đóng cặp

- Anh gặp e ngại gì khi đóng cặp với một diễn viên miền Bắc đã có gia đình như Bảo Thanh?

- Không có lý do gì để tôi e ngại cả. Tuy đóng cặp với nhau nhưng giữa tôi với Bảo Thanh không hề nảy sinh tình cảm. Tình huống trong phim đa số cũng là tôi từ chối cô ấy nên càng không có cơ hội để chúng tôi ngại nhau.

- Nhiều nghệ sĩ trẻ được gia đình hậu thuẫn về tài chính. Xuân Nghị thì sao? 

- Tuổi trẻ ai cũng có những khó khăn riêng, mỗi người một hoàn cảnh. Khi đang học tại sân khấu kịch Hồng Vân thì tôi gặp nhiều khó khăn về tài chính. Gia đình cũng chu cấp nhưng số tiền đó không đủ cho tôi trang trải cuộc sống ở Sài Gòn. Để sống và được làm nghệ thuật, tôi phải làm phụ thêm nhiều nghề khác nhau, từ bưng bê quán nhậu cho đến giữ xe vỉa hè, dọn dẹp phòng khách sạn.

Đã có đôi lần, khi gặp phải những biến cố lớn, tôi có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. Nhưng rồi sau này, lời khuyên của thầy cô, bạn bè, đặc biệt là thầy Hữu Châu, cô Hồng Vân - đã giúp tôi quay trở lại và tiếp tục trau dồi bản thân đến ngày hôm nay.

- Là học trò cưng của Hồng Vân, cô ấy đã giúp đỡ và hỗ trợ anh thế nào trong quãng thời gian làm nghề?

- Cô Hồng Vân là người mà Nghị rất kính trọng và biết ơn. Cô là người trực tiếp dạy tôi về cách diễn, tư duy, phân tích nhân vật và cả về đạo đức nghề nghiệp.

Cô Vân ở ngoài vui tính lắm nhưng khi vào công việc, cô rất nghiêm khắc. Một lần chúng tôi diễn vở “Giờ chết”, cô đang diễn tâm lí căng thẳng về việc con trai mình sắp bị phanh phui tội giết người ; còn tôi lúc ấy đóng vai nhân chứng. Đang lúc căng thẳng nhất thì tôi chen ngang và quăng một miếng hài khiến khán giả cười và vỗ tay. Cô Vân khi ấy tức tối, cầm cây đạo cụ lao thẳng tới đánh vào lưng tôi. Vào cánh gà cô nói tôi làm vậy là hành động diễn hỗn với người lớn. Từ đó, tôi ngoan như cừu nhưng khi diễn với cô, tôi vẫn áp lực lắm. 

- Sân khấu Hồng Vân từng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hoàn toàn do thua lỗ. Anh nghĩ sao nếu mình bị thất nghiệp?

- Lo thì vẫn lo chứ không sợ bị thất nghiệp vì cô Vân có tới 2 sân khấu. Lý do muốn đóng cửa là vì chủ trung tâm luôn tăng giá hàng năm mà tình trạng sân khấu vài năm qua không mấy khả quan. Chi phí không đủ nên cô muốn bớt đi một sân khấu cho khỏi nặng đầu. Lúc có quyết định đóng cửa, diễn viên trong sân khấu ai cũng buồn bởi nơi đó chứa đựng nhiều kỷ niệm của chúng tôi.

- Thu nhập của anh tại sân khấu có đủ trang trải cuộc sống?

- Nói thì mọi người có vẻ không tin nhưng sự thật là thu nhập từ sân khấu chỉ đủ ăn thôi.

- Vai diễn “Mr. Cần Trô” đem lại cho anh sự nổi tiếng. Nếu cát xê đi đóng phim cao hơn, anh có từ bỏ nghề diễn viên sân khấu?

- Tôi chắc chắn sẽ nhìn nhận kĩ hơn trong việc chọn vai vì tôi muốn sản phẩm của mình sẽ thật chất lượng khi ra mắt khán giả. Còn chuyện cát xê, nếu vì tiền diễn phim cao hơn sân khấu mà bỏ sân khấu thì tôi bỏ sân khấu lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ. Cát xê phim bao giờ chả lớn hơn sân khấu, chúng tôi diễn sân khấu là vì đam mê ánh hào quang mà nó mang lại. Với nghệ sĩ chúng tôi, sân khấu chính là thánh đường.

Tiến Dũng thực hiện