Thứ hai, 24/2/2020, 09:26 (GMT+7)

Người bị 'điều khiển' bởi mã vạch - bi kịch của Trung Quốc trong dịch nCoV

Vào Valentine 14/2, Matt Ma (36 tuổi) ở Chiết Giang phát hiện mình có mã màu đỏ trên một ứng dụng thanh toán trên điện thoại; nghĩa là anh không được đi lại, cần cách ly tại nhà.

Không có mã xanh từ hệ thống, Ma không thể di chuyển từ quê Lệ Thủy (Chiết Giang) tới nhà mình ở thành phố Hàng Châu - hiện bị hàng chục chốt kiểm dịch bao vây.

Ma là một trong số hàng triệu công dân bị kiểm soát bởi chính phủ qua một ứng dụng cung cấp kho dữ liệu và đưa ra những mệnh lệnh chỉ đạo công dân được hay không được phép đi làm. Trải nghiệm này thể hiện một phần nỗ lực tuyệt vọng của Trung Quốc trong việc phòng chống virus corona bằng cách sử dụng hỗn hợp giữa công nghệ hiện đại và sự giám sát kiểu cũ. Đây cũng là một bài kiểm tra ngoài đời thật đối với việc sử dụng công nghệ trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.

Những người có mã QR được tô màu đỏ không được phép vào các địa điểm công cộng trong ít nhất 14 ngày. Ảnh: SCMP.

Chritos Lynteris - nhà nhân chủng học y tế ở Đại học St Andrews, nghiên cứu về các dịch bệnh ở Trung Quốc - cho biết: "Cách sử dụng công nghệ trên diện rộng này là chưa từng có tiền lệ". Nhưng thí nghiệm của Hàng Châu cũng cho thấy bất cập của việc sử dụng thuật toán không rõ ràng trên số lượng dân cư lớn.

Trong thành phố này, đã có những trường hợp người dân được đánh giá không đúng, trở thành nạn nhân của một thuật toán - mà theo lời của chính phủ - là không hoàn hảo.

Hệ thống đánh giá Ma nhắc tới là Mã Y tế và được tích hợp trong ứng dụng thanh toán Alipay. Hệ thống được phát triển bởi Ant Financial, một đối tác của Alibaba và chính quyền thành phố Hàng Châu - nơi đặt trụ sở của rất nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc.

Thuật toán này được đưa vào sử dụng tuần trước khi hàng triệu người Trung Quốc quay lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài bởi dịch Covid-19. Mã màu là kết quả của một thuật toán phân tích tự động sử dụng cơ sở dữ liệu lớn để nhận diện những người có nguy cơ nhiễm virus corona.

Truyền thông Trung Quốc cho hay hệ thống này hiện có mặt ở ba tỉnh gồm Chiết Giang, Hải Nam, Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh với tổng số dân là 180 triệu người. Hệ thống sẽ sớm có mặt trên cả nước. Ở Hàng Châu, nơi chúng lần đầu được sử dụng, Phó chủ tịch thành phố Zhang Zhongcan, cho biết hệ thống xem xét tình trạng sức khỏe tự khai báo của một người, lịch sử di chuyển và những người mà họ đã tiếp xúc gần gũi.

Thành phố chỉ định cho mỗi người dân một trong ba màu – xanh lá cây, vàng, đỏ, tương ứng chỉ 3 mức độ nguy hiểm của người này với y tế cộng đồng. Những người với mã QR màu đỏ không được phép tới các khu vực công cộng như nhà ga tàu điện ngầm, nhà hàng hay trung tâm thương mại trong ít nhất 14 ngày. Những nhân viên tại những nơi đó có thể quét mã QR để xác nhận danh tính của người dùng. Những người có mã vàng cũng gặp những lệnh cấm tương tự, nhưng trong vòng 7 ngày. Khoảng 7,6 triệu cư dân Hàng Châu nhận được kết quả y tế trực tuyến tính tới ngày 17/2, trong đó 17,93% có mã xanh, 4% nhận mã đỏ, tức 335.000 người.

Không phải ai cũng hài lòng với kết quả mình nhận được. Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người nhận dấu đỏ phàn nàn rằng họ không hiểu tại sao bị đánh giá là có nguy cơ cao. Một số người nhận dấu đỏ cho biết họ đã nhấn vào những ô như "ngạt mũi" hoặc "mệt" trên mẫu khai sức khỏe, cho dù những triệu chứng này thường gặp và có thể không liên quan đến virus corona.

Các nhà chức trách cũng thừa nhận một số kết quả này không chính xác, tuy nhiên không nói rõ "một số" là bao nhiêu. Vào ngày 12/2, một người bị đuổi xuống khỏi một chiếc máy bay bay đến Hàng Châu từ đông bắc thành phố Cáp Nhĩ Tân, vì mã đỏ của mình. Người này bay cùng chuyến với một bệnh nhân nhiễm virus corona vào ngày 15/1 nhưng không có triệu chứng. Hai ngày sau, cảnh sát tự chuyển đánh giá của anh từ đỏ sang xanh, theo một bài báo của Qianjang Evening News.

Chính quyền và Ant Financial không nói rõ cách dữ liệu được thu thập và tính toán trong hệ thống Mã Y tế. Người phát ngôn cho Ant Financial cho biết những câu hỏi về bảo vệ dữ liệu và độ chính xác nên được trả lời bởi chính phủ là nguồn cung cấp dịch vụ mã y tế và vận hành hệ thống.

Nhân viên chính phủ cần đưa mọi người quay lại làm việc để cứu vớt nền kinh tế đang bị đe dọa bởi đại dịch. Ngay cả trước khi có đại dịch, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong vòng 29 năm, và sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp bởi virus có thể làm tốc độ tăng trưởng chậm hơn nữa. Nhưng chính quyền cũng lo sợ những công nhân quay lại làm việc có thể gây nên một làn sóng lây nhiễm mới trong những thành phố đông đúc.

Một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona tại Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.

Ma về nghỉ Tết Nguyên đán ở Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Anh được yêu cầu phải có mã trước khi quay lại Hàng Châu. Anh điền vào đơn y tế và lịch sử di chuyển, và hệ thống trả lại mã QR đỏ. Ma không ở gần tâm dịch, anh muốn phản bác lại tình trạng của mình. Nhưng khi anh gọi điện tới đường dây hỗ trợ của chính phủ, anh chỉ nhận được câu trả lời tự động. Chia sẻ trên Inkstone hôm 19/2, Ma nói: "Tôi cảm thấy số phận mình bị định đoạt bởi cơ sở dữ liệu lớn. Tôi không thể đi bất kỳ đâu. Cũng không thể cầu cứu ai, trừ những phần mềm trả lời tự động".  Trong một diễn biến lạ lùng, mã của anh thay đổi từ đỏ sang xanh vào 2 ngày sau. Là một luật sư chuyên về tuân thủ dữ liệu, Ma cho biết hệ thống này có thể vi phạm luật Trung Quốc nếu công dân bị cấm di chuyển bởi máy tính mà không có cơ hội khiếu nại.

Ma không phải người duy nhất. Trên WeChat khoảng 200 người có mã đỏ thuộc các nhóm chat đang tìm cách để quay lại làm việc. Có người đưa ra ý tưởng dùng căn cước và tài khoản Alipay của người khác để đi qua chốt kiểm soát trên cao tốc.

Tại Trung Quốc, chính quyền có thể thu thập lượng lớn dữ liệu thông qua mạng lưới giám sát mở rộng, bao gồm các camera an ninh, đăng ký có tên thật của người dùng internet và hành khách đi tàu, quét mặt ở các quầy thủ tục ở khách sạn. Chính phủ Trung Quốc đã khen ngợi công dụng của cơ sở dữ liệu lớn, trong đó có ứng dụng đối với y tế như một công cụ để kiểm soát dễ dàng hơn.

Trong suốt cuộc khủng hoảng dịch bệnh, các nhà chức trách đã sử dụng dữ liệu để theo dấu những người bị bệnh, nhận diễn những người có tiếp xúc và tìm những người đi ra khỏi tâm dịch. Những người được lọc ra bởi phần mềm sẽ được chuyển đến một hệ thống giám sát và thi hành, nơi hàng triệu các nhân viên cộng đồng sẽ đưa họ vào diện cách ly, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày và trong một số trường hợp cực đoan là sử dụng xích để khóa họ trong nhà.

Người Vũ Hán bị giam cầm trong nhà
 
 
Người Vũ Hán bị giam lỏng trong nhà - cánh cửa bị chặn bởi các thanh kim loại. Video: Baidu

Ngày 16/2, một công chức thành phố Hàng Châu công nhận những chỉ trích đối với hệ thống mã y tế từ những người yêu cầu kiểm tra lại đánh giá của mình. Ông cho biết chính phủ đã cử nhân viên kiểm tra dữ liệu, cho biết thêm rằng dữ liệu sẽ được điều chỉnh để cải thiện sự chính xác. Bất chấp những trục trặc, chính phủ đang tự hào về sự đóng góp của nguồn dữ liệu phong phú trong việc kiểm soát đại dịch.

Ngoài mã y tế, một loạt công cụ công nghệ khác cũng sử dụng dữ liệu nhằm kiểm tra những người được coi là có nguy cơ cao và hạn chế sự di chuyển của họ. Một nền tảng điều hành bởi nhà nước có tên "Phát hiện tiếp xúc gần" cho phép những nhà quản lý kiểm tra xem liệu nhân viên của mình có tiếp xúc gần gũi nào với những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 14 ngày gần đây không bằng cách nhập mã căn cước của nhân viên. Các nhà mạng Trung Quốc cũng cung cấp dữ liệu di chuyển của người dùng cho chính phủ. Ở thành phố Ôn Châu, những nhân viên ở đây nhận diện được 3.615 người tới gần một quán mì sau khi hai người chủ của quán nhiễm bệnh, bằng dữ liệu cung cấp bởi các nhà mạng. Chính quyền sau đó đã gọi tất cả những người này và đưa 40 người nhận đã tới nhà hàng đi cách ly.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tại Quảng Châu, Trung Quốc ngày 13/2. Ảnh: EPA.

Phản ứng của dư luận về mục đích của cơ sở dữ liệu lớn phần lớn là trái chiều. Một số người cho biết công nghệ này khiến họ cảm thấy an toàn hơn, nhưng những người khác đặt ra những lo ngại về việc đánh giá sai và vi phạm quyền riêng tư. Maya Wang, một nhà nghiên cứu cho Tổ chức giám sát nhân quyền, cho biết hệ thống giám sát của chính phủ được xây dựng để tìm tội phạm, đang bị sử dụng để kiểm soát các khía cạnh khác của cuộc sống người dân, trong đó có cả tình trạng sức khỏe. Cô cho biết: "Ở Trung Quốc, việc này có vấn đề vì không có luật cho sự giám sát và gần như không có cơ chế nào tiết chế việc giám sát diện rộng".

Một số thử nghiệm của các công ty công nghệ trong việc tìm virus với cơ sở dữ liệu lớn đã thất bại. Google Flu Trend, dùng để theo dõi số ca mắc bệnh cúm dựa trên kết quả tìm kiếm đã dừng hoạt động vào năm 2015 sau nhiều lần đưa ra con số quá cao cho các ca cúm ở Mỹ. Lyteris thuộc Đại học St Andrews cho biết rất khó để biết liệu nỗ lực của Trung Quốc có giúp ích trong việc kiểm soát dịch bệnh hay không nếu chính phủ không cho phép sử dụng các nghiên cứu khoa học rõ ràng.

Áp dụng công nghệ có lỗi khiến nhiều người có nguy cơ bị đưa nhầm vào cách ly, làm tăng sự kì thị đối với những người bị nhiễm và lãng phí nguồn lực vốn có... trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, bất kể hiệu quả của công nghệ này thế nào, Lynteris cho biết điều này cho những người đang sống trong bệnh dịch một tia hy vọng. "Mọi người có một niềm tin kỳ diệu vào công nghệ. Cảnh tượng một công nghệ được sử dụng đã tạo ra sự tán thành của cộng đồng, điều rất cần thiết trong hoàn cảnh này. Công nghệ trấn an công chúng rằng dịch bệnh sẽ được giải quyết", ông nói. 

Dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, lan rộng ra tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế giới hiện ghi nhận 2.465 người chết, 78.804 người nhiễm nCoV, trong đó 23.092 người đã bình phục. Tổng cộng 20 người chết vì nCoV được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Italy.

>>Xem thêm: 

* Hàng xóm thành 'kẻ thù của nhau' vì nCoV ở Trung Quốc
* Mặt trái của việc cưỡng chế người dân cách ly để chống Covid-19
* Nhiệt kế ở các chốt kiểm tra liệu có chính xác?

Huyền Anh (Theo SCMP)