Thứ hai, 14/12/2020, 00:00 (GMT+7)

Người chuyển giới Trung Quốc không dám công khai vì sợ kỳ thị

Nhiều người khen ngợi sự dũng cảm của Elliot Page sau khi công khai chuyển giới vào tháng 12. Nhưng nếu làm như vậy ở Trung Quốc, phản ứng này thường đáng sợ hơn nhiều.

Khi ngôi sao của phim Juno, Elliot Page, tên cũ là Ellen Page, công khai là người chuyển giới nam, các trang mạng xã hội của anh tràn ngập lời chúc và tình yêu thương từ các diễn viên, ca sĩ và nhiều người nổi tiếng khác. Anh viết trong một bài đăng trên Instagram và Twitter vào ngày 1/12: "Chào các bạn, tôi muốn chia sẻ rằng tôi là người chuyển giới và tên tôi là Elliot. Tôi cảm thấy may mắn khi viết điều này. Được ở đây. Đến được thời điểm này trong cuộc đời tôi".

Diễn viên người Canada, Elliot Page, tại buổi ra mắt phim "There’s Something In The Water" tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2019. Ảnh: Getty.

Nhiều người ủng hộ sự dũng cảm của anh và nói rằng họ mong được xem các tác phẩm tiếp theo của anh. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc công khai chuyển giới là một hành trình khó khăn. Một trong những nhân vật chuyển giới nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là Jin Xing - cựu vũ công, hiện là người dẫn chương trình. Cô muốn được làm phụ nữ từ khi còn 6 tuổi và thực hiện phẫu thuật chuyển giới năm 1995, khi vừa tròn 28 tuổi.

Nổi tiếng nhờ những bình luận sắc sảo và châm biếm về các vấn đề xã hội, Jin là một trong những vũ công hàng đầu Trung Quốc cho đến khi cô chuyển sang làm người dẫn chương trình. Dù vậy, ngay cả khi đã đạt được thành công, cô vẫn gặp phải sự phân biệt đối xử.

Năm 2011, cô bị cấm làm giám khảo chương trình tìm kiếm tài năng trên kênh Zhejiang TV. Cô chia sẻ trên Weibo rằng lệnh cấm đến từ chính quyền địa phương vì cô là người chuyển giới. Giới chức ở đây chưa bao giờ công khai nói về vấn đề này.

Ở mức độ thấp hơn, cộng đồng người chuyển giới có một khoảng thời gian khó khăn hơn rất nhiều. Những trở ngại mà họ phải đối mặt nằm trong cuộc sống hàng ngày và họ không có đủ nguồn lực như Jin để chống lại những bất công.

Jin Xing, một trong những người chuyển giới nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Vấn đề lớn nhất là bạo lực gia đình khi phụ huynh không chấp nhận con chuyển giới, theo giám đốc với bí danh Xiaomi của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới thanh niên Sogie Trung Quốc, có trụ sở ở Bắc Kinh. Một báo cáo từ Trung tâm LGBT Bắc Kinh năm 2017 cho thấy trong 1.640 người tham gia làm khảo sát, chỉ có 6 người không phải chịu cảnh bạo lực gia đình kể từ sau khi công khai. Những hành vi bạo lực bao gồm, đánh đập, nhốt trong phòng, hạn chế chi tiêu, đưa con đi "điều trị đảo ngược" hoặc đuổi ra khỏi nhà.

Nhiều khó khăn khác mà họ phải chịu đựng bao gồm bị bắt nạt ở trường học, bị phân biệt đối xử khi tìm việc hay điều trị y tế. Những người chuyển giới khó thành công trong những cuộc phỏng vấn xin việc, chỉ được phẫu thuật chuyển giới sau khi được bệnh viện chẩn đoán là bị "rối loạn giới tính" và chỉ có thể đổi giới tính trên thẻ căn cược sau khi phẫu thuật, theo Xiaomi chia sẻ.

Jin Xing phẫu thuật chuyển giới năm 1995 ở tuổi 28.

Năm 2015, Chao Xiaomi (người khác), một người chuyển giới nữ ở Bắc Kinh, đưa vấn đề chuyển giới ra bàn luận công khai sau khi cô không được dùng nhà vệ sinh trong trung tâm thương mại. Chao cho biết cô định vào phòng vệ sinh nam nhưng bị lao công chặn lại vì cô đang mặc váy. Sau đó cô cố đi vào nhà vệ sinh nữ, nhưng bảo vệ đòi xem căn cước của cô, khi thấy căn cước ghi giới tính "Nam", hắn gọi cô là "biến thái".

Kể từ đó, Chao đã tích cực lên tiếng công khai để nhấn mạnh những vấn đề mà cộng đồng người chuyển giới gặp phải. Năm 2016, cô xuất hiện trên chương trình tranh luận nổi tiếng Qipa Shuo để chia sẻ câu chuyện của mình. Chao nói với tờ SCMP: "Nhiều người trong cộng đồng cảm thấy lo lắng. Nhiều người không thể chịu được áp lực tâm lí, bị trầm cảm và tìm đến tự sát". Cô nói rằng những người như Jin ở tầng lớp cao hơn của xã hội có thể chứng tỏ được giá trị của mình và không ai có thể dễ dàng đánh gục được họ. Nhưng đối với nhiều người khác, họ phải che giấu giới tính để tránh bị tấn công.

Chao Xiaomi đấu tranh cho quyền của người chuyển giới ở Trung Quốc. Ảnh: Simon Song/SCMP.

Trước vấn đề phân biệt đối xử rộng rãi, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội đã thúc đẩy thay đổi bằng các vụ kiện và phát triển các nghiên cứu nhấn mạnh những khó khăn mà cộng đồng này gặp phải. Một trong những vụ kiện nổi tiếng là của Mr C, có liên quan đến trường hợp mâu thuẫn lao động với người chuyển giới đầu tiên ở Trung Quốc.

Năm 2015, Mr C - một người chuyển giới nam - bị Trung tâm giám định y tế Guiyang Ciming sa thải vì "thích mặc đồ nam" và hình ảnh của anh "không đúng với yêu cầu của công ty". Anh làm đơn khiếu nại và kiện trung tâm này ra toà. Năm 2016, toà yêu cầu trung tâm bồi thường bằng tiền vì vi phạm luật lao động, nhưng không cho rằng trung tâm này phân biệt đối xử với Mr C. Kết quả có thể chưa hoàn toàn thoả mãn, nhưng cộng đồng đang cố gắng đi từng bước một. Họ cũng thành lập một cộng đồng online, nơi các thành viên có thể theo dõi các vụ bạo lực gia đình trên mạng xã hội và thực hiện các nhiệm vụ giải cứu.

Trong tuần này, cộng đồng đã báo cảnh sát về trường hợp một cậu bé chuyển giới thành nữ bị gia đình ép đến trại để "chỉnh đốn" lại cách cư xử. Việc này diễn ra rất thường xuyên. Huang Xiaodi, đến từ tỉnh Giang Tô, sinh ra mang giới tính nam, gần đây nói rằng gia đình lừa cô nhập học một trường ở Trùng Khánh, với mục đích "chữa trị" các thiếu niên chuyển giới. Cô kể lại về quá trình huấn luyện gian khổ, bị đánh đập và định bỏ trốn hai lần. Nhiều nỗ lực khác để giúp đỡ người chuyển giới ở Trung Quốc bao gồm thành lập một đường dây nóng để phản hồi các nhu cầu về y tế và tâm lý, cũng như hỗ trợ các vấn đề khác, Xiaomi cho biết.

Chao cho biết thực tế là xã hội Trung Quốc vẫn còn nhìn giới tính theo hai giới thay vì đa dạng giới, và vẫn còn thiếu giáo dục về vấn đề này. Đối với người chuyển giới, và những người phi nhị nguyên giới, ‘bạn trở thành kẻ kì quái’ - bạn cần được chữa trị, nếu không bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề và không thể hoà nhập vào xã hội, cô cho biết. Cô chia sẻ thêm: "Sau khi Page lên tiếng, chúng tôi so sánh với hoàn cảnh của mình. Cảm giác khác biệt một trời một vực".

Huyền Anh (Theo SCMP)