Thứ năm, 9/4/2020, 08:41 (GMT+7)

Người nghèo rưng rưng nhận gạo mì cho 'ai cần đến lấy'

Lưỡng lự một lúc trước tấm biển "Ai cần cứ đến lấy", bà Ren - người đạp ve chai - lấy một túi đồ ăn gồm gạo và lạc để làm bữa tối cho gia đình, cả ngày nay bà không nhặt được gì.

Từ khi cả nước thực hiện chính sách giãn cách xã hội, trên một số tuyến phố tại Hà Nội xuất hiện những quầy tiếp tế lương thực miễn phí với khẩu hiệu: "Ai cần cứ đến lấy - Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày". Gạo, lạc, trứng, bột canh cho đến mì tôm, xúc xích, khẩu trang y tế được sắp cẩn thận vào túi nhỏ, đặt trên bàn để gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

9h sáng, việc phân phát lương thực bắt đầu và kết thúc lúc 5h chiều. Hoạt động từ thiện này được một nhóm người đứng ra tổ chức, dự kiến diễn ra đến hết 15/4.

Đầu giờ chiều, khi đang đạp xe tìm ve chai trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Ren (Thành Công, Hà Nội) thấy tấm biển lớn ghi "Điểm cấp phát đồ miễn phí", bà dừng lại đọc rồi dựng xe bước vào. Sát trùng tay, đứng xếp hàng tới lượt, bà lấy một túi đồ ăn gồm gạo và lạc để làm bữa tối cho cả gia đình, cả ngày nay bà không nhặt được gì.

Bà Ren chia sẻ, gia đình bà thuộc hộ nghèo, 43 tuổi bà mới sinh được một người con trai, nhà ba người chỉ trông mong vào số tiền bà đi nhặt ve chai. "Từ khi có Covid-19, tôi chẳng đi nhặt được. Đường vắng vẻ, họ có vứt bìa cứng, vỏ chai nhựa ra đâu. Bác tổ trưởng tổ dân phố cũng vận động nên hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm. Nay thấy trời tạnh ráo, tôi ra ngoài để mong nhặt thêm đồ bởi đồ ăn trong nhà cũng hết", bà kể.

Những đồ ve chai, phế liệu nhặt được bà đều mang về nhà tích trữ chứ không bán ngay, vì cửa hàng thu gom đóng cửa. Tiền không có, may có điểm phát đồ miễn phí, bà đỡ đau đầu về chuyện cơm nước.

Cũng giống với bà Ren, chị Nguyễn Thị Thúy từ Nam Định lên Hà Nội thuê nhà rồi thu gom đồng nát. Bản thân chị Thuý chia sẻ có nghe trên truyền hình về những điểm phát đồ miễn phí, ban đầu chị cũng ngại vì nghĩ còn nhiều người khổ hơn, nhưng vì nhà hết đồ ăn, 5 ngày nay không đi thu gom được phế liệu, chị mới ra xin một gói đồ.

Chị Thuý (giữa) lựa chọn một phần gạo hoặc mì tôm.

Chị Thuý kể, con trai chị đang học đại học ở Hà Nội, khi dịch bùng phát, con chị về quê, chị ở lại vì phải kiếm tiền trả tiền thuê nhà. Cố làm nốt tháng 3 rồi tính về quê ít hôm, nhưng lệnh cấm xe khách di chuyển, chị buộc ở lại Hà Nội. "Về không được, ở lại thì cũng không có việc làm, mấy nay mình cũng đi hỏi mấy chỗ xem có ai thuê gì làm nấy, nhưng chắc do dịch, mọi người hạn chế tiếp xúc. Mình cũng sợ lây nhiễm, nhưng ở nhà suốt thì không có tiền, nên đành ra ngoài xem có đồ phế liệu hoặc chỗ nào tuyển người thì xin làm".

Cầm gói mì tôm trên tay, chị nghẹn lời: "Mình vui lắm, vui vì nay được đổi món, chứ mấy hôm húp cháo trắng". 

3 giờ chiều, ông Nguyễn Quốc Hùng , đang làm bảo vệ của một toà nhà trên đường Lê Văn Lương cũng tranh thủ giờ nghỉ để ra lấy một túi gạo và lạc. Ông Hùng ở Vĩnh Phúc, lên Hà Nội làm bảo vệ nhiều năm nay. Ông tính hết tháng 3 về nhà nghỉ phép, nhưng thành phố cấm các phương tiện vận tải hoạt động, ông ở lại.

Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn và giữ khoảng cách 2 mét khi đến lấy đồ.

Ông Hùng tâm sự, mỗi ngày ông làm việc từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới về phòng trọ, khi đó các khu chợ dân sinh, cửa hàng đều đóng cửa. Nay mọi người trong chỗ làm kháo nhau có điểm phát đồ ăn hỗ trợ người khó khăn, ban đầu ông cũng ngại, nhưng lương thực trong phòng không còn nên ông đạp xe ra lấy.

"Trong lúc dịch bệnh bùng phát, cũng may có những nhà hảo tâm giúp đỡ, cuộc sống của dân lao động chúng tôi đỡ khổ hơn nhiều. Tan làm về có gói mì ăn kèm với xúc xích là đủ chất dinh dưỡng. Tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn".

Hỏi về việc ngày mai có quay lại lấy nữa hay không, ông lắc đầu: "Lấy thế thôi còn phần cho người khác nữa, mỗi người san sẻ với nhau một chút trong lúc khó khăn".

Chị Lê Thị Luân (bên phải) cùng người đồng nghiệp nhận một phần gạo, bột canh và khẩu trang được đựng trong phong bì.

Chị Lê Thị Luân (Chương Mỹ, Hà Nội) làm nhân viên vệ sinh văn phòng cũng tranh thủ giờ nghỉ cùng đồng nghiệp xuống lấy một gói đồ ăn. Gia đình ở quê, ngày thường chị đi xe buýt lên Hà Nội làm việc, cuối tuần về nhà. Nhưng từ khi có dịch, hơn 10 ngày qua chị không được về nhà. "Nhớ nhà lắm, cũng muốn về nhưng không được. Trong lúc này, bản thân mình cần sống có trách nhiệm hơn".

Chị Luân chia sẻ đã nghe báo đài nói về các điểm cấp phát lương thực nhưng nay mới xuống lấy. Công việc làm vệ sinh chiếm phần lớn thời gian khiến chị không thể đi chợ hay nấu cơm, vì vậy, những gói đồ lương thực giúp chị cùng những người khác nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn.

"Đây không chỉ là gói lương thực đủ về vật chất mà còn đầy ắp những tình cảm yêu thương. Sự san sẻ của xã hội khiến tôi cảm động lắm".

Một điểm cấp phát thực phẩm thiết yếu miễn phí.

Anh Trương Đức Minh (thành viên của nhóm từ thiện) cho biết, hiện trên toàn thành phố có 5 điểm cấp phát đồ miễn phí. Ngoài những đồ chính như: gạo, lạc, trứng, xúc xích... nhiều nhà hảo tâm cũng gửi thêm nhiều đồ khác như: rau, nước, sữa... "Nói chung là ai có gì thì ủng hộ nấy. Mọi người bận thì gửi tiền, nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên lấy đồ. Thậm chí nhiều người ở xa, không tiện di chuyển, nhóm tôi có thể lấy xe đến tận nơi lấy đồ".

Ngoài việc cấp phát đồ, các thành viên trong nhóm luôn nhắc nhở người dân đến lấy đồ cần giữ khoảng cách 2 mét và luôn đeo khẩu trang. "Dịch bệnh, nhiều người phải nghỉ làm, công ty đóng cửa, thu nhập giảm nhưng tôi và các thành viên khác đều mong muốn đóng góp sức mình hỗ trợ người dân", anh nói.

Dứt lời, anh Minh đưa phần đồ ăn cho người dân và không quên dặn: "Nếu mai vẫn chưa đủ đồ ăn, bà có thể qua đây lấy nhé!". 

Thuý Quỳnh - Tùng Đinh