Đứa bạn vừa gửi cho tôi một đoạn tin ngắn mà nó đọc được trên mạng, trong đó có những con số thống kê đáng giật mình: Trong khi thu nhập bình quân người của Việt Nam chỉ đứng 8/11 trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam lại đang nắm giữ kỷ lục tiêu thụ bia với gần 3 tỷ lít bia. Trung bình là mỗi người dân uống 32 lít, cao nhất Đông Nam Á. Song song với đó, người Việt mình cũng đã hóa kiếp 5 triệu con chó để có mồi nhậu trong mỗi cuộc vui. Ăn chơi bét nhè như thế, vậy nên hàng năm người Việt chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm.
Nước mình sở hữu những con số này, bạn có thấy xấu hổ không? Việt Nam luôn tự hào với tinh thần hiếu học, cần cù cơ mà, từ lúc nào chúng ta đã lãng phí bao tiền của, công sức cho những thứ vô bổ mà quên đi việc học tập rèn luyện? Không hiểu mọi người nghĩ sao chứ tôi thấy người Việt đã coi nhậu nhẹt tiếp khách là chuyện hiển nhiên, không chỉ ở các dịp tiệc tùng mà còn là công việc, nhiệm vụ.
![]() |
Người Việt coi ăn uống nhậu nhẹt là công việc, là cách chứng tỏ bản lĩnh. |
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của anh hàng xóm cách vách. Anh này thường xuyên đi ăn uống tiếp khách đến 12 giờ đêm mới về, hôm nào nhẹ thì ngà ngà say, nặng thì phải hai người khiêng mới vào được nhà. Hôm ấy con anh ta ốm, cô vợ lại đi công tác chỉ để một mình bà nội trông cháu. Lúc thấy anh ta lờ đờ đi vào, bà mẹ giận quá quát: “Bây giờ chúng mày chỉ biết tụ tập ăn uống chơi bời thôi, con cái đau ốm thì chẳng đứa nào lo!”.
Người mẹ cũng nặng lời lại thêm có tí rượu, anh hàng xóm lớn tiếng cãi lại: “Con uống rượu là vì công việc có phải con muốn thế đâu”. Đôi co một hồi thành cãi nhau to, người mẹ tức quá gọi điện cho con gái đón về luôn. Nếu là bạn, bạn nghĩ anh hàng xóm nhà tôi đã sai hay người mẹ đã trách nhầm anh ấy?
Giờ đây, chúng ta đã gắn việc chiêu đãi tiệc tùng với chuyện làm ăn. Hậu quả là mấy ông công sở chức to, ông nào ông nấy đều bụng bia, hết mắc bệnh gout lại đến bệnh tiểu đường. Mà bệnh tật như thế rồi vẫn phải cố uống được chút nào thì uống, ăn được chút nào thì ăn để lấy lòng đối tác. Không uống thì người ta cho là không nể mặt nhau, uống đến say khướt thì mới vui, đàn ông so xem ai uống được nhiều hơn, phụ nữ đi theo cũng phải uống cùng góp vui mới được. Đàn ông không biết uống rượu, hút thuốc thì bị bạn bè chê cười, mỉa mai.
Đến lúc mắc bệnh rồi mới sợ chết, bắt đầu kiêng khem, thể dục, chẳng biết có đỡ được là bao không khi hôm nay kiêng một ngày mai lại uống mười. Hồi trẻ có luyện tập thể dục, sống lành mạnh đi chăng nữa ra trường đi làm cũng phải đi giao lưu, tiếp khách nhậu nhẹt thì cũng chẳng ích gì.
Không chỉ hủy hoại sức khỏe những bữa tiệc nhậu vô bổ như thế còn dẫn đến bao hệ hụy khác như tai nạn giao thông, bạo lực, trộm cướp… do không làm chủ được hành vi của mình. Mỗi dịp Tết, tivi đài báo lúc nào cũng ra rả số vụ tai nạn giao thông tăng mạnh vì lái xe uống rượu say.
Thế hệ trước đã bê tha thì không có gì lạ khi thế hệ trẻ Việt đang ngày càng lười biếng, rượu chè, ỉ lại vào công nghệ. Thanh niên Việt bây giờ giàu thì vào quán bar, vũ trường, nghèo hơn thì ngồi vỉa hè chén anh chén chú, đi hát karaoke 5 ông cũng phải hết cả két bia. Họ cho rằng bia rượu là một cách hưởng thụ cuộc sống và chứng tỏ bản lĩnh.
![]() |
Lại nói đến chuyện ăn thịt chó, đã từ lâu người Việt quen với chuyện bị người nước ngoài dòm ngó về cái món ăn mà người ta cho là "sát sinh, vô nhân đạo" này. Bản thân tôi, tôi không cho rằng việc ăn thịt chó là dã man, thiếu đạo đức, ắt nó cũng chỉ là nhu cầu cá nhân, là thực phẩm hàng ngày như người ta vẫn mổ lợn, cắt gà vậy. Vấn đề là nhu cầu thịt chó quá cao, nạn cẩu tặc đã trở nên nhức nhối ở Việt Nam, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xuống thấp.
Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) còn phải ra thông báo về mức độ nguy hiểm cần được bảo vệ của loài động vật này ở Việt Nam. Thế mới đau khổ và xấu mặt chứ.
![]() |
Người Việt dùng máy tính bảng chủ yếu để chơi điện tử, xem phim. |
Chuyện đáng buồn hơn cả là người Việt đọc sách rất ít. Vì bận uống bia với chén thịt chó nên nghèo tri thức là phải thôi.
Người nước ngoài mua máy tính bảng để đọc sách, nước ta mua máy tính bảng để chơi điện tử. Đọc sách là một hành động điển hình cho ý thức tự học. Thư viện các trường ngày càng được đầu tư, phát triển hiện đại nhưng học sinh sinh viên vẫn thờ ơ với việc đọc sách. Thầy cô không bắt buộc hay không đến kỳ thi thì chẳng mấy ai chịu lên thư viện, có người đến để ngủ, để hẹn hò chứ cũng đâu có đọc sách. Nói giới trẻ ngày nay không thích đọc sách thì cũng không phải nhưng họ đọc truyện tình cảm lãng mạn, truyện đánh nhau kiếm hiệp là chính thôi, còn sách khoa học, nghiên cứu thì không bao giờ.
Người có tiền muốn hưởng thụ theo cách nào là quyền của họ nhưng thật đáng buồn khi nước ta còn nghèo, thu nhập bình quân người của Việt Nam chỉ đứng 8/11 trong Đông Nam Á mà kỷ lục bia rượu lại đứng đầu, tỉ lệ đọc sách lại quá thấp. Muốn thay đổi thói quen, cách sống đã ăn sâu thành bản chất không phải việc đơn giản nhưng không phải là không thể làm được. Tôi nghĩ chính mỗi người phải có ý thức thay đổi nó.
Thao Le
IShare là chuyên mục để teen thoải mái chia sẻ tâm sự hay bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ vấn đề đang diễn ra xung quanh.Quan điểm của bạn có thể khác với quan điểm của iOne. Đừng ngần ngại chia sẻ nhé! |