-
20h50
Nhiều quốc gia châu Á tăng vọt số ca lây nhiễm
Tính đến tối 21/3 (theo giờ địa phương), Malaysia ghi nhận thêm 153 ca nhiễm mới, 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết tại nước này lên 4 và 1.182 người nhiễm bệnh.
Israel hôm nay cũng thông báo thêm 178 người dương tính mới, nâng tổng số ca nhiễm nCoV tại nước này lên 883, 1 ca tử vong.
Pakistan xác nhận 165 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, khiến số người nhiễm bện tăng lên 666 và 3 người tử vong. Hiện, chính quyền nước này ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động bay quốc tế trong hai tuần, bắt đầu từ 21/3 - 4/4.
Cảnh sát Congo đeo mặt nạ ở Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Reuters
Indonesia báo cáo 81 ca dương tính mới và 6 trường hợp tử vong. Hiện nước này có 450 người nhiễm nCoV và 38 người chết.
Philippines vừa thông báo thêm 77 ca dương tính mới, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 307 với 19 người tử vong (1 ca mới xác nhận). Hiện, chính phủ nước này áp dụng chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt tại nhà với 1/2 dân số của nước này, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Ấn Độ hôm nay ghi nhận 271 trường hợp dương tính với virus, 22 ca hồi phục. 4 trường hợp tử vong được xác nhận tại Delhi, Karnataka, Punjab và Maharashtra. Ngày 22/3, chính phủ nước này áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ.
Hong Kong báo cáo 273 ca dương tính với nCoV, 4 người chết. Để ngăn chặn sự lây lan của virus, chính phủ nước này cho biết sẽ hoãn kỳ tuyển sinh đại học đến 24/4 khi chính phủ áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự gia tăng, khi người nước ngoài trở về nước. Các trường học sẽ đóng cửa khi có thông báo mới.
Singapore báo cáo thêm 47 ca lây nhiễm mới sau 2 ca tử vong đầu tiên được ghi nhận trong cùng ngày, nâng tổng số ca dương tính lên 432. Hầu hết các trường hợp mới lây nhiễm đều từ nước ngoài trở về.
Trong số 47 ca nhiễm mới, 39 trường hợp từng đi du lịch đến Úc, châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á, Bộ Y tế nước này cho biết.
-
19h37
Số người nhiễm nCoV ở Tây Ban Nha đứng thứ ba thế giới
Chính quyền Tây Ban Nha hôm nay xác nhận thêm 233 người tử vong và 3.355 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Tổng số người chết tại nước này hiện là 1.326 và 24.926 người lây nhiễm - đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Itay.
Cảnh sát gần một thị trấn bị phong tỏa ở đông bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.
Tây Ban Nha thông báo 2.125 người phục hồi và 939 đang trong tình trạng nguy kịch.
-
19h35
Các nước Trung Á thắt chặt lệnh cấm vì Covid-19
Kazakhstan hôm nay xác nhận 53 trường hợp nhiễm nCoV (1 ca mới ghi nhận). Chính quyền nước này cho biết đã đóng cửa tất cả các công viên ở Almaty - thành phố lớn nhất của nước này.
Đồng thời, thủ đô Nur-Sultan cũng bị thắt chặt hoạt động đi lại.
Tại Uzbekistan có 33 trường hợp dương tính với nCoV. Chính phủ cho biết họ đã đóng cửa tất cả các địa điểm giải trí, quán trà và cấm các tiệc cưới quy mô lớn, các nghi lễ gia đình.
Turkmenistan - nơi báo cáo chưa có trường hợp lây nhiễm nCoV, cũng thiết lập một số biện pháp bắt buộc. Người dân địa phương đến và đi từ thủ đô Ashgabat cho biết, chính phủ đã lắp đặt các trạm kiểm soát xung quanh thành phố, việc đi lại không cần thiết cũng bị cấm.
Chính quyền thành phố Kyrgyzstan - nơi số ca nhiễm virus tăng gấp đôi sau 12 ngày cho biết, đã thắt chặt, kiểm soát việc đi lại tại các quận, tỉnh thành có trường hợp nhiễm nCoV, theo Aljazeera.
-
19h00
Đông Timor xác nhận ca dương tính đầu tiên
Bộ Y tế của Đông Timor báo cáo trường hợp đầu tiên dương tính với virus, là một người vừa trở về từ nước ngoài. "Sau khi thấy những biểu hiện, triệu chứng của bệnh, người này đã tự động cách ly và lập tức liên hệ với các bác sĩ", Bộ nói.
Tuy nhiên, giới chức trách nước này không nêu chi tiết về những nơi bệnh nhân đi du lịch.
-
17h20
Hơn 20.000 người Iran nhiễm nCoV
Ngày 21/3, Bộ Y tế Iran thông báo thêm 123 ca tử vong và 1.556 trường hợp nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 1.556 và 20.610 ca dương tính, theo AP News.
Chính quyền Iran đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội trước những phản ứng chậm trễ để dịch bùng phát.
Iran giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: AP.
Iran đang phải chịu ảnh hưởng nặng từ Covid-19 với số ca nhiễm nCoV cao thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Italy và Tây Ban Nha. Bộ trưởng Y tế Iran Kianush Jahanpur nói cứ sau 10 phút có một người Iran chết vì nCoV, sau một tiếng có thêm 50 ca nhiễm mới.
Ngày 20/3, Chính phủ Iran mới công bố lệnh giới nghiêm kéo dài một tuần để ngăn chặn Covid-19.
Việc dập Covid-19 của Iran đang gặp khó khăn khi Mỹ từ chối dỡ bỏ hoặc nới lệnh trừng phạt, bất chấp kêu gọi của quốc tế. Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran thiếu hụt vật tư lẫn trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy thở, trang phục bảo hộ và bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV.
-
17h15
Các quốc gia Trung Đông phạt tù nếu người dân vi phạm sắc lệnh
Iraq báo cáo 193 ca dương tính, 14 người chết vì nCov. Nước này đã duy trì lệnh giới nghiêm kéo dài hơn một tuần tại Baghdad, khi những người hành hương tiếp tục đến thăm ngôi đền Hồi giáo Shiite.
Tại Bờ tây do Israel chiếm đóng, lực lượng an ninh Palestine đã bắt giữa 20 nhà truyền đạo vì những cáo buộc vi phạm lệnh cấm tổ chức cầu nguyện từ ngày 20/3, theo đài Tiếng nói Palestine đưa tin. Chính quyền Palestine đã đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo và cấm mọi hoạt động cầu nguyện.
Chính quyền Palestine hiện báo cáo 47 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 17 người đã bình phục.
Jordan ra lệnh đóng tất cả các cửa hàng, người dân hạn chế ra đường cho đến 24/3. Bất cứ người dân nào vi phạm lệnh giới nghiêm có thể nhận mức án phạt một năm tù. Jordan báo cáo 85 ca nhiễm nCoV và 1 người đã bình phục.
-
16h02
UAE xác nhận người chết đầu tiên vì nCoV
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) xác nhận 2 người chết gồm: Một người là công dân Ả Rập, 78 tuổi, trước đó người này đã đến châu Âu. Trước khi nhiễm nCoV, người này có tiền sử bệnh tim.
Bệnh nhân qua đời thứ hai là một công dân UAE 58 tuổi, có tiền sử bị bệnh tim và suy hiện.
Hiện nước này ghi nhận 140 trường hợp nhiễm nCoV.
-
16h00
Thái Lan: Số người nhiễm nCoV trong 24 giờ tăng kỷ lục
Thái Lan thông báo mức tăng vọt về số ca lây nhiễm nCoV trong ngày với 89 trường hợp mới. Đây là mức tăng lớn nhất tại nước này kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Bộ Y tế nước này cho biết, đa phần các trường hợp lây nhiễm mới đều có mối liên hệ với các sân vận động thi đấu quyền anh - nguồn lây nhiễm nCoV lớn nhất tại Thái Lan, theo CNN.
Tính đến 21/3, Thái Lan ghi nhận 411 trường hợp nhiễm nCoV, 1 ca tử vong và 42 người được chữa khỏi.
Biển cảnh báo mọi người duy trì khoảng cách an toàn với nhau ở Dubai. Ảnh: Jon Gambrell / AP
-
14h05
Thêm 123 người nhiễm nCoV tại Australia
Ngày 21/3, chính quyền Australia công bố thêm 123 trường hợp dương tính với virus (84 ca mới nhiễm tại New South Wales), nâng tổng số người nhiễm nCoV tại nước này lên 1.051 với 7 trường hợp tử vong.
Trong 1.051 ca dương tính với virus, 436 trường hợp ở New South Wales, 229 ở Victoria, 184 ở Queensland, 67 ở Nam Úc, 90 ở Tây Úc, 11 ở Tasmania, 9 ở Lãnh thổ Thủ đô Úc và 5 ở Lãnh thổ phía Bắc.
7 người tử vong vì dịch gồm 1 trường hợp ở Tây Úc và 6 trường hợp tại New South Wales. Ngoài ra, 6 trường hợp đã bình phục, theo News.
Số người nhiễm tại Australia gia tăng. Ảnh: AP
Trước tình hình dịch bệnh lân lan diện rộng, Bộ trưởng cảnh sát Davia Elliot tuyên bố sẽ đóng cửa bãi biển Bondi.
Trước đó, tối 20/3, Australia tuyên bố đóng cửa biên giới. Những những trường hợp không phải công dân nước này đều cấm nhập cảnh. Vùng lãnh thổ phía Bắc Australia cũng tuyên bố các biện pháp nghiêm ngặt. Bất kỳ ai đến từ bang khác hoặc người nước ngoài về buộc phải tự cách ly trong 14 ngày, bắt đầu áp dụng vào 16h00 ngày 24/3 tới đây.
-
13h30
Singapore báo cáo 2 ca tử vong đầu tiên
Ngày 21/3, giới chức trách Singapore thông báo về hai ca tử vong đầu tiên do biến chứng. Đó là, một người phụ nữ Singapore 75 tuổi và một người đàn ông Indonesia 64 tuổi, do biến chứng, theo Straitstimes.
Người phụ nữ Singapore 75 tuổi - bệnh nhân 90 - được báo có tiền sử bệnh tim mãn tính, tăng huyết áp.
Ngày 23/2, bệnh nhân được đưa vào Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NCID) vì viêm phổi và xác định dương tính với nCoV cùng ngày. Sau 26 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua đời vào sáng nay, Bộ Y tế nước này cho hay.
"Bệnh nhân 212" tử vong là người đàn ông Indonesia. Trước đó, người đã phải nhập viện ở Indonesia vì viêm phổi và có tiền sử bệnh tim. Sau khi đến Singapore và phát bệnh, người này được chăm sóc đặc biệt tại NCID vào ngày 13/3.
Tính đến hết 20/3, Singapore ghi nhận thêm 40 trường hợp dương tính với nCoV, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm lên 385 ca.
Chia sẻ trước báo giới, ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Y tế cho biết, các biện pháp cách xa an toàn được thông báo bắt buộc người dân phải tuân thủ. "Tất cả chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và gia đình. Chúng ta phải đoàn kết, cùng làm việc và hỗ trợ, như vậy sẽ vượt qua Covid-19", ông nói.
Trong số 385 ca dương tính, 131 người được xuất viện.
Trong thời gian gần đây, số người lây nhiễm nCoV tại Singapore đều từ nước ngoài trở về hoặc từng đi qua châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và một số khu vực châu Á khác. Ngoài việc kiểm soát biên giới, chính phủ nước này cũng áp dụng các biện pháp cách ly an toàn với qua mô nhỏ; yêu cầu giữa không gian trống, đặc biệt là với nhóm dân số già dễ bị lây nhiễm.
-
12h15
Colombia phong tỏa toàn quốc
Tối 20/3 (giờ địa phương), Tổng thống Colombia Iván Duque Márquez tuyên bố lệnh cách ly bắt buộc trên toàn quốc. Tất cả người dân Colombia phải cách ly tại nhà (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt) từ tối 24/3 đến hết ngày 13/4. Các chuyến bay quốc tế cũng bị cấm trong 30 ngày, bắt đầu từ 23/3.
Một con phố ở Bogota vắng bóng người hôm 20/3. Ảnh: Reuters.
Đây là biện pháp quyết liệt được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thủ đô Bogota đã bắt đầu tổ chức một cuộc tập trận kiểm dịch kéo dài 4 ngày từ hôm 20/3. Trước đó, chính phủ Colombia cũng đã thông báo đóng cửa toàn bộ biên giới đường bộ, đường sông, đường thuỷ bắt đầu từ ngày 17/3 đến 30/5. Quốc gia này cũng đã cấm người nước ngoài không lưu trú dài hạn nhập cảnh kể từ 15/3.
Đến nay, Colombia ghi nhận 158 ca nhiễm nCoV, chưa có ca tử vong.
-
10h05
WHO gửi thông điệp đến người trẻ trong đại dịch
Covid-19 cũng có thể gây hại hoặc giết chết những người trẻ tuổi, họ cũng phải tránh lây bệnh sang cho những người già và dễ bị tổn thương hơn, Tổ chức Y tế Thế giới nói hôm 20/3.
Với hơn 210.000 ca nhiễm được báo cáo trên toàn thế giới, và tổng số người chết lên đến 9.000, mỗi ngày mang đến "một cột mốc mới bi thảm", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
"Người già bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng người trẻ cũng không ngoại trừ. Dữ liệu từ nhiều quốc gia cho thấy, rõ ràng những người dưới 50 tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể số bệnh nhân cần nhập viện", ông Tedros nói trong một cuộc họp báo.
"Hôm nay, tôi muốn gửi thông điệp đến những người trẻ tuổi: Bạn không bất khả chiến bại bởi virus có thể đưa bạn vào bệnh viện trong nhiều tuần hoặc thậm chí giết chết bạn. Ngay cả khi bạn không bị bệnh, những lựa chọn đưa ra về nơi bạn đến có thể mang lại sự khác biệt giữa sống và chết cho người khác", đại diện WHO nói.
-
09h05
Anh đóng cửa hàng quán, dịch vụ giải trí vô thời hạn
Trong cuộc họp chiều 20/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Boris Johnson thông báo đóng cửa toàn bộ các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm, rạp chiếu phim và dịch vụ giải trí, từ tối 20/3 cho đến khi có lệnh mới.
Ông Boris Johnson cho rằng đó là biện pháp buộc phải thực hiện để ngăn chặn Covid-19. "Tôi rất đau lòng khi nghĩ đến cảnh các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do những biện pháp mà nhà nước buộc phải thi hành", Thủ tướng Anh nói.
Ông Boris Johnson thừa nhận các biện pháp giãn cách cộng đồng để hạn chế virus lây lan cần phải được thực hiện lập tức, giống như nhiều nước châu Âu khác. Qua đó, ông khuyến cáo người dân Anh nên ở trong nhà thời gian này.
Anh hiện ghi nhận 33 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 177 trường hợp với 3.983 ca lây nhiễm (714 trường hợp mới).
-
08h40
Hàn Quốc tăng thêm 147 ca nhiễm sau 24h
Sáng 21/3, Trung tâm phản ứng nhanh bộ quốc phòng Hàn Quốc cập nhật số liệu mới về tình hình Covid-19. Trong 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 147 ca nhiễm nCoV mới, 379 ca xuất viện. Tổng số bệnh nhân tại Hàn Quốc hiện là 8.799, trong đó 102 người chết, 2.612 ca hồi phục.
Tình hình Covid-19 ở Hàn Quốc đã chậm lại trong khoảng 2 tuần nay, nhưng vẫn còn một số cụm lây nhiễm lẻ tẻ tập trung ở các viện dưỡng lão. Đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 320.000 người, trong đó có 15.704 trường hợp hiện đang chờ kết quả.
Nhân viên y tế phòng khám sàng lọc thuộc Bệnh viện Bundang ở Seongnam-si, tỉnh Gyeonggi chiều 20/3. Ảnh: Yonhap News.
Từ 0h ngày 22/3, tất cả hành khách từ châu Âu nhập cảnh vào Hàn Quốc sẽ phải làm xét nghiệm nCoV. Sau khi xét nghiệm, dù có kết quả âm tính thì công dân Hàn Quốc và những người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú dài hạn trong nước vẫn phải tự cách ly tại nơi cư trú hoặc tại cơ sở do chính phủ chỉ định trong 14 ngày. Những người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú ngắn hạn sẽ được giám sát bởi các cơ quan chức năng trong thời gian lưu trú.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét các địa điểm có thể trưng dụng làm nơi cách ly tập trung và sẽ công bố sau khi có quyết định.
-
8h00
Cộng hòa Zimbabwe xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên
Ngày 20/3, Cộng hòa Zimbabwe công bố trường hợp đầu tiên dương tính với virus. Bệnh nhân được xác định là người đàn ông da trắng, 38 tuổi, đang sống tại thác Victoria - một trong những đia điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở châu Phi.
Ngày 7/3, người này di chuyển đến Manchester ở Anh, sau đó trở về nhà hôm 15/3. Sau khi phát hiện dương tính với nCoV, bệnh nhân đã được đưa đi cách ly và điều trị, bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo nói trên truyền hình nhà nước ZTV.
-
7h45
Nhiều tiểu bang tại Mỹ hạn chế người dân ra ngoài
Trước sự lây lan của dịch bệnh, nhiều tiểu bang tại Mỹ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Covid-19, theo New York Times.
Tại New York, Thống đốc Andrew M. Cuomo đã áp dụng lệnh hạn chế người dân tham gia các hoạt động ngoài trời trên toàn tiểu bang. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có thể cho nhân viên ở nhà nếu không thực sự cần thiết đến công ty. Yêu cầu trên có hiệu lực từ 8 giờ tối ngày 22/3, khi số ca nhiễm bệnh tại tiểu bang này nhảy vọt đến hơn 7.800 trường hợp.
Grand Central Terminal ở Manhattan hôm 20/3. Ảnh: NYTimes
Sau tuyên bố của thống đốc Andrew M. Cuomo, một số tiểu bang tại Mỹ cũng áp dụng các quy định tương tự.
Thống đốc Ned Lamont của tiểu bang Connecticut đã ban hành lệnh tương tự, hạn chế người dân ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Trong khi Thống đốc Philip D. Murphy của tiểu bang New Jersey dự kiến ngày 21/3 sẽ cho các doanh nghiệp không quan trọng trong tiểu bang đóng cửa.
Tại bang Illinois, Thống đốc J.B. Pritzker phát đi thông báo yêu cầu 12 triệu cư dân tại bang chỉ rời khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Tất cả các doanh nghiệp không quan trọng phải ngưng hoạt động, lệnh có hiệu lực từ 5 giờ chiều ngày 21/3.
"Quyết định này đưa ra không hề dễ dàng. Tôi phải lựa chọn giữa vấn đề an toàn của người dân và mức thu nhập của họ bị sụt giảm. Nhưng cuối cùng, bạn không thể kiếm tiền nếu không có sức khoẻ", ông Pritzker nói trong một cuộc họp báo.
Động thái này của bang Illinois được công bố khi Thống đốc Gavin Newsom của California yêu cầu các cửa hàng bán lẻ đóng cửa và 40 triệu dân nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, người dân California vẫn có thể đi bộ quanh khu phố hoặc đi đến bãi biển, miễn là tránh tụ tập đông người.
Theo thống kê của Worldmeter, ngày 20/3, Mỹ ghi nhận thêm 51 ca tử vong mới, 5.680 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại đây lên 258 với 19.469 người lây nhiễm. Trong đó, 147 người được chữa khỏi, 64 ca bình phục.
-
7h00
Trung Quốc thêm 41 ca nhiễm nCoV, đều từ nước ngoài về
Sáng 21/3, quan chức y tế Trung Quốc báo cáo thêm 41 ca nhiễm nCoV mới trên toàn quốc, tất cả đều từ nước ngoài trở về và 7 trường hợp tử vong mới.
Riêng tỉnh Hồ Bắc, ngày thứ 3 không ghi nhận ca dương tính với nCoV mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Trung Quốc có 81.008 ca nhiễm bệnh, 3.255 người tử vong và ít nhất 71.150 người hồi phục.
Đã ba ngày Trung Quốc không ghi nhận thêm ca nhiễm nội địa mới nhưng các chuyên gia cảnh báo đợt dịch thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
"Theo tôi còn quá sớm để ăn mừng. Có thể làn sóng lây nhiễm thứ hai đã bắt đầu ở Trung Quốc nhưng chúng ta chưa phát hiện ra", Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học của Đại học Y tế Công cộng, Đại học Hong Kong cho biết.
Hiện, thế giới có 275.132 ca nhiễm nCoV, 11.376 người chết và 90.943 người bình phục.
-
6h50
Israel báo cáo ca tử vong đầu tiên
Chính phủ Israel thông báo trường hợp tử vong vì nCoV tại nước này là một người đàn ông 88 tuổi, từng mắc nhiều bệnh trước đó.
Bộ Y tế nước này cho biết, nạn nhân được đưa đến bệnh viện khoảng một tuần trước, trong tình trạng nguy kịch.
Hiện Israel báo cáo 705 ca nhiễm nCoV (28 ca nhiễm mới), bệnh nhân đa phần đều có triệu chứng nhẹ. 10 trường hợp trong tình trạng nguy kịch và 15 ca bình phục hoàn toàn.
-
6h40
Châu Âu: Ít nhất 5.000 người chết vì nCoV
Covid-19 khiến ít nhất 5.000 người tại châu Âu thiệt mạng. Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh... báo cáo sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm và tử vong trong vòng 24 giờ.
Tính đến tối 20/3 (theo giờ địa phương), ngoài Italy, nhiều quốc gia thông báo số liệu lây nhiễm nCoV. Cụ thể:
Đức ghi nhận 24 ca tử vong mới và 4.528 trường hợp lây nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm nCoV tại nước này lên 19.848 trường hợp và 68 người chết. Nhiều lệnh cấm biên giới, hạn chế người dân ra ngoài, đóng cửa trường học, nơi công cộng được thực hiện.
Pháp báo cáo thêm 78 trường hợp tử vong do virus và 1.617 ca dương tính mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.612 người và 450 người tử vong – tăng 21% so với một ngày trước.
Trong họp báo, Giám đốc cơ quan y tế Jerome Salomon cho biết, số ca nhiễm bệnh đã tăng lên 12.612 - tăng 15% trong 24 giờ.
Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo thêm 5 ca tử vong và 311 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 9 với 670 trường hợp dương tính với nCoV.
Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết đã tiến hành xét nghiệm thêm 3.656 trường hợp nghi lây nhiễm trong vòng 24 giờ, trong đó xác định 311 ca dương tính mới.
Ba Lan ghi nhận 2 ca tử vong mới và 234 người nhiễm mới, nâng tổng số người chết lên 6 với 1.020 ca nhiễm.
Với số ca nhiễm tăng cao, chính phủ Ba Lan tuyên bố đóng cửa các trường hợp cho đến Lễ phục sinh, Thủ tướng Mateusz Morawiecki của Ba Lan cho biết. Trước đó nước này đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài, sinh viên nghỉ học từ đầu tháng 3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, theo Aljazeera.
Bỉ hôm nay cũng thông báo thêm 462 ca dương tính mới và 16 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch lên 37 và 2.257 ca nhiễm mới.
Đan Mạch xác nhận có 3 ca tử vong và 104 trường hợp mới lây nhiễm, nâng tổng số người chết tại nước này lên 9 với 1.255 ca lây nhiễm.
Anh ghi nhận 33 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết tại nước này lên 177 trường hợp với 3.983 ca lây nhiễm (714 trường hợp mới được xác nhận).
Hà Lan báo cáo thêm 30 người chết và 5.34 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết lên 106 và 2.994 ca dương tính, theo Worldmeter.
-
6h00
Hơn 4.000 người Italy chết vì nCoV
Chính quyền Italy ghi nhận thêm 627 người tử vong và 5.986 người nhiễm nCoV mới.
Tối 20/3 (theo giờ địa phương), Italy báo cáo 627 ca tử vong - mức tăng hàng ngày lớn nhất trong vòng một tháng qua và 5.986 người nhiễm nCoV mới. Hiện số người chết tại nước này tăng lên 4.032 với 47.021 ca lây nhiễm. Với số liệu này, số người tử vong vì dịch bệnh tại Italy đã lớn hơn Trung Quốc.
Ngoài lệnh phong tỏa toàn quốc, trong cùng ngày, Bộ Y tế Italy thông báo đóng cửa tất cả các công viên và khu công cộng nhằm hạn chế sự bùng phát của Covid-19 tại châu Âu. Lệnh cấm bắt đầu thực hiện từ ngày 21/3.
Người dân được phép tập thể dục xung quanh nhà và bị cấm tham gia các hoạt động cộng đồng, các khu vui chơi, giải trí ngoài trời.
"Chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự lây nhiễm", Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố.
Thuý Quỳnh