Chủ nhật, 17/5/2020, 17:18 (GMT+7)

Những cái chết vô hình vì Covid-19 khó lý giải ở Mỹ

Có rất ít hình ảnh về 86.000 ca tử vong và nhiều điểm nóng Covid-19 như nhà tù, viện dưỡng lão... ở Mỹ, nên mức độ phản ánh hậu quả của dịch bệnh được cho chưa đúng sự thật. 

Khi dịch bệnh tràn tới nhà của John Delano, 6 tuổi, ở New Haven, bang Connecticut, một nhà xác ở ngay đầu đường xuất hiện quan tài chất đống trên vỉa hè. Đây là một "sân chơi lý tưởng" của Delano. Cậu nhớ lại: 'Chúng tôi nghĩ điều này thật tuyệt bởi quan tài xếp như kim tự tháp. Rồi ngày nọ, tôi trượt chân và đập mũi xuống một chiếc quan tài. Mẹ tôi cực kỳ tức giận. Bà ấy nói, tôi không nhận ra có người chết nằm trong những chiếc quan tài đó à".

Sự việc của Delano được ghi lại trong lịch sử về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Quan tài lúc đó trở thành một yếu tố của cuộc sống hàng ngày, chất đầy trên vỉa hè và ở phòng khách. Các con đường tắc nghẽn từ sáng đến tối bởi xe tang đi đến các nghĩa trang.

Một linh cữu hỏa táng tại nhà tang lễ ở Queens, New York, ngày 29/4. Ảnh: Bloomberg.

Một thế kỷ sau, đại dịch Covid-19 xuất hiện. Không chỉ có quan tài chất cao như núi mà dữ liệu mô phỏng và số liệu về dịch bệnh cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi. Đối với hầu hết người Mỹ, con số 85.901 người chết có sự đáng nghi ngờ. Một virus vô hình đã tạo ra phản ứng trên toàn quốc với biểu hiện cực đoan nhất của bệnh, cái chết cũng trở nên... vô hình. Bạn không thể chơi trên "kim tự tháp quan tài" như Delano bởi lễ tang chuyển lên "bầu trời mạng" qua ứng dụng Zoom.

Megan Devine - nhà trị liệu tâm lý và giáo dục ở Portland, bang Oregon - cho biết: "Chúng ta lúc nào cũng nghe và nói chuyện về cái chết nhưng lại đang không thấy gì hết. Chúng ta biết về số liệu nhưng liệu chúng ta có để tâm đến con số đó hay không? Khi thiếu các nghi lễ trực tiếp đi cùng với việc đau buồn, ngay cả những người thân đã qua đời cũng có thể trở nên vô hình. Devine nói: "Bạn không thể ở bên khi họ qua đời. Bạn cũng không thể đến lễ tang hay nhìn họ lần cuối. Họ cứ thế biến mất... Điều đó càng khắc sâu thêm sự phi thực tế của cái chết".

Trong bất kỳ lệnh khẩn cấp quốc gia hay toàn cầu nào, truyền thông đóng một vai trò to lớn trong việc truyền đạt sự kiện đến cho những người không được tiếp xúc trực tiếp. Bức ảnh "Em bé Napalm" Kim Phúc ở chiến tranh Việt Nam trở thành hình ảnh đại diện cho cuộc chiến, tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch vì hòa bình. Covid-19 vẫn chưa có những hình ảnh như vậy. Các nhiếp ảnh gia đang cố gắng để lấp đầy khoảng trống, khi họ đang bị cản trở trên nhiều mặt.

Luật riêng tư khiến việc tiếp cận các bệnh viện cực kỳ khó khăn. Các nhiếp ảnh gia thiếu đồ bảo hộ cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình - một vấn đề chung của nhiều cơ quan tin tức - khiến họ lưỡng lự trong việc chịu trách nhiệm khi nhân viên của mình đổ bệnh hoặc qua đời. Một trong nhiều mặt không thực tế của Covid-19 ở Mỹ là các nhiếp ảnh gia đang có cơ hội làm việc với những đợt tin tức lớn nhất sự nghiệp nhưng bị bắt buộc phải ngồi im một chỗ. Hiệp hội Nhiếp ảnh Báo chí Quốc gia (NPPA) gần đây còn tổ chức một buổi gây quỹ cho những nhiếp ảnh gia tự do không có việc làm.

Bệnh nhân đưa xuống khỏi xe cứu thương tại trung tâm y tế West Revere ở Revere, Massachusetts. Ảnh: Reuters. 

Akili Ramsess - Giám đốc điều hành NPPA - cho biết: "Sức mạnh của hình ảnh là kết nối con người với lòng nhân đạo của người khác. Nhưng có được những hình ảnh như vậy cực kỳ khó. Đó là điều chúng ta đang thiếu trong tình hình dịch bệnh hiện nay".

Rosem Morton hiểu rõ hơn ai hết về vực thẳm giữa thực tế và sự miêu tả của truyền thông. Cô là một y tá làm việc trong phòng phẫu thuật, đồng thời là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Morton cho biết sự kết hợp của luật riêng tư, sự kiểm duyệt của các cơ sở y tế, nỗi sợ về trách nhiệm và thiếu đồ bảo hộ đồng nghĩa với việc các hãng tin chỉ có thể truyền tải một lát cắt mỏng của sự căng thẳng về dịch bệnh trong thực tế. "Có rất nhiều mặt trong câu chuyện này mà chúng ta phải thấy, và những hình ảnh đến được với công chúng thì rất hạn chế", cô nói. Tệ hơn, Morton nghĩ rằng số lượng ít ỏi các hình ảnh của truyền thông đang góp phần vào sự thiếu quan tâm của người dân. Morton lý giải: "Mọi người vẫn chưa thực hiện các biện pháp an toàn một cách nghiêm túc cho bản thân và người khác".

Ralph Begleiter - cựu phóng viên ngoại giao của CNN và giáo sư báo chí của Đại học Delaware - nhận thấy sự quan trọng của hình ảnh trong việc chống lại sự vô hình của cái chết. Vào 2005, ông đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục Lầu Năm Góc bằng sự đe dọa pháp lý, khiến họ công bố những hình ảnh của quân đội Mỹ quay trở lại từ chiến trường ở Iraq và Afghanistan trong những chiếc quan tài bọc trong quốc kỳ. Ông cho biết: "Tôi nghĩ những hình ảnh như vậy tạo nên sự khác biệt. Người Mỹ không được thấy những hình ảnh thế này".

Đã có hàng loạt hình ảnh gây sốc nổi lên trong đại dịch Covid-19. Đó là khoảnh khắc ám ảnh về những chiếc xe tải đỗ ngoài các bệnh viện, đợi lấy các túi xác. Một hình ảnh đáng nhớ khác là những ngôi mộ tập thể được đào ở đảo Hart, New York... Thế nhưng, cảnh sát New York đã tịch thu chiếc máy bay không người lái chụp được hình ảnh trên.

Begleiter lo ngại hầu hết những hình ảnh này đến từ những khu vực thành thị như New York, Washington, Chicago, Seattle - nơi bị virus ảnh hưởng nặng nề - đối lập với khu vực nông thôn Trung Mỹ giờ đây mới cảm nhận được đại dịch. Ông cho biết: "Nếu người dân bình thường không thấy dịch bệnh trong đời sống, họ sẽ bắt đầu nghĩ: 'Đây không phải là vấn đề của mình, mà của người khác' và đó là điều đang xảy ra ở ngoại ô nước Mỹ".

Omar Rodriguez và Joseph Neufeld Jr làm việc tại một nhà tang lễ ở Queens, New York. Ảnh: Anadolu Agency. 

Sự vô hình của đại dịch ở Trung Mỹ đang trầm trọng hơn vì ngày càng có nhiều ca tử vong. Ngoài bệnh viện, "cơn bão dịch bệnh" được cảm nhận rõ ràng nhất ở nhà dưỡng lão, nhà tù và các nhà máy đóng gói thịt. Tuy nhiên, cả ba nơi này đều chưa cho thấy cảm nhận rõ ràng nhất. 

Số liệu cho thấy số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão chiếm phần lớn trong 85.000 ca tử vong ở Mỹ. Dữ liệu tổng hợp cho thấy số người chết chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong ở 14 bang, theo Tổ chức Kaiser Family. Nhưng chỉ có 33 bang báo cáo về những cái chết ở nhà dưỡng lão nên mức độ của vấn đề này vẫn chưa rõ ràng.

Sự phân hóa những ca tử vong vì Covid-19 bên ngoài thị trấn và đằng sau những cánh cửa đóng kín, nơi hầu hết người Mỹ đều không thấy, được cho đã cung cấp cho Donald Trump lợi thế về chính trị. Điều này đã khiến Tổng thống coi nhẹ sự nghiêm trọng của virus trong nhiều tuần liền, thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế bất chấp mối nguy sẽ xảy đến cho những người Latinh hay gốc Phi nghèo khó. Trump trách móc Anthony Fauci vì ông nói rằng mở cửa lại sẽ khiến nguy cơ gia tăng nhiều ca nhiễm mới. Trump cho rằng phát ngôn của Fauci là "không thể chấp nhận được".

Sự thiếu thực tế mà nhiều người Mỹ cảm nhận được giúp Trump chơi chiêu bài khác - đổ lỗi cho Trung Quốc hay các thống đốc thuộc đảng Dân chủ. Đổ lỗi cho nhau là hình ảnh chung của các đại dịch trong lịch sử: người Do Thái bị đổ tội cho dịch bệnh Đen thế kỉ 14; Đức bị buộc tội tạo ra dịch cúm Tây Ban Nha; Trong dịch SARS 2002-2003, cộng đồng người Mỹ gốc Á bị đổ lỗi.

Steven Taylor - nhà tâm lý học y tế ở Đại học British Columbia, Canada - cho biết: "Mỗi dịch bệnh tôi nghiên cứu đều có sự phân biệt chủng tộc". Nghiên cứu trên 7.000 người lớn ở Mỹ và Canada của ông cho thấy hai thái cực hoàn toàn khác nhau. 15% những người được khảo sát cực kỳ lo lắng về dịch bệnh, ngay cả khi họ không thấy nó. Họ cực lo lắng về việc có thể đã tiếp xúc với nó đến mức ở lỳ trong nhà. Mặt khác, số người tương tự nghe theo Trump, tin rằng dịch bệnh này là trò lừa đảo và bị thổi phồng quá mức. Taylor cho biết: "Họ đều nói rằng ‘chúng ta có thể thấy kinh tế bị hủy hoại vì lệnh phong tỏa, nhưng chúng ta đều không thể thấy những người đang bị bệnh và chết dần".

Một tù nhân tại nhà tù quận Cook, Chicago ấn tay vào cửa sổ, phía trong cửa kính viết lời cầu xin giúp đỡ. Ảnh: EPA. 

Làn sóng phản đối phong tỏa bên ngoài thủ đô là biểu hiện rõ nhất của tư duy này. Đỉnh điểm là thuyết âm mưu như Plandemic - một video sai lệch thu hút hàng triệu người xem bằng việc khẳng định không có căn cứ rằng dịch bệnh là sản phẩm của các công ty dược và Bill Gates.

Với việc vaccine ngừa bệnh được tìm ra trong hàng tháng hay thậm chí là hàng năm nữa, Taylor đưa ra một số tin tức đáng lo ngại về tâm lý bài trừ vaccine. Trong một mẫu của nhóm khảo sát chưa được tuyên bố, ông nhận thấy 21% người Mỹ nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine chống Covid-19.

Nếu tỷ lệ đó biến thành sự thật, điều này có thể gây nguy hại cho kế hoạch miễn dịch cộng đồng mà sức khỏe và sự an toàn của người dân Mỹ đang dựa vào. 

>>Xem thêm: 

Huyền Anh (Theo Guardian)

+