Thứ sáu, 24/4/2020, 00:00 (GMT+7)

Những ngày sống chậm, nhớ bầu trời của một tiếp viên hàng không

Ba năm làm nghề tiếp viên, lần đầu tiên Đăng Khoa ít khi phải thức khuya dậy sớm để làm nhiệm vụ ở phi trường. 

Ngày thường, Đăng Khoa, 24 tuổi, tiếp viên một hãng hàng không sẽ đặt báo thức, dậy trước giờ bay ba tiếng.

Một tiếng, Khoa dành để sửa soạn đồ, thay trang phục. Một tiếng sau, Khoa tự di chuyển từ nhà tới cơ quan và ghé cửa hàng tạp hóa, mua đồ ăn mang theo. Trước giờ cất cánh một tiếng, Khoa có mặt ở công ty để cùng tổ bay kiểm tra giấy tờ, bằng, chứng chỉ bay, hộ chiếu và thảo luận những thông tin cơ bản về chuyến bay như có bao nhiêu khách, suất ăn đặt trước; bao nhiêu trường hợp đặc biệt trên chuyến bay (phụ nữ mang bầu, trẻ em, người khuyết tật...), thời tiết hôm nay thế nào...

Tiếp viên Trần Đăng Khoa.

Sau khi thảo luận và ghi lại những thông tin cơ bản vào một cuốn sổ ghi chú, Khoa theo đoàn tiếp viên, di chuyển ra xe đưa đón để tới sân bay. Soi chiếu xong xuôi ở quầy an ninh, Khoa ra cửa nhà ga để ô tô của hãng đưa tới máy bay.

Sáng ở Hà Nội, chiều về Sài Gòn và ngày hôm sau đón tiết trời lạnh cóng tại Hàn Quốc là lịch trình diễn ra như cơm bữa của Khoa. Mỗi tháng, trung bình Khoa bay 80 giờ với khoảng 35 chuyến trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, cuộc sống của nhiều tiếp viên trong đó có Khoa, thay đổi 180 độ. 

Đăng Khoa làm nhiệm vụ giữa Covid-19.

Ba tuần qua, Khoa được xếp bay lác đác vài chuyến trong tâm thế buồn vui lẫn lộn. Anh vui vì được gọi đi làm, có thêm một phần thu nhập. Bên cạnh đó, đôi lúc anh buồn khiến bạn bè, người thân lo lắng bởi rất có thể Khoa sẽ bị nhiễm bệnh trong quá trình bay và lây nhiễm cho người thân trong gia đình. 

"Tôi không bay những chặng giải cứu người Việt từ nước ngoài về nhưng nếu được điều động, tôi chắc chắn tham gia. Nếu đưa được những công dân Việt Nam về nước, tôi chắc chắn sẽ rất tự hào vì bản thân đã làm được một việc tốt. Là tiếp viên, tôi luôn coi khách hàng như những thành viên trong gia đình. Do đó, tôi thương khách nhiều hơn là sợ", anh nói.

Tháng 4 năm nay, lần đầu tiên Khoa nhận nhiều thư của lãnh đạo như vậy. Đại diện hãng chia sẻ, đây là thời kỳ khó khăn của ngành hàng không Việt nên mong các tiếp viên nhất trí, đồng lòng, cùng cố gắng đưa công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hiện tại, chỉ có khoảng 150-200 tiếp viên có việc để làm trên tổng số gần 2.000 tiếp viên của hãng. Khoa và các đồng nghiệp đều thông cảm, chia sẻ với khó khăn của công ty bằng cách chỉ nhận lương giờ bay và lương cứng cố định. 

Trước đây, khi bận rộn, Khoa luôn muốn có một ngày thảnh thơi để được ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, làm những điều mình thích như một nhân viên văn phòng. Bởi, khi đi làm, những chuyến bay bất kể ngày hay đêm, anh đều phải thức dậy, khi từ 2 giờ sáng, có ngày thức xuyên đêm đến trưa hôm sau. Thời gian này là lúc để anh sống chậm hơn, lắng nghe bản thân nhiều hơn, tìm ra những điểm thiếu sót, bỏ lỡ trong năm qua để dần hoàn thiện. 

"Trước đây, lịch bay dày đặc nên mỗi khi không có chuyến, tôi chỉ ngủ cho lại sức. Những ngày qua tôi được sống chậm. Tôi dành thời gian, làm tất cả những việc mà trước đây mình từng mơ ước nhưng chưa có thời gian rảnh để làm. Tôi tự tay làm món bánh mousse chanh dây, tiramisu chocolate, hoa đậu biếc, trà xanh. Mỗi lần đăng hình bánh lên trang cá nhân, bạn bè tôi đều 'giải cứu bánh'. Tôi cũng tự tay trang trí, dọn dẹp lại nhà cửa, nằm tâm sự, hàn huyên cùng mẹ suốt đêm. Tôi cũng đọc những quyển sách mà trước đây có mơ cũng không nghĩ mình có thời gian để đọc hết", anh tâm sự.

Đăng Khoa làm bánh khi ở nhà giữa Covid-19.

Ngoài thú vui giải trí, Khoa nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Khoa tự học nấu nướng, theo dõi, cập nhật thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội. Anh cũng dành thời gian học thêm tiếng Anh, đọc tài liệu về kiến thức an ninh, an toàn bay. Vì đam mê bầu trời, Khoa cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự nghề nghiệp với những bạn trẻ có ước mơ trở thành tiếp viên hàng không. Đặc biệt, nhờ sinh hoạt điều độ, Khoa tăng cân, da dẻ tươi sáng, hồng hào hơn trước.

Không chỉ riêng Khoa mà bất kỳ tiếp viên nào cũng nhớ đồng nghiệp, nhớ khách. Nghề tiếp viên tuy có vất vả, giờ giấc sinh hoạt không điều độ nhưng mỗi khi đi làm, anh vui vì được trò chuyện cùng mọi người. Anh mong muốn dịch bệnh nhanh qua đi để được bay lại. 

"Có bị xếp lịch bay dày, xấu tôi cũng sẽ không phàn nàn. Miễn là được bay. Với tôi, máy bay là ngôi nhà thứ hai của mình. Còn hành khách như những vị khách quý", Khoa nói thêm. 

Thiên Anh