Thứ bảy, 17/10/2020, 00:00 (GMT+7)

Những sinh viên nhường đồ ăn, chỗ ngủ chăm sóc chó mèo bệnh tật

Hà Nội25 bạn trẻ thuê một ngôi nhà cấp 4 với giá 2 triệu đồng, gom những con vật ốm đau bệnh tật về đây rồi tự chi tiền mua lương thực, thuốc men, cứu chữa chăm sóc chúng.

"Ở đây không có chó mèo lành lặn, chỉ có những con vật bị bệnh, gặp tai nạn hoặc già yếu", các thành viên Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội giới thiệu. Mỗi con cứu về đều có tiểu sử riêng, con thì bị bệnh, con bị thương... nhưng chúng đều chung số phận: Bị chủ vứt bỏ.

Một số thành viên của Trạm cứu hộ động vật ở Học viện Nông nghiệp.

Đều đặn mỗi sáng, 25 thành viên của Trạm lại đến "khu nhà ở dành cho thú cưng" theo lịch trực. Trạm là một ngôi nhà cấp 4, với 5 phòng (1 phòng trực, 3 phòng điều trị bệnh cùng 1 nhà vệ sinh), được thuê với giá 2 triệu đồng/ tháng, cách trường chừng 1km. Từ phòng khám ngoại khoa, nội khoa cho đến khu truyền nhiễm đều được phân chia rõ ràng, mỗi con vậtđược nhốt trong chuồng riêng.

Dương Thị Loan, cô sinh viên năm thứ hai khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở tủ, lấy sổ theo dõi rồi đi kiểm tra thân nhiệt của từng "bệnh nhân". Không còn lóng ngóng như hồi mới xin vào Trạm, từ việc đo thân nhiệt, tiêm thuốc đều được Loan làm thuần thục, nhưng khó nhất vẫn là lúc cho thú uống thuốc.

"Bọn nó khôn lắm, thuốc đắng là không uống đâu, nhè ra ngay, nếu giữ không cẩn thận còn bị cắn, cào nữa", dứt lời, Heo - giống chó Bắc Kinh lai Nhật - được nữ sinh đang kẹp chặt gồng mình, hàm răng sắc nhọn sượt qua, găng tay y tế của Loan rách toác, xước da cô.

Cứ 10 ca thì 7-8 ca cứu hộ, chó mèo trong tâm lý hoảng sợ, liên tục phản kháng, gây thương tích cho các thành viên. Có bạn bị cắn sâu, chảy máu nhiều.

Từ việc cọ rửa, dọn dẹp chuồng cho đến sát trùng, thăm khám, phẫu thuật... các cô cậu sinh viên đều tự thực hiện, nhưng cũng có ca khó, Trạm sẽ chuyển "bệnh nhân" đến phòng khám thú y gần nhất để cứu chữa. Hết giờ lên lớp, các thành viên lại tranh thủ đến Trạm để chăm sóc cho 15- 20 bé, chủ yếu là mắc các bệnh về da, bệnh truyền nhiễm. Tối đến, nhóm trực từ 2-3 thành viên sẽ đến trông coi, theo dõi các trường hợp bệnh nặng cũng như nhận điện thoại cứu trợ gấp.

"Người ta có thể vứt bỏ một con chó già vì hết giá trị, nhưng chúng em lại muốn cứu sống chúng. Động vật cũng giống như con người, chúng cần được bảo vệ, tôn trọng thay vì không thích thì vứt", Nguyễn Văn Khánh, sinh viên năm cuối, phó chủ nhiệm Trạm cho biết.

Loan và Khánh đang sát trùng vết thương và kiểm tra cho bé mèo.

Trạm cứu hộ động vật được thành lập cách đây 5 năm bởi chính các thầy giáo và sinh viên khóa 58, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trạm lấy phương châm "We treat animals like family" (Tạm dịch: Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình). Thời gian qua, Trạm đã cứu hộ và giúp đỡ hàng nghìn chó, mèo bị bỏ rơi, đi lạc, thương tật có cuộc sống tốt hơn.

Nhận cứu hộ mọi trường hợp khiến không ít lần Trạm rơi vào quá tải, thiếu nhân sự, chuồng nuôi nhốt, thuốc men và buộc phải thông báo tạm dừng tiếp nhận. Nói là dừng, nhưng cứ có điện thoại là nhóm sinh viên lại lên đường, từ khu vực quanh Gia Lâm cho đến nội thành Hà Nội.

"Chúng em không ngại cứu chữa hay nhận nuôi, nhưng mong mọi người có thể hiểu rằng: Trạm luôn muốn chăm sóc cho các bé trong điều kiện tốt nhất thay vì cứ nhận về rồi để đó", phó Trạm nói.

Không gian phòng khám Ngoại khoa tại Trạm cứu hộ.

Khi chó mèo đủ điều kiện sức khỏe, Trạm sẽ đăng tin tìm chủ mới. Những trường hợp có nhu cầu nhận nuôi sẽ được phỏng vấn, đồng thời cam kết hàng tháng sẽ gọi điện thoại để báo cáo tình hình.

"Sau khi đưa các bé nhận chủ mới, mỗi tháng chúng em đều sẽ gọi điện, nhắn tin để hỏi thông tin và xem ảnh hiện tại. Một vài người vẫn đồng ý trả lời, nhưng không thiếu trường hợp nói chúng em phiền phức, rắc rối và ngừng liên lạc", Khánh kể.

Khánh vào Trạm khi đang là sinh viên năm 2. Thi vào trường theo sự gợi ý của gia đình, cậu bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng khi nhìn những con vật bị bỏ rơi, lòng thương cảm và mong muốn cần phải giúp sức khiến nam sinh cùng các thành viên trong Trạm gắn bó đến giờ.

Ba năm ở Trạm, Khánh không nhớ đã cùng các bạn cứu giúp bao nhiêu chó mèo, nhưng lần nhiều nhất cũng lên đến hơn 50 con, phòng nhỏ chật kín, các lồng đựng chất chồng lên nhau. Cũng chẳng thiếu những lần mưa lớn, nước tràn vào phòng, các thành viên nhanh chóng đặt lồng thú lên giường ngủ, còn mình thức trắng đêm.

Yêu và đam mê với công việc, nhưng chẳng ít lần các cô cậu sinh viên chạnh lòng khi việc mình làm không nhận được sự công nhận, thậm chí là bị chửi mắng, ném đá vào trong Trạm. "Ngày trước chỗ này ít nhà sinh sống nên việc cứu hộ không gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi có nhiều người đến ở, chúng em luôn bị nói là "mấy đứa dở hơi làm việc không đâu", họ chửi để chúng em chuyển đi, thậm chí còn ném gạch thủng mái nhà. Mỗi lúc như vậy, chỉ dám ngồi im trong phòng", cậu nói.

Sắp tới, Trạm mong muốn có thể tìm được địa điểm mới thích hợp, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho chó mèo.

Hỏi về cái được và mất khi làm công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", Khánh, Loan và các thành viên của Trạm luôn cho rằng: Dù không được đi làm thêm hay suốt ngày quanh quẩn trong Trạm, nhưng nơi đây giúp chúng em hiểu thế nào là tình thương yêu động vật, đó đơn giản là những cái vẫy đuôi chào mừng, những cái dụi đầu quấn quýt khi được vuốt ve...

Đồng thời, các thành viên trong Trạm hy vọng mọi người hãy xem chó, mèo như người thân trong gia đình, dừng việc ăn thịt và buôn bán chúng.

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ