
Cô gái tên Dư Liên ở Lan Châu (Cam Túc, Trung Quốc) đi phẫu thuật thẩm mỹ năm 17 tuổi vì không thích khuôn mặt mỏng của mình. Do không đủ tiền, cô đến một bệnh viện do bạn giới thiệu với chi phí rẻ. Bác sĩ đã tiêm vào mặt Tiểu Liên một dung dịch để đôi má căng tròn hơn như mong muốn. Đến năm 2009, mặt Tiểu Liên bỗng sưng lên khiến mắt, mũi và các nét trên khuôn mặt biến dạng.

Đến năm 2013, Tiểu Liên trông chẳng khác nào một bà cô 50 tuổi với khuôn mặt sưng phồng lồi lõm. Dung dịch các bác sĩ lang băm tiêm vào mặt Tiểu Liên là polyacrylamide hydrophilic, một chất từng được dùng để nâng ngực nhưng đã bị cấm sử dụng vì có tác dụng phụ nguy hiểm.

Cô Tian Hui, 39 tuổi, đến từ Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) phẫu thuật nâng ngực từ năm 2002. Vòng một đầy đặn giúp cô tự tin hơn sau khi phát hiện chồng mình ngoại tình với một cô gái trẻ. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau phẫu thuật, bộ ngực giả của cô Tian bắt đầu di chuyển. Dù cô cố dùng tay để đẩy bộ ngực về đúng vị trí, nhưng chúng ngày càng "chạy" xa hơn, xuống tận ổ bụng và ra sau lưng.

Bác sĩ đã phẫu thuật để lấy ngực giả ra khỏi cơ thể cô Tian. Theo bác sĩ, chất được tiêm vào ngực cô Tian là polyacrylamide hydrophilic, một chất độc hại có thể gây tổn thương thần kinh, ung thư ngực.

Marilyn Leisz, ở New York (Mỹ), phẫu thuật cắt mí năm 2005. Vốn là tiểu phẫu nhưng cuối cùng ca phẫu thuật lại thất bại khiến Marilyn không thể khép mí mắt lại được. Mỗi tối, cô phải đắp mắt bằng gel, thuốc và mặt nạ để tránh mắt bị trầy xước khi ngủ.

Marilyn phải thực hiện hơn 30 ca phẫu thuật trong 6 năm sau đó để sửa chữa. Hiện, cô vẫn chưa thể khép mắt một cách hoàn toàn và không tài nào nháy mắt được như mọi người.

Bà Kim Brokhurst, 51 tuổi, đến từ Ebbw Vale (miền nam xứ Wales), một huấn luyện viên gym, bỏ ra gần 130 triệu đồng để phẫu thuật độn ngực. Bác sĩ đã "quá tay" khi bơm ngực cho bà. Sau đó, bộ ngực giả phát nổ và silicon công nghiệp rò rỉ trong cơ thể. Bà Kim phải chi trả hơn 150 triệu đồng để thực hiện phẫu thuật phục hồi hình dạng vòng 1 vì nó ngày càng sưng tấy, méo mó, biến dạng.

Một cô gái trẻ có nickname Yunme Un trên Facebook, đến từ tỉnh Lampang miền bắc Thái Lan, tố bệnh viện thẩm mỹ phẫu thuật hỏng khiến bộ ngực của cô dính vào nhau mà không chịu trách nhiệm. Đồng thời, cô gái muốn cảnh báo mọi người nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi dao kéo.

Nữ diễn viên Tori Spelling có vết lõm ở ngực do hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Hút mỡ, cấy ghép ngực hay gọt mặt có thể để lại các dị tật lớn như sẹo biến dạng, tổn thương bề mặt dây thần kinh, bong tróc da...

Người mẫu Thái Lan Athitiya Eiamyai thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa vòng ba ở một phòng khám tư. Tuy nhiên, ngay sau khi rời khỏi phòng phẫu thuật, cô đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và được cấp cứu tại một bệnh viện ở Bangkok. Sau hai tuần nằm li bì, người mẫu 33 tuổi đã qua đời tại bệnh viện, gây chấn động giới truyền thông Thái Lan.

Chân dung Athitiya Eiamyai - người mẫu nổi tiếng Thái Lan. Tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra do phản ứng gây mê, tắc động mạch phổi, tình trạng sức khỏe yếu nhưng không được kiểm tra kỹ càng, dùng thuốc giảm đau quá liều... Không ít người đã phải trả giá bằng cả tính mạng khi chạy theo giấc mơ đẹp nhờ dao kéo.
Tuệ Anh