Nuôi thú độc
Chán chuột lang, hamster, nhiều bạn trẻ chuyển sang nuôi những con vật mà khi nghe tên hoặc nhìn có thể khiến bạn nổi da gà như rắn, kỳ nhông, sóc, nhím, nhện, rết khổng lồ nhiều chân… Không khó để tìm ra các petshop rao bán các con vật này. Tùy theo xuất xứ, chủng loại mà giá cả để “rước” các em ấy về nhà cũng rất dao động từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí là chục triệu.
![]() |
Nuôi thú độc trở thành thú chơi “sành điệu” của dân chơi thứ thiệt. |
Teen nuôi thú độc không còn là sở thích đơn thuần mà còn để chứng tỏ “đẳng cấp”. Nhiều bạn tỏ ra chủ quan bởi những đặc tính bên ngoài của con vật như hiền lành, chậm chạp mà quên đi chúng là những loài động vật rất nguy hiểm, một vết cắn cũng có thể mang đến hậu quả khó lường. Hoàng Minh (18 tuổi) từng khiến cả lớp mình náo động khi mang một con nhện vào lớp khoe với bạn bè và bi kịch xảy ra khi em nhện xổng chuồng. Kết quả, một bạn nữ đã ngất xỉu khi con nhện bò lên người, Minh sợ xanh hết cả mặt, tở luôn tới già.
Xăm sẹo, xăm tròng mắt
Không đơn thuần là những kiểu xăm truyền thống nữa, mốt xăm ngày càng được biến tấu với những kiểu độc đáo và lạ mắt hơn như: xăm sẹo, xăm đá, xăm 3D, xăm phát quang... đến cả xăm tròng mắt. Với bất kỳ kiểu xăm nào cũng phải tác động lên da một động thái nào đó ít nhiều gây đau đớn về thể xác, nhưng để có một hình xăm có 102, nhiều teen sẵn sàng đánh đổi.
Mặc cho các chuyên gia về sức khỏe đã đưa ra nhiều khuyến cáo những thú xăm ghê rợn kia có thể khiến da bị hoại tử, đồng thời có khả năng lây nhiễm HIV cũng rất cao nhưng đến nay mốt xăm độc vẫn chưa chịu hạ nhiệt với những ai yêu thích thú làm đẹp này.
Chơi dao 'phun máu'
Thoạt nhìn qua, loại đồ chơi này giống như một con dao thật với vẻ ngoài sáng loáng. Nó được thiết kế với lò xo bên trong cán nên khi đâm, lưỡi dao sẽ lún xuống và ở phần cán dao sẽ có một lỗ nhỏ để đổ máu giả vào. Đồ chơi này được teen sử dụng như một loại “vũ khí” trong những trò đùa khiến người chứng kiến phải tá hỏa. Thậm chí nhiều teen còn dùng đồ chơi này diễn trò cắt tay rồi quay clip lại tung lên mạng câu views.
Đồ chơi này được những “tín đồ” quậy phá lùng sục ở những cửa hàng đồ chơi với giá khá mềm. Không chỉ có dao phun máu mà hàng loạt sản phẩm kinh dị khác như USB, móc khoá hay những thanh kẹo có gắn pin tạo ra “bẫy điện” cũng rất phổ biến, đáp ứng yêu cầu của teen.
Hành xác
Ngay từ khi xuất hiện thú chơi được gọi với cái tên ghê rợn “hành xác” lập tức gây xôn xao. Thú chơi kinh hoàng này xuất phát từ hội chứng Emo (viết tắt của từ Emotion, phỏng theo lối sóng tôn thờ cảm xúc xuất hiện vào thập niên 1980 ở Mỹ và lan truyền sang châu Á). Hội chứng này du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu nhưng đã tác động mạnh mẽ đến cách sống của rất nhiều bạn trẻ.
Biểu hiện của lối sống này là những hành động quái dị, bất bình thường như rạch tay, rạch đùi, dùng kim khâu chữ trên da. Hội chứng này được các bạn học sinh bắt chước với lý do hết sức vô lý đến mức nhảm nhí như: giận bố mẹ, bị thầy cô phạt, bị stress hay vì thất tình… Bên cạnh đó nhiều teen còn bảo vệ quan điểm “hành xác” với lý do thích làm đau, càng nhiều sẹo càng chứng tỏ độ chịu chơi.
Thú chơi này khiến cộng đồng mạng “hú hồn vía” khi chứng kiến những bức ảnh không thể rùng rợn hơn. Nhiều teen còn xem kiểu “hành xác” này như một loại hình nghệ thuật. Thậm chí trên trang facebook còn có cả Fanpage Hội những người phát cuồng vì thích rạch tay rạch chân.
Mốt 'trán phồng' ma quái
Trào lưu trán phồng này có nguồn gốc từ Nhật Bản do nghệ sỹ Koropy khởi xướng cách đây 20 năm bằng cách bơm dung dịch nước muối vào trán, sau đó dùng tay ấn nhẹ để tạo ra những hình thù lồi, lõm, sâu, dài, ngắn tùy ý thích của người làm đẹp. Xu hướng này nhanh chóng được giới trẻ Nhật cập nhật và trở thành một trào lưu hot.
Giới trẻ Việt cũng bắt đầu thử trải nghiệm với hình thức làm đẹp kỳ dị này với mục đích thử một lần cho biết cảm giác ma quái. Kiểu chơi kỳ dị này bị “ném đá” bởi một số bạn trẻ bởi họ cho rằng nó không lành mạnh và thể hiện cách sống lập dị.
Thú chơi ảnh xác chết
Tham gia thú chơi này, người chơi chuyên săn lùng, cắt ghép ảnh những xác chết, sau đó đăng tải lên mạng với những câu mời chào vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần một click chuột sẽ dẫn bạn đến trang web kinh hoàng với hình ảnh con mắt đỏ vấy máu xung quanh hay “ma nữ” tóc dài bê bết máu kêu gào thảm thiết khiến người xem dựng tóc gáy.
Thú chơi quái đản này khiến rất nhiều teen thích thú khi tại các trang web, diễn đàn luôn thu hút một lượng lớn thành viên tham gia với những comment ớn lạnh, vô cảm. Nhiều teen còn cho rằng đây là cách để luyện cho mình “tinh thần thép. Thú chơi này bị cư dân mạng ra sức phản ứng một cách kịch liệt bởi sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận trẻ.
Hít keo - thú chơi chết người
Rộ lên cách đây không lâu, thú chơi này không khác mấy so với hình thức hít ma túy với cảm giác “cực phê”. Loại keo thường được sử dụng là những loại dùng để dán gỗ, giày, ống nước… được bán rộng rãi ở các cửa hàng gia dụng. Chỉ cần vài chục ngàn đồng, dân chơi thú hít keo này tha hồ tận hưởng cảm giác đê mê, người loạng choạng, đầu óc lâng lâng.
![]() |
Thú chơi Hít keo như hít ma túy của teen. |
Theo các chuyên gia thì trong các loại keo này chứa rất nhiều dung môi hữu cơ độc hại nên khi lần đầu hít phải keo này thường có cảm giác sung sướng, rồi dần dần nghiện. Càng dùng với liều lượng cao thì có thể dẫn đến ảo giác, hoang tưởng, lũ lẫn, thậm chí là tử vong. Lý giải cho thú chơi quái đản này, nhiều teen cho rằng thử cho biết mùi đời, hơn nữa lại không có luật nào cấm hít keo nên chẳng phải sợ. Ngay từ khi thông tin này được đăng tải đã gây sốc trong cộng đồng teen bởi suy nghĩ và cách sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Âm nhạc gây nghiện: Idosing
Idosing được xem như là một loại nhạc cụ gây ảo giác, gây nghiện như ma túy. Đây thực chất là một thể loại nhạc pha trộn giữa nhiều âm thanh khác nhau (thường là những bản nhạc kinh dị, rung rợn) có tính kích thích mạnh gây ra cảm giác vừa sợ hãi vừa hưng phấn, thỏa mãn. Chỉ cần một chiếc headphone, đóng chặt cửa phòng, nhiều bạn có thể một mình “phê” cả ngày với loại âm nhạc này.
![]() |
Quay cuồng với âm nhạc Idosing. |
Ngay từ khi xuất hiện, thể loại nhạc này được lan truyền một cách chóng mặt khi có mặt ở hầu hết các diễn đàn, topic hot. Mặc dù đã nhận được những khuyến cáo về tác hại của nó như co quắp người, thở gấp và có thể bị trầm cảm nhưng nhiều teen vẫn thử cảm giác này vì tò mò.
Xuân Tân
Ảnh: Internet