iOne – Trang giải trí dành cho giới trẻ
  • News
  • Stars
  • Style
  • Movies - Muzik
  • Horoscopes
  • Funland
  • Girls - Boys
  • Video
  • Photos
KPOP KPOP
Love Haha Omg
  • Home

  • News

    Vietnam

    World

    Lifestyle

    Sports

  • Stars

    Vbiz

    Asia

    US-UK

  • Style

    Fashion

    Star Style

    Contest

    Beauty

  • Movies - Muzik

    Movies

    MV-Trailer

    Muzik

  • Horoscopes

    Daily

    Tarot

    Horo+

    Tests

  • Funland

    Quiz

    Fun Stuff

    FunVid

  • Girls - Boys

    Dating

    How-to

    Góc để chill

  • Video

    Lifestyle

    MV - Trailer

    Style

    Sports

  • Photos

  • Contact us

    Liên hệ tòa soạn

    Đóng góp ý kiến

Connect

Trending
  • Copy link thành công
  • News
  • Vietnam
Thứ ba, 9/2/2021, 19:00 (GMT+7)

Nữ sinh Việt đón Tết trên đất Thái: 'Xin lỗi bố mẹ, con lại thất hứa vì Covid-19'

Dự định về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng do dịch bệnh, các chuyến bay thương mại tạm dừng hoạt động, thêm một năm nữa Như Quỳnh lại xa nhà.

Cuối tháng 12, số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan gia tăng, đặc biệt khi ngôi trường Chulalongkorn ghi nhận một ca dương tính mới, Phạm Nguyễn Như Quỳnh (24 tuổi, quê ở TP HCM, hiện là Phó Bí thư Chi bộ lưu học sinh Việt Nam tại Bangkok), cùng toàn bộ học sinh trong trường buộc phải học trực tuyến. Lên giảng đường thu dọn đồ đạc, bắt đầu từ hôm nay, nữ sinh chuyển qua học và làm việc tại nhà.

Vài tháng trước, Quỳnh còn dự tính nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lịch học thoải mái hơn, cô sẽ đặt vé máy bay để trở về nhà tại TP HCM - nơi cách Thái Lan khoảng 2 giờ bay. Nhưng dịch bệnh có diễn biến phức tạp, các chuyến bay thương mại dừng hoạt động, cũng như để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và gia đình, nữ sinh quyết định sẽ đón cái Tết thứ hai xa quê.

Quỳnh đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Hóa hữu cơ của trường Chulalongkorn (ngôi trường đứng Top 1 Thái Lan và Top 100 tại Châu Á). Trước đó, cô là thủ khoa đầu ra ngành Hóa học và tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Hóa tại ĐH Sư phạm TP HCM.

Phạm Nguyễn Như Quỳnh.

Phạm Nguyễn Như Quỳnh.

Lần hai đón Tết trên đất Thái vì Covid-19

Vốn là người sống tình cảm, từ bé đến lớn chưa từng sống xa gia đình, thậm chí suốt 4 năm đại học, nữ sinh luôn di chuyển hơn 40 km mỗi ngày để đến trường, khiến việc phải đón Tết xa quê không mấy dễ chịu.

Tháng 1/2020, Như Quỳnh sang Thái Lan và thuê phòng trọ bên ngoài trường. Nhớ ngày đầu tiên sang Thái, không bạn bè, không người thân, Quỳnh khóc suốt một tuần. Sang tuần thứ hai, nữ sinh đã nguôi ngoai hơn, nhưng phải mất đến cả tháng để thích nghi với cuộc sống.

Năm đầu tiên nữ sinh đón Tết xa nhà cùng các bạn đồng hương, vẫn có bánh chưng, hoa quả, mọi người tụ tập để làm mâm cơm truyền thống nhưng cảm giác trống vắng vẫn thường trực. Canh đúng giờ đón giao thừa ở Việt Nam, Quỳnh gọi điện thoại về cho gia đình, chúc Tết bố mẹ, họ hàng cùng lời khẳng định chắc nịch "Tết năm sau con sẽ về". Nhưng vừa cúp máy điện thoại, cô bắt đầu khóc vì nhớ gia đình và sợ cảm giác cô đơn khi ở trong căn phòng trống.

Đầu tháng 2/2020, Covid-19 bùng phát, nhưng đến khoảng giữa năm, các quốc gia bắt đầu kiểm soát được tình hình, nữ sinh mừng thầm vì sẽ được về nhà đúng lịch. Sau giờ học cô lại cập tình hình dịch bệnh, mỗi lần phát hiện thêm ca mới, Quỳnh lại thót tim, lo sợ dịch bệnh lại bùng phát một lần nữa và "đường về nhà lại càng xa thêm".

Suốt một năm chờ đợi, nhưng Tết năm nay Quỳnh buộc phải thất hứa vì dịch bệnh, dù khoảng thời gian trước đó cô luôn mường tượng về khung cảnh được về nhà. Khi ấy nữ sinh sẽ được cùng mẹ đi chợ, được bố đưa chọn cây cảnh, cả nhà cùng nhau dọn dẹp, xem Táo quân và đi chúc Tết họ hàng...

"Buồn lắm chứ, đi học thì không sao nhưng cứ lên mạng xã hội thấy bạn bè chia sẻ cảnh đón tết ở quê nhà, đứa thì khoe gói bánh chưng, đứa lại trang hoàng nhà cửa, bảo không buồn sao được. Mình cũng nhớ quê, nhớ bố mẹ, nhưng giờ cứ bất chấp về mà lỡ mắc bệnh, rồi bị cách ly thì lại lỡ dở nhiều việc. Thôi thì cố gắng xa nhà thêm một năm nữa", nữ sinh nghẹn lời.

Năm nay, Như Quỳnh cùng cộng đồng du học sinh Việt tại Thái Lan dự định sắm sửa chuẩn bị đón Tết cổ truyền, nhưng hạn chế ra ngoài và tiếp xúc vì diễn biến dịch còn phức tạp. Vẫn có thịt kho hột vịt, bánh chưng, mứt, rồi trang hoàng thêm cho ngôi nhà... nhưng "hương vị" được sum vầy bên gia đình là điều các du học sinh luôn thèm khát.

Như Quỳnh sẽ gắng vượt qua nỗi nhớ nhà dịp Tết này.

Như Quỳnh sẽ gắng vượt qua nỗi nhớ nhà dịp Tết này.

Cô gái tài năng mơ ước làm giảng viên

Như Quỳnh từng là sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM. Trong 4 năm đại học, nữ sinh đăng ký học song bằng là ngành Hóa học và Sư phạm Hóa vì muốn hiểu sâu về bản chất của hoá học và mong muốn trở thành một giảng viên.

Vốn yêu thích môn Toán từ nhỏ, thậm chí từng tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi Toán, nhưng lên đại học nữ sinh lại thi đỗ ngành Hóa học và muốn gắn bó với bộ môn "khô khan" và "không dành cho con gái" đến giờ.

"Ngày học cấp 3 mình cũng có để ý đến Hóa nhưng không thích bằng Toán. Lúc ấy khi được học chuyên sâu về Hóa học hữu cơ, mình thấy hứng thú khi gọi tên các hợp chất hay được vẽ các công thức cấu tạo. Nhưng khác với mọi người chỉ chú tâm làm các bài tính toán, mình thích nghiên cứu sâu và vận dụng chúng vào thực tế. Cũng bởi vậy mà bản thân thường đi ngược với số đông trong lớp", Như Quỳnh cười.

Kết thúc học kỳ I năm nhất, nữ sinh bày tỏ mong muốn được đăng ký học thêm ngành Sư phạm Hóa, lo con gái học vất vả nhưng thấy con thích, bố mẹ vẫn chiều lòng.

Thời gian đầu, Quỳnh bị "sốc" khi không thể cân bằng được số tín chỉ, chưa biết cách phân bổ thời gian. Dù đều liên quan đến Hóa học nhưng mỗi ngành lại có một đặc thù riêng, nữ sinh bắt đầu hệ thống kiến thức bằng sơ đồ hoá và dùng bút màu để bôi đậm phần trọng tâm.

"Chẳng ít người nói mình dở hơi khi học hai bằng cùng một khoa nhưng bản thân cho rằng, nếu chỉ học một trong hai ngành sẽ không hiểu trọn vẹn được bản chất của Hóa học cũng như cách giảng dạy, truyền đạt đến người học. Mà mơ ước từ bé của mình là được trở thành một giảng viên, nên với mình, đó vẫn là quyết định đúng đắn", Quỳnh khẳng định.

Cuối năm thứ 4, thầy giáo hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp gợi ý nữ sinh nên xin học bổng tại Thái Lan, Quỳnh chần chừ vì bản thân chưa từng xa nhà.

Tốt nghiệp, đến tháng 9/2020, sau khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến từ những người đi trước, Như Quỳnh nộp đơn xin học bổng vào trường Chulalongkorn và đạt học bổng toàn phần với hơn 40 triệu đồng/kỳ tiền học phí và được trả thêm khoảng 11,5 triệu/ tháng tiền sinh hoạt cá nhân, tổng chi phí cho 2 năm học khoảng hơn 400 triệu đồng.

Ngay kỳ học đầu tiên tại trường mới, nữ sinh đã đạt điểm trung bình các môn là 4.0/4.0.

"Bạn bè của mình thường đi châu Âu hoặc sang Mỹ, nhưng bản thân lại lựa chọn Thái Lan một phần là do tự lượng sức mình, phần khác là do được thầy giáo định hướng vì biết ngành hóa hữu cơ ở Thái Lan cũng rất vượt trội và không thua kém các nước bạn", nữ sinh nói.

Vượt qua những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, đồ ăn không phù hợp hay nỗi nhớ nhà luôn thường trực, mục tiêu sắp tới của nữ sinh là đạt điểm tuyệt đối trong học kỳ tiếp theo. Đó có thể là bước đệm để sau khi tốt nghiệp, cô có thể đăng ký xin học bổng để học tiếp lên bậc Tiến sĩ tại Thái Lan hoặc một nước khác. Sau khi hoàn thành các chương trình học, nữ sinh mong muốn có thể trở về nước và được giảng dạy tại ĐH Sư phạm TP HCM.

Thúy Quỳnh

Back Save
Share Copy link thành công
Báo tin, gửi bài, tâm sự với iOne tại đây
×
ione.vnexpress.net Chuyên trang của VnExpress Số giấy phép: 72/GP-CBC, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 22/9/2021
vnexpress.net ngoisao.vnexpress.net

© Copyright 2019, All rights reserved

® VnExpress giữ bản quyền nội dung trên website này

Liên hệ toà soạn