Thứ hai, 22/4/2019, 00:04 (GMT+7)

Nước Mỹ xử lý vụ gian lận thi cử lớn nhất lịch sử như thế nào?

Nước Mỹ mất 2 năm để điều tra và đưa 50 người, trong đó có 33 phụ huynh, ra tòa vì gian lận; sinh viên hưởng lợi từ sự việc bị đuổi học nhưng không phải đối diện các vấn đề pháp lý.

Năm 2017, khi các công tố viên liên bang ở Boston đang điều tra Morrie Tobin, giám đốc điều hành một công ty chứng khoán với những cáo buộc về hành vi gian lận chứng khoán và thao túng cổ phiếu từ hai công ty mà người này bí mật sở hữu, nghi phạm đã cung cấp thông tin về đường dây gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất tại Mỹ. Với mong muốn được nhận sự khoan hồng, Morrie Tobin nói rằng anh ta có thể giúp cơ quan thực thi pháp luật tìm hiểu rõ hơn về vụ việc.

Tobin tiết lộ, Rudolph "Rudy" Meredith, huấn luyện viên bóng đá nữ tại Đại học Yale, đã nhận tiền để đưa con gái của Tobin vào trường Ivy League. Trước những thông tin được Tobin đưa ra, tháng 4/2017, FBI tiến hành cuộc điều tra với tên gọi "Chiến dịch Varsity Blues".

Theo NBC News, cuộc điều tra có sự tham gia của hơn 200 đặc vụ, phân bố trong sáu bang. Sau nhiều tháng nỗ lực điều tra bằng các chiêu thức tinh vi: nghe lén, gài người, tiếp cận các nhân vật đầu sỏ... FBI đã phát hiện ra một hệ thống gian lận thi cử với sự "góp mặt" nhiều nhân vật quyền lực, người nổi tiếng tại Mỹ.

CNN nhận định, đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất từng bị truy tố ở Mỹ.

"Các bậc cha mẹ giàu có đã trả hàng nghìn USD cho một người đàn ông ở California để hắn đưa con cái họ vào học tại các trường đại học ưu tú, như Yale và Stanford bằng nhiều hình thức gian lận khác nhau", đặc vụ Bonavolonta nói.

Ông trùm đứng đầu đường dây gian lận này là William Singer (59 tuổi), người làm việc trong ngành tư vấn đại học, đồng thời sáng lập ra The Edge College & Career Network, LLC, (còn được gọi là The Key) có trụ sở tại Newport Beach, Calif.

William "Rick" Singer. Ảnh: Reuters. 

Trong một cuộc nghe lén được FBI ghi vào năm 2018, William Singer nói với một khách hàng tiềm năng: "Những gì chúng tôi muốn là cho con của các ngài học tại những ngôi trường danh giá nhất". Để làm được điều đó, phụ huynh phải chi từ 200 nghìn đến 6,5 triệu USD.

Gian lận thi cử diễn ra như thế nào?

Ngoài bắt tay với nhân viên chấm thi, coi thi, các huấn luyện viên trong trường đại học, Singer còn hợp tác mật thiết với một người đàn ông tên là Mark Riddell, cựu vận động viên quần vợt, giám đốc luyện thi đại học tại một trường nội trú ở Florida. Người này sẽ thay các thí sinh làm bài thi hoặc tác động vào điểm số của họ, FBI tiết lộ.

Mẫu chữ viết tay của một học sinh được cung cấp cho người thi hộ. 

Các công tố viên cho biết Singer đã dùng tiền mặt để mua chuộc hai người quản lý các kỳ thi SAT và ACT là Igor Dvorsiky ở Los Angeles và Lisa "Niki" Williams ở Houston. Dvorsiky và Williams đã cho phép Mark Riddell bí mật làm các bài kiểm tra hoặc thay thế câu trả lời của các thí sinh. Với mỗi bài kiểm tra, Riddell được trả khoảng 10.000 USD.

Sau khi đạt thỏa thuận về mức giá cả vào trường với các phụ huynh, Singer sẽ đưa ra 3 phương án gian lận để các phụ huynh lựa chọn.

Dùng người thi hộ: Singer sẽ bắt tay với các quản sinh trong kỳ thi SAT hoặc ACT để cài người thi hộ cho các thí sinh.

Sửa điểm: Các bậc phụ huynh cũng có thể lựa chọn cách thức tác động vào bài thi. Các thí sinh vẫn đi thi bình thường nhưng trong phòng thi, sẽ có người hướng dẫn học sinh trả lời các đáp án đúng hoặc chỉnh sửa kết quả trong quá trình chấm thi. Nhiều sinh viên không hề biết mình đã được nâng điểmn nếu cha mẹ họ chọn hình thức sửa điểm. Cha mẹ của các thí sinh gian lận sẽ phải trả 15.000 – 75.000 USD cho một bài kiểm tra đã được nâng điểm.

Chỉnh sửa hồ sơ để vào trường nhờ năng khiếu thể thao: Sự phối hợp chặt chẽ của Singer với các huấn luyện viên tại các trường đại học sẽ giúp nhiều thí sinh không có năng khiếu thể thao vẫn có thể vào trường.

Cụ thể, bảng thành tích giả và hình ảnh của ứng viên sẽ được chỉnh sửa cùng những con dấu giả. Sau đó các huấn luyện viên có trách nhiệm lựa chọn các hồ sơ đã được chỉ điểm. Cuối cùng, các ứng cử viên sáng giá được lựa chọn.

Sau khi giao dịch hoàn tất, thí sinh được vào ngôi trường đã lựa chọn, các gia đình tài phiệt chuyển số tiền đã thỏa thuận với Singer, được ngụy trang dưới dạng quyên góp từ thiện vào một tổ chức từ thiện với tên gọi Key Worldwide.

Những ai bị buộc tội?

Trong quá trình điều tra, FBI xác định 33 phụ huynh, trong đó có: ngôi sao truyền hình Lori Loughlin và chồng - nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli; nữ diễn viên Felicity Huffman; William E. McGlashan Jr. - một đối tác tại công ty cổ phần tư nhân TPG, CEO, doanh nhân chứng khoán, thương nhân bất động sản, nhà thiết kết thời trang và chủ tịch của một công ty luật toàn cầu cùng nhiều người khác.

Để thiết lập đường dây của mình, Singer đã mua chuộc các huấn luyện viên, giám sát viên nhằm chỉnh sửa kết quả thi của các thí sinh. Từ đó đạt được thỏa thuận với những gia đình giàu có trong việc đưa con cái của họ vào các đại học danh tiếng của Mỹ.

Lori Loughlin.

Lori Loughlin và chồng bị cáo buộc đã chi 500.000 USD để hai cô con gái của họ được nhận vào Đại học Nam California.

Nữ diễn viên Huffman và chồng cô, nam diễn viên William H. Macy cũng đã trả 15.000 USD để một trong những cô con gái của họ có thể làm bài kiểm tra SAT không bị giới hạn thời gian. Đặc biệt nữ diễn viên còn bị cáo buộc đã tìm hiểu kế hoạch tăng điểm thi cho cô con gái thứ hai, theo giấy tờ của tòa án.

Sau quá trình điều tra, trong số 50 người đối mặt với các cáo buộc, 33 người là cha mẹ và chín người là huấn luyện viên đại học. Những người còn lại là quản trị viên kiểm tra tiêu chuẩn, một giám sát viên kiểm tra và các cộng sự của của ông trùm Singer, chính quyền cho biết.

Từ 2011 đến tháng 2/2018, các bậc phụ huynh đã trả cho Singer khoảng 25 triệu USD để hối lộ các huấn luyện viên và quản trị viên đại học trong việc chạy cho con em họ vào trường đại học.

Sau những bằng chứng được FBI đưa ra, các trường học, tòa án đã có những động thái tích cực.

Đại học Stanford đã sa thải huấn luyện viên trưởng John Vandemoer; Đại học Nam California cũng đã chấm dứt hợp đồng với Donna Heinel, phó giám đốc thể thao cấp cao của trường và Jovan Vavic, cựu huấn luyện viên môn bóng nước và huấn luyện viên quần vợt nam tại Đại học Texas sau khi họ bị buộc tội liên quan đến vụ lừa đảo gian lận. Các huấn luyện viên khác cũng đã phải đối mặt với hình thức kỷ luật.  

Nữ diễn viên Felicity Huffman là một trong 33 phụ huynh bị buộc tội mua điểm cho con. Ảnh: Mario Anzuoni / Reuters.

Hiện tại, các công tố viên đang tìm cách tịch thu tài sản từ Gordon Ernst, cựu huấn luyện viên quần vợt tại Đại học Georgetown.

"Ông trùm" Singer cuối cùng đã nhận tội về hành vi tổ chức đường dây gian lận trong thi cử, âm mưu rửa tiền... và đang chờ ngày xét xử.

Về phần các sinh viên gian lận, một số trường đã có quyết định buộc thôi học, một số khác vẫn đang trong quá trình chờ phán quyết. Các công tố viên liên bang không buộc tội bất kỳ sinh viên hoặc trường đại học có liên quan bởi đây là tác động của cá nhân, thậm chí một số sinh viên không biết việc làm của bố mẹ.

Các bậc phụ huynh tham gia vào đường dây gian lận đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc về hành vi đồng lõa và tiếp tay. Nếu bị kết án, họ sẽ buộc phải trả tiền hoặc ngồi tù. Dù không rõ các phụ huynh này sẽ chịu mức án gì, đối với những người thú tội, các bản án có thể giảm bớt.

Không chỉ chịu trách nhiệm hình sự, các bậc phụ huynh này còn phải đối diện với nguy cơ mất việc.

Hai nữ diễn viên Loughlin và Huffman đều bị hủy các vai diễn; ông McGlashan đã bị chấm dứt hợp đồng với công ty cổ phần tư nhân TPG vào tháng trước; Gordon Caplan, đồng chủ tịch của công ty luật toàn cầu Willkie Farr & Gallagher bị cho nghỉ việc và trách nhiệm quản lý cũng bị tước bỏ...

Tới đây, tòa án liên bang sẽ xét xử các nhân vật trong đường dây gian lận lớn nhất tại Mỹ.

Thúy Quỳnh (Theo CNN, NBC)