Từ 25 đến 27/6, hơn 887.000 thí sinh trên khắp cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Các thí sinh sẽ làm 5 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Sát ngày thi, gia đình các thí sinh luôn trong tình trạng "ngồi trên đống lửa", ai nấy đều lo lắng, bồn chồn. Hiểu được áp lực của con trước kỳ thi quan trọng, ngay từ khi lên lớp 12, nhiều gia đình luôn dành cho các sĩ tử sự ưu ái đặc biệt.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Có cháu trai Phạm Quang Anh (THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông) chuẩn bị đi thi, bà Phạm Thị Xuân chia sẻ, từ ngày cháu lên lớp 12, cuộc sống gia đình bắt đầu có những thay đổi rõ rệt. Ông bà, bố mẹ lúc nào cũng phải động viên nam sinh cố gắng học tập nhưng phải khéo léo để không khiến cháu cảm thấy áp lực.
"Tôi cũng phải hy sinh nhiều thứ từ ngày cháu lên 12. Mọi ngày tôi có thể đi chơi, đi lễ, đi du lịch nhưng hơn một năm nay, tôi lúc nào cũng phải ở nhà để lo cho cháu từng bữa ăn, giấc ngủ", bà Xuân nói.
Không chỉ hy sinh thời gian nghỉ ngơi, có những hôm bố mẹ Quang Anh không về, bà Xuân lại phải thức gọi cháu dậy đi học cho đúng giờ. Nhiều khi thấy cháu trai thức khuya, bà cũng không ngủ được, phải thức cùng cháu. Cùng tâm trạng với bà nội, mẹ Quang Anh cũng không giấu được sự lo lắng và thường xuyên phải cắt xén giờ làm để đưa đón con đi học.
Quang Anh cũng cảm nhận được sự ưu ái mà gia đình dành cho mình. "Bố mẹ quan tâm hơn, em muốn gì cũng được, không còn phải nấu cơm, dọn nhà, chăn màn ngủ dậy bố mẹ tự động gấp, còn bình thường thì em phải làm hết", nam sinh chia sẻ.
Bạn Nguyễn Linh Trang (THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa) cũng được hưởng nhiều đặc ân hơn kể từ khi bước vào giai đoạn ôn thi căng thẳng. Chị Lê Ngọc Quyên - mẹ của Linh Trang - cho biết, gia đình dành nhiều sự quan tâm, mong con có đủ điều kiện vật chất, ổn định tâm lý trước kỳ thi.
Gia đình chị Quyên buôn bán kinh doanh, mấy tháng gần đây phải giảm bớt công việc để có thể tập trung lo cho con. Linh Trang thường được bố mẹ "phục vụ từ A đến Z". Cơm không phải nấu, quần áo không phải giặt, mọi mong muốn nguyện vọng đều được đáp ứng. Công việc thường ngày của cô bé là: Học - Ăn - Ngủ.
Cùng quan điểm với chị Quyên, chị Phạm Thị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, mỗi gia đình có con đi thi đều cảm thấy áp lực. Việc "chiều" con là để các cháu có tâm lý thoải, tập trung hoàn toàn cho việc ôn luyện.
Chị Hằng kể, nhiều lần đi học về, con trai tự nhiên gắt gỏng, khó chịu, thậm chí kiếm cớ, gây chuyện. Những lúc như vậy vợ chồng chị rất bực nhưng rồi phải nín nhịn, chịu đựng các "ông con". Chị không dám làm căng vì sợ ảnh hưởng tâm lý, nhất là khi ngày thi đang đến rất gần. "Đang trong giai đoạn nhạy cảm nên cả nhà tôi ai cũng phải ngậm bồ hồn làm ngọt. Nếu có thái độ đó như vài năm trước thì tôi cho ăn đòn ngay", chị Hằng cười nói.
Chị Đào Thị Khánh, phụ huynh của bạn Phương Anh (THPT Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) chia sẻ, việc gia đình chiều chuộng, chăm sóc các sĩ tử trước kỳ thi THPT sắp tới cũng là dễ hiểu. Chuyện con cái gắt gỏng, khó chịu với bố mẹ trong giai đoạn căng thẳng cũng nên được thông cảm. "Là bố mẹ tâm lý nên tìm hiểu, gần gũi con cái hơn để cùng chia sẻ thay vì cáu gắt trở lại, dễ khiến con chán nản, thiếu tập trung học hành", chị nói.
Từ ngày con sắp sửa vượt vũ môn, sinh hoạt trong gia đình chị Khánh ít nhiều bị đảo lộn. Các thói quen ăn uống cũng được "kiểm định kỹ" trước khi thực hiện. Từ đầu tháng 6, mấy món ăn như trứng, chuối, đỗ đen không còn xuất hiện trong mâm cơm của gia đình. Thay vào đó là các món liên quan đến đậu trắng, đậu đỏ, thịt, đỗ xanh... để tăng phần may mắn cho con.
Bạn Nguyễn Thị Diệu Anh (THPT Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự: "Bố em luôn lẳng lặng làm mọi việc, thường xuyên về sớm đưa đón mình đi học. Mẹ mình ngày nào cũng hỏi: 'Nay con muốn ăn gì, mai ăn gì, con thích gì...'. Nếu mình cần không gian yên tĩnh để học bài, bố mẹ sẽ ra ngoài hoặc tắt ti-vi để không ảnh hưởng gây", Diệu Anh nói.
![]() |
Lịch thi THPT Quốc gia 2019. |
Thúy Quỳnh