Bức ảnh ghi lại cảnh tượng hàng trăm người chen chân, cầm cờ Tổ quốc vẫy vẫy pose hình trên đỉnh Fansipan khiến người xem không khỏi choáng ngợp. Cảnh tượng nháo nhác này hiếm thấy trên đỉnh Fan từ trước đến nay.

Bức ảnh chen chúc trên đỉnh fan gây tranh luận. Ảnh: Phạm An
Trước đây, số người chạm đến "nóc nhà Đông Dương" có thể đếm được bởi hành trình chinh phục nó không hề đơn giản. Dân phượt phải mất đến 2-3 ngày leo núi, lội suối vất vả mới có thể đặt chân lên đỉnh núi. Thực trạng chen chúc xảy ra kể từ khi có cáp treo, đường lên Fansipan trở nên dễ dàng, lượng du khách ngày một đông, nhất là những ngày cuối tuần.
Bức ảnh dấy nên sự tranh luận khi nhiều người cảm thấy khó chịu bởi cảnh chen chúc xưa nay hiếm trên "nóc nhà Đông Dương". Số khác ấp ủ được lên Fansipan muốn từ bỏ ý định vì họ không muốn phải chật vật giữa hàng trăm người như thế.
Hụt hẫng khi chứng kiến cảnh tượng chen lấn
Anh Phạm An – người ghi lại bức ảnh trên chia sẻ: "Mỗi người một cảm nhận, nhưng quả thật sau hơn 1 năm quay lại Fansipan, cảm giác hẫng hụt và tiếc nuối vô cùng. Không còn những lúc cả đoàn cùng nhau chia sẻ, động viên để cố gắng leo lên chinh phục nóc nhà của Đông Dương, thay vào đó là sự hỗn độn, nháo nhào để check-in...".
"Ngày trước leo Fan đầy hứng khởi và hào hứng biết bao nhiêu dù cực nhọc nhưng cảm thấy tự hào. Cái cảm giác đứng trên đỉnh núi giữa một khoảng trời mênh mông thấy mình trở nên thật bé nhỏ. Giờ đây, lên Fan thấy người là người, chen lấn, muốn có một bức ảnh đẹp cũng khó”, bạn Đăng Quỳnh (Nam Định) chia sẻ.
'Người du lịch không có lỗi'
Anh Phong Vân – một phượt thủ có tiếng ở phía Bắc và từng leo Fan nhiều lần đưa ra sự nhìn nhận: "Khi một địa danh trở thành điểm kinh doanh du lịch thì việc xảy ra cảnh tượng chen chúc là lẽ thường. Việc chỉ trích họ là không đúng. Họ là những người không có điều kiện để chinh phục Fan theo kiểu truyền thống nên họ chọn cách dễ hơn là đi cáp treo. Điều này chẳng có gì sai. Họ chỉ là hệ lụy của những người kinh doanh cáp treo bởi họ đã làm cho đỉnh Fan xảy ra cảnh tượng như bây giờ".
"Theo tôi, lỗi ở đây nằm ở sự quản lý của nhà dịch vụ cáp treo. Khi không có sự chỉ dẫn hay biện pháp tạo nên sự trật tự thì việc phải chen chúc nhau để chụp ảnh là đương nhiên", anh Vân nói.

Anh Phong Vân bày tỏ quan điểm những người trong đám đông chen lấn trên đỉnh Fan không có lỗi, lỗi thuộc về phía đơn vị quản lý cáp treo.
Anh Phong Vân bày tỏ thêm, với những người đi cáp treo thì trong suy nghĩ của họ đỉnh Fan vẫn là 'nóc nhà Đông Dương' nhưng trong mắt dân trekking thì nó không còn là điểm chinh phục ưu tiên số 1 nữa.
Để hạn chế sự chen lấn, đánh mất đi vẻ đẹp trên đỉnh Fansipan, anh Phong Vân "hiến kế": "Đơn vị quản lý nên có những biện pháp như làm các hành lang zig zag để người lên đấy xếp hàng và vào chụp ảnh đỉnh theo thứ tự. Như thế ai cũng có ảnh đẹp lại tạo nên sự văn minh".
Ngân Nguyễn - một bạn trẻ mê du lịch tại Hà Nội bày tỏ suy nghĩ: "Khi cơ hội leo Fan được rút ngắn xuống 15 phút bằng cáp treo thì lượng người đổ xô lên đó nhiều hơn trước, chuyện chen lấn là không tránh khỏi. Ở bất kỳ điểm du lịch nào 'hot' cũng thế cả thôi. Quan trọng vẫn nằm ở ý thức của những người dân đi du lịch. Cố gắng xếp hàng, nhường nhịn nhau khi quá đông, tránh làm ồn và không xả rác bừa bãi chính là hành động đẹp nhất rồi".
Cáp treo Fansipan được khánh thành vào ngày 2/2/2016 có độ dài 6.292,5m, cabin trên cáp treo có sức chứa tối đa 30-35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng.
Dù còn có nhiều tranh luận trái chiều về việc hình thành nên tuyến cáp nhưng không thể phủ nhận sự phản hồi tích cực của dân du lịch sau khi trải nghiệm hình thức này. Sau hơn 1 tháng, lượng khách đổ về Fan trở nên đa dạng khi có cả người lớn, trẻ em vốn không đủ sức khỏe, điều kiện để chinh phục Fan theo kiểu truyền thống. Hiện Fansipan, Sapa vẫn là điểm đến hút khách du lịch lớn hàng năm.
Xuân Tân
iOne đang tuyển phóng viên, cộng tác viên mục Thời trang, Nhịp sống, Showbiz. Chi tiết tại đây.