7 lễ hội lớn trở thành tụ điểm chen lấn, xô đẩy của hàng triệu người Việt hàng năm

Tình trạng chen lấn cướp lộc tại các lễ hội lớn của Việt Nam đã trở thành vấn nạn nhức nhối chưa có biện pháp khắc phục nhiều năm nay.

1. Lễ hội Đền Hùng

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngày hội truyền thống của toàn dân tưởng nhớ công lao dựng nước của 18 đời Vua Hùng.

Là một trong những sự kiện lễ hội lớn nhất Việt Nam, Đền Hùng chào đón hàng triệu du khách từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đến dâng hương bái Tổ. Năm nào nơi đây cũng đứng trước tình trạng quá tải, đám đông chen chúc nhau ở cổng đền. Thậm chí nhiều phụ nữ và trẻ em đã bị ngất xỉu trong biển người chật cứng, khiến lực lượng công an phải can thiệp và giải vây nhiều lần.

Cảnh sát 'giải cứu' hàng trăm cháu bé ở biển người Đền Hùng
 
 

Cảnh sát 'giải cứu' hàng trăm cháu bé ở biển người Đền Hùng.

2. Lễ hội khai ấn đền Trần

Hội khai ấn đền Trần được tổ chức vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng tại Nam Định. Đây là một tập tục văn hóa tế lễ trời đất, tổ tiên thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Đây cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Hàng năm cứ đến dịp lễ hội khai Ấn đền Trần, cảnh tượng đông đảo người dân vất vả chen lấn xin bằng được ấn mang về nhà cầu mong bình an và thăng tiến trong sự nghiệp đã trở nên quen thuộc. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn sẵn sàng vượt rào, xô đẩy nhau để giành bằng được ấn thiêng. 

Tình trạng chen lấn, xô đẩy đã khiến nhiều phụ nữ và người già kiệt sức và phải nhờ đến sự chăm sóc của các nhân viên y tế.

Chen lấn cướp lộc ở đền Trần
 
 

Chen lấn cướp lộc ở đền Trần.

3. Lễ khai hội chùa Hương

Ngày khai hội chùa Hương diễn ra vào mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Sau lễ khai hội, nhà chùa luôn có nghi thức phát lộc cho các Phật tử. Thay vì xếp hàng trật tự nhận lộc, nhiều người đã tranh giành, cố gắng cướp lộc từ người khác, tạo cảnh hỗn loạn nơi tôn nghiêm. Một số người thậm chí cố giằng lấy miếng ngọc buộc chỉ đỏ từ tay nhà sư.

Du khách tranh lộc tại hội chùa Hương
 
 

Du khách tranh lộc tại hội chùa Hương.

4. Hội Phết

Hội Phết Hiền Quan là lễ hội của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng giêng âm lịch, trong đó ngày chính hội là ngày 13. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc, và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Trong các nghi thức, "cướp Phết" là điểm chính của lễ hội. Theo quan niệm của người dân nơi đây, nếu ai giành được quả Phết hay chỉ cần chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn. Vì thế, không ít thanh niên trai tráng trong làng đã liều lĩnh xông vào giành bằng được quả Phết, bất chấp cả đổ máu. Nhiều người do không đủ thể lực để bám trụ đến phút cuối đã ngất xỉu.

"Vỡ trận" tại hội Phết Hiền Quan
 
 

"Vỡ trận" tại hội Phết Hiền Quan.

5. Lễ hội Đúc Bụt

Hội Đúc Bụt diễn ra vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Tương truyền, nếu ai giành được manh chiếu hay chỉ cần nhặt được vài sợi chiếu ở sân đền vào ngày hội thì sau này sẽ sinh được con trai. Tin vào quan niệm này, mỗi năm, hàng ngàn người dân đã lao vào tranh cướp nhau từng mảnh chiếu, dẫn đến xô xát, va chạm.

Lễ hội Đúc Bụt
 
 

Toàn cảnh về lễ hội Đúc Bụt.

6. Lễ hội đền Gióng

Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời, nên hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, dân làng nơi đây mở hội linh đình tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.

Lễ hội đền Gióng tại Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với các nghi lễ truyền thống như: khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng. Tuy nhiên, điểm nhấn của hội Gióng mấy năm gần đây lại nằm ở phần tranh cướp hoa tre và trầu cau lấy may của người dân tham dự lễ hội. Bất chấp sự có mặt của cán bộ công an, hàng nghìn du khách vẫn thản nhiên lao vào giành giật hoa tre với quan niệm càng cướp được nhiều lộc thì càng may mắn.

Hàng trăm người giẫm đạp nhau cướp lộc tại hội Gióng
 
 

Hàng trăm người giẫm đạp nhau cướp lộc tại hội Gióng.

7. Lễ hội Rước cây bông

Lễ hội Rước cây bông diễn ra vào mùng 7 tháng giêng âm lịch tại xã Đồng Thịnh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là lễ hội gắn liền với địa danh đền Thượng thờ đức thánh Tản Viên Sơn, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.

Cây bông là biểu tượng chính của lễ hội, cũng là thứ khiến hàng trăm người dân nơi đây không quản vất vả, mệt nhọc chen lấn, giằng co để cướp bằng được mỗi mùa lễ hội.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Nho, Trưởng ban tổ chức: "Quan niệm dân gian, nếu ai cướp được cây bông hay chỉ cần chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ".

Tranh cướp, giẫm đạp để lấy lộc tại lễ hội ở Vĩnh Phúc
 
 

Tranh cướp, giẫm đạp để lấy lộc tại lễ hội ở Vĩnh Phúc.

Alexandra V

Bình luận
Ý kiến của bạn