Kênh Fox News (Mỹ) vừa phát sóng bộ phim tài liệu gồm 3 tập mang tên Scandalous: The Death of Marilyn Monroe. Nội dung tái dựng lại những cảnh quay chưa từng công bố trong những năm 1950 và 1960, tập tài liệu bí mật của FBI, hồ sơ chính thức của vụ án và những cuộc phỏng vấn với các nhà viết tiểu sử. Tác phẩm này đưa người xem vào sâu trong cuộc sống đầy biến động của người phụ nữ nổi tiếng nhất nước Mỹ cùng cái chết từng gây chấn động thế giới cho đến ngày nay.
Trailer về phim tài liệu 'Scandalous: The Death of Marilyn Monroe' của Fox News.
Rạng sáng 5/8/1962, cơ thể vô hồn Marilyn Monroe được phát hiện bên cạnh những chai thuốc ngủ rỗng. "Bomsex tóc vàng" của Hollywood đã chết ở tuổi 36. Trước khi cảnh sát được gọi tới, ngôi nhà gỗ của cô xuất hiện những nhân vật với những câu chuyện không nhất quán với nhau, châm ngòi cho những thuyết âm mưu bí ẩn.
Người quản gia của Marilyn Monroe - Eunice Murray - ngủ tại nhà của ngôi sao điện ảnh vào đêm 4/8. Khi bà thức giấc vào lúc 12 giờ sáng, đèn phòng ngủ Marilyn vẫn mở. Quản gia gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy động tĩnh gì liền hốt hoảng gọi tên Marilyn.
Ít phút sau, bác sĩ tâm lý của Marilyn - Ralph Greenson xuất hiện. Khi trèo qua cửa sổ vào phòng, ông phát hiện nữ diễn viên trần truồng dưới tấm ga trải giường, tay nắm chặt ống nghe điện thoại. Ông bình tĩnh gọi Murray và nói: "Cô ấy chết rồi".
Cạnh giường ngủ là vô số chai thuốc. Greenson tiếp tục gọi cho bác sĩ riêng của Marilyn - ông Hyman Engelberg. 4 giờ 30 sáng, Hyman Engelber gọi điện cho cảnh sát, thông báo về cái chết của ngôi sao nổi tiếng nhất Hollywood.
Vào lúc mặt trời mọc, căn nhà số 1230 đường Fifth Helena, Brentwood (bang California, Mỹ), đã tràn ngập phóng viên. Thi thể của Marilyn Monroe được đưa đến văn phòng cảnh sát Los Angeles. Báo cáo ban đầu cho hay, máu của nữ diễn viên chứa thuốc ngủ Chloral hydrate và gan của cô có chất Nembutal. Nhân viên điều tra phán quyết rằng cái chết của Marilyn Monroe "nhiều khả năng là một vụ tự tử".
Nhiều người bạn trong giới Hollywood của Marilyn Monroe khẳng định rằng vụ tự tử chỉ là cái cớ che đậy, rằng cô thực sự đã bị sát hại. James Bacon - cây viết bình luận điện ảnh từng gặp Marilyn vài ngày trước khi chết, nói rằng tinh thần cô rất phấn chấn. "Tôi biết cô ấy thường uống thuốc an thần vào buổi tối nhưng cô ấy không hề suy sụp. Cô ấy sắp đi Mexico. Cô ta có bạn trai tại đó. Tôi quên mất tên anh ta. Đây là ngôi nhà đầu tiên mà cô ấy sở hữu. Cô ấy sắp mua ít đồ đạc", anh nói.
Một người bạn khác của nữ diễn viên - Pat Newcomb - cho biết đã ở với Marilyn Monroe vào một ngày trước khi chết và họ đã lên kế hoạch đi xem phim vào ngày hôm sau. Thời điểm đó, Marilyn ở trong tình trạng thể chất lẫn tâm lý vô cùng khỏe mạnh.
Chồng cũ của Marilyn Monroe - Joe DiMaggiom - cũng tin rằng cô không có lý do gì để tự tử. Marilyn hào hứng vì được trở lại phim trường Something Got to Give, cũng như đang tranh giành một kịch bản phim mới với Elizabeth Taylor.
Theo những người thân của Marilyn, cô không có biểu hiện gì bất thường trước cái chết đột ngột. Cô dành cả buổi chiều để điều trị tâm lý với bác sỹ riêng Greenson. Ông Greenson cho biết, sức khỏe của Marilyn hôm đó cũng có đôi chút khó chịu vì thiếu ngủ.
Sau gần 60 năm, lần đầu tiên bức ảnh chụp thi thể Marilyn Monroe tại nhà xác sở cảnh sát Los Angeles được công bố trong phim tài liệu 'Scandalous: The Death of Marilyn Monroe'.
Sĩ quan Jack Clemmons thuộc Sở cảnh sát Los Angeles (LAPD) là người đầu tiên đến nhà Marilyn Monroe - nơi cô được tìm thấy đã chết vào sáng sớm ngày 5/8/1962. Ông tin rằng nữ diễn viên không hề tự tử.
Trong Scandalous: The Death of Marilyn Monroe, bộ phim đã nhắc lại những hồi ức của Jack Clemmons về cái chết chấn động, theo lời kể của Gary Vitacco-Robles - tác giả cuốn sách Icon.
Đối với một viên cảnh sát dày dạn kinh nghiệm như Jack Clemmons, có quá nhiều điểm bất hợp lý nếu coi đây là một vụ tự tử bằng thuốc ngủ. Những người uống thuốc ngủ tự tử thường chết trong tư thế co quắp vì những đau đớn gây ra bởi quá trình nôn mửa và co giật. Trong khi đó, chỉ cần quan sát sơ bộ cũng có thể thấy Marilyn Monroe chết trong tư thế hai chân duỗi thẳng và đang gọi điện thoại.
Trong phòng ngủ, cảnh sát phát hiện nhiều lọ thuốc rỗng trên bàn nhỏ phía đầu giường.
Khám nghiệm tử thi cho thấy Marilyn chết vì ngộ độc cấp tính với Chloral hydrate và Nembutal - hai loại thuốc an thần cực mạnh. Nhưng theo sĩ quan Clemmons, trong phòng ngủ không có cốc nước nào. Điều kỳ lạ, bức ảnh cảnh sát chụp tại hiện trường sau đó lại xuất hiện một chiếc cốc, được cho là đồ lưu niệm mà Marilyn đã mua ở Mexico.
Khi ông đến, bà quản gia Eunice Murray cũng đang vội vã giặt thứ gì đó trong máy giặt. Theo lời khai, quản gia và các bác sĩ riêng phát hiện Marilyn Monroe chết lúc 12 giờ sáng. Nhưng đến 4 giờ 30, cảnh sát mới được báo tin. Trong suốt thời gian đó, điều gì đã xảy ra?
Ngoài ra, còn có một điểm đáng ngờ, đó là một loạt thư từ, giấy tờ trong tủ hồ sơ, máy rửa bát, máy sấy... của Marilyn Monroe đột nhiên biến mất. Cuốn băng ghi âm nội dung các cuộc đàm thoại 3 tiếng trước khi chết và một phần sổ điện thoại của Marilyn Monroe cũng không cánh mà bay. Jack Clemmons cho rằng hiện trường đã bị dàn dựng.
Theo Scandalous: The Death of Marilyn Monroe, Clemmons đã cố gắng đưa ra những nghi ngờ về vụ án Marilyn Monroe. Những tuyên bố của ông trở thành nguồn cảm hứng trong những cuốn sách, những bài báo phân tích cái chết của nữ diễn viên đình đám.
Vào năm 1982, khi hồ sơ điều tra cái chết Marilyn Monroe được Văn phòng công tố Los Angeles lật lại, Jack Clemmons được xem là nhân chứng quan trọng. Tuy nhiên, uy tín của ông lại bị đặt dấu hỏi. Năm 1960, Clemmons từng bị thôi việc ở LAPD, sau khi cùng ba người cộng sự tố cáo Thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa Thomas Kuchel có hành vi tình dục đồng tính luyến ái.
Trong cuốn sách Marilyn's Last Words: Her Secret Tapes and Mysterious Death của Matthew Smith, công tố viên John Miner - người trực tiếp tham gia quá trình giám định pháp y tử thi của Marilyn Monroe tiết lộ: trong dạ dày Marilyn Monroe có thuốc ngủ, nhưng không nhiều. Điều đáng chú ý là hàm lượng Barbiturate trong máu của cô quá cao (4,5%, đủ để giết chết 3 người). Barbiturate là thành phần chủ yếu của thuốc rửa ruột. Vào những năm 1960, rất nhiều nữ minh tinh Hollywood đắm chìm trong Barbiturate vì nó mang lại khoái cảm tình dục. Nhưng chất hóa học này khi vào cơ thể được hấp thụ rất nhanh, nếu quá liều lập tức dẫn đến hôn mê. Do đó, về căn bản, Marilyn Monroe không thể tự mình tiếp tục nạp thêm một lượng Barbiturate nhiều đến vậy trong tình trạng bị hôn mê. Rất có thể lượng Barbiturate trong cơ thể Marilyn đã được đưa vào qua đường tiêm. Nhưng ai là người thực hiện?
Marilyn Monroe từng có cuộc tình tay ba với anh em nhà Kennedy vào năm 1962.
Kể từ khi Marilyn trở thành tình nhân của Tổng thống Mỹ John F.Kennedy, FBI đã theo dõi mọi hoạt động của cô. Những tài liệu liên quan đến Marilyn đã góp phần không nhỏ trong quá trình tìm hiểu về cái chết, đặt ra những nghi ngờ một âm mưu đen tối mà ở đó cô đào tóc vàng trở thành nạn nhân. Theo những cuốn sách nghiên cứu về vụ án, bao gồm cả tập tài liệu chưa được chứng thực của FBI, những nhân vật bị nghi ngờ tham gia vào âm mưu sát hại Marilyn Monroe gồm: anh em cựu tổng thống Mỹ John Kennedy, đạo diễn Peter Lawford, bác sĩ tâm lý Ralph Greenson và nữ quản gia Eunice Murray.
Bác sĩ Ralph Greenson.
RALPH GREENSON
Trong cuốn sách The Murder of Marilyn Monroe: Case Closed, hai tác giả Jay Margolis và Richard Buskin đặt ra giả thuyết về người tự tay tiêm thuốc độc vào cơ thể Marilyn là bác sĩ Ralph Greenson. Tương tự, cuốn sách Marilyn's Last Words: Her Secret Tapes and Mysterious Death cũng nhắc đến nhà tâm thần học Ralph Greenson, cho rằng ông có thể đóng một vai trò nào đó trong cái chết của Marilyn.
Nhân viên cấp cứu James E. Hall - người đã có mặt tại ngôi nhà của Marilyn Monroe trong ngày định mệnh - cũng cho rằng đây là một vụ ám sát. Chính mắt ông đã nhìn thấy bác sĩ điều trị tâm lý cho Monroe - bác sĩ Greenson - đã tiêm cho cô một mũi thẳng vào tim, tiêm mạnh đến nỗi khiến một chiếc xương sườn bị chấn thương suýt gãy.
Nhiều nguồn tin từng nhắc về cuộn băng ghi âm của Marilyn Monroe với Ralph Greenson, thực hiện vài ngày trước khi cô chết. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa xác định được những cuốn băng trên có thật không. Ralph Greenson chỉ cho công tố viên John Miner nghe năm 1962, sau khi vị đại diện của pháp luật hứa không bao giờ tiết lộ nội dung. Có thể Greenson đã huỷ tất cả trước khi qua đời năm 1979.
Một giả thuyết đặt ra rằng Greenson giết hại Marilyn vì ông cũng có quan hệ tình cảm với nữ diễn viên. Nếu sự việc bị bại lộ thì uy tín và sự nghiệp của ông sẽ bị phá hủy.
Trong khi đó, một giả thuyết khác nghi ngờ vị bác sĩ này thực hiện theo mệnh lệnh của anh em tổng thống Mỹ. Tháng 8/1962, phóng viên ảnh William Woodfield của tờ New York Herald Tribune đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Ralph Greenson qua điện thoại. Ông Ralph Greenson đã phải rất khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi do phóng viên William Woodfield đưa ra. Cuối cùng, không chịu nổi, vị bác sĩ này đã phải oà lên: "Tôi không thể giải thích hay biện minh điều gì cả. Tôi không thể tiết lộ điều tôi không muốn. Hãy hỏi Robert Kennedy!".
Eunice Murray (trái) và Marilyn Monroe.
EUNICE MURRAY
Nữ quản gia là một trong những nhân chứng phát hiện Marilyn qua đời. Tuy nhiên, lời khai của bà không nhất quán, có nhiều thay đổi. Ban đầu, bà nói rằng mình tỉnh giấc lúc 12 giờ sáng ngày 5/8, nhưng sau đó đổi lại thành 3 giờ sáng.
Trong ngày Marilyn Monroe qua đời, Eunice Murray cũng được cho là đã mang vứt rất nhiều rác. Bà đã hành động kỳ lạ và thường xuyên lảng tránh câu hỏi của các nhân viên điều tra. Dù là một nhân chứng quan trọng, nhưng sau đó, Murray đã đi du lịch đến châu Âu và không bị triệu tập để lấy lời khai.
Năm 1985, trong lần trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh), khi nhóm làm chương trình thu dọn máy móc chuẩn bị ra về, quản gia Eunice Murray (lúc này đã 83 tuổi) ôm đầu khóc nấc lên: "Tại sao đến tuổi này rồi mà tôi vẫn còn phải che giấu điều đó? Tình hình khó khăn đến nỗi những người bảo vệ ông Robert phải bước vào để bảo vệ".
Nhiều người tin rằng bà Murray đã bị mua chuộc. Đó là giả thuyết làm sáng tỏ nguồn tài chính cung cấp cho 3 lần du lịch châu Âu của bà Murray vào thời kỳ đầu những năm 1960. Một người giúp việc liệu có nhiều tiền đến thế?
Peter Lawford (trái) và Robert F.Kennedy.
PETER LAWFORD - ROBERT KENNEDY - JOHN KENNEDY
Theo cuốn sách The Life And Curious Death Of Marilyn Monroe của Robert Slatzer xuất bản năm 1974, đời tư phức tạp của Marilyn chính là nguyên nhân đẩy cô vào vòng nguy hiểm.
"Biểu tượng sex" của điện ảnh Mỹ từng là tình nhân bí mật của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - John Kennedy. Sau một thời gian qua lại, John Kennedy liền nghĩ cách thoát khỏi Marilyn bằng cách "tác hợp" cho em trai là Robert Kennedy. Từ đó, Marilyn Monroe trở thành tình nhân của Robert. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau Robert Kennedy bắt đầu tỏ ra hờ hững với ngôi sao điện ảnh. Bị hai anh em tổng thống Mỹ bỏ rơi, Marilyn trở nên giận dữ.
Một vài ngày trước khi qua đời, cô đã nói với nhà văn Robert Slatzer rằng "Nếu Bobby (tên gọi thân mật của Robert Kennedy - PV) tiếp tục xa lánh tôi, tôi sẽ mở một cuộc họp báo và công khai tất cả". Lo sợ cô sẽ tiết lộ những bí mật chính trị không hay, bao gồm những vụ đi đêm với các băng đảng xã hội đen trong lần tranh cử tổng thống năm 1959, hai anh em nhà Kennedy đã lên kế hoạch loại bỏ Marilyn.
Trong cuốn ghi chép của Slatzer, nhà văn quá cố này tiết lộ Bobby đã đến thăm tình nhân vào ngày cô qua đời và đã qua đêm tại nhà của người em rể Peter Lawford - một vị đạo diễn phim có mối quan hệ thân thiết với Marilyn. Theo giả thuyết, trước khi Marilyn Monroe chết không lâu, Peter Lawford đã tới nhà John Kennedy ở Massachusetts, vài ngày sau quản gia Eunice Murray cũng có mặt tại đây và vé máy bay của hai người đều do nhà Kennedy chu cấp.
Peter Lawford là người theo dõi kế hoạch sát hại Marilyn. Ông có mặt ở căn hộ tại Brentwood nhằm đảm bảo hai đồng phạm là Ralph Greenson và Eunice Murray thực hiện mọi chuyện diễn ra như kế hoạch. Những năm sau này, Peter Lawford được cho là rất dằn vặt về tội lỗi mình đã gây ra.
Hai nhà báo điều tra Jay Margolis và Richard Buskin cũng có những giả thuyết tương tự trong cuốn sách The Murder of Marilyn Monroe: Case Closed. Họ nghi ngờ cuộc điện thoại cuối cùng của Marilyn là một chi tiết quan trọng, nhưng ai là người đã nói chuyện với cô khi đó, vẫn là bí ẩn. Cái chết nhìn như tự sát của Marilyn thực ra là một vụ giết người tinh vi, để nữ diễn viên phải ôm các bí mật động trời xuống mồ.
Trong thời điểm cô chết, hàng loạt những điều kỳ lạ cũng xảy ra trong căn hộ riêng tại Brentwood. Nhiều vật dụng cá nhân của cô bỗng dưng biến mất, trong đó có cuốn nhật ký và cuốn sổ tay ghi chép. Đây là cuốn sổ ghi lại rất nhiều bí mật mà Marilyn biết, trong đó có chứng cứ phạm tội của nhiều nhân vật thế lực thời điểm bấy giờ. Bên cạnh đó, những tài liệu mật của FBI trong thời gian theo dõi Marilyn Monroe cũng chưa từng được công bố trọn vẹn. Năm 2012, hãng tin AP yêu cầu FBI giải mật hồ sơ, nhưng cơ quan này cho biết toàn bộ tài liệu về Marilyn Monroe đã "không cánh mà bay". Ngoài ra, còn rất nhiều giả thuyết về các thế lực xã hội đen liên quan đến cái chết của nữ minh tinh huyền thoại.
Người ta cho rằng, sự biến mất kỳ lạ những cuốn nhật ký, những cuốn băng ghi âm hay những tập hồ sơ, là vì có sự nhúng tay của Nhà Trắng, nhằm ngăn chặn những bê bối ảnh hưởng tới Tổng thống John F. Kennedy.
Đám tang của Marilyn Monroe.
Đám tang của Marilyn Monroe được tổ chức ngày 8/8/1962 tại nhà thờ Công viên nghĩa trang Westwood, phía Tây Los Angeles. Chỉ có 25 người được phép tham dự. Giây phút từ biệt mọi người, Marilyn nằm trong chiếc quan tài bằng đồng, lót trên tấm vải satin màu rượu sâm banh. Ngôi sao huyền thoại mặc chiếc váy Pucci xanh, tông xuyệt tông với khăn quàng chiffton xanh lá cây. Trong tay Marilyn Monroe là một bó hoa hồng màu hồng trà, món quà từ DiMaggio, người đã thức nguyên đêm để trò chuyện và canh thi thể cô. Cuối lễ tang, bài hát Over the Rainbow được bật lên.
Marilyn Monroe sẽ không bao giờ thực sự nghỉ ngơi trong bình yên. Cuộc sống và cái chết của cô sẽ mãi mãi trở thành một câu chuyện biểu tượng cho ngành công nghiệp giải trí. Đằng sau sự hào nhoáng và quyến rũ giống như cổ tích, Hollywood là nơi tồn tại những căn bệnh trầm cảm, nghiện ngập, lạm dụng và cả những bí ẩn, ngờ vực.
Như lời kết của tác giả Keith Badman trong cuốn sách Marilyn Monroe: The Final Years: "Tôi thực sự hy vọng rằng, một ngày nào đó từ "có thể tự tử" trong hồ sơ vụ án Marilyn Monroe, sẽ được sửa thành "tai nạn". Cô ấy xứng đáng với điều đó. Cô ấy không đáng phải nhận những sự sỉ nhục mà một vụ tự tử mang lại". Sau gần 6 thập kỷ, nước Mỹ vẫn cần câu trả lời.