Tâm Bùi: 'Khó thở, mệt lả và ngất xỉu để chụp được những tấm ảnh để đời'

Tâm Bùi là nhiếp ảnh gia 8x từng gây sốt mạng xã hội với nhiều bộ ảnh cảm xúc như Gà trống, Gà mái, Daydreamers… Cuộc sống của những con người "đặc biệt" hiện lên dưới ống kính của chàng nhiếp ảnh trẻ gần gũi.

Tâm Bùi được nhiều người gọi với danh là travel blogger bởi những chuyến hành trình đến với những vùng đất mới. Anh từng đi Ấn Độ, Myanma, Nepal… Những trải nghiệm, cảm xúc suốt 4 năm bỏ việc rong ruổi khắp nơi được anh đúc kết trong cuốn sách Bụi đường tuổi trẻ được nhiều người trẻ đón nhận.

Chàng nhiếp ảnh mộng mơ thích trải nghiệm

- Anh từng trải qua khoảng thời gian tuyệt vọng và vượt qua nó như thế nào?

- Tuổi trẻ của tôi luôn chật chội và cái gì cũng thiếu. Tôi từng băng mình vào những mối tình không lối thoát, có đau khổ, thổn thức... Rồi có thời điểm tôi nằm trong bệnh viện với sự căng thẳng, mệt mỏi, suy nhược… Con người tôi thời điểm đó như một sa mạc, sống thu mình vào những khoảng trống riêng.

Sau gần một năm tự trị liệu, tôi bắt đầu thấy nhẹ nhàng và nhìn cuộc sống tích cực hơn. Tôi nghĩ nên yêu bản thân mình trước. Tôi muốn làm một người kể câu chuyện đời sống bằng ngôn ngữ của hình ảnh với chiếc máy ảnh gắn bó bấy lâu nay.

Tôi lang thang đến mọi ngóc ngách, lượm lặt những câu chuyện bên lề cuộc sống từ bé đến lớn. Tôi bỏ công việc văn phòng sau đó và dẫn thân sâu hơn vào nhiếp ảnh. Những bộ ảnh về ông bố đơn thân, mẹ đơn thân, cặp đôi đồng tính… đã đưa tôi bước sang một trang mới của cuộc đời.

Tôi gọi ngủ mê là khoảng thời gian tôi chưa nhận thức được mình làm phải làm gì, công việc gì khiến mình say mê và dẫn thân. Thật may, tôi đã thức tỉnh ở thời điểm đẹp nhất đời người: Vừa qua tuổi đôi mươi… Tôi nghe máu nóng chảy ran trong người khi ai đó nhắc đến nhiếp ảnh và những chuyến phưu lưu.

Tâm Bùi

- Gọi anh là nhiếp ảnh gia mộng mơ hay phưu lưu thì sẽ đúng bản chất hơn?

- Tôi thấy cả hai đều đúng. Tôi thích những ý tưởng bay bổng, lãng mạn. Nhiều người chọn cách khám phá những dãy núi cao hay tới Bắc cực chẳng hạn nhưng tôi muốn đi và trải nghiệm, khám phá đời sống văn hóa của quốc gia nhiều hơn.

- Giá trị sống anh thấy mình tạo ra được sau nhiều năm xách ba lô lên và đi là gì?

- Sau mỗi chuyến đi tôi thấy không có gì là đủ và thỏa mãn bản thân. Một khi đã không biết thì thôi, khi dẫn sâu rồi mới thấy thế giới bao la, thấy đi chừng nào cũng không đủ.

Tôi tạo ra cảm hứng sống cho riêng mình. Tôi làm bằng đam mê, không bao giờ thấy mệt mỏi. Một công việc mình thích nó khác với một công việc làm cho có.

Với người khác, khi nhìn vào tôi họ chia sẻ có thêm chút cảm hứng, muốn lên đường, yêu cuộc sống nhiều hơn… Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

- Anh đi nhiều để thỏa mãn hay để kiếm được tiền?

- Tôi đã thử rất nhiều cách và nhận ra khi đặt trải nghiệm lên trên hết thì những điều khác sẽ thành công theo.

- Cảm hứng nhiếp ảnh của anh thường đến như thế nào?

- Tôi thích chụp ảnh nghiêng về những câu chuyện đời sống nhiều hơn. Mình có thể kể về cuộc đời của một người "đặc biệt" như bộ ảnh bố đơn thân, mẹ đơn thân hay cặp đôi đồng tính tôi từng thực hiện. Những lúc đó, cảm xúc của tôi thường dạt dào hơn cả.

Sắp tới, tôi muốn đến những vùng đất mà mọi người gọi đó là hạnh phúc. Tôi muốn đến Butan, thăm thú những thảo nguyên ở Mông Cổ hay đến với Nhật Bản... để xem họ có thật sự hạnh phúc như nhiều người vẫn nhắc tới.

Tuổi trẻ và những vết bụi đường ý nghĩa

- 'Bụi đường tuổi trẻ' của anh được thai nghén trong quá trình đi và trải nghiệm như thế nào?

- Tôi có 3 năm trên chuyến hành trình tới với nhiều nước ở châu Á. Mỗi một nơi đi qua đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Cứ sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình còn quá bé nhỏ. Vì thế, tôi lại có động lực hơn để thực hiện những chuyến đi kế tiếp.

Mỗi nơi tôi đặt chân qua đều có đến hàng nghìn bức ảnh được ghi lại. Tôi được sống trong những cảm xúc, trải nghiệm khác nhau từ Ấn Độ qua Myanmar hay đến với đất nước Trung Hoa rực rỡ… Tôi không xem đây là cuốn cẩm nang chỉ cho bạn trẻ cách đi du lịch chi tiết như thế nào. Ở Bụi đường tuổi trẻ có cảm xúc, hồi tưởng của tôi nhiều hơn. Khi đọc nó, tôi chỉ mong bạn có thể tìm được một chút cảm hứng nào đó về du lịch mà thôi.

- Hành trình 3 năm đó, câu chuyện nào khiến anh tâm đắc nhất?

- Đó là quãng thời gian tôi đặt chân đến vùng đất Trung Hoa và tìm đến với một ông cụ sống trên dòng sông Li. Tôi từng đọc được một bài báo nước ngoài nói rằng ở đây có những ông cụ làm nghề đánh bắt cá trên sông, tuổi thọ của nghề cũng đến cả 1.000 năm. Thế nhưng, con người giữ nghề này còn rất hiếm và rất sợ bị mai một.

Chuyến hành trình đi tìm ông già này mất rất nhiều ngày và cũng rất khó khăn. Khi đến nơi, được nghe đôi vợ chồng già kể về nhịp sống thường ngày của họ, tôi có được một bộ ảnh mà cá nhân mình rất tâm đắc. Chính câu chuyện đời sống của họ cộng với thiên nhiên trên con sông Li thơ mộng khiến tôi có cảm xúc rất mãnh liệt.

- 3 năm và những chuyến đi không nghỉ, anh từng đối mặt giữa ranh giới của sự sống và cái chết?

- Tôi không phải là người chọn đi du lịch mạo hiểm. Tôi chọn cách đi chậm, khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Một phần vì tôi thích chụp ảnh, một phần vì sức khỏe không tốt để chọn du lịch mạo hiểm.

Trong chuyến đi của tôi cũng từng có những phút giây đối chọi với thử thách về thời tiết hay đối mặt với việc ngất xỉu. Chẳng hạn như lần đặt chân đến Tso Morriri (hồ nước trên núi cao Ấn Độ, cao 4.522 so với mặt nước biển). Thời tiết mùa đông lạnh buốt giá. Chúng tôi khó thở, mệt lả, thậm chí đã ngất xỉu.

Tối đó sau khi dùng bữa xong, không khí thật nặng nề và ảm đảm. Một anh trong đoàn bất tỉnh, cần thở oxy. Chúng tôi chia hai phòng ngủ chung với nhau vì chỉ có hai chiếc bình oxy. Đêm dài và tĩnh mịch. Do uống nước nhiều nên tôi phải đi vệ sinh liên tục. Mà phải đi vệ sinh trong thời tiết lạnh như băng và tối tăm như vậy quả là một cực hình. Tôi nằm trong bóng tối đặc quánh, trùm mền lên tận mặt. Cơn khó thở ngày một đến gần hơn, rõ rệt hơn bao giờ hết. Tôi vật lộn với chính mình, tập lối thở sâu và chậm của yoga để lấy nhiều oxy nhất có thể. Tôi bắt đầu mệt lả như mắc kẹt trong khe núi, bức bối không lối thoát.

Tâm Bùi

- Bụi đường mà anh nhắc đến được hiểu là cách đi du lịch bụi và sống bụi?

- Không. Nó được hiểu là những kỷ niệm trên đường trong những năm tháng của tuổi trẻ. Tôi ví những dấu chân mình đi qua, những trải nghiệm mình có được là những hạt bụi, càng đi càng bám vào người. Tuy có dơ nhưng đó là một phần tuổi trẻ. Nếu không có nó tôi thấy mất đi một phần tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh nếu không nắm bắt cơ hội thì sẽ luyến tiếc.

'Du lịch kiếm được tiền nhưng không phải ai cũng làm được'

- Nhiều bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng bỏ công việc, đi du lịch trải nghiệm và có mong muốn trở thành một travel blogger. Là một người đi nhiều, anh nghĩ gì về "thực trạng" này?

- Với tôi, đi du lịch trải nghiệm là một điều tốt. Người đi sẽ phải ý thức được rằng mình đi vì mục đích gì, muốn có được gì sau chuyến hành trình. Mặt tích cực của việc xách ba lô lên và đi, nhiều người cùng có chung một sở thích sẽ tạo nên một trào lưu đi và trải nghiệm. Đi nhiều bạn sẽ khám phá được nhiều thứ, biết thế giới bên ngoài nó rộng lớn như thế nào.

Bên cạnh tích cực, tôi nhận thấy vẫn có nhiều bạn trẻ đi theo thành tích, số lượng, hình thức. Các bạn không đặt chất lượng chuyến đi đặt lên trên hết, thay vào đó đi theo trào lưu, đi để có hình chia sẻ Facebook, đi cho bằng bạn bằng bè...

- Nhiều người cho rằng công việc của một travel blogger kiếm được rất nhiều tiền, trên thực tế điều này đúng như thế nào?

- Đúng là công việc này có thể kiếm ra tiền và nhiều là đằng khác. Tôi tìm hiểu được biết, một travel blogger nổi tiếng ở Mỹ có thể được trả 90.000 đô cho một post trên Instagram. Đây là một số tiền đủ hấp dẫn để cho các bạn trẻ ấy muốn theo đuổi và gắn bó với nó.

Nhưng đó là ở nước ngoài và người ta làm việc một cách chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam thì chưa được vì công việc còn rất non trẻ. Về tinh thần chung thì có vẻ giống nhau nhưng cách thức và kết quả đạt được lại rất khác.

Đi du lịch có thể kiếm ra tiền nhưng đó là công việc đòi hỏi đam mê thật sự, kỹ năng và sự chuẩn bị tốt. Không phải cứ thích là làm và có thể kiếm được tiền từ đây.

- Vì kiếm được tiền từ công việc đi và khám phá nên anh sẵn sàng bỏ công việc để theo đuổi nó?

- Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là một travel blogger chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người thích đi và chụp ảnh và chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Khi tôi đăng những bức ảnh kèm chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người gắn cho tôi cái danh đó thì tôi mới hay biết. Tôi chỉ muốn được nhìn nhận là người làm công việc mình thích, làm thế nào để công việc ngày một tốt hơn và mang lại một chút gì đó về giá trị sống cho các bạn khác.

Tôi bỏ việc vì thấy nó không hợp với tính cách. Bản thân tôi là người thích khám phá, không thể trói buộc mình vào một công việc không phải là sở thích, sở trường. Tôi suy nghĩ rất kỹ và có sự chuẩn bị để lựa chọn cho mình hướng đi riêng.

- Chuyến đi đầu tiên của anh bắt đầu như thế nào và anh kiếm được tiền từ những chuyến đi đó ra sao?

- Tôi bắt đầu chuyến đi thật sự của riêng mình là tới nước Ấn Độ vào năm 2014. Lúc đầu đi, bản thân phải tự túc. Tôi thường đi rất dài ngày và trước đó tôi đã phải dành dụm tiền để đủ tiêu xài trong vòng một năm.

Sau một vài lần như thế, tôi có thêm nguồn thu nhập từ chính những bức ảnh mình chụp được. Tôi cộng tác với một số tạp chí, nhận viết review trên Facebook để có thêm tiền cho những chuyến đi tiếp theo…

Khi tôi có may mắn được nhiều người biết đến thì có thêm những nhãn hàng tài trợ. Tôi vừa đi vừa chụp sản phẩm của họ trên những miền đất tôi đặt chân đến.

- Với anh, những yếu tố nào để trở thành một tralver blogger?

- Travel blogger có nhiều hình thức như chụp ảnh, review thức ăn, nhà hàng khách sạn… Bạn cần chọn cho mình một cái tốt nhất và đầu tư vào đó. Một travel blogger cần có khả năng viết lách tốt. Dù bạn có khả năng chụp ảnh tốt nhưng cách truyền tải không có cảm xúc qua con chữ thì người khác sẽ hơi khó cảm nhận.

Bạn cần đầu tư thiết bị như máy chụp ảnh phù hợp, máy tính… Nói chung là tất cả những đạo cụ để bạn cho ra đời những sản phẩm đẹp để cuốn hút được người khác.

Bạn cũng phải biết chọn nền tảng Facebook, You Tube hay Instagram…để hoạt động. Nếu bạn thường xuyên quay clip, làm một vlogger thì YouTube luôn là sự lựa chọn số một.

Bạn cần chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt bằng cách rèn luyện nó bởi những chuyến hành trình sẽ không hề đơn giản như mọi người thường nghĩ.

- Anh nghĩ gì khi nhiều bạn trẻ khoe về khả năng đi du lịch giá rẻ (đi Mỹ 1 tuần hết 20 triệu) gây tranh cãi thời gian qua?

- Với thực tế tôi từng đi thì điều này hơi có chút "ảo tưởng". Nếu bạn có 5-6 triệu bạn có thể đi xuyên Việt được đấy nhưng đó là cách đi “hành xác” và thiếu an toàn. Đi Mỹ gần 1 tuần mà chỉ có 20 triệu đồng là rất khó.

Mức sống ở các nước ngoài Việt Nam thường cao hơn. Tôi từng đi Myanma thôi cũng đã hết 15 triệu, Nhật Bản hết khoảng 40 triệu, Tây Tạng khoảng 30 triệu... Tôi lựa chọn đi theo nhóm để tiết kiệm nhiều khoản chi phí như ở chung, đi xe chung, ăn chung…

Xem thêm các bộ ảnh của Tâm Bùi:

- Bộ ảnh ông bố 6 múi bên con trai 3 tuổi tinh nghịch

- Bộ ảnh 'thiên thần nhỏ' hạnh phúc bên hai ông bố điển trai

Tân Cao

Bình luận
Ý kiến của bạn