Thứ sáu, 28/6/2019, 15:24 (GMT+7)

Quyết tâm 'học giỏi, xây nhà to' của nữ sinh 18 năm sống với ông bà

Trong khi bạn bè tíu tít với bố mẹ, người chờ đợi Nguyễn Hương Ly (Mỹ Đức, Hà Nội) sau mỗi buổi của ba ngày thi tốt nghiệp THPT là ông ngoại, bên chiếc cub 81 đời cũ.

Cách Hà Nội hơn 50km, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngôi nhà nhỏ của em Nguyễn Hương Ly cùng ông ngoại Nguyễn Huy Thục (sinh năm 1942) và bà ngoại gồm hai gian, mái ngói phủ rêu xanh cũ kỹ. Trước hiên nhà, khoảng sân được láng sạch cạnh mảnh vườn nhỏ trồng các loại rau.

Đêm trước khi thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019, ánh đèn bàn học của Ly hắt sáng cả căn gác nhỏ được dựng bằng gỗ, rộng chừng 7 mét vuông. 

Hơn 2 giờ sáng, được bà ngoại thúc giục, em mới miễn cưỡng đi ngủ dù vẫn còn nhiều lo lắng cho bài thi văn sáng hôm sau. 6 giờ sáng ông gọi Ly dậy, nấu cho em bát canh mì rồi chở đến điểm thi tại trường THPT Mỹ Đức C cách nhà chừng 2km (trường cấp 3 em theo học không đủ điều kiện vật chất để trở thành điểm thi).

"Mọi lần đi thi, em run lắm, em lo từ lúc ở nhà đến khi thi xong cũng không bớt. Nhưng đợt này ông đưa đi thi, rồi ông đứng chờ ngoài cổng trường, em bình tĩnh hơn hẳn. Trên đường về nhà, ông liên tục hỏi em ăn gì, thích uống gì để ông nấu", Ly nói.

Không giống nhiều bạn bè được sống cùng bố và mẹ, sau biến cố của gia đình, một tuổi, Ly ở với ông bà đến tận bây giờ cũng được 18 năm. Khi quyết định nuôi đứa cháu mới chập chững biết đi, ông Nguyễn Huy Thục đã gần 60 tuổi.

Gia đình ông bà có 6 người con, mẹ Ly là con thứ ba, kể từ ngày mẹ đi làm xa rồi lập gia đình riêng, ông bà Thục một thân một mình nuôi cháu ăn học. Ngoài việc nấu rượu, nuôi lợn, bà Thục buôn vài lạng chè khô, thuốc lào... để có thêm đồng ra, đồng vào. Ông Thục kể, thời đó sữa đặc là đồ uống xa xỉ với gia đình ông. Nhà nghèo, cháu lại khát sữa, ông bèn ninh nhừ gạo, cho vào vải xô vắt nước để cháu ăn. Khó khăn chồng khó khăn.

Sinh hoạt theo lịch học của cháu

Nuôi 6 người con, chưa một ngày nghỉ ngơi, ông bà lại bận bịu chăm Ly. Từ họp phụ huynh đến những lần đưa đón đi học, rồi bữa cơm, giấc ngủ, quanh quẩn vẫn chỉ có ông bà.

Từ mẫu giáo đến khi hết cấp 2, Ly học trường gần nhà, ông Thục đưa đón cũng dễ. Năm lên lớp 10, khu vực gần nhà không có xe buýt, ông phải đưa Ly đi học. Ngày hè thì đỡ nhưng đến ngày mưa gió rét mướt, thấy cháu cố gắng đi học, ông cũng đội mưa, đội nắng đưa đón. Hôm nào cháu đi học tối, cứ 19h30, ông Thục mặc quần áo rồi lại dắt xe đi đón cháu. Cháu về, cả gia đình mới ăn cơm. Hai năm trở lại đây, gần nhà có xe buýt chạy qua, ông Thục lại đi bộ ra điểm dừng xe buýt để đón cháu, đều đặn ngày qua ngày. 

Hương Ly cùng ông ngoại.

"Có những hôm học 9 giờ tối, em nhắn ông bà ăn trước, nhưng ông bà cứ  đợi em về để ăn cơm cùng. Cứ đủ ba người rồi ông bà mới ăn", Ly tâm sự.

Từ ngày đi học cho đến giờ, chưa bao giờ ông bà Thục thấy cháu gái xin nghỉ, chỉ trừ đợt bà Thục nhập viện để mổ mắt, Ly mới xin nghỉ để vào chăm bà.

Cháu học, ông bà cũng nỗ lực thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt chỉ mong đến ngày cháu thi đỗ. Gần ba tháng trước kỳ thi, Ly mắc chứng hạch đa nang ở hai bên nách, thậm chí bác sĩ còn nghi ngờ em bị lao hạch. Hạch nổi to, đau rát mỗi khi bị cọ vào quần áo hay vùng da dưới cánh tay khiến em không thể viết bài. Nhiều lúc em vừa khóc vừa viết vì đau.

Bệnh tật đến vào chính giai đoạn ôn thi nước rút, Ly miễn cưỡng phải bỏ tham dự bài thi thử THPT quốc gia do Bộ tổ chức, dù em đã chuẩn bị cho đợt thi từ rất lâu. Đau đớn, tuyệt vọng, nữ sinh từng nghĩ cánh cổng đại học đã kép lại với mình. Thấy cháu như vậy, ông bà Thục lại dốc hết 3 triệu đồng còn lại trong gia đình để chạy chữa cho cháu. Sau thời gian chữa trị, Ly dần khỏi bệnh. 

'Học thật giỏi để xây nhà to cho ông bà'

Là học sinh giỏi môn tiếng Anh của THPT Mỹ Đức A với Ly, tiếng Anh là môn em yêu thích và tự tin nhất. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Ly đăng ký 6 nguyện vọng vào chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Đức của Đại học Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Khi hỏi về lý do lựa chọn chuyên ngành tiếng Anh, Ly tâm sự thật: "Bản thân em thấy học tiếng Anh rất hay, với em nghe người ta nói người học giỏi tiếng Anh có thể kiếm được nhiều tiền. Thế nên em càng muốn học để ông bà đỡ khổ".

Trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời, nhiều bạn trong lớp Ly đăng ký đi học thêm ở nhiều lò luyện thi nhưng em thì không. Ngoài việc học chính và học thêm trên trường (được miễn học phí), Ly tự học ở nhà rồi lên mạng tìm kiếm thêm các đề giải.Từ khi lên lớp 12, không hôm nào ông bà Thục thấy cháu ngủ trước 12 giờ đêm, có hôm em học đến sáng. Mỗi lần bất giác tỉnh giấc, bà Thục lại thấy ánh đèn vàng vẫn le lói ở căn gác nhỏ.

Không điều kiện như các gia đình khá giả, cách học của Ly có đôi phần đặc biệt hơn. "Em thích học trên gác xép, không có quạt thì càng tốt để mồ hôi tứa ra, hoặc em thường uống nước chè đặc để tinh thần tỉnh táo".

Nữ sinh tâm sự nếu đỗ đại học, em vừa vui lại vừa lo bởi, cả gia đình chỉ trông cậy vào 2 sào ruộng, ông bà cũng già rồi nên khi đi học xa, ai sẽ chăm sóc ông bà? Rồi còn tiền ăn học nữa.

Đại học, với Hương Ly, như một cánh cửa giúp em tiến gần hơn với các công việc kiếm ra tiền để ông bà sẽ bớt khổ. Em mơ ước xây cho ông bà một căn nhà hai tầng khang trang. Và hơn nữa, em còn mong được tổ chức lại một đám cưới thực sự cho ông bà. 

Ly nhớ như in câu chuyện bà kể ngày ông bà cưới nhau. Lúc ấy ông Thục đang đi bộ đội, chỉ xin về quê một ngày để tổ chức đám cưới đơn giản với bà. Sau hôm đó, ông trở về đơn vị gấp. Đó cũng chính là lý do cô cháu gái nuôi ước mơ được một lần tham dự đám cưới của ông bà. 

Trước quyết tâm của cô cháu gái nhỏ, ông bà Thục cũng chỉ cầu mong cháu thi đỗ để không phải khổ như ông bà. Nghĩ đến tình huống không may Ly trượt đại học, ông Thục tặc lưỡi: "Trượt thì làm cái khác, đâu có thiếu nghề đâu. Cứ tốt nghiệp xong là mừng rồi!".

Nhìn mảnh vườn trước sân, ông Thục giãi bày: "Nó tốt nghiệp xong là mình cũng 'tốt nghiệp' khóa nuôi dạy cháu. Nay tôi già rồi, sống nay đâu biết mai, nào có thể nuôi cháu mãi được". 

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ