Sáng 27/8, Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố phổ điểm theo 5 khối thi: Khối A (Toán, Lý, Hóa), khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối C (Văn, Sử, Địa), khối D1 (Toán, Văn, tiếng Anh) và khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh). Theo thống kê, điểm thi năm nay cao hơn hẳn so với năm 2019, với số lượng thí sinh trên 27 tăng mạnh.
Khối A và D có số lượng thí sinh trên 27 điểm tăng mạnh nhất so với năm 2019 (hơn 10 lần); tiếp đến là khối B, A1 và C tăng từ 6 -7 lần. Đặc biệt, năm nay có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong 9 môn thi, môn Ngữ văn ghi nhận hai học sinh đạt điểm 10 - lần đầu tiên sau hai năm không có thí sinh đạt 9,75 hoặc 10.
![]() |
So sánh số lượng thí sinh đạt 27 điểm trở lên trong năm 2019 và 2020. |
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19 chiều 27/8, Thứ trưởng Độ cho biết, năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn vì đề thi phù hợp với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và trong bối cảnh học sinh nghỉ học 3 tháng vì Covid-19. Điểm trung bình các môn thi vì vậy đều tăng 0,2-1,2 so với năm ngoái. Điểm 10 nhiều hơn, với hơn 5.500 (năm 2019 là 1.285), tập trung ở môn Giáo dục công dân.
Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018. Những vùng điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, truyền thống học tập tốt, tỷ lệ tốt nghiệp duy trì cao. Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức thành hai đợt, với hơn 900.000 thí sinh. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai ngày 2-4/9 dành cho hơn 26.000 thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang cách ly xã hội ở Quảng Nam và thí sinh diện F1, F2.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều là trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Thúy Quỳnh