Có nguồn gốc từ Trung Quốc, trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Tết Nguyên đán trở nên phổ biến ở khắp châu Á. Mỗi quốc gia có một nền văn hoá riêng, vì thế những phong tục trong ngày Tết của họ cũng khác. Hãy xem những món ăn của “hàng xóm” của chúng ta trong ngày Tết như thế nào nhé.
Trung Quốc: Vịt quay, cá nguyên ngon
Thời gian đón Tết của người Hoa khá dài, bắt đầu từ mùng 8 tháng Chạp âm lịch và kết thúc là Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng). “Cũng như người Việt, mọi người sẽ sum họp quây quần bên gia đình trong những ngày đầu năm. Người Hoa rất tâm linh nên mỗi món ăn của họ đều mang một ý nghĩa riêng”, Vĩnh An, THPT Nguyễn Hiền, quận 5, chia sẻ.
Món ăn ngày Tết của người Trung Hoa được xem là khá đa dạng, và mỗi món ăn đều có ý nghĩa độc đáo riêng.
![]() |
-Vịt quay Bắc Kinh : dùng kèm với nước chấm ngọt hoặc nước tương hoisin, ăn kèm với bánh kẹp hoặc bánh bao. Món ăn này là biểu tượng của lòng trung thành và sự tin cậy.
- Cá nguyên con : người Hoa quan niệm nên ăn nguyên con, chỉ chừa lại đầu và đuôi để tránh xui xẻo. Trong tiếng Trung Quốc, cá được phát âm như gần giống với sự giàu có, sung túc.
- Hàu : người Hoa xem hàu là món ăn của sự thịnh vượng, may mắn, doanh nhân ăn hàu sẽ phát đạt trong kinh doanh. Hàu được gói trong vỏ đậu phụ, dùng kèm với các loại rau củ khác nhau.
![]() |
- Sủi cảo : Món ăn đặc trưng thường thấy ở phố Hà Tôn Quyền. Mỗi phần sủi cảo bao gồm mì, hoành thánh, thịt bằm, tôm và rau các loại. Vởi người Hoa, ngày đầu năm đi ăn sủi cảo sẽ gặp nhiều may mắn, cả năm hạnh phúc và khoẻ mạnh, luôn lạc quan yêu đời vì tôm trong tiếng Trung Quốc được phát âm gần giống với âm thanh của tiếng cười.
Hàn Quốc: Súp Tteokguk
Người Hàn Quốc gọi Tết âm lịch là Seoullah và cũng là 3 ngày tết như Việt Nam. “Cũng giống người Việt, người dân Hàn Quốc xem Tết là thời điểm tĩnh lặng nhất nhìn lại một năm đã qua. Mọi người sẽ sum họp bên gia đình. Dù ở xa cỡ nào, mọi người cũng cố gắng thu xếp về nhà đoàn tụ”, Đan Thanh, du học sinh tại trường ĐH Daejeon, cho biết.
![]() |
“Ở Hàn Quốc, món ăn truyền thống là Tteokguk. Đây là món súp làm từ bánh gạo nấu với xương hầm, thịt bò, hành hoa và gia vị. Người Hàn Quốc quan niệm ăn món canh này sẽ giúp họ khoẻ mạnh, được thêm một tuổi và tránh xui xẻo cho gia đình suốt cả năm. Ngoài ra còn có thêm món Galbi jjim được làm từ xương sườn nấu cùng với rau củ quả như nấm, cả rốt, hạt dẻ, hạt bạch quả, củ cải ăn kèm với nước sốt làm từ đậu tương. Ý nghĩa của nó là cầu mong sự sung túc, thịnh vượng”, Đan Thanh nói thêm.
Mông Cổ: Các món làm từ sữa, bánh gạo
Người Mông Cổ gọi Tết âm lịch là Tsagaan Sar kéo dài trong 3 ngày. Cũng như người Việt, trước khi đón năm mới, người Mông Cổ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và giải quyết những gì còn tồn đọng lại trong năm qua.
![]() |
Món ăn truyền thống của người Mông Cổ trong năm mới thường không thể thiếu vắng các sản phẩm làm từ sữa, bánh gạo, nho khô. Ngoài ra, trên bàn thờ tổ tiên còn có tháp bánh ngọt Ul boov đặt cùng với thịt cừu nướng và thịt bò băm nhỏ. Người Mông Cổ quan niệm đây là những món ăn mang lại sự phồn thịnh và gặt hái thành công cho những mùa sau.
Philippines: Bánh gạo ngọt
Đây có thể xem là quốc gia có truyền thống Tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hoá châu Á. Đến năm 2012, chính phủ Philippines mới chính thức công nhận đây là một trong những ngày lễ lớn trong năm.
![]() |
Món ăn truyền thống của người dân Philippines là Tikoy (bánh gạo ngọt), được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước; sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Chính sự hoà quyện của các nguyên liệu nên Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.
Lào: Thịt gà và xôi nóng
Dù ngày tết cổ truyền của người Lào diễn ra vào tháng tư dương lịch nhưng tết âm lịch ngày đầu năm cũng được xem có ý nghĩa quan trọng không kém. “Ở đất nước chúng tôi, đây không phải là tết cổ truyền của dân tộc nhưng mọi người vẫn chuẩn bị mọi thứ chu đáo để chuẩn bị đón năm mới.”, Pavina Pa Thephithuck (quốc tịch Lào) chia sẻ.
![]() |
“Món ăn trong ngày tết ở đất nước chúng tôi là Lap (phiên âm như chữ Lộc của tiếng Việt - PV), được làm từ thịt gà hoặc thịt bò, trộn với gia vị cho thấm đều. Lap thường ăn với xôi nóng. Với những gia đình làm kinh doanh, món ăn này được chế biến rất công phu. Món ăn này mang ý nghĩa chúc may mắn đầu năm. Nhà nào được tặng nhiều Lap thì năm mới sẽ có nhiều tài lộc”, Pavina nói thêm.
Cambochia: Amok
Người Cambochia đón tết cổ truyền vào rằm tháng tư hàng năm, gọi là Chol Chnam Thamy. Đối với người Cambochia, họ gọi Tết âm lịch là một trong những dịp quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của năm mới mang đến những điều tốt đẹp.
Nhắc đến Cambochialà nghĩ ngay đến Amok - một trong những món ăn truyền thống được xem là linh hồn của đất nước Chùa Tháp. Vị ngọt thanh của thốt nốt, béo ngậy của nước dừa, nhẹ nhàng thoang thoảng của mắm bồ hóc hoà quyện với lá chuối.
![]() |
“Để làm món này cần có thịt gà, dừa còn nguyên trái và khượng (loại gia vị làm từ trái chúc, có vỏ sần sùi nhưng rất thơm trộn với củ ngải, riềng, nghệ, hành tím, tỏi, sã). Đây vừa là món ăn chơi, nhưng cũng đồng thời là món ăn chính của người Cambochia trong các bữa cơm. Món này đựng trong quả dừa, khi dùng phải ăn từ tốn để cảm nhận sự kết hợp của các gia vị đang hoà quyện với nhau”, Sophanith Thnay Khath (quốc tịch Cambochia) hướng dẫn.
Nhật Bản - Osechi Ryori
Từ năm Thiên Hoàng Minh Trị VI (1873), người Nhật đã chuyển sang Tết dương lịch như các nước phương tây. Dù thế nhưng cung cách chuẩn bị đón năm mới của người Nhật vẫn có nét giống với người Việt. Từ 25/12 (năm cũ) đến hết tuần đầu tiên của tháng giêng, người Nhật bắt đầu vui chơi. Sau đó, họ sẽ đón năm mới, mọi người đều được nghỉ ngơi trong một tuần.
![]() |
Món ăn ngày tết của người Nhật là Osechi Ryori buộc hầu hết mọi người phải dùng trong ngày đầu năm. Osechi Ryori là một hộp thức ăn đủ màu sắc với nhiều loại hải sản khác nhau. Món này có ý nghĩa giúp mọi thành viên trong gia đình sống sót qua những ngày đầu tiên của năm mới. Osechi Ryori được đựng trong các hộp sơn mài có nhiều ngăn và để ở nơi thoáng mát. Ngoài ra, những món ăn của người Nhật còn được gói trong chiếc khăn Furoshiki (một dạng tay nải) độc đáo để dành tặng bạn bè và khách đến chơi nhà.
Tiến Đạt (tổng hợp)
Ảnh minh họa: FB