Mỗi tiết học là một phong cách giảng dạy khác nhau của các thầy cô. Từng kiểu đối phó của teen cũng phản ánh cách các bạn ấy học như thế nào
Đọc - chép từng chữ
Có thể nói, đây là cách giảng bài mà teen phải quen từ khi học cấp 2. Không giống như tiết học chính tả của các em cấp 1 với mục đích rèn chữ đẹp và viết đúng chính tả, kiểu học đọc - chép được áp dụng nếu thầy cô thấy học sinh không hào hứng với giờ học, không tham gia xây dựng bài, uể oải, thụ động.
Với cách giảng và học khuôn mẫu như thế này, teen không phải lo chép thiếu bài hay không bắt kịp lời thầy cô giảng, do chỉ cần tập trung vào chép bài để vở sạch, chữ đẹp. Song, việc mắt nhìn vở, tai nghe và tay viết không hề đồng nghĩa với việc đầu óc tập trung suy nghĩ vào các vấn đề của bài học. Hệ quả là, có những teen tay chép nhưng đầu óc vẫn nghĩ vu vơ, và sau tiết học, rất lơ mơ về bài giảng của thầy cô, nếu không muốn nói là… quên sạch.
Đối với những teen lười, phản ứng về cách giảng dạy này sẽ là hí hửng, mừng rỡ vì không phải chuẩn bị bài trước, không phải xem lại bài sau giờ lên lớp, thậm chí có thể… không chép bài mà có thể đợi đến sát ngày thi mới học hoặc mượn vở bạn photo. Còn đối với những teen thông minh, sáng tạo và tích cực trong học tập thì đây lại là những tiết học “ru ngủ” nhất. “Tớ sẽ nghĩ rằng các thầy cô không nhiệt tình với việc dạy học nếu phải ngồi trong một tiết học như thế!” - Minh Tuấn (THPT Lê Quí Đôn) bày tỏ.
![]() |
Ảnh minh họa: Dương Ly. |
Giảng giải - tốc ký
Khác với kiểu đọc - chép 100% trên, cách giảng dạy này của thầy cô thể hiện sự quan tâm đến việc tiếp thu bài của học sinh. Trong quá trình giảng bài, thầy cô sẽ quan sát để đánh giá xem học sinh hiểu đến đâu, còn yếu ở chỗ nào để đi sâu hơn vào đó. Đồng thời, học sinh cũng không thể hoàn toàn thụ động, đợi chép mà phải theo dõi bài giảng để nắm được những ý chính, tốc ký vào vở. Việc theo dõi bài giảng đòi hỏi phải tập trung, điều đó giúp các bạn nhớ bài hơn nhiều so với kiểu học mơ hồ như trên. Song, nếu về nhà teen lười không xem lại bài, thì cũng dễ dàng quên những lời thầy cô giảng, những điểm chính yếu mà thầy cô nhấn mạnh trên lớp; chỉ còn có thể ngồi “gặm” những dòng chữ khô khan trong sách mà thôi.
Nhìn chung, cách học này quen thuộc với teen. “Tớ quen rồi và cảm thấy cách học như thế khá thoải mái, vừa tập trung mà lại không bị căng thẳng quá. Nhưng phải chú ý tới phần bài ghi trong vở. Vì tớ bị “tai nạn” một lần rồi. Tớ nghe thầy giảng thấy hiểu hết nên nghĩ là sẽ nhớ và không chép lại, cuối giờ thầy gọi mang vở để kiểm tra thì thấy vở… ít chữ quá nên tớ suýt bị phạt, may là vẫn chứng minh được rằng mình có nghe, có hiểu bài.” – Thùy Dương (THPT Đống Đa) chia sẻ.
Và… không giảng gì cả!
Xem nào, với cách giảng bài này, thầy cô sẽ không giảng theo Sách giáo khoa. Câu nói báo hiệu cho phong cách giảng bài kiểu này của các thầy cô là “Về tự đọc sách giáo khoa, nếu có thắc mắc thì lên lớp trao đổi” và “Cả lớp mình có thắc mắc gì nữa không?”. So với hai cách giảng bài trên thì cách này yêu cầu học sinh rất cao về tính chủ động trong việc thu nhận kiến thức.
Nếu bạn không đọc sách, sẽ không thể nắm được sách viết gì, cung cấp những nội dung gì, bố cục ra sao, và tất nhiên, sẽ không thể có phản hồi (đặt câu hỏi cho thầy cô hay trả lời câu hỏi mà thầy cô đưa ra) khi phải đối diện với thầy cô và nói về bài học. Phong cách giảng dạy này có thể không thích hợp lắm đối với teen cấp 3, nhưng đối với các bạn sinh viên thì không phải là chuyện lạ.
“Ngày xưa mình không thể theo được cách học này. Bài vở của các môn rất nhiều, nên nếu không biết sắp xếp để đọc trước bài ở nhà khó lắm. Dần dần, mình nhận ra được lợi ích của việc học có sự tương tác giữa thầy cô và học trò như thế. Học kiểu này thầy cô sẽ không mất thời gian nói lại những thứ đã có trong sách, mà chỉ tập trung vào giải thích những chỗ khó cho học sinh và mở rộng thêm kiến thức. Như thế mới thực sự hiệu quả!” – suy nghĩ của Thu Lan (HV Ngoại giao).
Mỗi thầy cô có một phong cách giảng bài khác nhau mà teen sẽ phải thích nghi. Song, hiệu quả của việc học tập đến đâu vẫn do bạn quyết định phần lớn. Và, cho dù có phải nghe một bài giảng không thú vị lắm thì, teen ơi, chăm chỉ, tập trung; tự tạo và duy trì hứng thú với môn học vẫn sẽ là bí quyết để đạt được những mục tiêu học tập của bạn đó.
Giang Thủy