Thứ tư, 23/12/2020, 11:43 (GMT+7)

Thân nhân 39 người Việt chết trong container: Nỗi đau và nợ nần đè nặng

Một năm đã qua, nỗi đau đớn và cả gánh nặng 'tiền phí' vay mượn cho chuyến đi vẫn đè nặng lên gia đình các nạn nhân.

39 người Việt bắt đầu hành trình đến với Vương quốc Anh tràn đầy hy vọng. Nhiều người dự định làm việc trong tiệm nail, nhà hàng. Họ nói với người thân mình đi để có thể lo cho gia đình một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng giấc mơ về một cuộc sống ở Anh vụt tắt trong chiếc xe tải nóng nực và tối tăm giữa hành trình định mệnh từ cảng Zeebrugge đến Purfleet, Anh vào ngày 23/10/2019.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường chiếc container chở 39 thi thể tại khu công nghiệp ở Grays, hạt Essex hồi tháng 10/2019. Anh. Ảnh: PA.

Các nạn nhân xuất phát từ Paris vào sáng 22/10/2019 và được chở bằng taxi đến một kho nông sản gần làng Bierne ở miền Bắc nước Pháp, nơi chiếc xe tải của Eamonn Harrison chờ sẵn. Một nhân chứng trong phiên tòa kể rằng bà đã nhìn thấy một số người di cư chạy ra khỏi nhà kho và leo lên phía sau xe tải.

Container này sau đó được Harrison đưa xuống cảng Zeebrugge-Bỉ để chuyển bằng phà sang cảng Purfleet, Anh - nơi tài xế Maurice Robinson đón họ vào khoảng 1h ngày 23/10/2019. 39 người ở bên trong thùng container đóng kín suốt 12 giờ. Công nhân làm nhiệm vụ dỡ container xuống khỏi phà nhận thấy có "mùi khó chịu" bốc ra từ bên trong.

Trong những khoảnh khắc cuối đời, nhóm người trên xe container cố gắng gây chú ý trong tuyệt vọng. Khi không khí cạn dần, một số người được cho là đã cố dùng gậy đập cửa tạo lỗ hổng để thông khí và cầu cứu. Một nạn nhân cố gọi đến đường dây nóng khẩn cấp của cảnh sát Việt Nam, nhưng không thành công. Những bản ghi âm tìm thấy trong 50 chiếc điện thoại thu thập từ cảnh sát cũng hé lộ nhiều lời trăng trối, từ biệt của nạn nhân với những người thân của họ. Lúc 7h37 phút, trong một tin nhắn gửi cho gia đình, anh Nguyen Tho Tuan (25 tuổi) nói: "Con xin lỗi. Con không thể chăm sóc được cho bố mẹ. Con xin lỗi, con xin lỗi. Con không thể thở được. Con muốn trở về với gia đình mình. Mọi người hãy sống tốt". Một phụ nữ chụp bức ảnh selfie trên điện thoại cho thấy cô đầm đìa mồ hôi. Công tố viên Bill Emlyn Jones nói: "Không có đường ra, và không có ai nghe thấy họ, không có ai giúp họ".

Các công tố viên nói rằng các nạn nhân chết ngạt trong chiếc container tối như mực, với nhiệt độ bên trong 38,5 độ C. Trong khoảng từ 22h đến 22h30, người ta tin rằng lượng khí carbon dioxide trong container đã đạt đến "ngưỡng độc hại".

Tài xế Maurice Robinson rời cảng Purfleet. Ảnh: PA.

Khi tài xế Maurice Robinson nhận được tin nhắn từ ông chủ hãng vận tải Ronan Hughes yêu cầu hắn dừng xe lại chỉ sau khi lái container rời cảng Purfleet được khoảng 6 phút, những người nhập cư đã ở bên trong hơn 14 giờ. Hughes nhắn "hãy nhanh chóng cho họ hít thở không khí nhưng đừng để họ ra ngoài". Robinson phản hồi bằng biểu tượng "nút like". Lúc này, những người bên trong đã tử vong từ lâu.

Hình ảnh từ CCTV được phát tại toà cho thấy Robinson mở cửa container trên một con đường vắng. Khi thấy cảnh tượng sốc, hắn ta lùi lại và đứng nhìn chằm chằm vào bên trong khoảng 90 giây.

Robinson gọi cho kẻ cầm đầu sau đó lái xe vòng quanh khu nhà, trước khi quyết định dừng lại lần nữa và gọi cấp cứu. Nhân viên trực tổng đài yêu cầu Robinson mô tả chính xác tình trạng của các nạn nhân bên trong container nhưng hắn ta nói không dám quay lại chiếc xe. "Thành thật mà nói, tôi thực sự không muốn nhìn vào bên trong đó", Robinson nói.

Vụ 39 thi thể người Việt: Tài xế gọi cho 'đồng bọn' khi mở cửa container, trước khi gọi cảnh sát
 
 
Tòa công bố video khoảnh khắc tài xế phát hiện 39 thi thể người Việt trên container. Video: Sky News.

Các cảnh sát miêu tả không gian vắng lắng trong container. Trần Hải Lộc (35 tuổi) nằm bên cạnh vợ, Nguyễn Thị Vân (35 tuổi), hai vợ chồng nắm tay nhau. Sĩ quan chịu trách nhiệm nhận diện nạn nhân, Martin Pasmore, cho biết: "Họ chết theo cách thật kinh hoàng, nhưng tôi nghĩ rằng họ qua đời mà vẫn trân trọng và tôn trọng nhau. Có một cặp đôi nắm tay nhau. Họ nằm cùng nhau trong suốt chuyến đi đến bệnh viện và qua cả lúc khám nghiệm tử thi".

Bên trong container chở 39 người Việt Nam từ Pháp đến Essex, Anh vào tháng 10/2019. Ảnh: Cảnh sát Essex/ PA.

Sau phiên tòa kéo dài 10 tuần tại Old Bailey, London, tài xế Eamonn Harrison (23 tuổi) ở Bắc Ireland và Gheorge Nica (43 tuổi) - kẻ điều phối toàn bộ phi vụ, đến từ Romania - bị tuyên 39 tội danh ngộ sát. Tài xế người Bắc Ireland khác, Christopher Kennedy (24 tuổi) và Valentin Calota (38 tuổi) sống ở Birmingham, đều bị buộc tội tham gia âm mưu buôn người.

Cuộc điều tra và phiên toà đã đưa ra ánh sáng đường dây buôn lậu hàng nghìn người Việt Nam trong 20 năm qua. Mỗi người sẽ phải trả khoảng 30.000 bảng cho chuyến đi từ Việt Nam đến London, một số người phải bán ngôi nhà duy nhất hay thế chấp đất ở quê hương để có tiền chi trả. Những người khác phải nhờ bố mẹ vay khoản tiền lớn để trả cho bọn buôn người. Một số trong 39 người đến Nga trước, làm việc ở đây một thời gian, trước khi quyết định chuyển hướng sang Anh - nơi họ tin rằng có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi làm trong các tiệm làm móng của người Việt trong hầu hết các thị trấn. Một vài người khác thì bay trước sang Đức, Hungary hay Romania, những nhân viên môi giới sắp xếp chuyến đi và việc làm cho họ. Họ làm những công việc như hái hoa quả hoặc rửa bát trong nhà hàng. Một vài người bay hợp pháp đến Phần Lan bằng visa sinh viên, hoặc dự định đi tiếp để ở cùng bạn bè hay người thân ở Anh khi đã tiết kiệm được đủ tiền cho chặng cuối "tử thần" của chuyến đi.

Nguyễn Huy Hùng, 15 tuổi, một trong những người trẻ nhất trong số 5 thanh niên tử vong trong container, đi đến Anh để ở cùng bố mẹ. Cậu nói với anh trai ở Việt Nam rằng chuyến đi sang Anh sẽ tốn khoảng 12.000 bảng. Bố mẹ của Hùng kể: "Thằng bé rất thích bóng đá và yêu các CLB Anh. Nó cũng đá bóng giỏi. Con trai chúng tôi luôn mơ được tới Anh và cố gắng học thật tốt ở trường cũng như tiếng Anh để biến mục tiêu đó thành sự thực".

Bà Cao Thị Uyên, mẹ của Cao Huy Thành, bế các cháu nội tại nhà riêng ở tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Ảnh: EPA.

Cao Huy Thành (33 tuổi) trả 6.680 bảng để bay hợp pháp sang Romania, làm trong một nhà máy sản xuất gà hồi tháng 5/2019. Sau đó anh gặp một người bạn thời thơ ấu, người này thuyết phục Thành sang Anh. Thành không nói với vợ rằng mình dự định làm gì ở đó. Vợ anh nói với Guardian rằng mỗi khi gọi về nhà, anh chỉ nói chuyện với các con, 4 đứa bé từ 1-8 tuổi, và hát với các con qua điện thoại. Ngày 22/10/2019, anh gọi điện để nói với vợ rằng mình đang trên đường sang Anh. "Anh ấy nhờ tôi thắp hương để khấn bố và tổ tiên phù hộ cho anh thượng lộ bình an", vợ anh kể.

Các nạn nhân nói với gia đình ở Việt Nam rằng họ giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể bằng cách trả thêm tiền cho bọn buôn người để hưởng "dịch vụ VIP". Một nhân chứng X, một trong 15 người di cư đã đi lậu trót lọt vào Anh hôm 11/10/2019 - khoảng hai tuần trước khi thảm kịch 39 người chết được phát hiện, tiết lộ có hai loại dịch vụ, gọi là vé thường và bé hạng VIP. Trong đó, người di cư đều phải chui trong container đi phà biển từ Bỉ sang Anh, nhưng loại VIP khác thường ở chỗ tài xế sẽ biết được rằng có người ở sau xe (thay vì phương pháp mạo hiểm hơn là đột nhập vào một chiếc xe tải đỗ ở gần cảng và bám càng theo).

Cảnh sát Daniel Stolen cho biết, mặc dù 39 người đi tự nguyện, vẫn có khả năng rằng hầu hết đều bị lợi dụng. "Có một tổ chức tội phạm khổng lồ đứng sau vụ việc này. Người nước ngoài sẽ được đưa vào nhiều quán khác nhau trên khắp nước Anh. Hầu hết sẽ làm trong các quán làm móng với mức lương thấp hơn mức tối thiểu, chỉ được mấy bảng một giờ. Đây là nô lệ thời hiện đại, ngay cả khi những người này tự nguyện".

Một năm sau thảm kịch, người thân của các nạn nhân ở Việt Nam cho biết cuộc sống của họ vẫn bị đảo lộn, nỗi đau chưa ngừng. Những bức hình của Phạm Thị Trà My (26 tuổi) được đăng tải mặt báo trên khắp thế giới cùng lúc mẹ cô nhận được tin nhắn. "Con xin lỗi mẹ. Con đi nước ngoài không thành. Mẹ, con yêu mẹ nhiều lắm! Con sắp chết rồi vì con không thở được".
Bố My, ông Phạm Văn Thìn làm bảo vệ, cho biết gia đình vẫn còn món nợ 18.000 bảng, sau khi đã trừ những khoản được quyên góp, vì gia đình đã thế chấp nhà và đất của cháu trai để có tiền cho My đi nước ngoài. Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, ông phản đối quyết định đi của con, nhưng cô muốn sang cùng người họ hàng để làm ở tiệm làm nail.

"Vợ chồng tôi phản đối cho nó đi, tôi bảo rằng nó nên ở nhà lấy chồng. Nhưng nó cứ đòi đi, và nói thật thì, nhiều người đã đi mà không sao. Nó bảo tôi là sẽ có gói VIP, đi an toàn hơn. Tôi nghĩ nó sẽ đi bằng ô tô con, bằng máy bay. Tôi đâu ngờ được rằng nó phải đi bằng xe tải. Nếu chúng tôi nghĩ rằng chỉ có 1% nguy hiểm, chúng tôi sẽ không cho nó đi. Tôi không thể ngừng nghĩ về nó, đau đớn vô cùng", ông Thìn nói.

Bố mẹ của Phạm Thị Trà My, tại nhà ở tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ảnh: EPA.

Cảnh sát Pasmore cho biết, phải chứng kiến thảm kịch đã ảnh hưởng đến các sĩ quan và nguy cơ bị rối loạn hậu chấn thương tâm lý là điều đầu tiên ông nghĩ đến.

Và sự việc này cũng ảnh hưởng lớn đến các gia đình ở Việt Nam. Cảnh sát đã nhận được 391 cuộc gọi từ người thân muốn được nhận diện người đã khuất. Trong phiên toà, bồi thẩm đoàn được nhìn hình ảnh của các nạn nhân và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Trong 39 nạn nhân có người làm công nhân xây dựng, thợ làm tóc, nhân viên nhà hàng và quán bar, làm nail... và một sinh viên đã tốt nghiệp đại học, đang làm IT để tiết kiệm tiền cho chuyến đi. Hành trình của họ vòng quanh thế giới, thông qua các công ty du lịch ở Việt Nam, nhiều điểm dừng bao gồm ở Nga, Trung Quốc, Đức, Phần Lan, Hungary và Romania. Họ sẽ bay đến một nước, làm việc ở đó để có tiền tiết kiệm và gửi về nhà, sau đó tiếp tục chuyến đi nguy hiểm đến Anh.

Nhiều gia đình của họ ở quê hương vay mượn hàng nghìn bảng để có tiền, mọi hi vọng của họ dồn về khoản tiền dự kiến kiếm được nếu đi làm ở Anh. Một số người còn thất bại nhiều lần trong việc trốn sang Anh, có người phải thử lại đến lần 5.

Kelly Matthews, từ Cơ quan truy tố nhà nước, cho biết: "39 người dễ bị tổn thương đang khao khát một cuộc sống mới đặt niềm tin vào một mạng lưới buôn lậu người vô đạo đức. Không gì có thể đem lại những sinh mạng đã mất trong ngày hôm đó hay những mất mát do hành động khủng khiếp, trái pháp luật và nguy hiểm của những bị cáo này gây ra. Nhưng chúng tôi hy vọng những lời kết án này mang lại sự an ủi cho các gia đình khi biết rằng công lý đã được thực hiện".

Mimi Vu - một chuyên gia độc lập về chống buôn người và nô lệ, ở Việt Nam, cho biết việc buôn người từ Việt Nam sang Anh vẫn tiếp diễn trong nhiều tháng sau thảm kịch. Dựa trên những cuộc phỏng vấn với người nhập cư từ Việt Nam sang miền bắc nước Pháp hồi đầu năm nay, bà cho biết: "Giá cả chỉ có tăng lên. Mọi người xem thảm kịch vừa rồi là điều dị thường. Họ cho rằng những người tử vong là không may mắn. Các chiến thuật tiếp thị của bọn buôn người thay đổi và chúng nói với mọi người rằng họ cần trả nhiều tiền hơn để có chuyến đi an toàn nhất".

Bà ít trông đợi rằng phiên toà sẽ hạn chế được hành vi buôn người số lượng lớn từ Việt Nam sang Anh. "Giống như là cắt móng tay vậy, trong khi để thật sự chỉ ra được vấn đề, chúng ta cần cắt đi phần đầu, hiện ở Prague, Berlin, Moskva và nhiều thành phố khác ở châu Âu, nơi các băng nhóm tội phạm người Việt đứng đầu đường dây buôn người đang hoạt động. Bạn cần phải tóm được những tên đầu xỏ, và chúng sẽ không bao giờ nhúng tay vào những chuyện bẩn thỉu dưới cơ chúng".

Xem thêm:

- Thi thể cặp vợ chồng nắm tay nhau trong container chứa 39 người Việt
- Ước mơ đổi đời dang dở của 39 người Việt sang Anh trong container
- Hé lộ những cuộc gọi cuối cùng trong container chứa 39 thi thể người Việt
- Toàn bộ diễn biến vụ 39 thi thể trong container

Huyền Anh (Theo Guardian, Irishnews)