Vừa qua, một bậc phụ huynh có con gái học THPT tại Hà Nội đã viết một bức tâm thư phản đối việc tuyển các thầy giáo "như hot boy" vào trường học vì nữ sinh suốt ngày chỉ biết “thần tượng” thầy, xao nhãng việc học. iOne đã các cuộc trò chuyện với các thầy cô xoay quanh vấn đề sôi sục này.
Không thể lên án chuyện thần tượng thầy cô
Thạc sĩ Võ Trung Tín - Giảng viên Đại học Luật TP HCM bày tỏ: "Người mẹ nào cũng muốn con mình có một môi trường học tập tốt, trong đó có cả những người thầy tốt. “Hot boy” thật ra chỉ là cách nói khác đi về những người thầy trẻ, được nhiều học trò yêu quý. Học trò yêu quý thầy mình vì nhiều lẽ, vì giảng hay, vì tâm lý, vì sự gần gũi… và tất nhiên, ngoại hình bắt mắt, dễ có thiện cảm với học trò là một trong những nguyên nhân. Các trường tuyển giáo viên, tiêu chí quan trọng nhất là chuyên môn của chính thầy, cô giáo ấy. Việc thầy hay cô ấy điển trai, xinh gái chỉ là yếu tố phụ. Lúc tuyển vào, họ cũng là những sinh viên mới ra trường, làm sao để biết họ “hot” hay không “hot”. Giá trị lâu dài ở một người giáo viên, chính là khả năng chuyên môn và uy tín sư phạm.
Thầy Trung Tín là giảng viên nhận được nhiều sự yêu mến của các bạn sinh viên Luật bởi những bài giảng sâu sắc, những câu chuyện cuộc sống thú vị. |
Học trò, thần tượng thầy, cô giáo của mình là điều không có gì phải lên án. Vấn đề là cách hành xử của các em như thế nào? Các em lấy thầy, cô của mình làm gương để siêng năng và phấn đấu trong học tập thì đáng khuyến khích. Còn các em thần tượng kiểu như “cuồng”, ảnh hưởng đến tâm lý thì ba mẹ, thầy cô phải là người chia sẻ và định hướng hành vi cho các em".
Thầy Tín cũng chia sẻ, sự phát triển của internet giúp mọi người gần nhau hơn, trong đó có mối quan hệ thầy - trò. Có nhiều em khi gặp thầy, cô trực tiếp thì có cảm giác “sợ” nên ít chia sẻ, ngại hỏi nhưng nói chuyện online thì các em tự nhiên hơn, người thầy nhờ thế cũng hiểu hơn tâm lý của học trò mình.
Thầy cô xinh đẹp không có gì sai trái
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Giảng viên Tâm lý trường Đại học Sư phạm TP HCM tâm sự rằng rất bất ngờ khi đọc lo lắng của vị phụ huynh trong bức thư. Sau đó thầy cũng thoáng buồn, nhưng đọng lại cuối cùng là sự thông cảm.
Theo thầy Hiếu, chuyện nữ sinh ngưỡng mộ thầy, nam sinh thích cô giáo trẻ là chuyện có thật, tuy nhiên không đến mức trầm trọng đến nỗi phải không cho phép những thầy cô này tham gia giảng dạy. Rõ ràng tất cả những biểu hiện như: có số điện thoại hay có địa chỉ Facebook của thầy, túm tụm đoán xem hôm nay thầy mặc áo màu gì trước giờ vào học… là chủ đề “tám chuyện” như bao chủ đề khác, không đến mức làm chuyện học hành của học sinh bị ảnh hưởng.
![]() |
Sở hữu gương mặt sáng, nụ cười cực baby cùng cách giảng bài rất ấn tượng, thầy Khắc Hiếu khiến các teen phát sốt với những giờ học sinh động và những clip dạy kỹ năng sống bổ ích. Ảnh: Thầy Hiếu dạy 10 thế võ cơ bản giúp các bạn nữ phòng thân. |
Thầy Hiếu phân tích: "Các em háo hức đến giờ học của thầy, đó cũng là một niềm vui học tập đấy chứ! Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, một số ít trường hợp học sinh có xao nhãng thật, nhưng đó không phải lỗi của ông thầy. Học sinh thiếu tập trung thì cần phải dạy học sinh biết tập trung chứ không phải là cách ly ông thầy khỏi nhà trường.
Để việc thần tượng thầy không có hậu quả xấu, người thầy nên lái cảm tình của học sinh dành cho mình chuyển sang dành cho môn học mà mình dạy. Nếu phát hiện có học sinh có biểu hiện lơ ngơ “nhìn ngắm” thì rất dễ dàng khi mời học sinh đó đứng lên phát biểu hay lên bảng làm bài tập để nhắc nhở khéo léo".
Thầy Hiếu cho biết về lâu dài, thầy cô trẻ vẫn giữ chuẩn mực trong giao tiếp với học sinh, tiếp xúc với các em bằng chân tình và tấm lòng người thầy cô giáo, thì tác dụng với học sinh sẽ là tích cực. "Nhà trường là nơi giáo dục cả Chân - Thiện - Mỹ, thế nên ngoài trí tuệ và đạo đức ra, không có gì sai trái khi một người thầy người cô được đấng sinh thành ban tặng một ngoại hình đẹp trai hay xinh gái cả", thầy nhấn mạnh.
Yêu mến thầy cô giúp trò có động lực học
Theo cô Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên Đại học Luật TP HCM, ý kiến của người mẹ lo lắng con xao nhãng khi học thầy đẹp, cô xinh có phần đúng và cũng có phần cực đoan. Tình trạng học trò có cảm tình, thích thầy giáo của mình không phải là điều hiếm thấy, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa cứ thầy giáo đẹp là ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, chẳng lẽ thầy giáo thì phải xấu, và đến lớp phải luộm thuộm để cho học sinh không để ý (!?).
![]() |
Cô Phương Thảo từng là Thủ khoa tốt nghiệp của trường ĐH Luật TP HCM. |
"Ngày xưa khi đi học, tôi cũng từng mến mộ nhiều giáo viên nam đẹp trai, nhưng đó cũng xuất phát từ tình thầy trò, từ sự kính trọng thầy cô. Tôi không để việc đó ảnh hưởng đến học tập của mình, nhiều khi còn nỗ lực hơn ở những môn đó nữa chứ. Vấn đề ở đây là vai trò của người thầy khi đến lớp: phải làm sao giữ được vị trí của người thầy, thực hiện nhiệm vụ của mình khi lên lớp là truyền đạt kiến thức cho học sinh", cô Thảo bày tỏ.
Cùng chung quan điểm thầy Phạm Ngọc Tuấn, Giáo viên tổ Hóa - Trợ lý thanh niên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM cho rằng: "Mỗi người có một ngoại hình và tính cách khác nhau. Điều quan trọng nhất là người thầy có giữ được đúng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội hay không".
![]() |
Thầy Tuấn là một trong số giáo viên trẻ được thần dân trường Minh Khai yêu mến. |
Thầy Tuấn bổ sung thêm, việc được học sinh yêu mến sẽ giúp giáo viên có thể gần gũi, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để định hướng kịp thời cho các em. Vì vậy các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng về việc này.
Với teen, thầy cô đẹp xấu không quan trọng Trong một cuộc khảo sát nhanh của iOne với hơn 1.200 bạn đọc tham gia, có 67% teen cho rằng thầy cô đẹp hay xấu không ảnh hưởng đến kết quả học tập, miễn giảng dạy hay, gần 19% teen còn cho biết các bạn có cảm hứng học tập tốt hơn khi thầy cô giáo xinh đẹp như hot boy, hot girl và chỉ có 14% cho rằng mất tập trung. Các teen cũng xôn xao bàn luận về tâm thư của người mẹ phản đối việc tuyển thầy giáo hot boy gây xao nhãng việc học của teen. Bạn có nick name Cún gửi lời đến bậc phụ huynh: "Theo cháu đã là thầy cô xấu hay đẹp không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ thầy cô phải biết đặt ranh giới thầy trò và học sinh cũng phải tự nhận thức được điều này, đừng vì sự thân thiện của thầy cô mà sinh ra ảo tưởng. Đã học THPT không thể còn coi là bé mà để cho sự nhận thức của mình sai lầm rồi đổ tội lên thầy cô được". Bạn Bryan bình luận: "Mình không đồng tình với ý kiến của vị phụ huynh này. Cho rằng con gái mình không thể tập trung vào bài giảng được chỉ vì thầy quá "hot boy" thì đúng là bác ý hơi lo xa quá rồi. Đúng là các bạn nữ sẽ hâm mộ và chú ý đến thầy hơn bình thường nếu thầy giống "hot boy" nhưng không đến mức như bác nghĩ đâu". Bạn đọc Châu Giang phân tích: "Khi các em nó hâm mộ, cuồng si các thần tượng trên ti vi thì phụ huynh la mắng bảo là sao không thần tượng cha mẹ, thầy cô, các tấm gương khác. Đến khi thần tượng thầy cô rồi thì lại lấy lý do thần tượng mà lơ là học tập. Tôi từng thần tượng cô giáo, cô rất đẹp, giảng rất hay và đã có lúc tôi rung động trước cô (cái tuổi dậy thì đó là chuyện quá bình thường). Rồi đến khi cô lấy chồng tôi cũng hụt hẫng. Bây giờ nhìn lại những gì tôi học được từ cô không chỉ vì nhan sắc mà tôi là đứa con trai đạt điểm cao nhất trường ở môn mà cô dạy. Thầy cô có chuyên môn cao không thể không tuyển dụng, đẹp không lẽ là một cái tội? Phản ứng như vậy thì có khi thế giới này có quá nửa thầy cô thất nghiệp". |
Anh Tuấn