Thứ sáu, 11/10/2019, 10:43 (GMT+7)

Nỗi lo mất nguồn thu nhập của dân phố đường tàu Phùng Hưng

Hà NộiPhố đường tàu có hơn 20 hộ kinh doanh cà phê; nay nhiều người định trở về nghề cũ: cho thuê nhà, làm thợ điện hoặc mở hàng cắt tóc gội đầu.

Ngày 10/10,  Đội Cảnh sát giao thông đường sắt phối hợp với tổ công tác liên ngành Công an quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng phong tỏa lối ra vào khu vực hành lang đường sắt phố Phùng Hưng. Lệnh này được thực thi theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT, xử nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Từ sáng sớm, lực lượng chức năng đã lập rào chắn tại lối ra vào xóm cà phê đường tàu Phùng Hưng. Người dân cư trú tại đây được phép đi lại, kinh doanh nhưng không được lấn ra khu vực đường ray. Khách du lịch đến chơi bị ngăn lại. Họ tập trung đông đúc trước cổng barie, chụp tạm một vài tấm rồi nhanh chóng rời đi.

Phía sau "hàng rào" lực lượng chức năng là dãy phố vắng bóng khách du lịch. Người dân kê ghế ngồi trước cửa nhà vì công việc kinh doanh đình trệ. Họ, có người trầm tư, bức xúc, bất lực, có người cáu kỉnh...

Ông Bùi Quý Lâm - chủ một quán cà phê nằm giữa phố - khá bình tĩnh trước quyết định mới của chính quyền. Ông ngồi một mình trên gác hai, nhìn xuống dãy phố nhỏ, chốc chốc sửa soạn lại đồ đạc trong quán. 

Ông Lâm cho biết ở đây năm, sáu mươi năm đã quá quen với tiếng tàu. Mọi người xung quanh cũng giống ông, "chưa nghe tiếng còi đã cảm nhận được tàu sắp tới". Ông nói, người dân ở đây đều nắm được giờ tàu chạy, nhờ "giác quan" đặc biệt mà biết khi nào tàu đến để dẹp du khách.

Trước chủ trương dọn dẹp lại phố đường tàu, ông Lâm dự định trở lại kiếm sống bằng cách cũ: cho người dân lao động thuê nhà. Nhưng ông e ngại điều này sẽ khiến số dân sống trong dãy phố hẹp tăng lên đáng kể. Vấn đề vệ sinh và an ninh không còn được đảm bảo. 

Từ ngày chuyển sang mô hình doanh này, phố đường tàu lụp xụp trở nên khang trang, không còn rác thải, "được tiếp cận với Tây cũng khiến con người văn minh hơn". Chấm điếu thuốc hút dở vào gạt tàn, ông Lâm nói: "Trước đây chú sẽ vẩy điếu thuốc xuống đường. Nhưng bây giờ văn minh hơn rồi, chú sẽ vứt nó vào đây". Ông kể thêm vài ví dụ về việc du khách giữ gìn cảnh quan, minh chứng cho việc nên giữ lại mô hình kinh doanh cà phê đường tàu. 

Hàng ngày, cư dân dọn dẹp để giữ con phố sạch sẽ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu 3 gian nhà để cho thuê như ông Lâm. Một nữ chủ quán (giấu tên) đang bức xúc với quy định mới, bỗng dưng chuyển sang nghẹn ngào khi nghĩ đến kế sinh nhai sau này. 

"Quán cà phê là thu nhập chính của gia đình. Bố mẹ đã về hưu, các em vẫn đi học. Không kinh doanh nữa, mình thất nghiệp ở nhà nuôi con. Con mình sống bằng gì?", chị vừa nói, vừa giữ đôi mắt mở to để nước mắt không rơi. Đứa bé chừng hai tuổi chị bế trên tay vẫn hồn nhiên hò hét, không biết mẹ đang nghĩ đến tiền bỉm, tiền sữa cho mình.

Cùng suy nghĩ với chủ quán trên, ông Nguyễn Lê Quân cũng lo sốt vó. Nhận thấy khu đường tàu nhà mình đang có "mốt" mở cà phê, vợ chồng ông Quân vay ngân hàng để kinh doanh gần một năm nay. Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 20 triệu, đủ cho gia đình có cuộc sống "tạm ổn". 

"Nếu dẹp hết thì chú phải đi làm thuê bên ngoài. Đi sửa chữa điện, có việc người ta gọi thì đi, không có việc thì lại ở nhà. Cô mở lại hàng làm đầu, nhưng trong khu đường tàu này không kiếm được".

Ông Quân ngồi cạnh chồng bàn ghế xếp gọn và cửa xếp kéo hờ, nhìn ra phố đường tàu thưa người.

Ông ước tính số tiền hai vợ chồng kiếm được nếu đi làm ngoài khoảng 10 triệu/tháng - chỉ còn một nửa. 

Ông ủng hộ giữ lại phố kinh doanh vì từ khi mô hình này phát triển, bộ mặt khu dân cư cải thiện hơn nhiều. "Không còn mùi hôi thối, không còn chuột bọ, không còn con nghiện vào đây tiêm chích, hoàn toàn không có tệ nạn", là sự thay đổi thấy được rõ rệt". 

Ông Quân mong muốn có giải pháp quản lý sao cho vừa thu hút khách du lịch, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân ở xóm đường tàu Phùng Hưng. Bên cạnh đó, các chuyến tàu chạy qua - nhất là chuyến 9 rưỡi, 10 giờ đêm - xin đừng xả phân, xả rác xuống để người dân phải dọn.

Trong khi đó, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Công an quận Hoàn Kiếm chia sẻ trên VnExpress, khu vực đường tàu có trên 20 quán cà phê, trà đá. Mô hình kinh doanh này thu hút nhiều du khách và các bạn trẻ trong nước đến chụp hình, lấn chiếm hành lang an toàn dường sắt. 

"Từ tháng 6, chúng tôi đã vận động và xử lý nhiều chủ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt nhưng tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm. Do địa điểm này thu hút nhiều du khách, các chủ quán vẫn vi phạm", ông Đang nói và cho biết công an quận cũng sẽ đề nghị các công ty du lịch nhắc nhở du khách, không tổ chức lịch trình đến khu vực đường tàu; lắp thêm các biển cảnh báo nguy hiểm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tổ chức nhóm tuần tra thường xuyên.

Khách nước ngoài tiếc nuối khi cà phê đường tàu đóng cửa
 
 

Lý do khách du lịch thích đến cà phê đường tàu (Video: Thúy Quỳnh - Tùng Đinh).

Thúy Anh
Ảnh: Tùng Đinh