Thứ hai, 29/7/2019, 20:00 (GMT+7)

Bé gái Hàn Quốc 6 tuổi  kiếm 3,7 tỷ won/tháng nhờ làm vlog

Việc Boram có thể mua tòa nhà 5 tầng giá 9,5 tỷ won ở độ tuổi còn rất nhỏ khiến cha mẹ em nhận bị chỉ trích 'bóc lột' con gái.

Ngôi sao nhí Hàn Quốc

Gần đây, thông tin Youtuber nhí Boram mua tòa nhà 5 tầng trị giá 9,5 tỷ won (8,06 triệu USD) ở Cheongdam-dong, quận Gangnam (Seoul) gây xôn xao Hàn Quốc. 

Korea Herald cho biết, hợp đồng mua bán được thực hiện bởi Boram Family - công ty gia đình quản lý hai kênh YouTube của Boram - vào ngày 3/4. Tòa nhà được xây dựng năm 1975 và tu sửa lại vào năm 2017. Đại diện văn phòng bất động sản hé lộ con số diện tích tòa nhà là 258,3 mét vuông. Nếu cho thuê, gia đình Boram sẽ kiếm được khoảng 30 triệu won hàng tháng. Tuy nhiên, Korea Herald nói rằng hiện vẫn chưa rõ tòa nhà sẽ được sử dụng vào mục đích gì. 

Boram là con gái 6 tuổi của một cặp vợ chồng bình thường sống tại thủ đô Hàn Quốc. Cô bé đang là "ngôi sao nhí" nhờ những video tạo viral trên YouTube. 

Từ cuối 2017, bố mẹ Boram bắt đầu đăng tải video với mục đích chia sẻ cuộc sống đời thường đáng yêu của con gái. Sau đó, nhận thấy tiềm năng phát triển, cặp vợ chồng lập một công ty có tên "Boram Family" để đầu tư chuyên nghiệp hơn vào kênh riêng của con gái. 

Boram có hai tài khoản YouTube, bao gồm "Boram Tube ToysReview" và "Boram Tube Vlog". Sản phẩm có lượt xem cao nhất của cô bé là một video review mì tương đen đạt 320 triệu view. Tính đến 29/7, tổng số người đăng ký của hai kênh này lên tới 31,4 triệu follower, tổng lượt xem trên YouTube là 9 tỷ view. Những video này còn được đăng tải trên Naver TV, nền tảng tìm kiếm, giải trí số 1 của Hàn Quốc.

Những nội dung trên kênh YouTube của Boram rất được khán giả trẻ em yêu thích.

Kênh YouTube của Boram luôn nằm trong top những kênh giải trí hàng đầu Hàn Quốc, vượt qua những tài khoản của các công ty Kpop lớn như SM, Mnet... "Boram Tube" không chỉ là nền tảng video trẻ em được yêu thích nhất đất nước này mà còn là tài khoản có thu nhập lớn nhất trong số những kênh tương tự. Theo Naver, "Boram Tube ToysReview" và "Boram Tube Vlog" giữ vị trí thứ nhất và thứ hai về doanh thu quảng cáo.

Boram Tube
 
 
Một clip chia sẻ trên YouTube của Boram.

Theo phân tích của trang Social Media Blade vào tháng 12/2018, tổng doanh thu hàng tháng của Boram Tube là hơn 3,7 tỷ won (khoảng 3,1 triệu USD). Trong đó, "Boram Tube ToysReview" đạt 1,9 tỷ won còn "Boram Tube Vlog" đạt 1,8 tỷ won. Đây được cho là một con số áp đảo trong làng YouTuber Hàn Quốc. Ngoài doanh thu quảng cáo của YouTube, Boram còn kiếm được tiền từ các hợp đồng PR sản phẩm cho hãng đồ chơi, khu vui chơi giải trí. Ước tính một năm Boram thu về hơn 42 tỷ won doanh thu từ hai kênh YouTube.

Khi cha mẹ trở thành đối tượng 'ném đá'

Người dùng mạng Hàn Quốc đang có những quan điểm trái chiều về thông tin mua nhà 9,5 tỷ won của Boram. Nhiều người cho rằng việc một đứa trẻ 6 tuổi thu về hàng tỷ won mỗi tháng phản ánh hình thức kiếm tiền "dễ dãi" từ các nền tảng mạng xã hội. Đa số các video đều bị đánh giá thấp về giá trị mà nó mang lại, nhưng vẫn nhận được lượt xem khổng lồ.

Một nhóm người còn chỉ trích công ty Boram Family vì đã lợi dụng cô bé để làm "công cụ kiếm tiền". Theo họ, tần suất quay 3 video mỗi tuần cho hai kênh YouTube có thể khiến Boram bị quá tải. Ở độ tuổi còn nhỏ, cô bé nên tận hưởng cuộc sống trẻ thơ, thay vì trở thành một sao nhí trên mạng xã hội, bị cha mẹ "bóc lột" để làm giàu.

Tần suất đăng video mới của Boram Tube rất đều đặn.

Hồi 2017, một tổ chức bảo vệ trẻ em đã cáo buộc cha mẹ Boram đẩy con gái vào những tình huống nguy hiểm để quay video. Nhiều đoạn clip trên Boram Tube cho thấy cô bé từng diễn cảnh ăn cắp tiền, phá hỏng đồ chơi, hành động như đang mang thai và sinh con, tập lái ô tô... Những nội dung này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tinh thần Boram và tạo hiệu ứng tiêu cực đến người xem, đa phần là trẻ em. 

Khi đó, trước làn sóng phẫn nộ của người dùng mạng, cha mẹ Boram đã phải công khai xin lỗi và xóa các video có nội dung gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, cha của Boram chia sẻ rằng quá trình quay video rất tự nhiên, không hề có kịch bản dựng sẵn gây áp lực cho con gái: "Tôi luôn hài lòng với những gì Boram được tận hưởng. Kênh YouTube này đang nhắm đến việc giúp Boram phát triển và có nhiều trải nghiệm hơn".

Nhiều người cho rằng Boram cần được bảo vệ khỏi hành vi lạm dụng sức lao động từ bố mẹ cô bé.

Boram không phải là trường hợp YouTuber nhí duy nhất gây tranh cãi. Những năm gần đây, hình thức làm Vlog với các diễn viên trẻ em trở thành xu hướng tại Hàn Quốc. Sự bùng nổ các YouTuber nhí khiến nhiều người lo lắng trẻ em bị chính người thân lạm dụng để nổi tiếng, kiếm tiền bằng mọi giá. Tháng trước, một kênh YouTube khác dành cho trẻ em - Ttua Ttuji TV - của cặp song sinh nổi tiếng Sua và Suji bị dân mạng chỉ trích khi chia sẻ video hai cô bé ăn bạch tuộc khổng lồ.

Nhiều kênh YouTube trẻ em đang nổi tiếng tại Hàn Quốc.

Xu hướng vlog này còn tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng mạng độ tuổi trẻ em. Theo một khảo sát về hành vi sử dụng Internet của Bộ Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, độ tuổi sử dụng phương tiện kỹ thuật số đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang bị giảm xuống, còn mức độ sử dụng ngày càng tăng. Trong 10.000 hộ gia đình năm 2017 tại Hàn, 19,1% trẻ em từ 3 đến 9 tuổi có nguy cơ phụ thuộc vào những thiết bị điện tử như smartphone, iPad... Nhiều gia đình bận rộn để mặc con cái xem video trên YouTube như một hình thức giải trí, dẫn đến hiện tượng "nghiện" YouTube, ảnh hưởng tinh thần và sức khỏe. 

Tháng 2/2019, YouTube đã tắt bình luận về video của trẻ vị thành niên sau khi có cáo buộc rằng nền tảng này hỗ trợ những kẻ ấu dâm trong việc tìm kiếm clip của trẻ em.

Minie