Thứ tư, 19/2/2020, 15:58 (GMT+7)

Châu Âu giữa dịch nCoV: Nỗi sợ lan nhanh hơn virus

Chỉ mới 40 ca nhiễm được xác nhận ở châu Âu nhưng người dân nơi đây đang sống trong tâm trạng sợ sệt, lo lắng, thậm chí gây nên sự kỳ thị không đáng với người mắc bệnh. 

Một người đàn ông ở Anh dương tính với virus corona được phong danh hiệu "siêu truyền nhiễm", mọi động thái đều được theo sát bởi truyền thông địa phương. Tình hình kinh doanh giảm sút mạnh tại khu resort ở Pháp - nơi xảy ra hàng loạt ca nhiễm virus. Và sau khi một số nhân viên của một công ty sản xuất xe hơi ở Đức được xét nghiệm dương tính nCoV, con em của những công nhân khác bị từ chối cho đi học dù âm tính với virus.

Với 42 ca nhiễm, dịch Covid-19 ở châu Âu ít nghiêm trọng hơn Trung Quốc - nơi hiện có hơn 2.009 người tử vong và cuộc chiến chống virus giống y hệt thời chiến. Không phải virus, nỗi sợ mới là thứ lây lan nhanh ở châu Âu. Cùng với nỗi sợ hãi là sự kì thị của xã hội đối với những người có liên quan đến nơi bùng phát dịch bệnh.

Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về sự nguy hiểm khi để nỗi sợ hãi che đi thực tế. "Nỗi sợ hãi có thể cản trở những nỗ lực toàn cầu trong việc chống lại dịch bệnh. Kẻ thù lớn nhất chúng ta đối mặt không phải là virus mà là sự kì thị khiến cả xã hội quay lưng với nhau".

Trung tâm y tế County Oak ở Brighton, Anh, bị đóng cửa sau khi một nhân viên xét nghiệm dương tính với nCoV. Ảnh: AFP.

Ở Mỹ và các nước khác, những người gốc Á phải đối mặt với sự soi mói của xã hội. Ở châu Âu, số ít người nhiễm cũng phải gặp hoàn cảnh như vậy. Tại Anh - nơi mới chỉ có 9 ca nhiễm - báo chí đã gọi một doanh nhân người Pháp bị nhiễm virus là "siêu truyền nhiễm" trước khi người này về nước và được xét nghiệm dương tính với nCoV. Người nhắc tới ở trên là Steve Walsh. 

Walsh không biết mình bị nhiễm virus khi đi chơi với bạn bè ở Pháp sau chuyến đi đến Singapore. Theo các nhà chức trách Pháp, Steve Walsh đã tham dự cuộc họp, sau đó bay sang ngôi làng trên núi Alpine, Les Contamines-Montjoie, Pháp. Tại đây, ông ở cùng một nhóm người Anh. Sau đó, ông lại quay về nhà ở miền Nam nước Anh và rồi được xác nhận dương tính với virus corona. 5 người ở cùng ông trong căn nhà gỗ cũng được xét nghiệm dương tính, theo chính quyền Pháp. Ngày 10/2, chính quyền Anh cho biết có thêm 4 người nữa ở đất nước này mắc bệnh, trong đó có 2 nhân viên y tế. Tất cả ca nhiễm bệnh đều có liên quan đến những người từng sinh hoạt trong căn nhà gỗ. 

Walsh kể, ông đã lập tức liên hệ với cơ quan y tế ngay khi phát hiện mình bị phơi nhiễm. Hiện ông vẫn cách ly trong bệnh viện sau khi được xét nghiệm dương tính.

Khi tên và ảnh của Walsh được đưa ra, truyền thông suy đoán không ngừng về những hành động của ông. Một số người ghi lại đường đi của Walsh, trong khi những người sống cùng khu vực với ông - Brighton và Hove - lo lắng liệu có an toàn khi đi ra ngoài không. Mới chỉ có 5 ca nhiễm trong khu vực này.

Steve Walsh - người bị gọi là "siêu truyền nhiễm" khi mang virus đến ngôi nhà gỗ ở Pháp. 

Nhà lập pháp Peter Kyle cho biết, nỗi sợ virus là dễ hiểu, đặc biệt khi đại dịch ở Trung Quốc gia tăng. Nhưng việc sử dụng biệt danh "siêu truyền nhiễm" là thiếu trách nhiệm. Kyle nói: "Nghĩa rộng của từ đó là khi người này chủ động lây cho người khác. Trong khi chúng ta biết rằng, ngay khi có triệu chứng, anh ấy đã làm đúng mọi thứ theo hướng dẫn".

Kyle nhìn nhận mọi người đang liên hệ những gì xảy ra ở Trung Quốc - nơi có hơn 70.000 người nhiễm bệnh - với những gì họ thấy ở quanh khu vực đang sinh sống. Kyle cho biết giới chức Anh chưa đưa ra chiến lược đối phó rõ ràng nên người dân đang tự lấp đầy những khoảng trống, một phần do một số thông tin không chính xác trên mạng. Ông cho biết, một số người đã yêu cầu ông xác nhận danh tính của bệnh nhân nhiễm virus corona và cung cấp thông tin đầy đủ về những nơi họ đã tới trước khi cách ly. "Điều này cho thấy có sự hiểu nhầm. Khi hiểu nhầm thì định kiến và hành vi không được chấp nhận", Kyle nói.

Sự lo lắng cũng ảnh hưởng đến những doanh nghiệp địa phương, như quán rượu The Grenadier ở Hove - nơi giới chức y tế xác định Walsh tới uống rượu trước khi biết mình bị nhiễm virus. Một nhân viên cho biết, nhà hàng bị quá tải bởi những cuộc gọi về virus. Trong một nỗ lực dập tắt tin đồn, quán đã phải đăng lên Facebook: "Bạn sẽ không gặp bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh nào khi tới quán".

Người phát ngôn cho Bộ Y tế và Chăm sóc cộng đồng Anh khuyến cáo không nên lấy virus ra làm lý do để kỳ thị một nhóm người hay một cá nhân cụ thể. Bộ Y tế nhấn mạnh, bác sĩ sẽ không cho bệnh nhân xuất viện nếu họ là mối nguy cho cộng đồng.

Khu trượt tuyết Les Contamines-Montjoie ở Pháp cũng phải đối mặt với nỗi sợ về sự bùng phát của dịch Covid-19. Ít nhất 6 công dân Anh tại ngôi nhà gỗ ở khu này, trong đó có một cậu bé 9 tuổi, được xét nghiệm dương tính với virus và vẫn đang ở Pháp. Melanie Boidard (34 tuổi) - một cư dân của Les Contamines-Montjoie - cho biết: "Chúng tôi đều sợ. Không thể giả vờ là không như vậy được".

Chưa có ca nhiễm mới trong làng, nhưng nỗi sợ vẫn ở đó. Ngôi làng với dân số 1.200 người đón nhiều khách nhất vào thời điểm này trong năm, hầu hết trong số đó là người Anh tới khu nghỉ dưỡng để trượt tuyết. Nhưng các doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng từ tin đồn virus corona.

Philippe Gerault (65 tuổi) điều hành một câu lạc bộ trượt tuyết ở Les Contamines-Montjoie, cho biết, khoảng hơn 10 người Anh đã hủy lịch trong tuần này. Dược sĩ duy nhất trong làng - Eric Paris - nói anh nhận được 300-400 cuộc điện thoải hỏi thông tin về virus này. "Mọi người gọi điện cho tôi và hỏi: ‘Tôi sẽ tới vào tuần sau, tôi có nên hủy chuyến không?’ Điều này thật lố bịch", anh nói.

Trong 16 ca nhiễm ở Đức, 14 ca có liên quan đến nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi Webasto mới mở cửa lại tại Stockdorf vào tuần trước. Một nhân viên Trung Quốc của công ty ở Thượng Hải đã tới họp tại trụ sở ở Bavarian vào giữa tháng 1. Bố mẹ của nhân viên này tới thăm cô từ Vũ Hán, trước khi cô đi du lịch đến Đức. Cô gái bắt đầu có các triệu chứng trên chuyến bay trở về Trung Quốc. Ngay tối đó, một nhân viên của nhà máy này phát hiện bệnh - trở thành ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước Đức. 

Hôm sau, 3 ca nhiễm mới được xác nhận. Công ty buộc đóng cửa trụ sở - nơi làm việc của 1.000 quản lý, nhà thiết kế và kỹ sư - trong 2 tuần để ngăn virus lây lan. Từ đâu, không ít người ngoài đã tránh xa địa điểm này vì cho rằng nó có liên quan đến virus.

Ludwig Harter, chủ một quán cà phê tại địa phương, cho biết doanh thu quán đã giảm 50% sau khi tin tức về dịch bệnh lên sóng truyền thông quốc gia. "Rất nhiều khách hàng của chúng tôi không đến quán nữa", người này nói. 

Nhân viên của Webasto cho biết, trường học và nhà trẻ đều không muốn nhận con của họ, theo Nadine Schian, phát ngôn viên của công ty. Những người khác cho biết, chồng hoặc vợ họ đều phải xét nghiệm virus rồi mới được đi làm. Có trường hợp, một người mang xe tới sửa bị từ chối phục vụ vì anh ta làm cho Webasto. "Đây là một ngôi làng nhỏ. Mọi người đều biết nhau", Schian nói. 

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 12/2019. 

Tính đến ngày 19/2, trên thế giới có 2.009 ca tử vong, 75.178 người lây nhiễm và 12.624 trường hợp chữa khỏi. 6 ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục gồm một người Đài Loan (16/2), một người Trung Quốc ở Pháp (15/2), một cụ bà ở Nhật Bản (13/2), hai người Hong Kong (4/2 và 19/2), và một người Vũ Hán ở Philippines (2/2).

>>Xem thêm: 

* Những hiểm họa nCoV ngoài tâm dịch Vũ Hán
* Tại sao nhiều ca nCoV tử vong không có trong số liệu công bố?
* 4 câu hỏi về việc vì sao dịch bệnh thường bắt nguồn từ Trung Quốc
* Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị

Huyền Anh (Theo New York Times)