Thứ tư, 1/4/2020, 00:00 (GMT+7)

Cơn ác mộng bây giờ mới kể trên 'nhà tù nổi' Diamond Princess 

Lúc đó là 3h một ngày giữa tháng 2, Yardley Wong - du khách Hong Kong - bị kẹt trong một cabin không cửa sổ, không thể chạy trốn khỏi 'kẻ thù vô hình', khi thủy thủ đoàn đứng bên ngoài như cai ngục.

Ở trong cabin 3 ngày 3 đêm, Yardley Wong và gia đình cố gắng vượt qua nỗi sợ. Wong (43 tuổi) thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong 20 giây và kiểm tra thân nhiệt mỗi tiếng. Cô xịt thuốc khử trùng lên quần áo và giày dép của các thành viên và lau điện thoại của mọi người bằng dung dịch cồn vì điện thoại là thứ bẩn nhất. 

Nhớ lại sự kiện 42 người chết ở khu Amoy Garden trong dịch SARS năm 2003, cô đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước, đề phòng nCoV có thể ẩn nấp trong ống cống. Chúng bay trong hành lang trên tàu, xâm nhập vào các phòng bằng khẩu trang và găng tay của nhân viên, trong đồ ăn, khăn, ga giường, khay, giấy hay bộ xếp hình. Tiếng ho và nỗi sợ của mọi người cùng dãy khắc sâu vào tâm trí cô. Cô không ngờ chuỗi ngày khó khăn kéo dài đến 30 ngày, không phải 3 ngày như trước. Cô viết trên Twitter: "Virus này có thật. Sự sống thật mong manh. Mọi ký ức dường như tan vỡ khi mạng sống đang bị đe dọa".

Hiện vẫn chưa rõ thời điểm Covid-19 xuất hiện trên du thuyền Diamond Princess, khiến hơn 700 người nhiễm bệnh và ít nhất 8 người tử vong. Các nhà nghiên cứu biết virus ở Tokyo từ ngày 18/1, lây nhiễm cho hơn chục tài xế taxi ở một bữa tiệc trên tàu. Dịch bệnh lây lan rộng hơn ở Trung Quốc. Kể từ đó, rất nhiều bệnh nhân siêu lây nhiễm phát tán virus cho hàng loạt người ở Trung Quốc, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Italy và nhiều nơi khác.

Tàu du lịch Diamond Princess khi được cách ly ngoài khơi bờ biển Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. 

Virus cũng tìm được đường lây cho ông Wu (80 tuổi)- một giáo viên đã 80 tuổi ở khu Kwai Chung - người chuẩn bị lên tàu ở Yokohama. Trước đó, vào giữa tháng một, Wu vượt qua biên giới Hong Kong để sang Thâm Quyến, đợi một tiếng ở nhà ga quận Luohu, lấy vé tàu đặt trên mạng để về quê ở tỉnh Phúc Kiến. Ông dự định thăm họ hàng ở quê sau chuyến du lịch trên tàu với hai cô con gái, đi từ Yokohama đến Hong Kong.

Vào ngày 17/1, 3 người bay đến Tokyo một vài ngày để tham quan trước khi lên tàu Diamond Princess vào ngày 20/1. Họ tận hưởng chuyến đi, ngâm mình trong bể nước nóng và tắm xông hơi. 2 ngày sau, họ cùng hàng trăm hành khách khác đi mua sắm ở một trung tâm thương mại ở Kagoshima bằng xe bus.

Theo giới chức y tế Nhật Bản, trên cùng chuyến xe buýt với ông Wu có 2 hành khách dương tính với Covid-19 từ trước đó. Vào ngày 25/1, tàu cập bến cảng Kai Tak, nơi Wu và 130 hành khách khác xuống tàu. Sau đó, một số biên giới của Hong Kong đóng cửa, các chuyến bay và tàu cao tốc đến Vũ Hán bị hủy.

Ở Kwai Chung, vợ của Wu - một y tá về hưu - đo thân nhiệt của ông và cho kết quả bình thường. Dù vậy, sau khi ho liên tục, Wu gọi cứu thương đến Trung tâm Y tế Caritas. Tại đó, ông bị sốt và có kết quả dương tính với nCoV vào ngày 1/2. Ông được chuyển đến bệnh viện Princess Margaret. Bác sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu khoa truyền nhiễm ở Trung tâm bảo vệ sức khỏe cho biết kết quả chụp X quang cho thấy phổi ông có nhiều khoảng đen. Vợ ông cùng 3 họ hàng và 3 người khác có tiếp xúc với ông cũng được cách ly. Trong cuộc phỏng vấn với SCMP hồi giữa tháng 3, ông phủ nhận mình là 'bệnh nhân số 0' trên Diamond Princess, nói "bị đổ lỗi một cách không công bằng".

Vài giờ sau khi Wu xuống tàu, Wong cùng gia đình lên tàu với 360 người khác từ Hong Kong. Cô thường xuyên đi du lịch và đã nhận bằng ở một số đại học ở Canberra, London và Illinois. Wong đi cùng chồng là Carlos Soto, giảng viên Đại học Hong Kong và con trai 6 tuổi mong muốn được xem kimono ở Tokyo và ăn khoai tây chiên dài nhất thế giới. Cùng đi với họ trong cabin là thành viên của đại gia đình, gồm cô chú và ba mẹ ngoài 70 tuổi của cô. 

Wong cho biết: "Chúng tôi thường di chuyển bằng máy bay khi đi công tác, nhưng con tôi thích đi tàu". Cô thuyết phục gia đình rằng đây là một cách để cả gia đình đón năm mới cùng nhau. Họ được khuyến mãi ở những phòng không có cửa sổ phía bên trong. Wong nghĩ là không vấn đề gì khi họ dự định dành thời gian trên mặt đất hoặc ở bể bơi, phòng xông hơi và các tiện nghi khác trên tàu.

Vào ngày 1/2, tàu đi từ Đài Loan đến cảng Naha, Okinawa. Trên trời, phi cơ của Mỹ, chuyên dùng để bảo vệ máy bay thương mại và hỗ trợ quân đội ở Trung Đông, không phát hiện ra "kẻ địch virus" đang chuẩn bị cập bến. Cả các nhân viên kiểm tra thân nhiệt cũng vậy.

Phố mua sắm Naha Kokusai, thuộc quận Okinawa của Nhật Bản, vào ngày 14/2. Ảnh: Kyodo.

Hơn 2.000 hành khách trên Diamond Princess đi xe buýt và taxi đến khu vực đông đúc nhất trong thành phố. Một nữ tài xế taxi 60 tuổi cũng bị lây nhiễm và được xét nghiệm dương tính vào 2 tuần sau.

Soto dự định bay về nhà từ Naha đêm đó. Bạn bè gửi tin nhắn cho anh để thông báo về đại dịch ở Trung Quốc. Anh trấn an mọi người rằng mình có đeo khẩu trang, rửa tay và ăn vào giờ không đông khách. Trường học ở Hong Kong đều đóng cửa, Soto quyết định ở lại trên tàu với gia đình ở Nhật Bản.

Hôm đó ở Hong Kong, Wu dương tính với nCoV - thông tin này được gửi đến cho đại diện của Princess Cruises để cảnh báo họ khử trùng tàu, nhưng có vẻ không ai kiểm tra email.

Grant Tarling - Bác sĩ trưởng của Princess Cruises - cho biết ông thấy một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 2/2. Ông không yêu cầu hành động khẩn cấp nào khác vì bệnh nhân đã rời tàu. Vào ngày 3/2, thuyền trưởng Gennaro Arma, đến từ Sorrento, Italy, cập tàu vào cảng Yokohama. Arma làm thuyền trưởng từ năm 2018. Nhưng trực thăng của Nhật Bản bay trên trời cùng chính quyền yêu cầu ông ở yên một chỗ đã khiến Arma nhận ra mình không còn là người kiểm soát con tàu, nhân viên y tế cách ly thế chỗ cho vị trí của ông.

Thời gian này, Thủ tướng Shinzo Abe đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và Olympics 2020, dự định khai mạc vào 24/7 (nhưng đã bị hoãn đến năm 2021). Để tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh thuế tiêu thụ tăng lên - 10% trong tháng 10 - Abe vẫn mở cửa cho du khách trong tháng 1, thu hút 920.000 du khách Trung Quốc, nhiều người trong số đó bay từ Vũ Hán. Điều kiện duy nhất để họ được nhập cảnh là điền tờ khai y tế.

Số tiền từ du lịch tăng lên sẽ giúp đỡ được cho quỹ bảo hiểm y tế. Với hơn ¼ dân số trên 65 tuổi và Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato - một nhà kinh tế học dày kinh nghiệm - chuẩn bị cắt giảm ngân sách, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản chưa sẵn sàng để chống chọi với đợt cách ly 2.666 khách trên tàu Diamond Princess và 1.045 nhân viên đến từ nhiều quốc gia. 

Trong khi Nhật Bản từ chối nhiều tàu du lịch khác, nước này không thể bỏ mặc tàu Diamond Princess với hơn 1.000 người Nhật Bản trên tàu. Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi trả lời Diet - cơ quan lập pháp của Nhật Bản - rằng ông đã yêu cầu các nước khác cùng chia sẻ gánh nặng của quốc gia này.

Theo NHK, Abe, Kato và Motegi muốn máy bay Air Force của Mỹ ở đơn vị không quân Yokota sơ tán khách nước ngoài. Nhưng chính phủ Nhật Bản và các nước khác đều đang dồn lực để đưa công dân ra khỏi Vũ Hán, các trung tâm cách ly của Nhật Bản ở Saitama và Chiba sẽ không còn chỗ trong ít nhất hai tuần nữa.

Sáng ngày 3/2, trong khi các nhân viên chính phủ đang chuẩn bị công tác cách ly, hành khách trên tàu tham gia vào các hoạt động giải trí đông người trên tàu. Họ hy vọng được xuống tàu sớm. Nhưng vào khoảng 11 giờ đêm, nhân viên y tế lên tàu và yêu cầu mọi người ở trong cabin cho tới khi có thông báo tiếp theo. Ngày hôm sau, các nhân viên bắt đầu đo thân nhiệt của hành khách. Ít nhất 8 người trong số những nhân viên này bị nhiễm bệnh sau đó. Họ phát hiện ra 120 người bị sốt, ho hoặc các triệu chứng khác, và 153 ca khác có tiếp xúc gần với họ.

Tàu du lịch Diamond Princess tại bến tàu Daikoku, ở thành phố Yokohama. Ảnh: AFP.

Lúc đó, các nhân viên y tế có một vài lựa chọn. Họ có thể dựng trại trên cảng Daikoku và cách ly người bệnh khỏi người khỏe mạnh. Họ có thể đưa 273 du khách đến khu vực quân đội hoặc các khu cách ly và đưa 3.438 người còn lại ra khỏi "lò ủ virus nổi". Họ có thể xây dựng nơi trú tạm thời ngay lập tức. Họ có thể thuyết phục chính phủ nước ngoài sơ tán công dân trong khi họ còn khỏe mạnh hoặc đưa những du khách Nhật Bản về tự cách ly ở nhà hoặc ở khu vực quân sự hoặc chính phủ. Thậm chí họ có thể sử dụng những hòn đảo không có người. Nơi nào cũng được trừ một con tàu có virus. Nhưng không. Thay vào đó, Nhật Bản và Princess Cruises tự hy vọng rằng hơn 3.000 người sống gần nhau bằng một cách nào đó sẽ không lây chéo cho nhau.

Ngày 4/2, các hành khách tụ tập trên boong hạng sang để ăn buffet, dùng chung kẹp gắp đồ ăn, bàn và dụng cụ ăn uống. "Binh đoàn virus" cũng mở rộng ra tay vịn, thang máy, cầu thang và tay nắm cửa. Cuối cùng, vào ngày 5/2, Bộ y tế Nhật Bản sử dụng luật từ năm 1951 để yêu cầu 3.711 người cách ly. Qua loa trên tàu, Arma yêu cầu hành khách về phòng và cách ly trong 14 ngày tiếp theo.

Wong cho biết đây là "một cơn ác mộng". Các du khách nước ngoài trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng đây là một "nhà tù nổi". Du khách Nhật Bản đòi được về nhà, nhưng quan chức vẫn khăng khăng với kế hoạch ban đầu, cho virus này thêm 14 ngày nữa để tấn công con tàu.

Trước chuyến đi, Wong bán sản phẩm từ Scandinavi trên mạng, chủ yếu sử dụng Twitter. Vào 5/2, ngày cách ly đầu tiên, cô tweet: "Sốc và sợ hãi. Tin tưởng vào thủy thủ đoàn và thuyền trưởng". Cô không bán sản phẩm vệ sinh từ Nauy khi viết về việc tẩy trùng cabin của mình. Cô viết để tỉnh táo và được xả ra những suy tư. Cô viết về cái bụng đói, nhu cầu dùng máy làm ẩm và thuốc, và đối phó với một cậu bé không có không gian vui chơi. 

"iPad là giải pháp tốt nhất để khiến một đứa trẻ 6 tuổi bận rộn. Cố gắng ngủ nhưng thật khó  khi biết rằng có thêm kết quả xét nghiệm vào ngày mai. Nỗi sợ và hoang mang đang chiếm lấy tôi". Cô đăng tải bức hình cánh cửa phòng: "Có quá nhiều sự thắc mắc sau cánh cửa này".

Wong cập nhật trên mạng xã hội. 

Đến ngày 6/2, phóng viên tích cực truy tìm tìm mạng xã hội để có được những video trên tàu và những cuộc phỏng vấn với hành khách. Các hành khách lập một nhóm riêng tư trên Facebook để tránh xa giới báo chí. Điều này cho thấy chỉ có hành khách mới biết cách tự giúp đỡ nhau hoặc tìm cách thoát ra ngoài. Nhưng Wong chào đón mọi sự chú ý. Cô viết: "Gửi những người bạn trên mạng, tôi biết các bạn đang theo dõi. Cảm ơn các bạn vì lòng tốt và sự lo lắng".

Cô đóng vai như một phóng viên, tường thuật lại tâm trạng của những hành khách trên tàu, ví dụ như lo lắng và hoảng sợ khi 20 trong số 71 người được xét nghiệm dương tính với nCoV. Cô viết: "Không thể ngủ được. Quá nhiều suy nghĩ. Nghĩ về cuộc đời, gia đình và bạn bè. Cứ như có một bộ phim đang diễn ra trong tâm trí tôi" hay "Càng ngày càng lo lắng. Đang rất tâm trạng. Tôi đang cố gắng để được hít thở không khí trong lành. Tôi muốn khóc quá".

Richard Bowes, từ Massachusetts, Mỹ, cũng là hành khách trên tàu, kêu cô gọi điện cho anh. Người theo dõi cô gửi video koalas, chuột túi, chó con và hải cẩu con để an ủi cô. Wong viết: "Tàu đang thưc hiện mọi biện pháp của chính phủ. Vậy nên chúng ta cần có niềm tin. Không còn lựa chọn nào khác".

Ngày 7/2, ngày cách ly thứ ba, Wong và gia đình được ra ngoài. Cô bước ra ngoài boong tàu đầy ánh sáng. Đối với con cô, đây là ngày tuyệt nhất trong đời. Họ cũng quay một video nhảy vui nhộn thu hút hàng trăm lượt thích. Hàng ngày, cô chia sẻ về vệ sinh và chiến đấu với "con quỷ" tâm lý hay cố gắng giữ vẻ tích cực. Nhưng khó mà tích cực được khi tin xấu liên tục ập đến: 41 ca nhiễm nữa, đưa tổng số ca bệnh trên tàu lên 120. Những hành khách Nhật Bản treo banner trên ban công, viết về sự thiếu thốn thuốc và thông tin nghiêm trọng. Trong một lá thư tay, Tadashi Chida, một hành khách có vợ cần thuốc, nói với Bộ Y tế: "Tàu mất kiểm soát rồi. Một đại dịch đang xảy ra. Chúng tôi không có hướng đi".

Người Nhật Bản trên tàu nhớ lại về những lỗi lầm trong kiểm soát dịch bệnh khác. Họ nhớ rằng chính phủ nói rằng số người tử vong trong trận động đất năm 1995 ở Kobe là 12 người, trong khi con số thật sự là 6.000. Sau trận động đất năm 2011 ở Honshu, họ được yêu cầu vào những nơi trú ẩn thấp, không phải trên đồi và sau đó mới được thông báo về trận sóng thần cao 3m. Cùng ngày, hơn 20.000 người chết đuối vì trận sóng thần cao 15m. Chính phủ Nhật Bản còn ém tin tức về vụ rò rỉ hạt nhân ở Fukushima, ngay cả khi người nước ngoài chạy khỏi Nhật Bản, các nhà ngoại giao sơ tán đến Osaka và TV chiếu cảnh trực thăng quân sự phun nước vào những cột hạt nhân bốc khói. 

Những quan chức trên đang giữ bí mật với du khách trên tàu Diamond Princess, cho họ xét nghiệm nhỏ giọt, từ chối cung cấp thuốc và rò rỉ thông tin từ nhỏ giọt cho đến dữ dội.

Đêm xuống, mây đen bao phủ con tàu. Mẹ của Wong gọi cho cô sau nửa đêm, nói rằng một cặp đôi họ gặp trên boong đã dương tính với nCoV. Một hành khách rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Một người đàn ông 80 tuổi bị chia cách khỏi vợ. Wong nghĩ rằng khi một cặp đôi bị chia tách, điều đó cảm giác như tận thế. Nỗi sợ lớn nhất là kết quả dương tính với Covid-19 sẽ khiến bố mẹ cô xa cách. Để giữ cho bản thân bận rộn, Wong tình nguyện giúp những hành khách lớn tuổi không hiểu tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Cô dịch thông báo của thuyền trưởng sang tiếng Hong Kong và nhắn tin qua mạng wifi chập chờn với họ hàng ở Hong Kong và Canada. Wong cho biết: "Họ đặc biệt hoảng sợ".

Khi đợt cách ly "cướp đi" ngày càng nhiều hành khách, những người trên tàu muốn lấy chỗ cabin có cửa sổ để có không khí trong lành. Nhưng Wong nói với họ rằng, nhân viên không có thời gian để khử trùng căn phòng. Vì quá thiếu thông tin, hành khách đếm xe cứu thương trên bờ để tính toán số ca nhiễm. Có tin đồn chính quyền dự định cách ly thêm 14 ngày sau mỗi ca dương tính. 

Wong xuất hiện trên kênh truyền hình China Global, nhưng sau đó chỉ trích truyền thông vì tự suy đoán rằng nhân viên tàu lây lan virus bằng việc giao đồ ăn. Một cuộc tranh luận giữa các bài báo ở Trung Quốc về việc liệu virus này có lây lan qua đường không khí hay qua các đường ống thông khí. Cô viết: "Mọi người hãy cẩn thận". Nhưng khi chú của cô hoảng loạn, cô tự trấn tĩnh mình và chú. Thuyền trưởng Arma mệt mỏi thông báo qua loa rằng hành khách được giặt tay quần áo. Wong bắt đầu mất cảm giác về thời gian, tuy nhiên cô nhận được nhiều sự ủng hộ từ người theo dõi và cả từ Princess Cruises. Cô tiếp tục cầu nguyện cho hành khách trên tàu.

Vào ngày thứ 5, cô thấy rất nhiều bác sĩ, y tá và chính quyền hứa hẹn đưa thuốc cho 500 người. Cô cầu nguyện họ sẽ mang thuốc huyết áp cho bố cô. Cô viết: "Chúng tôi chuẩn bị 30 phút trước khi lên boong. Chúng tôi không muốn bỏ phí bất kì giây phút nào. Tôi lo lắng vì ít sử dụng mạng xã hội trước đây. Tôi cần làm thứ gì đó trong 14 ngày để thấy mạnh mẽ vì gia đình. Thật kì diệu khi được nói chuyện với các bạn". Cô nhận được sự khích lệ từ những người theo dõi cô. Chồng cô nghiên cứu dữ liệu y tế và xem chương trình The Love Boat. Con trai cô vẽ lại con tàu Diamond Princess. Cô đăng tải bức tranh lên mạng và tờ Japan Times đăng nó trên trang nhất.

Kết quả xét nghiệm ngày thứ 6 với 65 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca lên 130. Con tàu giờ đây trở thành nơi có ca nhiễm nhiều nhất ngoài Trung Quốc. WHO đặt riêng một mục cho con tàu trong thống kê về dịch bệnh. Wong viết: "Tôi cần khóc để bớt lo lắng. Tôi cảm thấy thật tệ khi nhìn thấy tin tức đó hôm nay. Virus này không lựa chọn ai hết, chúng giết bất kỳ ai. Chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau để khiến thế giới tươi đẹp hơn không? Trên tàu này, chúng ta có hơn 50 quốc tịch. Tất cả chúng ta cần mạnh mẽ và hợp tác để đánh bại virus".

Ngày 11/2 - ngày thứ bảy - có thêm 38 ca nhiễm và Wong đăng tải một bức hình mắt mẹ cô đỏ vì dụi quá nhiều. Wong cũng không thể ngừng dụi mắt, chớp mắt hay chạm vào mặt. Cô tự hỏi liệu đây là triệu chứng của Covid-19 hay bệnh thần kinh?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu hành khách ở yên một chỗ. Hành khách và bác sĩ Arnold Hopland sợ hãi. Trong nhiều năm, ông đã cảnh báo chính quyền Bush và Obama chuẩn bị kế hoạch cho một đại dịch. Ông cho biết con tàu này không phải là nơi cách ly, đây chỉ là một nhóm người. Thủy thủ đoàn sợ gần chết.

Bạn của ông, đại diện bang Tennessee, nối máy cho ông với cuộc họp trực tuyến của cán bộ y tế ở Mỹ. Hopland cho biết thủy thủ đoàn làm việc sát nhau và một số hành khách không đeo khẩu trang trên boong. Roe đồng ý rằng hành khách Mỹ trên tàu không được về nhà bằng máy bay dân sự. Roe cho biết: "Đây là nơi tập trung nhiều ca bệnh nhất ngoài Vũ Hán. Không có ai trên thế giới giỏi hơn chúng ta về sơ tán công dân".

Bộ Nội vụ Mỹ hành động ngay lập tức, cho biết sẽ đưa 350 công dân về nước. Nhưng còn vướng mắc khác: người được giải cứu phải cách ly thêm 14 ngày nữa ở các căn cứ quân sự ở California hoặc Texas. Canada, Hong Kong và Australia tiếp bước, đều yêu cầu 14 ngày cách ly trong các cơ sở của chính phủ. Một cơn sốc lan khắp tàu. Wong viết: "Thật điên rồ, 14 ngày nữa! Con trai tôi phát điên mất. Người già không thể chịu được. Chú tôi sắp phát điên rồi. Đây là cơn ác mộng với bố tôi".

Wong lớn lên ở Australia và quay lại Hong Kong làm việc. Cô có 2 hộ chiếu và có hai lựa chọn để đi về. Đại sứ quán Australia gửi 5 email cho cô hỏi xem cô có lên chuyến bay sơ tán của họ không. Nhưng cô lo lắng về việc ngồi trên máy bay 14 tiếng với những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm khác. Cô viết: "Bạn không biết ai bị nhiễm. Nửa số ca không có triệu chứng". Cô muốn tự cách ly ở nhà ở Kowloon. Cô viết: "Hầu hết mọi người ở Hong Kong đang làm việc ở nhà rồi". Nhưng chính phủ, sau khi giải cứu người dân từ Vũ Hán đang lo lắng về các bệnh nhân siêu lây nhiễm. Tỉ lệ lây nhiễm của tàu còn cao hơn cả tỉnh Hồ Bắc. Một người dùng đã gọi con tàu này là "Vũ Hán-bên-bờ-biển".

Wong có 2 lựa chọn: bay về Hong Kong và dành ra 2 tuần nữa trong cơ sở cách ly của nhà nước hoặc bệnh viện, nơi mà nhân viên y tế đang đình công; hoặc ở lại tàu, theo kế hoạch của Nhật Bản rồi bay đến Tokyo. Cô viết: "Chỉ nghĩ về 14 ngày nữa thôi mà tôi đã muốn bệnh rồi. Tôi thấy thương chồng tôi. Anh ấy có thể xuống tàu ở Okinawa vào ngày 1/2. Nhưng cuối cùng lại đi với chúng tôi. Tôi không thể tưởng tượng ở đây mà không có anh ấy. Anh ấy cũng nói không thể tưởng tượng xa chúng tôi một tháng".

Một cabin trên tàu du lịch. Ảnh: Sawyer Smith / Reuters.

Vào Chủ nhật, ngày 16/2, với 67 ca nhiễm, hành khách Mỹ tranh luận xem liệu có nên lên chuyến bay giải cứu của Mỹ đêm đó không. Hopland quyết định ở Nhật Bản với vợ. Nhà văn Gay Courter quyết định bay về Mỹ cách ly thay vì trở thành mối nguy cho y tế công cộng. Nhưng Wong và những người khác lại chú ý đến Matthew Smith - một người Mỹ điều hành hãng luật gia đình ở Sacramento, California cùng vợ. Princess Cruises hứa hẹn sẽ hoàn tiền cho cabin của ông. Smith uống rượu và đăng hình bữa ăn sang trọng trước view là vịnh Tokyo và chỉ trích chính quyền Mỹ. 

Với những người tuyệt vọng trong những cabin không có cửa sổ, Smith mang lại cho họ hy vọng, sau đó là đường thoát với vai trò là thủ lĩnh không chính thức trong một cuộc nổi dậy của hành khách, không chống lại Princess Cruises hay thuyền trưởng mà với chính phủ đang cố gắng giải cứu họ. 

Vào ngày hôm đó, Nhật Bản tuyên bố số ca nhiễm mới: 355 người. 38 ca trong số đó là không có triệu chứng. Smith cho biết ông thấy an toàn trong cabin hơn là trên chuyến bay với những kẻ không chịu tuân thủ quy trình cách ly. Wong cũng cố thuyết phục gia đình rằng con tàu này an toàn hơn các chuyến bay hoặc trung tâm cách ly. Cô viết: "Một khi chúng ta âm tính, chúng ta sẽ được giải thoát". Con cô vẫn muốn đi thăm Tokyo. Cô viết: "Nó khóc sáng nay, vì nó nghĩ nó không được thăm Nhật Bản. Nó dồn hết hy vọng vào lần này. Game Roblox đã khiến nó vui hơn".

Những người mất ý niệm về thời gian giờ đây phải đưa ra quyết định khẩn cấp. Sau loạt tin nhắn trên WhatsApp, 100 du khách Hong Kong quyết định đảo chính và từ chối lên máy bay chính phủ. Rồi Soto, sau khi nghiên cứu dữ liệu y tế, đã tăng dự đoán về số ca nhiễm. Anh muốn rời tàu, càng nhanh càng tốt. Cùng nằm trên giường, họ tranh cãi trên Twitter. Wong viết: "Cảm ơn anh vì đã phân tích nhưng là một người mẹ, em phải đảm bảo an toàn cho con. Bố đã bị viêm phổi trước đây rồi và mẹ cũng có bệnh nền. Nên họ có nguy cơ cao. Thêm nữa, không người già nào chịu được thêm 14 ngày cách ly nữa". Cô tweet cho Smith: "Tôi đồng ý với anh. Tôi sẽ không lên chuyến bay trừ khi biết được tất cả hành khách đã được xét nghiệm".

Các quan chức y tế trong bộ đồ bảo hộ rời tàu vào ngày 10 tháng 2. Ảnh: AFP.

Khi hành khách Mỹ chuẩn bị sơ tán vào ngày 16/2, Princess Cruises phát đi thông báo về quá trình xuống tàu cho tất cả hành khách. Wong viết: "Điều tuyệt vời nhất tôi từng đọc trong 12 ngày vừa rồi! Cảm ơn Chúa! Tôi thật  phấn khích! Và tôi không thể chối bỏ điều này! Tôi biết tôi thích điều này! Để ăn mừng chiến thắng, tôi sẽ đi cọ bồn cầu".

Smith mỉa mai những "phi hành gia" đến đưa ông đi, và ông nói "không, cảm ơn". Từ ban công, ông đếm được 11 chiếc xe buýt xếp hàng để cứu người Mỹ. Ông viết: "Chúng tôi có thông báo tới những người chuẩn bị rời đi rằng họ nên ở yên trong cabin vì họ sẽ được đưa đi từ đó. Điều đó có nghĩa là có người Mỹ không đọc hướng dẫn xuống tàu và những người đi lung tung trên những khu vực công cộng. Không biết nói gì hơn. Tôi sẽ không lên xe hay máy bay với những người này".

Có người hỏi liệu rượu có thể giết được virus hay không. Wong cho biết: "Đó là kế hoạch của tôi. Nếu tôi được đặt chân lên đất liền, tôi sẽ thực hiện lời hứa với con trai và ăn mì ramen và chiếc khoai tây chiên dài nhất thế giới ở Tokyo".

Trong khi hành khách tuyệt vọng muốn rời khỏi tàu, Giáo sư và chuyên gia bệnh truyền nhiễm Kentaro Iwata đang cố gắng lên tàu để áp dụng kinh nghiệm làm việc với Ebola và SARS. Ông lên được tàu với một đội phản ứng thảm họa vào ngày 18/2. Ông cho biết trong một video: "Tôi sợ quá. Không có cách nào để biết virus ở chỗ nào". Ông nhấn mạnh rằng không có sự phân chia giữa khu vực nhiễm khuẩn và khu vực an toàn và thấy những người bị sốt đi lang thang giữa những nhân viên cách ly không có đồ bảo hộ. Trên tàu thật sự hỗn loạn. Các quan chức chứ không phải chuyên gia kiểm soát dịch bệnh đang nắm quyền điều hành. Rời tàu lúc 5h chiều, ông tới một khách sạn và hứa tự cách ly trong 14 ngày vì không muốn lây bệnh cho ai. 

Giáo sư Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, mô tả các điều kiện trên tàu Diamond Princess. Ảnh: Reuters.

Ngày hôm sau, ông trả lời phỏng vấn rằng Nhật Bản đang mắc sai lầm vì thả 900 hành khách đi trong vòng 3 ngày. Ông chỉ trích quy trình xét nghiệm sai lầm: "Tôi không quan tâm đến kết quả xét nghiệm. Bạn phải theo dõi người ta trong 14 ngày tiếp theo, không cần biết kết quả xét nghiệm là gì".

Ông thúc giục Nhật Bản theo bước Mỹ, Canada, Hong Kong và các nước khác khi bắt buộc thêm 2 tuần cách ly trong môi trường riêng vì nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao. Sự chú ý dồn vào những hành khách vừa xuống tàu và hòa lẫn vào đám đông ở khu vực Tokyo Bay. Trong khi những nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, những phóng viên không được trang bị đồ bảo hộ theo đuổi 443 hành khách được thả vào ngày 19/2. Một số đoàn quay phim còn theo họ về nhà. Những hành khách này, trong khi đang nhẹ nhõm vì được lên đất liền, không hề biết rằng dư luận đang hoảng loạn, sẽ đổ lỗi cho họ và chính phủ vì làm dịch bệnh lây lan vì đưa ổ bệnh từ tàu lên hệ thống phương tiện công cộng đông đúc của Nhật Bản.

Kết quả xét nghiệm của Wong, Soto và con trai là âm tính, và trong hơn 3.000 hành khách trên tàu, họ là một trong những nhóm đầu tiên được xuống tàu. Wong đăng tải một bài tạm biệt căn phòng nhỏ của mình: "Nơi này mang lại cho chúng tôi niềm vui và kỷ niệm. Một khoảnh khắc khó tả khiến tôi xúc động. Chúng tôi cảm ơn những người đã cứu chúng tôi với lòng biết ơn sâu sắc nhất. Đây không phải là lời tạm biệt nhưng sẽ có ngày chúng ta gặp lại. Cảm ơn. Tạm biệt Diamond Princess, chúng tôi sẽ nhớ mọi người lắm...".

Sau khi đăng tải bức ảnh trên xe buýt đến cảng Yokohama, họ đi thêm 43 km đến khu Shinjuku sầm uất của Tokyo. Wong đăng tải bức hình của một cửa hàng, người đi bộ giữa các tòa nhà và nhà hàng nơi cô ăn mì và uống bia. Nhưng cô ngạc nhiên, khi Twitter - chiếc phao cứu sinh của cô bắt đầu phản lại cô. Một người cho rằng cô đang lây lan bệnh tật. Cô giải thích rằng cô vẫn tuân thủ hướng dẫn từ Princess Cruises và các chuyên gia virus của Nhật Bản. Cô viết: "Cảm thấy được sống lại cũng là tội à? Không ai biết gì về con tàu này trừ 3.700 người và những người ở tuyến đầu. Chúng tôi là nhân chứng sống cho cuộc khủng hoảng này chứ không ai khác". Sau một hồi tranh luận, cô quyết định biến mất khỏi mạng xã hội trong vài ngày.

Vào ngày 20/2, ngày thứ 2 sau khi được thả, Soto đăng trên Twitter một bức hình về hướng dẫn mới của Nhật Bản cho loạt hành khách mới được thả - cảnh báo họ ở nhà trừ khi có việc thật sự cần phải ra ngoài. Tài khoản của Wong cũng cho thấy bức hình cô đang tự cách ly trong khách sạn. "Nếu tôi bước chân ra ngoài khách sạn trong vài giờ, mọi người sẽ phát điên và chỉ trích không ngừng", cô viết. Gia đình họ ở Tokyo thêm một đêm nữa để đợi cha mẹ và cô chú của Wong được thả.

Cuối cùng, vào ngày 21/2, họ lên chuyến bay của chính phủ Hong Kong và cách ly thêm 2 tuần nữa. Trên máy bay có ít nhất 4 hành khách nữa dương tính khi được xét nghiệm sau chuyến bay, làm rộ lên nghi vấn về độ chính xác của việc xét nghiệm của Nhật Bản. Có ít nhất 10 người nữa trong số 200 du khách Hong Kong dương tính và hơn 70 người nữa vẫn đang ở bệnh viện Nhật Bản, 2 người khác tử vong vào đầu tháng 3.

Trước sức ép từ những nhà lập pháp phe đối lập, Bộ Y tế Nhật Bản gọi điện hàng ngày cho 800 du khách Nhật được thả. Bộ trưởng Y tế Kato cho biết ít nhất 45 người trong số họ bị sốt, và 23 người nữa chưa được xét nghiệm đúng cách. Trong những hành khách nước ngoài, ít nhất 42 người Mỹ, 7 người Australia, 4 người Anh và 1 người Israel dương tính sau khi về nước. Một trong những ca tử vong đầu tiên là một phụ nữ Nhật Bản 84 tuổi ở trên tàu trong một tuần sau khi bị sốt và tiêu chảy trong ngày đầu cách ly. Thuốc chống HIV cũng không có tác dụng đối với một bệnh nhân 87 tuổi, bị sốt trên tàu vào ngày 10/2 và tử vong sau 10 ngày.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết những ca tử vong cho thấy hầu hết các ca bệnh xảy ra trước khi cách ly, ngày 7/2 là đỉnh điểm. Tuy nhiên, bác sĩ Norio Ohmagari, giám đốc kiểm soát dịch bệnh cũng cho biết nhiều ca xảy ra vào ngày 15-17/2: "Chúng tôi nghi ngờ một số nhân viên trên tàu có thể đã nhiễm bệnh. Nhưng họ phải làm việc trên tàu. Họ phải mang đồ ăn. Điều đó có thể gây nên một số tiếp xúc gần".

Một cố vấn khác của chính phủ, bác sĩ Shigeru Omi cho biết: "Tôi thừa nhận chính sách cách ly không hoàn hảo. Con tàu không được thiết kế để làm bệnh viện. Tàu là tàu". 

Princess Cruises cho biết có ít nhất 150 nhân viên nhiễm bệnh. Nhiều quốc gia giải cứu nhân viên về nước, Nhật Bản đưa mọi người trên tàu xuống cách ly ở Saitama. Thuyền trưởng Arma là người cuối cùng xuống tàu. Princess Cruises miêu tả ông là một anh hùng.

Sau 20 ngày ở bệnh viện, Wu trở về nhà. Ông nói rằng Covid-19 chỉ như một cơn cảm lạnh, xét nghiệm máu và X quang của ông đều có kết quả tốt. Ông cho biết: "Tôi không thể chấp nhận người ta gọi tôi là nguồn bệnh. Nếu tôi là bệnh nhân đầu tiên, tại sao con gái tôi ăn tối cùng tôi trên tàu hàng ngày và vợ tôi đang sống ở Hong Kong lại không bị?"

Ông cũng nhấn mạnh mình không phải là hành khách duy nhất đến Trung Quốc trước khi lên tàu. Những chuyên gia ở Hong Kong cũng đồng ý. David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về bệnh hô hấp cho biết: "Thời điểm không cho thấy ông ấy là ca đầu, khi triệu chứng của ông bắt đầu từ ngày 23/1". Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Joseph Tsang Kay-yan cũng gật đầu: "Rất có thể người đàn ông ở Hong Kong bị nhiễm từ những người khác, ví dụ như trên xe bus, vì có 2 ca dương tính trên tàu có triệu chứng trước khi ông và gia đình có kết quả âm tính".

Diamond Princess rời cảng Yokohama, vào ngày 25/3 sau khi cách ly và khử trùng. Ảnh: Kyodo.

Quay lại Hong Kong, Wong và gia đình phải cách ly thêm 14 ngày nữa. Họ cho biết căn hộ cách ly ở Fo Tan tốt hơn dự kiến, mặc dù thức ăn chán. Ít nhất lần này họ có cửa sổ. Sau một lượt xét nghiệm âm tính, gia đình cuối cùng cũng được về nhà. Trong khi con trai ngay lập tức chơi đồ chơi, Wong tắm vòi hoa sen thật lâu. Cô ở nhà thêm một vài ngày nữa để tự cách ly. Cô tham gia một nhóm cầu nguyện và tập trung trên Twitter, đưa ra những lời khuyên cho các hành khách trên một con tàu khác bị kẹt ngoài khơi San Francisco, Grand Princess - có 21 ca dương tính với virus. Một khi chuyện này qua đi, Wong cho biết cô mong đợi đến chuyến du lịch trên tàu tiếp theo.

Xem thêm: 

* Chuyên gia lý giải việc cách ly trên du thuyền Nhật thất bại
* Những sai lầm khiến nCoV tàn phá 'Công chúa Kim cương' 
* Cư dân Hong Kong phủ nhận là 'bệnh nhân số 0' trên Diamond Princess

Huyền Anh (Theo SCMP)