Thứ bảy, 14/3/2020, 10:00 (GMT+7)

Covid-19 hé lộ cuộc sống của bệnh nhân tâm thần ở Hàn Quốc

Nếu không phải vì 'kẻ giết người' là nCoV, cái chết của người đàn ông 63 tuổi ở một bệnh viện vùng hẻo lánh Hàn Quốc chẳng thể được ai để ý. 

Sau hai thập kỷ ở trong khoa tâm thần, ông không có người thân, bạn bè hay bất cứ mối liên kết nào khác với thế giới bên ngoài. Không có ai thương tiếc hay tới nhận tro cốt của ông. Ông chỉ nặng hơn 40kg khi qua đời, không tiết lộ tên, gần như không có chỗ đứng trên cuộc đời này.

Cái chết trong đơn độc vào sớm 19/2 của ông trở thành một vấn đề khẩn được cả nước quan tâm bởi vì ông nhiễm nCoV. Bệnh nhân trở thành người tâm thần đầu tiên tử vong vì nCoV tại Hàn Quốc. 6 người khác cùng ở với ông trong khoa thần kinh, bệnh viện tư Daenam, tỉnh Cheongdo cũng tử vong trong vài ngày sau đó. Họ đều ở độ tuổi ngoài 50 - 60.

Lính phun thuốc khử trùng trên đường phố Seoul. Ảnh: AP. 

Chính quyền vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân Covid-19 len lỏi vào được khu vực phong tỏa này. Thế nhưng, một khi virus đã xâm nhập được, nó dễ dàng kiếm được những "con mồi" là bệnh nhân có sức đề kháng kém, sống cùng nhau trong không gian chật chội và thông khí kém.

Khi Hàn Quốc cố gắng để ngăn chặn sự bùng phát Covid-19, chủng virus này đã len lỏi vào những mảnh ghép yếu nhất của cộng đồng - những người già, những người có bệnh về thần kinh, người tàn tật - nhóm đối tượng thường được chăm sóc tập trung.

nCoV tấn công một ngôi nhà chung của người khuyết tật ở thị trấn nhỏ Chilgok, lây nhiễm cho 1/3 trong tổng số 69 người khuyết tật và nhân viên. Sau đó là một ngôi nhà khác ở thành phố Daegu gần đó. Nhiều ổ dịch nhỏ được phát hiện ở các bệnh viện phục hồi và các nhà dưỡng lão ở Gyeongsan, Bonghwa và Cheongdo.

Những trung tâm dưỡng lão trên khắp cả nước đột nhiên đóng cửa sau khi 3 trong số những người thường ghé thăm một trung tâm như vậy ở Seoul có kết quả dương tính. Họ dùng bữa tại nhà ăn của trung tâm và tiếp xúc với nhiều người. Đây là một cơ sở cộng đồng nơi nhiều người cao tuổi đến tập luyện và dành phần lớn thời gian.

Đây là một mối nguy tương tự đối với Mỹ, khi dịch bùng phát ở một nhà dưỡng lão ở ngoại ô thành phố Seattle đã khiến 19 người tử vong và hàng chục người khác mắc bệnh. Những nhà dưỡng lão ở Mỹ, cùng hàng triệu người đang sống trong đó cũng như người thân của họ đang thấp thỏm khi người già là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

Ở Trung Quốc, nơi số lượng lớn các ca tử vong xảy ra, các bác sĩ cho biết tỉ lệ tử vong ở những người trên 80 tuổi là 15%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung là 2,3%. Những người có bệnh tim mạch, tiểu đường hay bệnh về đường hô hấp là những đối tượng dễ tử vong nhất.

Những cơ sở nơi những đối tượng này sinh sống là nơi lý tưởng để virus sinh sôi.

Dịch bệnh thường dễ phát triển ở những đối tượng yếu nhất của xã hội. Đợt dịch gần nhất ở Hàn Quốc là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự ỷ lại vào các trung tâm chăm sóc tập trung những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và bắt buộc có một sự thay đổi điều kiện sống của người dân. Một tờ báo Hàn Quốc cho biết vào tuần trước: "Virus không tàn ác với những người yếu, chính xã hội mới là nguyên nhân đẩy họ vào môi trường sống cô lập lý tưởng cho virus sinh sôi". 

Khoa thần kinh ở bệnh viện nơi có 7 người tử vong và gần như toàn bộ bệnh nhân bị nhiễm đã khiến cả nước chú ý. Sự việc được cho bắt đầu từ khi những hình ảnh tiết lộ về cách sống của bệnh nhân trong nhiều thập kỷ với điều kiện sống và chữa bệnh nghèo nàn được chia sẻ. 

Một nhóm bác sĩ ở Trung tâm Y tế Quốc gia giám sát dịch bệnh cho biết ở đây không có giường. Bệnh nhân nằm đệm mỏng trên nền nhà. Nhiều bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, có vấn đề về vệ sinh, teo cơ vì hiếm khi (hoặc chưa bao giờ) rời khỏi bệnh viện trong một đến hai thập kỷ vừa qua. Tệ hơn nữa, hệ thống thông khí cũng không khá hơn. Chúng bị bịt lại để ngăn tự tử.

Lee So-hee - Trưởng khoa tâm thần tại Trung tâm Y tế Quốc gia - cho biết: "Đây là điều kiện lý tưởng cho virus phát tán nhanh ngay khi xâm nhập vào. Điều kiện ở bệnh viện Cheongdo Daenam đặc biệt tệ hại".

Khi mức độ của đợt dịch ngày càng trở nên rõ ràng, một liên minh vì người khuyết tật đưa ra kiến nghị với Uỷ ban Nhân quyền quốc gia về điều kiện sống, cho biết những cơ sở khác nhốt người bệnh vào cùng một chỗ là một quả bom hẹn giờ chực chờ phát nổ. Có hơn 1.500 nhà tập thể nuôi dưỡng người tàn tật ở Hàn Quốc tính đến năm 2018. Nhóm Đoàn kết chống lại Phân biệt đối xử với người khuyết tật cho biết: "Chúng ta cần xem lại sự đối xử của xã hội khi cho rằng những người khuyết tật là nguy hiểm và nhốt họ lại. Chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, những người chỉ được tự do khỏi giam cầm khi đã mất".

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV sang bệnh viện khác từ Bệnh viện Daenam ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. 

Chính quyền phát hiện ra một ổ dịch hơn 50 bệnh nhân và nhân viên bị nhiễm virus ở một bệnh viện quận Bonghwa. Độ tuổi trung bình các ca nhiễm là 88, tuy nhiên chưa có ai tử vong.

Chun Yongman - Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm phúc lợi dành cho người cao tuổi - cho biết nhiều người già ở Hàn Quốc được cách ly ở bệnh viện, vốn tập trung vào chữa bệnh thay vì chăm sóc như những nhà dưỡng lão. Những bệnh viện như vậy thường thiếu nhân viên, khiến họ dễ bị tổn thương đối với đại dịch lần này. "Tất nhiên sự chăm sóc sẽ không đủ và họ dễ bị tổn thương trước sự nguy hiểm của nCoV. Chúng tôi đều đang lo lắng", ông nói.

Kim Dong-bae, một giáo sư về công tác xã hội ở Đại học Yonsei, cho biết nhiều người cao tuổi phải chịu đựng sự thiếu thông tin do không sử dụng được internet để nắm được cách tự bảo vệ bản thân. Kim nói: "Mọi người nói với tôi họ chưa từng cảm thấy hoảng sợ thế này kể từ chiến tranh Triều Tiên".

Ở công viên Jongmyo ở Seoul, nhóm người già thường tụ tập chơi cờ vây và ăn uống đang giảm bớt, nhưng không biến mất hoàn toàn. Những bảng hiệu trên lối đi cho biết cờ vây bị cấm hoàn toàn để tránh lây lan nCoV, nhưng vẫn có một số người chơi gần đó. Kim Young-bae (84 tuổi) đội mũ và đeo khẩu trang ngồi trên ghế đá không hề hoảng sợ. Ông nhớ lại về thời kỳ sau chiến tranh khi một căn bệnh quét qua một ngôi làng và hàng chục người chết cùng lúc, nhiều đến mức không có đủ vải để quấn quanh thi thể. Vợ ông từ chối ra khỏi nhà vì sợ virus. Bà không đến sàn nhảy cho người già nữa. "Có vấn đề gì không khi bạn vẫn chết kể cả khi ở nhà hay đang đi dạo ngoài trời? Lúc nào cũng thế thôi, chúng ta sẽ ra đi vào một ngày nào đó", ông nói. 

Xem thêm: Ổ dịch nCoV trong khoa tâm thần bệnh viện Hàn Quốc

Huyền Anh (Theo SCMP)