Thứ tư, 7/11/2018, 17:55 (GMT+7)

F1 đến Việt Nam: Mọi thứ bạn cần biết về giải đua hấp dẫn cả thế giới

Với 425 triệu khán giả quốc tế xem qua truyền hình mỗi năm, F1 được ví như World Cup trong bóng đá, là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh quốc gia và thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.

Chiều 7/11, Hà Nội họp báo công bố giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1). Hà Nội trở thành thành phố thứ 22 trên thế giới đăng cai tổ chức giải đua này và là nơi thứ ba đua trên đường phố (khu liên hợp thể thao Mỹ Đình).

Sự kiện này đang khiến cả thế giới dồn sự chú ý vào Việt Nam, khiến người dân trong nước sôi sục và háo hức chờ đợi. Vậy tại sao F1 lại được quan tâm đến vậy? 

Giải đua xe lớn nhất hành tinh

Giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1) có nguồn gốc từ Giải Grand Prix đua môtô từ những năm 1920 và 1930. Đến năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn đua xe thế giới (FIA). Cái tên công thức 1 đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả các đội tham gia phải tuân thủ. 

Các đội đua sẽ vượt qua 5 chặng, bao gồm: Chặng đua thử, chặng đua phân hạng, chặng đua chính thức, chặng dừng và chặng về đích. Theo đó, các tay đua sẽ tham gia chặng đua thử để kiểm tra phương tiện thi đấu trước khi chính thức bước vào chặng đua phân hạng. Ở chặng này, theo luật mới áp dụng từ 2016, mỗi chặng sẽ có 11 đội tham dự với 2 tay lái. Các tay lái sẽ tham dự chặng phân hạng tổ chức trước ngày đua chính với 3 lượt: Q1 (18 phút); Q2 (15 phút) và Q3 (12 phút). Ở chặng đua chính thức, tay đua lần lượt trải qua phần khởi đầu, khúc ngoặt, quãng đường thẳng. Sau đó, chặng dừng để các tay lái bảo dưỡng xe trước khi hoàn thành chặng về đích cuối cùng để tìm ra đội thắng cuộc.

F1 là giải đấu mang tầm cỡ quốc tế, một sự kiện hot khắp toàn cầu. Giải đua thường niên sẽ có sự góp mặt của các đội đua và tay đua mạnh nhất thế giới (con số thay đổi vào từng năm tùy thuộc vào các đội và tay đua được chọn tham dự). 

Theo tờ Straits Times, tham gia tổ chức một chặng đua F1 cũng là "trái ngọt" cho quốc gia đăng cai. Theo thống kê của Hội đồng Du lịch Singapore (STB), cuộc đua giai đoạn 2008 - 2015 đã giúp quốc gia Singapore thu hút 350.000 khách quốc tế, mang về 150 triệu USD mỗi năm.

"Đăng cai cuộc đua F1 đã trao cơ hội cho Singapore vươn hình ảnh ra toàn cầu hơn vì đây là môn thể thao phổ biến trên toàn thế giới", Phó giáo sư chuyên về tiếp thị Sharon Ng của Trường Kinh doanh Nanyang (Đại học Công nghệ Nanyang) cho biết.

Tổng doanh thu hàng năm của giải Công thức 1 khoảng 1,8 tỷ USD, nhờ các khoản chi phí được trả bởi truyền thông marketing, bản quyền phát sóng, quảng cáo và tài trợ. Sự kiện này cũng là cơ hội để thúc đẩy kinh tế, quảng bá du lịch, văn hóa của quốc gia đăng cai đến toàn thế giới. 

Phần đua của đương kim vô địch Lewis Hamilton năm 2017
 
 
Phần đua của Lewis Hamilton năm 2017.

F1 - cuộc đua nhanh nhất hành tinh

Xe Công thức 1 có thể đạt vận tốc cao nhất lên tới 360 km/h với vòng quay máy lên tới 19.000 vòng một phút. 

Trong một cuộc đua tốc độ cao như vậy, ngoài các tay đua, một "nhân vật" cũng được chú ý là Safety Car (Xe an toàn). Theo luật, những chiếc xe này sẽ đi vào đường đua khi phát hiện mối nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của các tay đua. Xe này thông thường chỉ xuất hiện khi điều kiện thời tiết xấu hoặc tai nạn. Các tay đua sẽ biết khi nào chiếc xe quyền lực này đi vào vòng đua nhờ chiếc cờ vàng. Khi đó, họ buộc phải từ từ giảm tốc độ và không được vượt mặt đối thủ, nếu không sẽ bị truất quyền thi đấu. 

Trong mùa giải năm 2018, Mercedes-AMG GT R được chọn làm Xe an toàn của các chặng đua. Xe được trang bị khối động cơ V8 4.0L Biturbo dẫn động cầu sau và hộp số thể thao ly hợp kép 7 cấp, sản sinh công suất 585 mã lực, mô-men xoắn cực đại 700 Nm. Theo công bố của Mercedes-AMG, xe an toàn của mùa F1 2018 có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong 3,6 giây, tốc độ tối đa 318 km/h.

Chi phí vận hành đắt đỏ

Có rất nhiều thứ hấp dẫn khiến cho các quốc gia khao khát trở thành chủ nhà của một giải grand prix. Với 425 triệu người xem truyền hình mỗi năm, F1 là cơ hội để các quốc gia quảng bá hình ảnh và điền tên mình lên bản đồ thể thao thế giới. Khác với các giải Olympics và World Cup trong bóng đá, F1 là thứ tràn ngập ánh sáng rực rỡ, âm thanh sôi động níu mắt và níu tai người xem. Nhưng nó cũng không hề rẻ.

Trước hết, mức phí đăng cai cuộc đua F1, theo Formula Money, tiêu tốn khoảng 30 triệu USD và giá sẽ tăng thêm khoảng 10% mỗi năm. Các hợp đồng đăng cai tổ chức một chặng đua F1 có thời hạn 7-10 năm.

Có hai cách để tạo ra một trường đua F1: xây mới hoàn toàn hoặc tận dụng đường phố có sẵn. Nếu xây mới hoàn toàn, tính toán dưới đây của Raconteur cho biết, bạn cần 270 triệu USD, chỉ tính riêng cho việc xây sân chơi cho những chiếc xe.

Chi phí xây dựng đường đua tại F1

Nhưng để tiết kiệm chi phí, một số quốc gia như Singapore và Monaco đã chọn cách thứ hai: tận dụng đường phố có sẵn. Nhìn qua, bạn sẽ tưởng nếu chọn cách này, chủ nhà sẽ chỉ cần chuẩn bị ghế ngồi cho khán giả, ngoài ra chẳng cần gì nữa, bởi đường phố đã sẵn đó rồi, chỉ cần mang xe ra mà đua thôi. Nhưng thực tế khác xa tưởng tượng của bạn.

Xe F1 không thể đua trên đường phố thông thường, nhà tổ chức sẽ phải chi tiền để nâng cấp đường phố thành đường đua, đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn ôtô quốc tế. Khoản chi phí này phụ thuộc vào điều kiện của nơi tổ chức ở từng quốc gia.

Theo Raconteur, số tiền tiếp theo phải bỏ ra là chi phí vận hành giải đua, khoảng gần 60 triệu USD, bao gồm các khoản như: trả lương cho nhân sự sự kiện, khoảng 16 triệu USD, trong đó 6,6 triệu USD dành riêng cho đội marketing và tổ chức. Để một chặng đua đi vào vận hành, BTC cần tới 600 nhân viên, 120 lính cứu hỏa thường trực để xử lý sự cố cháy nổ. 

Tiền xây dựng khán đài đúng chuẩn với hơn 80.000 chỗ ngồi tiêu tốn ít nhất 14 triệu USD. Chi phí xây dựng hàng rào bảo vệ khán giả là 8 triệu USD. Tiền thuê nhà làm pit-stop (trạm dừng) cũng không dưới 8 triệu USD. Đồng thời, phương tiện đi lại, văn phòng sẽ "ngốn" khoảng 6 triệu USD. 4,5 triệu USD cho các chi phí liên quan đến máy móc xây dựng như cần cẩu, 350 bình chữa cháy đặt liên tiếp 15m đường đua, chưa kể 1 triệu USD để mua bảo hiểm. 

Có gì đặc biệt trong chặng đua F1 ở Việt Nam?

Video đua xe Công thức 1 ở Hà Nội
 
 

Sự kiện F1 về Hà Nội chính thức đánh dấu cột mốc quan trọng Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba trong lịch sử giải đua đăng cai tổ chức giải công thức 1, sau Malaysia và Singapore. Hà Nội cũng sẽ là thành phố Đông Nam Á thứ hai tổ chức cuộc đua vào năm 2020 cùng với Singapore.

Theo thông tin mới nhất từ cuộc họp báo hôm nay 7/11, Giải đua xe công thức 1 ở Hà Nội bắt đầu từ tháng 4/2020 với đường đua dự kiến dài hơn 5,5 km tại Mỹ Đình. Mỗi lần tổ chức, sự kiện sẽ kéo dài trong 7 ngày và thời gian diễn ra giải đua chính khoảng 4 tiếng.

 "Chặng đua tại Hà Nội là một phần trong giải đua xe F1 vô địch thế giới, được tổ chức không chỉ mang đến thử thách cho các tay đua mà còn là màn trình diễn hấp dẫn với người hâm mộ", ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nói. Bên cạnh chặng đua chính sẽ có các sự kiện khác kéo dài trong 7 ngày để người dân tham gia, như Diễu hành, trưng bày xe đua, biểu diễn công nghệ tháp lắp lốp. 

Giá vé dự kiến được công bố vào tháng 4/2019.

Huyền Anh 
Ảnh: Reuters, Straits Times