Thứ sáu, 12/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Grace Kelly và cuộc hôn nhân hoàng gia 'bị nguyền rủa'

Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Grace Kelly từ bỏ Hollywood để trở thành Đệ nhất phu nhân Monaco.

Tưởng chừng bà sẽ có được cuộc hôn nhân cổ tích sau đám cưới hoàng gia xa xỉ, thế nhưng Grace lại trở thành công chúa bị giam cầm và qua đời trong một vụ tai nạn ôtô bí ẩn.

Biểu tượng nhan sắc vĩnh cửu

Grace Kelly sinh ngày 12/11/1929 tại tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Bà xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Cha là John B. Kelly, một triệu phú từng giành huy chương vàng tại Thế vận hội 1920 và được Tổng thống Roosevelt bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm Thể dục Quốc gia. Mẹ là Margaret Katherine Majer, giáo viên tại Đại học Pennsylvania. Trong cuộc đại suy thoái những năm 1930, gia đình Grace vẫn không hề bị ảnh hưởng. 

Thập niên 50, bà là một trong những nữ diễn viên được mến mộ nhất Hollywood. Mặc dù sự nghiệp điện ảnh của Grace Kelly chỉ kéo dài trong 5 năm với 11 bộ phim, người đẹp vẫn tạo dấu ấn mạnh mẽ với khán giả. Tuy nhiên, Grace đã phải đấu tranh trước sự ngăn cản quyết liệt của gia đình để dấn thân vào sự nghiệp phim ảnh.  Trái với hình mẫu "gái ngoan" mà gia đình đặt ra, bà quyết tâm theo học tại Học viện Nghệ thuật Mỹ. Điều này khiến cha bà vô cùng thất vọng và từng nhận xét nghề nghiệp của con gái “chỉ hơn gái gọi một chút”.

Nhờ gương mặt xinh đẹp, đôi mắt xanh thẳm và diễn xuất tinh tế, Grace Kelly nhanh chóng nhận được những kịch bản hàng đầu tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Điều khiến Grace Kelly nổi bật chính là khí chất, hình thể của một diễn viên múa ballet. Chất vương giả, thanh thoát và tĩnh tại của Grace Kelly toát lên từ vòng eo thon, bờ vai gầy, dáng đi uyển chuyển. 

Năm 1952, nữ diễn viên gây chú ý với bộ phim High Noon, một tác phẩm nói về cảnh sát miền Tây. Năm 1954-1955, sự nghiệp Grace đạt đỉnh cao qua những vai diễn lôi cuốn trong The Country GirlDial M For Murder, To Catch a Thief... Đạo diễn Alfred Hitchcock đã dùng hình ảnh “ngọn núi lửa phủ băng” để miêu tả hình ảnh của nữ diễn viên trong những bộ phim của ông. Đó là một vẻ đẹp xa xôi, nữ tính nhưng đầy mãnh liệt với ngọn lửa âm ỉ bên trong. 

Năm 1955, bà đoạt giải Oscar ở hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc" nhờ vai diễn ấn tượng trong bộ phim The Country Girl. Grace cũng chiến thắng giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" tại lễ trao giải Quả cầu vàng sau bộ phim Mogambo (1954). 

Ở thời đỉnh cao, Grace Kelly chính là nữ diễn viên được trả thù lao cao nhất và được Hollywood kính trọng. Không chỉ là minh tinh của màn bạc, Grace Kelly còn được công chúng ngưỡng mộ với phong cách thời trang tinh tế, thanh lịch. Sắc đẹp và gu thời trang của bà được nhiều tạp chí danh tiếng như Vogue hay Time Magazine ca ngợi.

 Trong một cuộc bình chọn của Superdrug năm 2014, Grace Kelly chỉ đứng sau Audrey Hepburn và công nương Diana trong danh sách "50 biểu tượng sắc đẹp thế giới trong 50 năm qua". Sự nhạy bén trong thời trang của Grace Kelly không chỉ ở những bộ trang phục tinh tế mà còn ở cách phối trang sức, phụ kiện. 

Có thể nói, Grace Kelly chính là một trong những biểu tượng nhan sắc và thời trang vĩnh cửu của thế kỷ XX. Tên tuổi bà đã vượt ra ngoài giới hạn của một thần tượng điện ảnh và trở thành hình mẫu của những cô gái Mỹ đương thời.

Đám cưới hoàng gia đầy toan tính

Sinh ra trong một gia đình thượng lưu, ngay từ nhỏ Grace Kelly đã được cha mẹ giáo dục cẩn thận để sau này bà trở thành "cô gái ngoan ngoãn". Mặc dù có tính cách trầm lắng, phong thái bình tĩnh, về trí tưởng tượng, Grace Kelly lại táo bạo hơn tất cả những anh chị em của mình. Ngày nhỏ, bà từng tuyên bố với chị gái "Em sẽ trở thành công chúa". 

Chính vì tâm hồn lãng mạn đầy mộng mơ đó mà Grace sớm rời vòng tay gia đình để theo đuổi nghệ thuật. Và rồi sau cuộc gặp gỡ vào tháng 5/1955 với thái tử Rainier III xứ Monaco, bà đã một lần nữa quyết định sẽ "đi đến cùng với giấc mơ thời thơ ấu". Bà sau đó vẫn tham gia đóng phim, nhưng mối quan hệ với thái tử Monaco lại được ngầm vun đắp.

Grace nhanh chóng hủy hôn ước với Oleg Cassini, một nhà thiết kế thời trang để nhận lời cầu hôn của ông hoàng Rainier III. Dường như lời nói vu vơ thuở bé cùng những vai diễn hoàng tộc trên phim đã dự báo chính xác về tương lai của nữ minh tinh này. 

Nếu như Grace Kelly chấp nhận lời cầu hôn vì ước mơ về cuộc sống của một "bà hoàng", thì thái tử Monaco lại có những toan tính khác. Trước đó vài năm, khi vị tỷ phú người Hy Lạp tên Onassis chia sẻ kế hoạch biến Monaco thành thiên đường sòng bài và du lịch của châu Âu với thái tử Rainier, hai người đã nung nấu ý định dùng một mỹ nhân Hollywood làm "bàn đạp". Họ cần tạo nên một sự kiện gì đó khiến cả thế giới chú ý đến Monaco.

Ban đầu, Onassis có ý định giới thiệu Marilyn Monroe cho thái tử Monaco, nhưng cuộc gặp này chưa bao giờ diễn ra. Sau đó, khi Rainier III bị hút hồn bởi đôi mắt xanh thẳm và phong thái điềm đạm của Grace Kelly trong những bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock, ông đã quyết định cầu hôn ngôi sao đẹp nhất Hollywood. Với Rainier III, Grace Kelly chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho chiếc ghế Công nương xứ Monaco.

Trước sự lịch lãm và phong thái hào hoa của một ông hoàng, trái tim Grace Kelly nhanh chóng bị chinh phục. Vì tình yêu, bà đã quyết định từ bỏ sự nghiệp chói sáng ở tuổi 26 sau khi hoàn thành bộ phim cuối cùng là High Society vào năm 1956. Grace Kelly từng chia sẻ: “Sự thành công không bao giờ có ảnh hưởng thật sự đối với tôi. Tôi luôn luôn biết rằng tôi sẽ lấy chồng, và tới ngày ấy, tôi sẽ giã từ nghề nghiệp. Một người chồng và những đứa con có ý nghĩa lớn nhất trong suốt đời tôi”.

Tin tức lễ cưới được công bố vào tháng 1/1956 tại cuộc họp báo đặc biệt. Ngày 18/4/1956, cô con gái xinh đẹp của gia tộc Kelly chính thức đặt cược số phận bằng việc kết thúc sự nghiệp điện ảnh để trở thành Công nương Monaco trong một đám cưới hoàng gia hoành tráng, xa xỉ bậc nhất thế giới thời điểm đó. Người ta gọi hôn lễ của cặp đôi này đám cưới thế kỷ. 2.000 phóng viên và nhiếp ảnh gia đã đến Monaco. Hãng điện ảnh MGM còn quay phim và phát sóng trực tiếp cho hơn 30 triệu khán giả ở châu Âu.

Grace Kelly wedding
 
 

Trong phần nghi lễ ở nhà thờ, cô dâu hoàng gia Grace Kelly mặc một chiếc đầm ren màu trắng tuyệt đẹp đã trở thành "huyền thoại", tạo cảm hứng cho nhiều NTK ngày nay. Váy cưới của bà được làm từ ren hoa hồng Brussel dài hơn 270m cùng vải taffeta đính ngọc trai. Tại ngày trọng đại này, Grace Kelly xinh đẹp như một công chúa bước ra từ cổ tích. Trong số 600 khách mời có rất nhiều ngôi sao điện ảnh từ Hollywood. Thế là vương quốc Monaco nhỏ bé bỗng chốc trở thành điểm son thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Sau tiếng tăm của lễ cưới, rất nhiều khách du lịch đến đây đánh bạc và mua vui. Nhờ đó, tình hình kinh tế đất nước đã được cải thiện đáng kể.

Tất nhiên, đám cưới hoàng gia này cũng ngốn mất một số tiền lớn của Rainier III, nhưng điều đó chẳng là gì so với 2 triệu USD tiền hồi môn gia đình Kelly trao tặng, cùng số tiền ủng hộ của tỷ phú Onassis và những khoản thu khổng lồ từ dịch vụ giải trí mà Monaco thu được. 

Thế nhưng, đằng sau những lời chúc phúc, vẫn có những lời đàm tiếu xung quanh. Chính báo chí phương Tây lúc này đã viết những lời dự báo không mấy tốt đẹp về hôn nhân hoàng gia của Grace Kelly. Nhiều người cho rằng đám cưới này là một ván bài toan tính không hơn không kém. Theo một hiệp định được ký vào năm 1918, nếu Rainier III không có người kế vị thì công quốc Monaco sẽ bị trả về cho nước Pháp. Vì thế, chẳng có gì lạ khi một Rainier ở tuổi 32 bắt đầu cuống cuồng tìm người nối dõi.

Ngay cả gia tộc Grimaldi của thái tử Rainier III cũng lo lắng về tương lai của hai vợ chồng vì một lời nguyền có từ thế kỷ XIII. Theo nhiều câu chuyện truyền miệng, kể từ năm 1297 khi gia tộc Grimaldi lên nắm chính quyền Monaco và trở thành người cai trị đất nước, có một thái tử đã bắt cóc một thiếu nữ xinh đẹp và sau khi chiếm đoạt đã vứt bỏ cô. Người phụ nữ này đã nguyền rủa ông: “Từ nay trở đi sẽ không một ai trong dòng họ Grimaldi được biết đến hạnh phúc trong hôn nhân!”. Bằng một cách nào đó, mọi thứ đã diễn ra đúng như "lời nguyền" này, và cuộc hôn nhân của Grace Kelly và ông hoàng Rainier III cũng không là ngoại lệ.  

Hôn nhân đẫm nước mắt

Khi Grace Kelly chấp nhận lời cầu hôn của thái tử Rainier III để trở thành Công nương Monaco, bà cũng đã chấp nhận từ giã sự nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, chính bà đã không ngờ rằng, Rainier III lại "khắc nghiệt", "cực đoan" về những tác phẩm bà từng đóng. Chính ông đã ban lệnh chấm chiếu tất cả phim của Grace Kelly trong lãnh thổ đảo quốc. 

Ước mong thỉnh thoảng được trở lại phim trường của Kelly bị ngăn cấm quyết liệt. Khi được mời tham gia vào bộ phim Marnie của đạo diễn Alfred Hitchcock năm 1962, bà đã từ chối để giảm bớt áp lực từ chồng và dân chúng Monaco, vốn là những người vô cùng bảo thủ.

Là một Thân vương phi Monaco, nhiệm vụ của bà là làm vợ, làm mẹ. Chính vì điều này, bà bắt đầu hối hận và luôn cảm thấy như mình là một chú chim bị giam lỏng trong lồng sắt. Ông hoàng Monaco còn ra những quy định khắt khe buộc Grace phải tuân theo: không xuất hiện nơi công cộng và không tiếp khách nam giới trong lâu đài.

Grace Kelly từng nói về cuộc sống tù túng là những tháng ngày "biết rõ mình ở đâu mỗi ngày trong phần đời còn lại". Trong bức thư gửi người bạn thân là Rita Gam - một nữ diễn viên Hollywood, Grace cũng thổ lộ: “Tôi đã phát ngấy những cuộc chiêu đãi, nó đang dần hủy hoại tôi. Tôi nhung nhớ tinh thần tự do của nước Mỹ”.

Minh tinh Hollywood lần lượt sinh hạ ba người con là Công chúa Caroline (sinh năm 1957, hiện là Vương phi xứ Hanover), Hoàng tử Albert II (sinh năm 1958, hiện là người trị vì Công quốc Monaco) và Công chúa Stephanie Marie Elizabeth (sinh năm 1965, hiện là nữ bá tước Polignac). 

Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, Grace Kelly tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong các hoạt động từ thiện. Nhưng rồi mọi thứ không êm đềm như những gì bà hằng mơ ước. Điều đau đớn nhất với Grace Kelly đó là lý do năm xưa khiến bà nhận lời cầu hôn của Rainier III nay quay lại làm tổn thương chính bà. Tình yêu bà dành cho chồng là thật, ông hoàng cũng đáp lại tình cảm nhưng lại không bỏ được thói trăng hoa. Vào đầu những năm 60, bà bị sảy thai 2 lần vì quá mệt mỏi với nhiệm vụ của một Công nương.

Vợ chồng Grace Kelly và các con.

Tháng 1/2010, cuốn tiểu sử High Society: The Life of Grace Kelly của tác giả Donald Spolo đã vén lên bức màn bí ẩn về cuộc sống hoàng gia không chỉ toàn màu hồng của bà. Cuốn sách tiết lộ những chi tiết gây sốc như tính đào hoa “sát gái” của ông hoàng Rainier III đã khiến Grace Kelly đi từ nhắm mắt làm ngơ đến đau khổ phản kháng. 

Cuốn sách còn tiết lộ, vài năm đầu của cuộc hôn nhân, Công nương Grace Kelly cảm thấy mệt mỏi với những người dân bản địa bảo thủ của Monaco. Bà thường xuyên nhớ những năm tháng tự do trên đất Mỹ và thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Phải mất tới 11 năm, Grace Kelly mới có thể thay đổi quy định “cấm bất cứ người đàn ông nào ngoài chồng xuất hiện ở nhà riêng của một phụ nữ” tại đảo quốc này. Phong cách thời trang cách tân của bà cũng khiến giới thượng lưu Monaco bàn tán, dè bỉu. Sự bảo thủ của tư tưởng người Monaco khiến Grace Kelly từng phải thốt lên: “Tôi thấy nhớ sự cởi mở và quan điểm khoáng đạt về mọi thứ của nước Mỹ”. 

Cái chết bí ẩn của Grace Kelly

Vào ngày 13/9/1982, khi đang lái chiếc xe Rover 350 để đưa công chúa út Stephanie về cung điện Monaco, hai mẹ con Grace Kelly đã gặp tai nạn ôtô nghiêm trọng. Tai nạn xảy ra trên con đường gần núi Monte Carlo, nơi bà từng đóng bộ phim To Catch a Thief năm 1954. 

Cảnh sát khẳng định nguyên nhân sự việc do cơn đột quỵ đến bất ngờ khiến bà mất lái, lao xuống vực sâu 40m. Trong khi con gái Stephanie chỉ bị gãy xương nhẹ thì Grace Kelly lại bị thương rất nặng. Bà được đưa đến bệnh viện Monaco trong tình trạng xuất huyết não.

Ngày 14/9/1982, theo thông báo của hoàng gia, Công nương Grace Kelly qua đời lúc 9h30 tối. Ông hoàng Monaco và hai con lớn của họ là Caroline và Albert đều ở cạnh giường khi bà qua đời. Cái chết ở tuổi 53 của Grace Kelly đã gây nên cú sốc cực lớn đối với người thân và khán giả nước Mỹ. Đám tang của Grace Kelly trên sóng truyền hình nhận được hơn 100 triệu lượt theo dõi trên khắp thế giới.

Trong khi giới chức Monaco kết luận đấy là tai nạn thương tâm, thì gia đình Grace Kelly một mực cho rằng nó có quá nhiều mờ ám. Những người chứng kiến tai nạn cho rằng, Grace Kelly đã không tự chủ được trong khi lái. Nhưng sau khi kiểm tra lại xe, có một số nghi vấn được đặt ra như phanh xe và một số chi tiết khác bị hỏng. Và điều này đã khiến người ta nghi ngờ. Các "thuyết âm mưu" cho rằng, cái chết của Grace Kelly xuất phát từ những bất đồng về quyền lợi kinh tế giữa những thế lực đen tối với đường lối cai trị của ông hoàng Rainier III.

Sau này, các bác sĩ người Pháp chữa trị cho bà tiết lộ, Công nương Grace Kelly bị xuất huyết não hai lần. Lần đầu tiên là trước khi tai nạn xảy ra và lần thứ hai là trong bệnh viện, có thể xuất phát từ những tổn thương trên thân thể do tai nạn gây ra.

Về phía Ranier III, sau khi công nương qua đời, ông không tái hôn với ai và đã cho xây dựng nhiều công trình để tướng nhớ đến phu nhân Grace như Đại lộ Công nương Grace; Thư viện Công nương Grace, Nhà hát Công nương Grace... Dường như khi vợ qua đời, ông hoàng Monaco mới ân hận về những năm tháng tù túng khiến bà đau khổ. Trong nhà thờ Monaco có từ thế kỷ XIX, nơi Grace Kelly yên nghỉ cùng các bậc tiền nhân của Rainier III, ngôi mộ của bà là nơi duy nhất được đặt hoa tươi. Bên cạnh đó là tấm đá hoa cương được đặt sẵn để sẵn sàng khắc tên ông hoàng Rainier. Năm 2005, trước khi qua đời, ông đã chọn khuôn đất cạnh mộ của Grace Kelly để làm nơi an nghỉ cuối cùng. 

Thấp thoáng đằng sau cuộc hôn nhân tù túng cùng cái chết tức tưởi của bà hoàng Grace, người ta lại nhắc nhau về một lời nguyền đã "ám" vào gia tộc cao quý nhất Monaco. Từ một cô bé con nhà triệu phú ở Philadelphia đến khi trở thành ngôi sao Hollywood rồi trở thành bà hoàng Monaco, Grace Kelly tưởng như đã được sống một cuộc đời vương giả mỹ mãn, nhưng mọi thứ lại đi ngược lại với ước mơ của bà. 

Cho đến hôm nay, khi nhắc về cuộc đời "hồng nhan bạc mệnh" của Grace Kelly, người ta vẫn không hiểu vì lời nguyền đó, hay vì chính sự lựa chọn của bà, đã dẫn đến kết cục bi đát này. Sinh thời, bà không bao giờ để lộ sự đau khổ khi xuất hiện trước công chúng. Kelly luôn xinh đẹp, tĩnh tại, điềm đạm. Chính vì vậy, khi bà qua đời, cuộc đời bà vẫn mãi mãi là một bí ẩn, như trái tim, như vẻ đẹp không thể chạm tới này.

Bích Hà (theo Independent, Express)