Thứ ba, 26/3/2019, 06:00 (GMT+7)

Hành trình tìm 'con chữ ngoại quốc' của cậu bé 7 tuổi 

Cứ cuối tuần, mẹ con chị Lê Thị Năm (Hoành Bồ, Quảng Ninh) lại đi hơn 60 km từ miền núi xuống thành phố chỉ để học một buổi tiếng Anh.

7 giờ, sau khi ăn sáng và chuẩn bị đồ đạc, cậu bé Nguyễn Thành Đạt (7 tuổi) lại leo lên xe máy. Mẹ lấy đai địu buộc chặt Đạt sau lưng, rồi bắt đầu lái xe hơn 60 km xuống thành phố. 9 giờ 45 phút, Đạt vào lớp học, chị Năm ngồi chừng một giờ đồng hồ để đưa con về nhà. 

Đó là những buổi đi học tiếng Anh cuối tuần của Đạt. Hai mẹ con đang sống tại xã miền núi nghèo của tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2012, chị Lê Thị Năm được điều lên giảng dạy tại huyện Hoành Bồ (một huyện thuộc vùng 135 - chương trình xóa đói giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Vì nhiều lý do, gia đình chị lúc đó vẫn ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Một mình chị Năm lên công tác và chỉ tranh thủ ngày nghỉ lễ để về với chồng con. Ba năm sau cả gia đình được đoàn tụ khi chị quyết định đưa chồng và các con lên Hoành Bồ sinh sống.

Chia sẻ với iOne về chuyến "phiêu lưu" của hai mẹ con vào mỗi cuối tuần, chị Năm cho biết: "Hồi Đạt còn nhỏ, tôi đã đăng ký và cho con xem các video dạy tiếng Anh và con rất thích. Khi Đạt vào lớp 1, do cơ sở vật chất của nhà trường không đủ điều kiện, hơn nữa trường mà Đạt đang theo học mới thoát khỏi vùng 135 của huyện Hoành Bồ nên chỉ các anh chị lớp 6 trở lên mới được học tiếng Anh. Về nhà cháu hỏi tôi: Con thích học tiếng Anh lắm mà trường con lại không có, buồn mẹ nhỉ?".

Nghe vậy, chị Năm vừa thương con, vừa tủi thân rơi nước mắt.

Năm 2017 (khi Đạt học lớp 1) cả huyện Hoành Bồ không có một trung tâm tiếng Anh. Nếu muốn học phải xuống thành phố. Vì thương con, chị Năm nhờ mọi người giới thiệu và tìm được một trung tâm tiếng Anh ở Hạ Long, cách nhà 60km. Dù đi lại vất vả, khi được đi học, nét mặt của Đạt rạng rỡ hẳn. Đạt khoe với mẹ: "Học ở đây thích lắm mẹ ạ, toàn thầy cô nước ngoài. Trường cũng đẹp nữa nên con thích lắm".

Cứ thế, vào hai ngày cuối tuần, mẹ con Đạt vượt 120km cả đi lẫn về để kiếm "con chữ ngoại quốc".

Mẹ Năm chở Đạt đi học dưới thành phố Hạ Long.

Thời gian mới học, Đạt không bắt kịp các bạn trong lớp. Thầy giáo có nói chuyện và chia sẻ với gia đình nên Đạt bắt đầu học ở lớp tiếng Anh mầm non.

Vài ngày sau, Đạt thỏ thẻ với mẹ: "Con lớn hơn các em mà cứ phải học cùng với các em ấy, con buồn lắm. Mẹ có thể nói với thầy cho con quay lại lớp. Con sẽ cố gắng". Và chỉ sau 2-3 buổi quay lại, mẹ Năm lẫn thầy giáo người nước ngoài không thể tin sự tiến bộ đến vượt bậc của cậu bé 7 tuổi.

Chị Năm kể: "Trước đây cháu nhát lắm, đến chỗ đông người chẳng dám nói gì. Từ khi đi học, con tự tin hơn với mọi người. Giờ gặp ai con cũng dễ dàng bắt chuyện, ngay cả với các thầy cô nước ngoài. Dù nói không đúng ngữ pháp, Đạt vẫn vận dụng tất cả vốn từ mình có để giao tiếp, làm quen".

Về nhà Đạt còn dạy thêm em gái học những cụm từ tiếng Anh. "Hai anh em nó cứ nói ríu rít như chim chích cả ngày ấy", mẹ Đạt vui vẻ nói.

Hành trình đi học của hai mẹ con Đạt gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần bố Đạt nhìn hai mẹ con thương quá lại nói: "Hay cứ thư thư ra, khi nào thị trấn mở trung tâm thì cho con học cũng chưa muộn". Thấy con mê quá, chị Năm lại cố gắng. 

Học phí cao, di chuyển xa, thời tiết không thuận lợi nhưng chẳng mấy khi người ta thấy mẹ con chị Năm nghỉ một buổi học nào.

Trời mùa hè trời còn đỡ, đến mùa đông thì khổ đủ đường. Trời rét đi xe cũng chậm hơn. Hai mẹ con thức dậy từ khoảng 5 - 6 giờ sáng, chuẩn bị đồ rồi phóng xe máy đi. Có những hôm thời tiết lạnh đến mức gần như có tuyết rơi (sương muối) phủ trắng cánh đồng, hai mẹ con vẫn bon bon trên đường. Có thời điểm Đạt gặp tai nạn, phải nghỉ học nhưng chưa bao giờ hai mẹ con từ bỏ. Đến nay, hành trình đó đã kéo dài một năm rưỡi.

Đạt cùng mẹ học tiếng Anh tại nhà. 

Trước những ý kiến cho rằng gia đình vội vàng khi cho con học tiếng Anh quá sớm, chị Năm nói:"Mình thực sự cảm thấy tiếc khi con muốn học mà lại không cho con phát triển. Việc cho trẻ tiếp xúc tiếng Anh từ sớm rất tốt cho sự phát triển của các con sau này".

Đi bộ 4km đường núi đến trường mỗi ngày 

Hành trình học tiếng Anh dưới xuôi đã vất vả, những ngày đi học ở trường của Đạt cũng chẳng kém cạnh. Nhà cách điểm trường cậu bé học chừng 4km, mẹ lại dạy ở trường khác (cách nhà 20km) nên hàng ngày (bắt đầu từ lớp 1), Đạt đã một mình đi bộ men theo đường núi để đến trường. Trưa lại đi bộ về.

Đạt đi học cùng các bạn.

"Do là huyện miền núi nên đường ở đây chủ yếu là đất, lên dốc, xuống dốc là chuyện thường. Mẹ không phải lúc nào cũng có thời gian đưa con đi học nên mình cũng để cháu đi bộ. Cực nhất là mùa hè, 12 giờ trưa nhìn con đi bộ về, mặt đỏ bừng bừng, mẹ nhìn mà xót nhưng không biết làm cách nào", chị Năm kể.

Cậu bé Thành Đạt, 7 tuổi.

Giờ đã lên lớp 2, Đạt được mẹ sắm cho một chiếc xe đạp để đi đến trường. Những ngày đầu đi học mẹ vẫn phải kèm vì đường núi dốc nhiều, lại lắm xe chở gỗ nếu không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm. 

Cứ như vậy, chuyến hành trình đi tìm con chữ khoảng 240km mỗi tuần tiếp tục đối với mẹ con chị Năm.

Thúy Quỳnh