Thứ hai, 27/8/2018, 00:26 (GMT+7)

Hội sinh viên giàu: 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng vẫn 'không đủ sống'

Với phần lớn sinh viên, được chu cấp 3 -4 triệu đồng là đủ trang trải cho cả tháng nhưng với 'hội có điều kiện', mỗi tháng họ có thể tiêu đến 15 triệu đồng.

Khi biết phóng viên đang tìm hiểu về cuộc sống của sinh viên hiện nay, bác M. - một người trông xe lâu năm tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền - nói: “Sinh viên bây giờ còn có người lái ôtô đi học cơ mà. Tuy nhiên, chỗ để ôtô phần nhiều dành cho giảng viên nên sinh viên muốn để cũng khó, hầu hết phải đi gửi ở bãi xe ngoài”.

Cuộc sống của sinh viên bây giờ đã thay đổi, bắt đầu nhìn thấy từ bãi gửi xe. Hơn 10 năm trước, phương tiện đi học chính của sinh viên là xe đạp, hiếm hoi lắm mới có người dùng xe máy thì bây giờ, xe đạp hầu như đã không được sử dụng đến. Bãi gửi xe của các trường đại học đầy ắp các loại xe đắt tiền như: Vision, Liberty, LX, SH... Một số trường còn phải gắn biển cấm sinh viên đi ôtô vào trường học.

Một góc bãi gửi xe của Học viện Báo chí & Tuyên truyền.

Bãi gửi bác M. đang trông hầu hết là những chiếc xe máy thương hiệu nổi tiếng, ngoài ra có lác đác vài chiếc ôtô của sinh viên như của các hãng Kia, Hyundai, Toyota... Mà Học viện Báo chí & Tuyên truyền vốn chưa phải là trường của... giới sinh viên sành điệu.

Ngoài phương tiện, chỗ ở cũng là hạng mục ngốn một khoản lớn của sinh viên. Ngày nay, hội sinh viên giàu ưa chuộng những căn hộ chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi, an ninh đảm bảo, thay vì những phòng trọ ẩm thấp, điện nước chập chờn như xưa.

“Sinh viên giờ nhiều đứa giàu lắm, kể cả ngoại tỉnh. Bố mẹ chúng nó giàu, không muốn con mình chịu cảnh khổ nên cứ tìm chung cư mà thuê cho con ở thôi”, chị Nga - chủ một căn chung cư mini gần các trường đại học lớn ở khu vực Cầu Giấy - chia sẻ.

Nhu cầu ăn uống của các trí thức tương lai cũng khác xưa rất nhiều. Những bữa cơm ít thịt, nhiều rau đậu đã là ký ức của thế hệ anh chị. Bữa cơm của phần lớn sinh viên hiện tại đã đủ thịt, cá. Những sinh viên giàu có còn có thể mỗi tuần la cà ăn nhà hàng - uống trà sữa 2 - 3 lần với bạn bè.

Những cô cậu trông... không giống sinh viên

Hà Chi quê ở Quảng Ninh - sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao - là một trường hợp điển hình cho hội sinh viên giàu có. Chi kể, đầu năm nhất, bố mẹ sợ Chi sống ở ngoài thiếu thốn nên đã thuê một căn chung cư ở đường Nguyễn Khang và chuẩn bị chu đáo mọi đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt giống ở nhà: tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa... Thậm chí, bố mẹ còn đề nghị thuê người giúp việc để Chi có thể yên tâm học hành, nhưng vì muốn... tự lập, thoải mái nên cô đã từ chối.

Nhà bếp...
... và phòng ngủ trong căn hộ Hà Chi đang ở.

“Giá tiền phòng ở đây là 5 triệu một tháng chưa kể các khoản dịch vụ khác. Mình ở một mình và cảm thấy khá thoải mái, không gian yên tĩnh, vệ sinh sạch sẽ nên không phải lo lắng nhiều. Mình muốn gì cũng có thể làm theo ý riêng. Tivi, Internet đầy đủ, việc học tập của mình được hỗ trợ rất tốt. Mẹ mình còn thường xuyên gửi đồ ăn xuống cho mình, thường thì 2 tuần mẹ gửi một lần”, Chi nói.

Dù cuộc sống khá thoải mái, tiện nghi, ăn uống đầy đủ, cô sinh viên năm 2 này vẫn thường xuyên được bố mẹ cho thêm khoảng 8 - 10 triệu đồng để chi tiêu. Ấy vậy mà Chi vẫn than thở: “Mình chẳng đủ tiêu nên toàn phải xin thêm”.

Với số tiền 8 - 10 triệu đồng hàng tháng, Chi thường dành 3 - 4 triệu để mua sắm quần áo, giầy dép, còn lại Chi dùng để chi tiêu hàng ngày và đi ăn uống, vui chơi, học tập.

Còn Ngọc Hà - sinh viên Học viện Ngân hàng - có cuộc sống khá đầy đủ ở một căn chung cư tại đường Vũ Tông Phan. Gặp Hà, phóng viên khá bất ngờ với cuộc sống sinh viên của cô. Ngay từ đầu năm học, Hà đã được bố mẹ thưởng cho một chiếc xe SH đời mới và một căn chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi. Phòng cô được bố trí như ở nhà riêng.

“Em không ở được trong nhà trọ hạng thường, loại nhà vừa ẩm vừa chật chội mà nóng kinh khủng. Bố mẹ em cũng không muốn em ở đó. Ở đây vừa yên tĩnh, thoải mái nên em có thể tập trung vào việc học hơn”.

Mỗi tháng, Hà được bố mẹ cho 15 triệu đồng, một nửa chi cho tiền nhà, nửa còn lại là tiền ăn, xăng xe, điện thoại, tiêu vặt... “Em tốn khá nhiều tiền cho những khoản linh tinh như cà phê, trà sữa ... Hơn nữa, vì là con gái nên tiền mua sắm quần áo, giày dép cũng khá nhiều...” Hà chia sẻ. Tủ đồ của cô nàng đều là những món đồ có thương hiệu như Zara, Charles and Keith, Fila, Adidas...

Phòng khách...
... và bếp trong căn hộ Ngọc Hà đang ở. 

Lê Duy - sinh viên năm cuối đại học FPT - cũng được gia đình trang bị đầy đủ đồ dùng như Macbook Pro, iPad, Samsung Note 8... để phục vụ cho quá trình học tập của một sinh viên công nghệ thông tin. Ngoài ra, là một người đam mê tốc độ nên ngay từ năm 2 Duy được bố mẹ chiều theo ý muốn mua cho một chiếc xe phân khối lớn để đi học. Về các khoản chi tiêu hàng tháng, Duy được bố mẹ chu cấp thêm 7 - 8 triệu một tháng, có khi nhiều hơn. Duy dành 60% số tiền để ăn uống, sinh hoạt cá nhân, số còn lại cậu mua đồ hoặc mua khoá học trên mạng. Duy kể: “Có những tháng mình để dành được 1 triệu - 2 triệu, dần dần cũng tiết kiệm được một khoản để mua thiết bị học tập. Tuy nhiên cũng có những tháng mình phải xin thêm vì không đủ chi tiêu”.

Khi được hỏi về cách tiêu tiền xông xênh hơn phần lớn sinh viên còn lại, Hà Chi nói: “Bố mẹ có điều kiện nên việc cho con ở những phòng trọ đầy đủ tiện nghi mình nghĩ là điều hợp tình hợp lý. Bố mẹ nào chẳng muốn cho con mình một môi trường ăn, ở tốt để có thể thoải mái học tập. Còn việc chu cấp bao nhiêu cho con là phụ thuộc điều kiện của từng gia đình”.

Còn Ngọc Hà nói: “Gia đình có đủ điều kiện thì mình ở, mình chi tiêu chả có gì đáng phê phán cả, chẳng lẽ nhà có điều kiện mà lại bắt con chịu khổ ở trong những ngôi nhà ẩm thấp, nóng nực? Bố mẹ nào mà chả thương con, quan trọng là mình có ý thức và biết sử dụng số tiền được chu cấp sao cho hợp lý”.

Đi làm thêm để ... trải nghiệm

Bên cạnh một số sinh viên hài lòng với số tiền được gia đình cung cấp, nhiều bạn trong hội nhà giàu vẫn tìm cho mình các công việc làm thêm để đáp ứng nhu cầu chi tiêu lớn, để trải nghiệm cuộc sống và để hiểu hơn về giá trị của đồng tiền.

“Một tháng mình được bố mẹ cho 10 triệu đồng. Mình trả tiền phòng 4 triệu còn lại để chi tiêu các khoản khác. Bình thường mình chỉ chi tiêu hàng ngày, thỉnh thoảng có tụ tập đi ăn, đi chơi với bạn bè. Thường một tháng mình có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng, ngoài ra còn đi làm thêm nữa nên cũng rủng rỉnh”, Việt Hoàng - sinh viên năm cuối Đại học Bưu chính Viễn thông - kể.

Hoàng sống cùng người bạn nữa tại một chung cư ở Văn Quán - Hà Đông. Mặc dù, cuộc sống khá đầy đủ thế nhưng Hoàng vẫn đi làm thêm sau giờ học để trải nghiệm cuộc sống. “Bố mẹ khi biết mình đi làm thêm thì ra sức ngăn cản vì sợ mình mệt, nhưng dần dần bố mẹ cũng chiều theo vì thấy mình có thể cân bằng giữa việc học và việc làm”.

“Người khác thấy mình con nhà có điều kiện nên bàn tán này nọ. Đồng ý là có những bạn sinh viên khiến người xung quanh phải suy nghĩ về mặt trái của sự giàu sang, sống đầy đủ mà không biết phấn đấu cứ mải ăn chơi, tiêu tiền không suy nghĩ. Nhưng với mình, có cơ hội, nền tảng gia đình tốt hơn các bạn khác nên mình càng phải phấn đấu, cố gắng học tập tốt hơn", Hoàng tâm sự.

Hoàng cũng chia sẻ, so với lớp sinh viên 8x, sinh viên bây giờ đã năng động hơn rất nhiều. Cơ hội công việc với họ cũng phong phú hơn. Nếu như các anh chị sinh viên thế hệ trước chỉ quanh quẩn làm gia sư, bán hàng, thì bây giờ các bạn có nhiều công việc thời thượng, thu nhập tốt hơn, thậm chí có cơ hội thử thách trong những tập đoàn lớn.

Nếu như sinh viên con nhà nghèo hay tầng lớp bình dân mỗi ngày trôi qua với họ là mỗi ngày trĩu nặng nỗi lo học phí, cơm ăn, phòng trọ... thì hội sinh viên con nhà giàu là những bạn trẻ không bao giờ biết đến nỗi lo học phí, không cần trăn trở lựa chọn khi muốn học thêm một khóa học mới. Nhưng số sinh viên giàu này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng những cuộc khảo sát nhỏ tại các trường đại học ở Hà Nội cho thấy, mức sống trung bình của sinh viên ở các đô thị lớn hiện nay dao động ở mức 3 - 4 triệu đồng một tháng.

Bài và ảnh: Quỳnh Thương

* Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi