Thứ ba, 11/6/2019, 12:42 (GMT+7)

3.000 bức ảnh 'nói' về những đảo xanh ngập rác

Không chỉ có đất liền,  đường ven biển, ngay cả những hòn đảo xa - nơi ta ngỡ mọi thứ trong xanh - cũng ngập trong rác...

Đó là thông điệp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) sau những chuyến ghé thăm các hòn đảo Bình Ba, Côn Đảo, Nam Du... vào đầu 2019. Anh đã ghi lại nhiều bức ảnh phản ánh thực trạng rác thải đang tràn ngập mọi nơi, đặc biệt là trên biển...

Tháng 8/2018, anh có chuyến đi kéo dài 43 ngày, qua 39 tỉnh thành (trong đó có 28 tỉnh thành ven biển) với hơn 3.000 bức ảnh về rác.

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chụp tại Côn Đảo.

Là một nhiếp ảnh gia đồng thời là người dạy nhiếp ảnh, Lekima Hùng hiểu được giá trị của từng bức ảnh qua sự biểu đạt thông tin, tính chân thật và cảm xúc... Ảnh có thể thay đổi nhận thức cho đến hành động của người xem.

Đảo Hòn Ngang, Kiên Giang.

Lekima Hùng tâm sự, cách đây gần 5 năm, khi biết mẹ bị ung thư, anh đã tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh quái ác này. Đó là lúc anh phát hiện nhựa có thể gây ra ung thư. Những con số, sự tác động khủng khiếp của nhựa lên môi trường và đại dương khiến anh bị choáng. "Càng tìm hiểu, tôi càng ngỡ ngàng khi biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương", nhiếp ảnh gia nói.

Bãi rác tại Côn Đảo. 

Trong chuyến "săn rác", anh không nhớ bao nhiêu lần chứng kiến cảnh tượng bãi biển bị tràn ngập bởi nhựa, túi nilon... Khi đặt chân đến Côn Đảo, Hùng Lekima tiếp tục phải ngỡ ngàng. Tại đây, một ngày sẽ chở khoảng 7 xe rác ra bãi tập kết nhưng trên đảo chỉ có một lò đốt rác. Trung bình một ngày chỉ đốt được một xe, cứ vậy rác thải chất đống, chưa kể rác từ biển dạt vào.

Bãi rác ven đường tại đảo Phú Quốc.

Rồi khi ghé thăm đảo Nam Du (Kiên Giang), Lekima Hùng nhớ như in cảnh tượng một bãi rác toàn ruồi nhặng ngay cạnh một bờ biển đẹp. Thứ ám ảnh anh không chỉ là rác mà còn là tiếng vo ve của ruồi, nhặng, nhất là khi người ta đốt rác.

"Âm thanh khi lũ ruồi nhặng chúng bay lên cùng với mùi rác thải bị đốt khét lẹt gây ám ảnh không chỉ thị giác mà cả khứu giác, thính giác... Chúng ám ảnh tôi đến tận giờ", Lekima Hùng nhớ lại.

Nhiếp ảnh gia kể về cuộc trò chuyện với những người dân sinh sống lâu trên đảo. Có người nói rác thải nhựa rất bẩn và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhưng có người bàng quan, chấp nhận sống chung với rác vì: Có kêu thì rác cũng không biến mất.

Nhiều hòn đảo nơi anh đi qua không có nơi xử lý rác thải hoặc lò đốt rất thủ công, thậm chí nhiều nơi chôn trực tiếp xuống đất hay vứt thẳng ra môi trường. "Mỗi lần nhìn thấy cảnh tượng rác thải chất thành núi, tôi chỉ mong muốn câu nói: 'Đảo là nhà, biển cả là quê hương" thành hiện thực, không phải là khẩu hiệu", nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Đây là lý do khiến anh luôn kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, các cấp, các ngành thay vì chỉ lên án người dân sinh sống vứt rác bừa bãi.

Theo số liệu của UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), hơn 3.000 km đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông. 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. 

Ngoài 3.000 bức ảnh cùng các thước phim, nhiếp ảnh gia thường xuyên tổ chức các hoạt động vì môi trường như: Tổ chức những chuyến đi dọn rác ở biển cùng các thành viên của Học viện nhiếp ảnh Ánh sáng, duy trì trang web "Save our seas" (Hãy cứu biển), Chợ xanh... để đưa những thông tin về rác thải, môi trường nhằm cảnh báo tác hại của rác thải đến cộng đồng.

Chuyến dọn rác với các thành viên của Học viện Nhiếp ảnh Ánh sáng. 

Lekima Hùng chia sẻ việc tổ chức các buổi dọn rác cho trẻ nhỏ là rất ý nghĩa. "Khi các em cúi xuống nhặt rác, việc vứt rác thải bừa bãi sẽ trở nên khó khăn hơn. Song hành cùng với việc này, chúng ta vẫn cần phải trang bị cho trẻ nhỏ kiến thức về phân loại rác thải nhựa, rác thải độc hại và các sản phẩm có thể tái chế", nhiếp ảnh gia nói.

"Sáng 4/5/2018 đoàn đã nhặt rác trên 500m bãi Dong, một bãi biển rất đẹp và không có người ở. Vậy mà rác từ đại dương táp vào đấy rất nhiều. Đoàn thu được 7 khối dây, lưới đánh cá, khoảng 100 bao rác, phần lớn là chai nhựa, túi nilon, xốp, trong đó có 4 bao là thủy tinh và đồ điện tử độc hại", trích hành trình dọn rác tại Côn Đảo của Lekima Hùng.

Mỗi chuyến đi, nhiếp ảnh gia lại thêm vào bộ "sưu tập" những bức ảnh chụp rác. Nhưng khác với mọi lần, trong kho ảnh của anh có thêm những khoảnh khắc cộng đồng chung tay dọn rác để cứu biển. Rác thải được gom lại, được đem đến nơi tiêu hủy hoặc tái chế.

Tất cả những rác thải nhựa bạn vứt đi hôm nay đều sẽ quay về với bạn. Đại dương sẽ chẳng thể bị ung thư vì hạt vi nhựa, cũng chẳng vì có thêm rác mà cảm thấy buồn bã. Bệnh tật, bẩn thỉu, xấu xí... là tất cả những gì con người phải gánh chịu. Bớt một chiếc túi nilon, là tăng một cơ hội để đại dương không ô nhiễm vì rác thải nhựa.

Sau những chuyến đi, tối 4/6 triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải nhựa tại Việt Nam với tên gọi "Hãy cứu biển" của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng diễn ra tại Hà Nội.

Một góc của triển lãm. 

Nhiếp ảnh gia muốn gửi gắm một thông điệp: Rác thải nhựa đang trở thành mối nguy hại không chỉ của Việt Nam mà của toàn cầu. Chúng ta đang sống nhờ đại dương. Hãy nhớ: Đại dương có thể sống không cần con người nhưng con người sống phải cần đại dương. Vì thế, chỉ có hành động mới làm nên thay đổi.

Đằng sau 3.000 bức ảnh rác thải 'biết nói': Đừng để rác nhấn chìm đảo xanh!
 
 

Trong 2019 - 2020, Lekima Hùng dự định thực hiện thêm những chuyến đi chụp ảnh rác tại các hòn đảo của Việt Nam để lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người. "Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh", anh luôn khắc ghi câu nói này để có thêm động lực.

Thúy Quỳnh - Tùng Đinh

Ảnh: Lekima Hùng