Chủ nhật, 6/10/2019, 00:00 (GMT+7)

9 chuyện tình đồng tính hấp dẫn và cảm động nhất lịch sử

Ngược dòng thời gian trở về những thế kỷ trước đây, có nhiều mối quan hệ đồng tính luyến ái tồn tại bất chấp sự kỳ thị của xã hội hoặc những hình phạt tàn khốc.

1. Marcela Gracia Ibeas & Elisa Sánchez Loriga

Năm 1902, một cô gái tên Elisa Sánchez Loriga phải đóng giả làm đàn ông để cưới một cô gái khác, Marcela Gracia Ibeas. Đây là đám cưới đồng giới đầu tiên tại Tây Ban Nha, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, phim ảnh sau này. 

Ảnh cưới của Elisa (phải) và Marcela.

Marcela Gracia Ibeas và Elisa Sánchez Loriga gặp nhau lần đầu khi cả hai vừa học vừa làm tại nhà thờ công giáo A Coruna. Mối quan hệ của hai người mãnh liệt đến mức cha mẹ Marcela phải chia cắt bằng việc gửi cô đến vùng đất khác. Mặc khoảng cách địa lý, Elisa vẫn đi bộ đến nơi Marcela đang ở sau mỗi giờ học. 

Hai người tổ chức đám cưới vào ngày 8/6/1901. Elisa cắt tóc ngắn, đóng giả làm đàn ông, lấy tên là Mario để linh mục không nhận ra. Tuy nhiên, bí mật này không giữ được lâu. Thông tin về một cuộc hôn nhân đồng tính nữ trở thành tin tức chấn động vùng Galicia. Bức ảnh cưới của Marcela và Elisa được đăng trên trang nhất của tờ báo La Voz de Halicia với tiêu đề: "Đám cưới không có chú rể". Họ bị đuổi việc, khai trừ khỏi Giáo hội và bị chính quyền đuổi bắt. 

Marcela và Elisa chạy trốn, từ Bồ Đào Nha đến Argentina. Để bảo toàn tính mạng hai người, Elisa dùng tên giả kết hôn với một người đàn ông khác, đưa Marcela vào sống cùng nhà với cô. Sau đó, người chồng Elisa phát hiện ra cuộc tình bí mật của vợ. Năm 1909, báo chí tuyên bố Elisa qua đời vì tự tử. Điều gì đã xảy ra với Marcela, mãi mãi là một ẩn số. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đồng giới của họ chưa bao giờ bị hủy bỏ. 

Năm 2019, câu chuyện tình yêu của cặp đôi đã được chuyển thể sang phim điện ảnh Elisa and Marcela do đạo diễn Isabel Coixet thực hiện.

2. James I & George Villiers 

James I là con trai của Nữ hoàng Scotland Mary Stuart, được kế vị ngai vàng nước Anh năm 1603 sau khi Nữ hoàng Elizabeth I băng hà mà không có người nối dõi  Mặc dù lấy vợ sinh con, James I là một người đồng tính luyến ái. Người tình sâu đậm nhất với James I là Công tước xứ Buckingham George Villiers.

Tranh minh họa vua James I và người tình đồng giới George Villiers.

Vua James I từng đứng trước Hội đồng Cơ mật của Vương quốc Anh tuyên bố: "Các người có thể chắc chắn rằng tôi yêu Villiers hơn bất kỳ ai khác, và hơn những người ở đây. Tôi muốn nói lên tiếng lòng của mình rằng đó không phải là một khiếm khuyết, vì Chúa cũng như vậy và tôi không thể bị đổ lỗi". 

Theo tài liệu sử sách, trong những bức thư, James I gọi Villiers là "tình yêu" và là "vợ" của ông. Công tước xứ Buckingham cũng từng viết những lời yêu thương tha thiết gửi nhà vua: "Em ước gì có thể được gặp gỡ vui vẻ và thoải mái với anh. Em chỉ muốn sống trong thế giới này vì anh, và em thà bị trục xuất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này cùng với nhau, còn hơn là sống một cuộc đời góa bụa đau khổ mà không có anh".  

Mối quan hệ của này khiến George Villiers nhận về rất nhiều sự ghét bỏ. Sau khi vua James I qua đời năm 1625, George Villiers cũng bị đâm chết. 

3. Pan Zhang & Wang Zhongxian

Câu chuyện này lần đầu được kể trong cuốn sách Anthology Of Tales From Records Of The Taiping Era. Wang Zhongxian sống trong thời nhà Chu, một triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ X TCN. Trong một lần gặp gỡ Pan Zhang, ông phải lòng ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Hai người yêu nhau, sống tình cảm bên nhau như vợ chồng, "chia sẻ cùng một chăn gối với sự thân mật không ràng buộc".

Wang Zhongxian và Pan Zhang chết cùng một ngày. Họ được chôn cất trên núi La Phù (Quảng Đông, Trung Quốc). Ở gần mộ của cặp đôi, một cái cây kỳ lạ đã mọc lên, với những nhánh cây hướng về nhau như những cái ôm thân mật. Người dân địa phương vẫn gọi đây là "cây chung gối". 

4. James Buchanan & William Rufus King

James Buchanan (1791-1868) là Tổng thống Mỹ thứ 15, là ông chủ Nhà Trắng duy nhất suốt đời làm trai tân khi không bao giờ kết hôn sinh con. Mặc dù chưa từng kết hôn, Tổng thống Buchanan từng đính hôn một lần. Tuy nhiên, vị hôn thê này sau đó đã hủy hôn. Kể từ đó, vị Tổng thống này không màng tới chuyện hôn nhân.

James Buchanan (phải) và William Rufus King.

Trong đời sống riêng tư, mối quan hệ đồng giới giữa James Buchanan và William Rufus King - thượng nghị sĩ Bắc Carolina đến từ Alabama không phải chuyện bí mật. Hai người sống chung trong một căn nhà ở Washington trong 15 năm. Sau này, thượng nghị sĩ King trở thành Phó tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin Pierce.

Theo nhà viết sử sách James W.Loewen, William Rufus King được biết đến như một vị Phó Tổng thống "đồng tính luyến ái" nổi tiếng của nước Mỹ. Thậm chí, ông King còn bị gắn với biệt danh "phu nhân Buchanan". Sử gia Loewen cũng công bố một lá thư do Tổng thống Buchanan viết gửi một người bạn sau khi William King đi Pháp làm công sứ. Nội dung bức thư thể hiện rõ tình cảm của Tổng thống Buchanan dành cho "người bạn": "Tôi thật sự rất cô độc và chỉ có một mình, không ai có thể làm bạn đồng hành với tôi từ khi người ấy đi xa. Tôi đã từng theo đuổi nhiều người đàn ông nhưng đều thất bại".

5. Queen Anne & Sarah Churchill

Nữ hoàng Anne - nhân vật cuối cùng của triều đại Stuart, từng trị vì Vương quốc Anh trong giai đoạn 1702 - 1714. Bà được biết đến là một nữ hoàng tài năng, cứng rắn với nhan sắc quyến rũ nhưng phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch. Bi kịch lớn nhất là chuyện Anne là người song tính, từng rơi vào ái tình với Sarah Churchill (bà cố của dòng họ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill).

Tranh minh họa nữ hoàng Anne.

Sarah Churchill được miêu tả là một cận thần xinh đẹp nhưng có tham vọng không đáy. Theo sử sách, cuộc phiêu lưu tình ái này diễn ra trong lúc Nữ hoàng Anne vẫn đang chung sống với Hoàng tử George. Mối quan hệ say đắm giữa hai người phụ nữ đã trói buộc Sarah luôn túc trực một cách trung thành bên Nữ hoàng. Anne sủng ái Sarah nhưng chẳng hề biết rằng tình nhân của bà đang có lòng tham giành lấy lợi thế chính trị và tài sản. 

Mặc dù phải trải qua đau khổ triền miên và đắm chìm trong một mối tình kỳ lạ, Nữ hoàng Anne vẫn tìm thấy chút tỉnh táo cuối cùng. Bà quyết định làm tròn trách nhiệm với hoàng gia và hạn chế sự can dự của quyền lực thứ ba - nhân tình Sarah. Cuối cùng, Anne đã chấm dứt sự điều khiển của Sarah cùng với ý chí sắt đá, và lấp lại khoảng trống bê bối bằng một mối tình với Abigail Masham - một người chị em họ của Sarah.

Đau đớn vì bị ruồng bỏ, Sarah đã hủy hoại tình yêu này khi tuyên bố cho Abigail Masham về những tai tiếng trong quan hệ với Nữ hoàng. Sau này, chính Sarah lại không tiếc lời nguyền rủa Nữ hoàng Anne, và biến cái gọi là "tình yêu" ngày nào trở thành một cuộc chiến âm thầm hỗn loạn. Sarah không bao giờ tha thứ cho Anne, còn Nữ hoàng cũng buộc sa thải Sarah khỏi mọi vị trí. Sarah rời khỏi nước Anh và chỉ có thể trở về sau khi Nữ hoàng Anne qua đời năm 1714.

6. Hán Ai Đế & Đổng Hiền

Câu chuyện của vua Hán Ai Đế và Đổng Hiền thời nhà Hán được rất nhiều sử sách Trung Quốc ghi chép lại. Đổng Hiền là người hầu bên cạnh thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều. Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Ai Đế, khi đó đã lên ngôi hoàng đế, nhìn thấy. Sau nhiều năm gặp lại, Ai Đế đã nhận ra Đổng Hiền đã trưởng thành và tuấn tú hẳn lên. So với những cung nữ phấn sáp trong lục viện anh ta còn kiều diễm hơn. 

Ai Đế không cầm được sự vui mừng lệnh cho Đổng Hiền theo sau mình hầu hạ. Từ đó Ai Đế đối với Đổng Hiền ngày càng sủng ái. Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền. Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, bắt Đổng Hiền lúc nào cũng phải ở bên cạnh mình. Ai Đế còn lệnh xây dựng cho Đổng Hiền một tư dinh tráng lệ, quy mô vượt hơn hẳn các vị đại thần. Những ngọc lạ châu quý trong cung đều để cho Đổng Hiền tự chọn lấy, thậm chí nhiều đồ dùng của vua như giày, quần áo và xe ngựa đều dùng chung với ông. 

Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình. Người đời sau này gọi mối tình đồng tính là "đoạn tụ chi tích", nghĩa là "mối tình cắt tay áo" cũng là có nguồn gốc từ câu chuyện này.

Một ngày, Ai Đế mở yến tiệc cùng chư thần, sau khi uống vài cốc rượu, đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt thâm tình, rồi nói muốn nhường lại ngôi cho Đổng Hiền. Sự việc này đã khiến cả triều văn võ bá quan ngỡ ngàng. Ai Đế còn ra lệnh cho xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để nếu Đổng Hiền chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ của mình. 

Nhưng ước nguyện này của Hán Ai Đế không trở thành hiện thực. Năm 26 tuổi vua lâm bệnh nặng mà chết, Đổng Hiền biết mạng mình khó giữ khi không còn Ai Đế, cũng tự sát theo.

7. Eleanor Butler & Sarah Ponsonby 

Eleanor Butler và Sarah Ponsonb là hai phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc người Ireland, được biết đến với cái tên "Ladies of Llangollen". Họ gặp nhau năm 1773, nảy sinh tình cảm mãnh liệt và thường xuyên gửi thư cho nhau. Khi phát hiện ra mối quan hệ thân thiết này, gia đình Eleanor Butler trở nên hoảng hốt, sắp xếp để cô vào một tu viện.

Vào ngày 30/3/1778, Eleanor và Sarah quyết định bỏ trốn và sống cùng nhau đến Anh. Họ cưỡi ngựa đến Waterford, mặc quần áo như đàn ông và trang bị súng lục. Họ đã từ bỏ danh hiệu cao quý, không chấp nhận những cuộc hôn nhân được dàn xếp và bỏ trốn khỏi gia đình để tìm một mái nhà hạnh phúc của riêng mình. Hai người còn được biết đến là "hai trinh nữ nổi tiếng nhất châu Âu".

Đương thời, Eleanor và Sarah rất nổi tiếng. Hai người phụ nữ có cuộc sống yên bình, hàng ngày đọc sách, viết, vẽ, làm vườn. Tuy nhiên, ở thế kỷ 18, việc phụ nữ lựa chọn không kết hôn mà sống độc thân suốt đời vẫn là một điều hiếm có. Chính vì thế, căn hộ của họ thường xuyên được những nhân vật tiếng tăm ghé thăm. Hoàng hậu Charlotte thậm chí còn khuyên chồng là vua George III tặng dinh thự riêng cho Eleanor và Sarah. 

Sống cùng Eleanor và Sarah là hầu nữ Mary Caryll - người đã chăm sóc 2 chủ nhân mà không cần tiền công cho đến lúc chết. Cả 3 được chôn chung tại nhà thờ St. Collen. Hiện nay, ngôi nhà của họ có tên Plas Newydd nằm tại Anglesey, xứ Wales, vẫn là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

8. Hadrian & Antinous

Hadrian, người trị vì La Mã từ năm 117 - 138, không chỉ yêu phụ nữ mà còn bị phái mạnh hấp dẫn. Trong số những người mà hoàng đế Hadrian yêu nhất có chàng trai tuấn tú Antinous. 

Tượng Hadrian (trái) và Antinous.

Đời sống tình dục người La Mã giai đoạn này rất phóng túng do sự sùng bái thần Venus - vị thần đại diện cho tình yêu và tính dục. Cho nên, mối quan hệ đồng tính giữa Hadrian và Antinous không hề e ngại. Vị hoàng đế La Mã này đã đưa người tình Antinous đi khắp nơi trong suốt 6 năm. Cho đến năm 130, Antinous chết đuối ở vùng sông Nile khi tuổi đời vẫn còn trẻ.

Khi người tình chết, hoàng đế Hadrian vô cùng đau khổ. Tại nơi người tình qua đời, Hadrian cho xây một thành phố mới có tên Antinopolis. Hoàng đế Hadrian cũng thành lập một giáo phái để người dân thờ phụng Antinous. Ở khắp La Mã, những bức tượng về Antinous được dựng lên. Chính vì vậy, Antinous trở thành một trong những nhân vật thời cổ đại được biết đến nhiều nhất.

9. Oscar Wilde & Alfred Douglas

Oscar Wilde là một nhà thơ người Ireland có đời sống tình dục lưỡng tính. Năm 1891, ông gặp Alfred Douglas. Lúc đó, Wilde đã kết hôn và có hai con trai nhưng chuyện tình với Lord Douglas đã đưa ông sang một chương mới cuộc đời. 

Oscar Wilde (trái) và Alfred Douglas.

Alfred Douglas nổi tiếng là một chàng trai hư hỏng, ăn chơi lêu lổng. Ông thường quăng tiền cho những cuộc vui chơi hay cờ bạc. Có nhiều người cho rằng Oscar Wilde cũng chỉ là một trong số những cuộc vui ngắn hạn của Douglas. Họ thường cãi vã rồi chia tay, nhưng cuối cùng vẫn về với nhau. Với Oscar, Douglas là chàng thơ cho bao tác phẩm của ông.

Cha của Douglas, hầu tước xứ Queensberry, nghi ngờ mối quan hệ của hai người "trên mức bạn bè". Ông tuyên bố sẽ "cắt quyền thừa kế và không chu cấp tiền cho Douglas", đe dọa sẽ làm lớn vụ việc lên nếu Douglas tiếp tục mối quan hệ với Oscar Wilde. Vốn tính bướng bỉnh, Douglas chấp nhận sẽ đứng về phía Oscar Wilde và chống lại cha mình.

Trong bức thư viết vào cuối năm 1892, Oscar Wilde diễn tả nỗi nhớ mong khắc khoải của mình với Douglas: "Bosie thương yêu, anh rất vui khi em cảm thấy đã khá hơn và thích những bưu thiếp nhỏ xinh anh gửi. Oxford rất khó chịu trong tiết trời mùa đông. Khoảng 10 ngày tới có lẽ anh sẽ đi Paris. Thật kinh khủng khi phải xa em đến một nơi rất nóng nực...".

Sự sỉ nhục của ngài Hầu tước đã khiến Wilde tức giận và đâm đơn kiện bố của người tình tội lăng mạ. Nhưng thật không may mắn khi chính Wilde bị kiện ngược lại với tội danh lôi kéo Alfred vào mối quan hệ "xấu xa, bừa bãi". Do không thể làm gì để chống lại được định kiến đương thời, sự dồn nén từ phía cha của Douglas, theo Đạo luật Chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị tuyên án 2 năm lao động khổ sai.

Trước tòa, khi bị kết án hủ bại vì quan hệ cùng giới, nhà thơ Oscar Wilde đã tự biện hộ cho mình rằng: "Thứ tình yêu không dám gọi tên trong thế kỷ này chính là niềm đam mê mãnh liệt giữa David và Jonathan, hay như những gì Platon đã đề cập đến trong triết học của ông, như những gì các vị đọc được trong các bài sonnet của Michelangelo và Shakespeare... Chẳng có gì là trái tự nhiên ở đây cả".

Sau khi được ra khỏi tù vào ngày 19/5/1897, hai người lén lút gặp gỡ nhưng trước sức ép gia đình, họ trốn sang Napoli (Italy). Hai người sống chung một thời gian nhưng lúc này, tình cảm của Douglas dành cho Wilde có phần đã nhạt phai. Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống đã khiến họ phải chia lìa. Oscar Wilde trở lại Paris sống nốt phần đời của mình còn Douglas trở lại Anh vào năm 1898. 2 năm sau, Wilde qua đời trong cô đơn, nợ nần và tuyệt vọng. 

Sau cái chết của Wilde, Douglas đã thành một người khác. Ông chối bỏ, thậm chí buông những lời nói xấu Oscar Wilde. Ông phủ nhận tất cả những câu chuyện tình từng có với Oscar, ruồng rẫy quá khứ của mình như một cách để che giấu đi nỗi sợ hãi về định kiến của xã hội đương thời.

Bee