Thứ năm, 24/10/2019, 11:39 (GMT+7)

‘Căn chòi’ 2,5m2 của cụ ông giữa phố cổ

Hà NộiHơn 26 năm cùng con trai sống trong căn nhà rộng 2,5 m2, cụ Chu Văn Cao (72 tuổi) chỉ cảm thấy 'nhà chật, nhà hẹp vẫn là nhà'.

Nằm lọt thỏm giữa con phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tấp nập người qua lại, con ngõ nhỏ số 63 chỉ đủ một người đi là nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Ngõ rộng chưa đầy 1 mét, tối thui, sâu hun hút, không có ánh sáng nên ngày cũng như đêm. Gần cuối ngõ, ánh điện sáng trắng le lói chiếu từ trên cao xuống lối đi, vào căn nhà của ông Chu Văn Cao cùng người con trai năm nay đã ngoài 30 tuổi.

Từ ngõ, bước lên chừng 10 bậc thang, căn nhà, nói đúng hơn là một gác xếp nhỏ, nằm giữa tầng 1 và tầng 2 của khu tập thể. Ông Cao sinh sống từ năm 1993 đến nay. Nơi được ông gọi là "Túp lều của chú Tom" này có chiều dài 2,5m, chiều ngang 1m và chiều cao 1,1m. Tổng diện tích căn nhà là 2,5m2.

Thấy có khách vào nhà, cụ ông tươi cười khoe: "Các cô các chú đến đúng lúc tôi vừa 'sửa xong nhà', thay lại cái cửa chính, tường cũng vừa dán lại. Trông khang trang lắm rồi".

Gia đình ông Cao là người Hà Nội gốc, nhà ở phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Năm 17 tuổi, ông đi nhập ngũ làm lính lái xe chiến trường. Hòa bình thống nhất, ông trở về nhà lập gia đình rồi làm nghề buôn bán kiếm sống.

Lấy vợ, ông đổi căn nhà ở Khâm Thiên cho người chị gái để lên phố Thuốc Bắc. Căn nhà ban đầu vợ chồng ông chuyển sang rộng chừng 10 m2, ngoài tầng 1 còn có một căn gác lửng và một "căn chòi" để đồ. Vợ chồng ông sau đó vay mượn đầu tư làm ăn nhưng thất bại. Để trả nợ ông bán căn nhà ở tầng 1 cùng căn gác xép của khu tập thể, chỉ giữ lại nhà kho làm nơi chui ra chui vào.

Trong căn nhà này, bố con ông phải khom lưng mỗi khi muốn thay quần áo.

Không còn nhà, bất đồng trong lối sống, vợ ông bỏ đi. May còn căn nhà nhỏ, ông cùng con trai, lúc đó gần 6 tuổi, về "nhà mới". Từ ấy ông làm nhiều việc, ai thuê gì làm nấy để nuôi con, sống cho qua ngày.

Nhà nghèo, tiền làm thêm ít ỏi, con trai ông chỉ học hết cấp 2 rồi bỏ. Anh xin bố cho đi làm thêm. Từ ngày còn bé đến khi con trai trưởng thành chưa bao giờ ông thấy con dẫn bạn về nhà chơi. Hàng xóm xung quanh cũng không thấy họ hàng đến thăm hai bố con.

"Tôi và con trai cũng đi thăm họ hàng, hoặc về nhà anh chị thắp hương cho ông bà tổ tiên. Nhà chật hẹp nên không muốn mời ai về, về cũng không có chỗ mà ngồi".

Nhà nhỏ lại không có công trình phụ, ông Cao cùng con trai phải dùng nhà vệ sinh chung: tắm rửa, giặt giũ thay đồ đều xuống đó, bất kể nắng mưa.

Toàn bộ không gian sống của cha con ông Chu Văn Cao.

Ngồi nói chuyện, ông Cao chia sẻ: "Cũng lâu lắm rồi tôi không còn khái niệm ăn cơm nhà nấu. Ngày còn trẻ đi bộ đội thì ăn lương khô hoặc có gì ăn nấy. Lúc lấy vợ cũng thi thoảng ăn. Nhưng từ khi dọn về đây, hai cha con tôi ăn cơm bụi luôn. Chỗ ngủ có, khu vệ sinh chung có, nhưng không có chỗ nấu nướng. Với lại hai người đàn ông ở với nhau, nấu nướng làm gì cho phiền phức".

Trong "túp lều" của mình, lúc rảnh rỗi ông ngồi đọc sách báo, nghe đài. Hôm nào chán lại ra ngoài trò chuyện với hàng xóm xung quanh. Với ông Cao, nóng đã có quạt, rét thì có chăn, nhà rộng 2,5 m2 cũng đủ.

Vì ông Cao nhớ ngày đi kháng chiến còn khốn khổ hơn: lúc thì mắc võng dưỡi gầm xe, lúc lại che dù ngủ giữa rừng. Sống gần 26 năm, hai bố con ông Cao dần quen với không gian nhỏ: bước vào nhà cúi đầu, thay quần áo thì khom lưng, ngủ phải cong chân. Nhưng ở nhiều thành quen, có khi chẳng cần bật đèn ông và con trai vẫn làm mọi thứ, chẳng mấy khi bị "cụng đầu" hay va chạm vào tường.

Nhà chật, nhiều khi ông ngồi đọc báo trong nhà, người con trai phải ngồi dưới cầu thang. Tối muộn hai cha con lại leo lên nhà để ngủ. Nhưng vì không có đồ quý giá, cửa mở suốt cũng chẳng lo bị trộm.

Nhắc đến người con trai duy nhất nay đã ngoài 30 tuổi, ông trĩu xuống. Ông thương con vì hoàn cảnh gia đình mà trở nên tự ti, ngại giao tiếp. Ông ái ngại lo sau này con trai lấy vợ không thể có một đám cưới tươm tất. "Nhưng dù có ra sao, tôi vẫn tin tưởng vào con trai mình, chắc chắn nó sẽ tự làm chủ và lo liệu cho cuộc sống", ông nói.

Nhà không có chỗ đun nước, ông Cao thường xuyên xin nước uống từ những người hàng xóm xung quanh.

Vượt lên mọi nghịch cảnh, khó khăn, nụ cười và sự lạc quan của cụ ông đã ngoài 70 tuổi vẫn thường trực trên môi. Ông Cao không quan niệm nhà chật, nhà rộng, chỉ cần rộng trong tâm và tự hài lòng thế là đủ. Cụ ông tâm sự từng có người ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng ông từ chối bởi, còn nhiều hoàn cảnh éo le, khó khăn hơn.

Nhiều người nói ông già nên gàn dở, nhà chẳng ra nhà mà còn từ chối, nhưng với ông, có nơi để trú nắng mưa, được sống tự tại thế là tốt rồi. 

Thúy Quỳnh - Tùng Đinh