Thứ tư, 14/8/2019, 12:00 (GMT+7)

Chàng trai 'mang kính lúp đi thi' hoàn thành giấc mơ vào đại học

Với đôi mắt chỉ nhìn được 20%, nhận diện người quen bằng dáng đi giọng nói; học các môn xã hội bằng tai, học các môn tự nhiên qua kính lúp... Trung vẫn đạt 25 điểm và sắp đặt chân vào Học viện Quản lý giáo dục.

Gia đình Nguyễn Văn Trung, 22 tuổi, sống tại xã Hòa An, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Hơn chục năm nay, người trong xã đã quen với hình ảnh một phụ nữ nhỏ bé chở con trai đi học nội trú trên tỉnh, mỗi tuần đón con về một lần. Bởi vì Trung - con trai chị - khiếm thị.

Trung là cựu học sinh THPT Nguyễn Thái Học, Vĩnh Phúc. Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Trung đạt tổng điểm ba môn khối C là 25 điểm (Văn 6,5, Sử: 9,5, Địa: 9). 

Nguyễn Văn Trung.

'Dù không nhìn thấy gì, con vẫn muốn đi học'

Gia đình Trung có 5 người, trước em còn có hai chị gái. Cô Đào Thị Hoa (mẹ Trung) ở nhà chăm nom ruộng vườn, đồng áng; bố làm thợ xây ở xa.

Ngày Trung ra đời, mắt em đã có biểu hiện khác thường; bác sĩ kết luận mắt Trung bị đục thủy tinh thể bẩm sinh trong bào thai, run giật nhãn cầu... Cô Hoa chỉ còn biết ôm con vào lòng mà khóc.

Ở cái tuổi con người ta vào lớp 1, cô Hoa mới dám cho Trung đi học mẫu giáo. Đi học, Trung không chơi với ai, chỉ úp mặt vào bàn. Thấy tình trạng kéo dài, cô giáo khuyên gia đình đón em về. Năm Trung 8 tuổi, mẹ quyết tâm cho em đi học ở trường tiểu học gần nhà. Ngày nào đi học về em cũng mất sách vở, giày dép do các bạn ở lớp trêu chọc. Thương con, mẹ khuyên Trung nghỉ học nhưng cậu bé 8 tuổi mếu máo: "Dù không nhìn thấy gì, con vẫn muốn đi học".

Khi Trung chuẩn bị lên lớp 3, Trung tâm Giáo dục dạy nghề, trực thuộc Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc đến nhà Trung, bàn bạc với bố mẹ đưa em lên tỉnh học chữ nổi; học quen mặt chữ sẽ đưa em ra hòa nhập với các bạn bình thường.

Mẹ chở Trung đi học vào sáng thứ hai và đón em về nhà vào cuối tuần.

Từ đó, suốt năm cấp 1, cấp 2 rồi đến cấp 3, cứ tối thứ sáu, dù sớm, dù muộn mẹ vẫn đi hơn 20km đến trường đón em. 5 giờ sáng thứ hai, cô Hoa lại đưa con đến lớp, đều đặn ngày mưa, rét cũng như ngày nắng nóng.

Ước mơ đỗ đại học thành hiện thực

Lên cấp 3, Trung ở lại ký túc xá của trung tâm nhiều hơn, một phần đỡ khổ mẹ đưa đón, một phần em muốn ôn tập. Nam sinh ấp ủ ý định thi vào khoa Tâm lý học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Học viện Quản lý Giáo dục. Nói về ước mơ này, Trung chia sẻ mong muốn có thể giúp những người khuyết tật và mọi người nói chung giải quyết những trở ngại khi gặp vấn đề tâm lý. 

Ngoài học các tài liệu trong SGK, Trung còn rất thích đọc sách, truyện truyền cảm hứng. 

Các học sinh khiếm thị toàn phần (có giấy xác nhận của bệnh viện) sẽ được tuyển thẳng vào đại học, nhưng với đôi mắt của Trung - vẫn nhìn được 20% - nếu muốn vào đại học, em phải ôn tập và tự thi.

Ngày biết tin em thi đại học, không ít người cảm thấy bất ngờ, kể cả bố mẹ em. "Bố mẹ không muốn em đi thi đại học vì sợ con không thể tự lo cuộc sống bên ngoài. Nhưng em thích đi học, muốn thử cảm giác được đến giảng đường, được làm sinh viên", Trung kể.

Trung đăng ký thi khối C (Văn, Sử, Địa) thay vì các môn khối A (Toán, Lý, Hóa) bởi nhìn không rõ, viết lại chậm, trong khi kiến thức các môn tự nhiên rất lớn, nhiều công thức rồi hình học không gian... nên Trung cảm thấy theo không kịp. 

Ông trời không cho em một đôi mắt sáng, nhưng bù lại Trung có thể cảm nhận văn học và các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý rất tốt. Trung thích nhất môn Lịch sử. Càng đọc nhiều tư liệu, em cảm thấy tự hào về lịch sử dân tộc, về những trang sử đầy hào hùng, vẻ vang.

Nhắc về bí quyết ôn tập, Trung cho rằng Lịch sử và Địa lý học khá đơn giản. Ngoài việc nghe giảng, đọc tài liệu bằng kính lúp, nam sinh còn nghe thêm các bài giảng trên mạng. Riêng với môn Văn, do không thể viết nhanh như các bạn, Trung tự tạo cho mình thói quen học lấy ý, viết ngắn gọn, súc tích và không học tủ.

Khổ công ôn luyện suốt ba năm cấp 3, kết quả 25 điểm thi khối C khiến em và cả gia đình vỡ òa. Nghe tin con đạt điểm cao, cô Hoa xúc động: "Tôi mừng lắm, mừng vì sự cố gắng, vì tương lai rộng mở với con".

Cô Nguyễn Thúy Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 của Trung - cho biết: "Dù không giống như các bạn sáng mắt, Trung rất ham học và cố gắng. Nếu các môn Khoa học Tự nhiên bị hạn chế về tầm nhìn thì Khoa học Xã hội là sở trường của Trung, nhất là Lịch sử. Trong kỳ thi THPT năm nay, Trung đạt 25 điểm, đây là số điểm cao nhất lớp, cũng là thủ khoa khối C của trường. Tôi thực sự rất hãnh diện về em".

Ngày 9/8, sau khi các trường thông báo điểm chuẩn, Trung thiếu 0,25 điểm để đỗ NV1, cậu trúng tuyển NV2 vào ngành Tâm lý học của Học viện Quản lý giáo dục. Ngày 16/8, Trung sẽ xuống Hà Nội nhập học. 

Để giúp con trang bị những kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi học xa nhà, tránh phụ thuộc vào người khác, cô Hoa đã dạy Trung cách nấu cơm, nấu canh, quét dọn nhà cửa, giặt giũ từ ngày còn bé. 

"Nhiều khi nhìn con làm còn vụng nhưng tôi vẫn kệ con. Cơm nấu nát hay khô, nấu nhiều sẽ ngon. Học dần dần sẽ quen, bởi cha mẹ đâu có thể ở cạnh để chăm lo mãi", cô Hoa tâm sự.

Chàng trai thích hát

Mỗi lúc căng thẳng Trung thường tìm đến âm nhạc như một người bạn tâm giao. Ngày chưa đi học mẫu giáo, bố mua cho em một chiếc đài để nghe. Khi bố mẹ đi làm, các chị đi học, Trung lại mở đài ra hát. "Trung hát hay lắm, ngày nào đi làm về mà thấy con hát. Tôi cứ bước nhẹ đến bên hiên ngồi nghe, chứ biết tôi về là ngừng hát ngay", cô Hoa cười, không ngại "con hát mẹ khen hay".

Qua tiếng hát, Trung mong muốn mọi người nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn. "Chắc có nhiều người nghĩ em thật tội nghiệp khi bị khiếm thị. Thế nhưng, em cảm thấy cuộc đời vẫn tươi đẹp và rộng mở. Dù đôi mắt không sáng, em vẫn có thể thi đỗ đại học, vẫn có thể theo đuổi những đam mê của bản thân, chỉ vậy thôi".

Giấc mơ đại học của chàng trai khiếm thị
 
 

Thúy Quỳnh – Huyền Vũ