Thứ năm, 14/11/2019, 00:00 (GMT+7)

Cô gái mù thành thủ khoa đầu ra của trường Nhân văn

Bị mù sau một tai nạn năm 14 tuổi, học chậm hơn các bạn 9 năm, Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, vừa trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

4 giờ chiều, bước ra từ phòng bấm huyệt tại trung tâm tẩm quất người mù (Lạc Trung, Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng giơ hai bàn tay lên phía trước, tiến về phía phòng sinh hoạt chung. Hồng - một trong ba thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với điểm tổng kết 3,71/4,0 - vừa kết thúc một buổi làm thêm.

Hồng sinh ra tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, trong một gia đình làm nông. 14 tuổi, sau một tai nạn, nữ sinh lớp 8 hỏng hoàn toàn mắt phải và mắt trái chỉ nhìn được 1/10. Năm đó, Hồng xin nghỉ học.

Chứng sợ người lạ...

Nghỉ học ở nhà với con mắt trái chỉ phân định được sáng tối, Hồng vẫn hồn nhiên nghĩ rằng: Mấy hôm nữa sẽ khỏi bệnh. Hồng vẫn mò mẫm ra vườn chơi, vẫn tươi cười, nô đùa cùng các anh chị em trong nhà.

Nhưng "bệnh" không khỏi. Em không thể đi học, không xem được tivi hay đọc truyện tranh. Sau vài tháng ở nhà, Hồng bắt đầu sợ gặp mọi người xung quanh. 

"Ơ cái con bé ấy, bị như thế mà vẫn cười được à?"  đó là câu nói khiến cô bé ngày ấy - nay đã 30 tuổi - không thể nào quên. 

Hồng sợ những lời dị nghị từ hàng xóm, sợ nghe thấy tiếng khóc nấc của mẹ ở trong buồng khi nhắc đến mình, sợ khi biết bản thân không thể khỏi bệnh... Cứ thế, hai, ba năm đầu ở nhà, em không muốn gặp ai.

"Ngày ấy chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân hay giọng người lạ từ ngoài cổng là mình trốn ngay. Lúc ở trong buồng, còn không lại rúc vào đống rơm, góc bếp. Nhiều khi chạy còn vấp ngã, thậm chí chảy cả máu nhưng vẫn mặc kệ. Suy nghĩ lúc đó của mình chỉ đơn giản là đừng để ai nhìn thấy", Hồng nhớ lại.

Bốn năm sau (cuối 2006), bệnh đau mắt đỏ đã cướp nốt đôi mắt trái chỉ phân biệt được ngày hay đêm của Hồng. 18 tuổi, cô gái trẻ bị mù vĩnh viễn.

"Nếu ở trong bóng đêm, lúc thích nghi bạn vẫn có thể nhìn được mọi vật, còn với mắt mình, đó là cảm giác bạn bị nhốt trong một căn phòng tối bị xây kín không ánh sáng", 8x nói.

Ngày còn nhìn được với đôi mắt 1/10, trừ những lúc bố mẹ ở nhà, Hồng vẫn phải làm mọi thứ, từ nấu cơm, luộc rau, quét nhà và thậm chí là giặt quần áo.

Xây xát đầu gối, bầm dập chân tay, gương mặt tím bầm và thậm chí là bị giật điện đều là chuyện thường với Hồng. Theo lời 8x, ngày bé khi chưa biết giơ tay lên quờ quạng hay dùng chân đá về phía trước mỗi khi di chuyển, nữ sinh vấp ngã liên tục.

Hồng kể: "Ngày ấy mình từng bực tức với mẹ vì bắt một đứa mù phải làm việc. Nhưng dần dần mình nhận ra, việc tự làm mọi thứ đã hình thành tính biết tự lập và không dựa dẫm vào ai, dù bản thân có khiếm khuyết".

Bước ngoặt cuộc đời từ chiếc đài mẹ mua

Thấy con gái quanh quẩn ở nhà, mẹ mua cho Hồng một cái đài để bầu bạn.

Cả tuổi thơ quanh quẩn ở làng, Hồng nghĩ cả thế giới có mỗi mình là người khuyết tật. Thế nhưng, từ ngày có chiếc đài bầu bạn, nữ sinh hiểu ở bên ngoài có nhiều người khổ hơn. Họ bị khuyết tật cả tay lẫn chân, chẳng thể đi lại, có người lại bị mù, bị điếc... Càng nghe Hồng càng thấu hiểu mình còn may mắn hơn nhiều người. Hồng bắt đầu lạc quan, vui vẻ và xin bố mẹ cho đi học lại sau 5 năm ở nhà.

Năm 2007, Hồng xin vào Hội người mù của huyện. Tại đây, 8x được học chữ nổi, học đánh máy tính và xoa bóp bấm huyệt. Một năm sau, Hồng quyết tâm học lại lớp 6, khi ấy nữ sinh đã 20 tuổi. Vừa học, vừa đi làm, mỗi tháng cô kiếm thêm từ 500 - 700 nghìn đồng nhờ vào việc tẩm quất, bấm huyệt.

Tốt nghiệp cấp ba, Hồng đăng ký vào học ngành Công tác xã hội của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (theo diện tuyển thẳng do có giấy chứng nhận thương tật 100%). Khi bước chân vào giảng đường, Nguyễn Thị Hồng đã 28 tuổi.

"Vào đại học, so với các bạn cùng khóa, mình hơn tận 9 tuổi. Dù có chút ngại ngần, e dè nhưng mình nghĩ chỉ cần cố gắng là sẽ qua hết", 8x nói.

Chênh lệch về độ tuổi, khác biệt trong cách thức tiếp nhận thông tin, Hồng từng nghĩ sẽ từ bỏ. Mơ ước lúc ấy là được ra trường đúng hạn, kể cả bằng trung bình.

Sang năm thứ hai, Hồng ép bản thân phải thay đổi. Không đọc chép giống các bạn, nữ sinh học theo từ khóa, đào sâu vào vấn đề cốt lõi và triển khai ý theo sơ đồ cây, đồng thời ghi âm bài giảng trên lớp. Sau giờ học, nữ sinh sử dụng các phần mềm tìm kiếm trên mạng dành cho người khiếm thị để đọc thêm tài liệu.

Cùng với sự cố gắng, hỗ trợ nhiệt tình từ bạn bè, thầy cô, điểm số của nữ sinh dần cải thiện. Học hệ 4 năm, nữ sinh học vượt và tốt nghiệp sau ba năm rưỡi. Trong tổng số 48 môn, ngoài 1 môn được C+, 3 môn B, 10 môn B+, các môn còn lại là A và A+.

Ngoài việc học, nữ sinh còn là trợ giảng cho một tổ chức phi chính phủ của Australia với tên gọi ACCV (Australia Charity For Chidlren Of Vietnam) với hoạt động dạy tiếng Anh cho các bạn khiếm thị tại Hà Nội từ năm 2010 đến tháng 4/2017.

Tốt nghiệp, Hồng đi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ có các dự án hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng cứ đến vòng phỏng vấn là bị loại. "Chắc họ nghĩ mình không nhìn thấy gì là một bất lợi, không đảm bảo được công việc nên mới từ chối", 8x nói.

Hiện tại, mong muốn lớn nhất của 8x là tìm được một công việc đúng với ngành học, để có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ thay đổi cuộc sống, trở thành người tự tin, tự lập và hạnh phúc.

Thúy Quỳnh