Chủ nhật, 20/10/2019, 17:21 (GMT+7)

Cô giáo làng gieo con chữ cho trẻ khuyết tật trí tuệ

12 năm mở lớp tình thương, cô Lê Thị Hòa (SN 1973, Chương Mỹ, Hà Nội) chịu đựng lời bàn tán, dèm pha xung quanh để mở lòng với những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ.

Cứ mỗi sáng cuối tuần, cậu bé Hải (7 tuổi) lại cùng bà ngoại đi 13 km từ nhà đến lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan (làng Đông Cựu, xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). 7h30 sáng, học sinh bắt đầu vào lớp, những tiếng chào ngô nghê khi nhìn thấy cô Hòa đứng đợi ở cửa lớp. vang lên. Giao con cho cô, một số phụ huynh ra về, một số khác lại ngồi ngoài đợi vì nhà xa.

Căn phòng rộng chừng 100 mét vuông được chia làm đôi với 63 học sinh. Một nửa dành cho học sinh chưa biết gì, nửa còn lại đã biết mặt chữ.

Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa.

Đều đặn mỗi sáng thứ 7 và Chủ nhật, học sinh trong làng Đông Cựu và các xã lân cận lại đến lớp học của cô Hòa. Không giống các lớp học thông thường, học sinh đến với cô đều bị khuyết tật trí tuệ (tự kỷ, down, thiểu năng...) bẩm sinh. Các em đủ mọi lứa tuổi, bé nhất là 6 tuổi, lớn nhất là 30 tuổi, có những học sinh gắn bó với cô Hòa hơn 12 năm - từ những ngày đầu mở lớp. 

Ngoài cô Hòa là giáo viên đứng lớp chính, còn có 5 - 6 cô giáo ở địa phương hỗ trợ, một số đã về hưu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Ba (Chương Mỹ, Hà Nội, bà ngoại của bé Hải) cho biết, cháu trai theo học lớp cô Hòa đã được 5 tháng. Hải được bác sĩ chuẩn đoán chậm phát triển trí tuệ, ngoài học trên trường, gia đình đưa em đến học cô Hòa. "Từ ngày học cô Hòa, cháu nhà tôi hòa đồng, bạo dạn hơn. Nó bắt đầu kể chuyện trên lớp về cho bà nghe, biết tính toán, đọc chữ cũng thành thạo hơn. Gia đình tôi mừng lắm", bà Ba nói.

Xuất phát từ lòng thấu cảm...

Cô Hòa là chị cả trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ làm nông và đều không biết chữ. Bố luôn căn dặn cô Hòa và các em phải đi học, phải biết chữ mới thoát nghèo.

Cô giáo Lê Thị Hòa. 

Nhà nghèo nhưng bố cô Hòa quyết tâm vay tiền ngân hàng để cho con cái đi học. Thương bố mẹ, lo cho các em, vừa đi học, cô Hòa vừa đi phụ vữa, nhặt rác để kiếm tiền.

Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm (nay là Cao đẳng sư phạm Hà Tây) năm 1992, cô Hòa lên dạy ở Hòa Bình được 9 tháng rồi chuyển về dạy tại trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Năm 1997, cô về làm Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên tại trường Tiểu học Đông Sơn cho đến nay.

Cùng năm đó, cô giáo trẻ xây dựng gia đình. Khi dọn về nhà mới thấy nhiều trẻ nhỏ trong xóm không đi học, hỏi ra mới biết các em đều bị khuyết tật trí tuệ. Nhìn thấy thương, cô rủ các em sang nhà chơi. Ban đầu cô hướng dẫn các em tập hát, làm thơ, vẽ tranh trong căn bếp rộng chừng 10 mét vuông. "Khi nhìn những nét chữ bằng than viết nghuệch ngoạc trên sàn bếp, tôi quyết tâm mang con chữ cho các em", cô Hòa nhớ lại.

Lớp học miễn phí tại nhà được cô Hòa mở từ những năm 1997 với khoảng 9 đến 14 học sinh. Càng về sau lớp càng đông, nhiều phụ huynh đến nhờ cậy vì con không thể đến trường.

Thấu cảm được nỗi khổ, sự thiệt thòi mà các em phải chịu, cô Hòa đến chùa Hương Lan xin với sư thầy cho mở lớp tình thương vì nhà chật hẹp. Nhận được sự đồng ý từ nhà chùa rồi làm đơn xin các cấp chính quyền, 14/9/2007, lớp học tình thương của cô giáo Hòa được mở.

Học sinh ở lớp đều là trẻ khuyết tật trí tuệ, nhận thức kém hoặc chậm phát triển. Các em không ý thức được hành động của bản thân, không phải dạy vài lần là nhớ, bảo là nghe, một mình cô Hòa "đánh vật" với các học trò "đặc biệt".

Cô Hòa dạy cách đánh vần cho các em học sinh trong lớp.

"Có những ngày trái gió trở trời, nhiều con bị đau đầu dữ dội. Chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Nhìn các con tôi chỉ biết ôm chúng vào lòng, mặc sức cho chúng cắn vào tay mình thay vì tự cắn vào lưỡi. Cô trò chỉ biết ôm nhau khóc đến khi qua cơn mới thôi", nữ giáo viên nhớ lại.

Chính bằng tình thương, sự kiên nhẫn sau nhiều năm chỉ bảo, rèn dũa, công sức của cô dần được bù đắp. Các em dần biết nghe lời, bắt đầu biết đọc tròn vành rõ chữ. Nhìn các em tiến bộ theo từng năm, người cô giáo ấy lại rơi lệ.

'Tôi chỉ bật khóc khi có ai đó xúc phạm các con'

Làm việc tốt, dạy điều hay nhưng đổi lại vẫn có những lời bàn tán, dị nghị từ những người xung quanh. "Có bị dở hơi mới dạy những đứa trẻ như thế. Trẻ bình thường dạy còn chẳng bằng ai, đi dạy những đứa ấy mà làm gì..." là một trong số các bình luận đó. Thậm chí, khi mang bầu người con thứ ba, có người độc miệng còn bảo: "Dạy những đứa không bình thường thì con đẻ ra chắc cũng như vậy".

Ai nói về mình, cô chẳng quan tâm, nhưng có ai đó xúc phạm đến học sinh, cô Hòa luôn đứng lên đáp trả. Cô nói: "Các con đã chịu thiệt thòi quá nhiều, mọi người đã không quan tâm, đồng cảm thì đừng buông lời miệt thị". Mỗi lần nghe ai chê bai, phán xét học sinh của mình, cô lại bật khóc...

Ngày đi làm, tối về chăm sóc gia đình, cuối tuần lại mở lớp tình thương nhưng cô chưa bao giờ kêu than. Được bác sĩ chuẩn đoán mắc bệnh tim, người gầy ốm và thường xuyên ngất mỗi khi nhìn thấy máu, nhưng từ ngày đến với các em học sinh, bệnh tật của cô Hòa cũng thuyên giảm. Cô nói đùa, phải chăng là do tình yêu của các con dành cho nên mới mạnh khỏe được như vậy. Nụ cười luôn thường trực trên môi của cô giáo ấy.

"Người mẹ" uốn nắn cho các em học sinh từng nén chữ.

Lớp học của cô Hòa ra đời từ sự thấu cảm, tình yêu thương dành cho học sinh. 12 năm miệt mài dạy trẻ nhưng chưa từng soạn một trang giáo án bởi cô tâm niệm: Mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần phương pháp giáo dục khác nhau, không thể rập khuôn máy móc.

"Miệng cái bát là chứ O, đặt cạnh cái đũa hướng ngược lên là chữ D, đặt ngược xuống là chữ Q..." – cách dạy độc đáo, dễ hiểu mà cô Hòa học từ người mẹ không biết chữ của mình.

Để giúp học sinh hiểu và nhớ một đoạn thơ, bài hát, cả cô và trò phải mất tới vài ba tháng, thậm chí cả năm. Dù vất vả nhưng cưa bao giờ cô giáo ấy nghĩ sẽ từ bỏ hay sẽ thôi cái nghiệp gõ đầu những đứa trẻ đặc biệt.

Đứng lớp 12 năm, thậm chí sau khi sinh em bé thứ 3 được một tháng, cô đã đứng lớp vì tình thương, vì lo lắng lớp tan rã. Và cũng từ lớp học này, đã có nhiều học sinh tốt nghiệp, được hòa nhập cộng đồng như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (xã Thanh Bình, Chương Mỹ)...

Với cô, dạy trẻ khuyết tật trí tuệ giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ. Lúc cần cương quyết, dứt khoát, lúc lại mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng trên hết vẫn là sự nâng niu, yêu thương gửi gắm trọn niềm tin vào học sinh. Có như vậy các em mới mởi lòng, mới giúp các em được xã hội đón nhận và đối xử công bằng như bao người.

Với những đóng góp trên, cô giáo Lê Thị Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô Hòa vinh dự được nhận danh hiệu "Nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật". Năm 2017, cô được nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu của TP Hà Nội. Năm 2019, cô vinh dự được nhận giải thưởng "Công dân Thủ đô ưu tú".

Thúy Quỳnh