Thứ bảy, 6/10/2018, 17:24 (GMT+7)

Cuộc sống du học: Không hề ngọt ngào như bạn tưởng

Nếu bạn nghĩ du học sinh là những kẻ đi đây đi đó, check-in sang chảnh, sống tiện nghi, sung sướng... thì bạn chưa nhìn thấy hết mọi mặt của cuộc sống "trọ học xa đất nước".

“Tôi từng ảo tưởng về một cuộc sống rực rỡ tươi trẻ ở một đất nước khác: sáng đi học, chiều đi làm, tối tham dự những bữa tiệc sinh viên sôi động, phóng khoáng. Dù đã nghe về những khó khăn có thể phải trải qua, tôi nghĩ đơn giản thôi: Người ta làm được thì mình cũng làm được, tại sao phải sợ? Thế nhưng thực tế phũ phàng hơn...".

Đây chỉ là một trong nhiều chia sẻ của các du học sinh đang học tập tại nước ngoài mà iOne nhận được. Nếu định đi du học, những câu chuyện dưới đây sẽ có giá trị tham khảo lớn cho bạn đấy nhé.

"Rào cản ngôn ngữ, môi trường sống xa lạ... sẽ khiến bạn phải đối mặt với trầm cảm"

Phạm Minh Trí (du học sinh tại Nhật Bản, 24 tuổi)

Minh Trí (phải) đang học ở Nhật.

“Rào cản ngôn ngữ, nghe thì cũ nhưng thực sự là vấn đề muôn thuở. Nhiều người trẻ bây giờ bị trầm cảm là do chẳng có người để tâm sự. Sống chung trong một quốc gia, đều sử dụng một ngôn ngữ đã nảy sinh nhiều vấn đề, chứ đừng nói là ở một quốc gia xa lạ, đặc biệt là ở một đất nước con người không có truyền thống cởi mở với người ngoài như Nhật. Thêm vào đó, dù đã tìm hiểu khá kỹ các phong tục tập quán, văn hóa của người Nhật nhưng shock văn hóa vẫn là điều mình từng gặp phải.

Mình may mắn có học bổng nên không phải quá lo lắng về sinh hoạt phí, nhưng đi làm thêm sẽ giúp bạn tự lập về tài chính. Thời gian đầu du học, việc ở một mình thì cô đơn kinh khủng. Nhật Bản là đất nước rất khép kín, mọi người gần như cả tuần không cần nói chuyện với nhau, mọi thứ ở đây đều tự động. Cộng với không gian sống quá nhỏ, căn phòng của bạn chỉ tầm 10m2 mà phải trả đến 10 triệu đồng/tháng, nên rất dễ bị trầm cảm. May mắn cho mình là sau khoảng nửa năm thì gặp lại bạn bè ở bên này nên cũng đỡ hơn.

Thêm vào đó là vấn đề việc làm, tại Nhật du học sinh chỉ được làm tối đa 28 tiếng/ tuần mà mức lương khá bèo bọt. Nếu bạn tuân thủ đúng quy định thì chỉ đủ ăn tiêu, nếu muốn có tiền gửi về thì buộc phải phá luật (có nghĩa bạn sẽ làm trên dưới 50-90h/tuần) nhưng nếu để bị tóm là về nước luôn".

Nỗi lo thiếu tiền và sợ khủng bố

 Trịnh Ngân Hạnh (du học sinh Pháp, 23 tuổi)

“Dù đã làm quen và gắn bó với tiếng Pháp qua suốt 12 năm học nhưng khi bắt đầu một cuộc sống tự lập tại Pháp, mình vẫn cảm thấy hụt hẫng, từ việc giao tiếp khó khăn rồi nhà cửa không biết tìm ở đâu, giấy tờ thủ tục phải làm thế nào mới đúng. Nhưng ác mộng nhất là ngày đầu đi làm thêm, động vào cái gì cũng hỏng, mỗi lần như thế là một lần thấy mình nhỏ bé và tự ti lắm. Nhưng rồi mọi thứ đâu cũng vào đấy và bây giờ mình thấy ổn với cuộc sống tự lập.

Chi phí sinh hoạt tại Pháp rất đắt đỏ nên lúc mới sang mua gì cũng phải đổi sang tiền Việt xem mất bao nhiêu rồi lại tính toán có thực sự cần thiết để mua không. Nhiều lúc có tiền mà chẳng dám tiêu, nghĩ đến bố mẹ ở nhà đi làm vất vả nên xót. Sau khi đã quen dần với cuộc sống đi học thì mình bắt đầu kiếm việc làm thêm. 

Ở Pháp không được phép sử dụng súng như ở Mỹ nên cũng an toàn hơn chút. Tuy nhiên nhiều vụ khủng bố đã xảy ra gần đây. Điều này cũng làm cho du học sinh và gia đình vô cùng lo lắng. Mình còn nhớ đợt khủng bố ở Paris mấy năm trước, khi ấy mình ở Bordeaux nhưng mà bố mẹ cũng sốt ruột gọi điện dặn dò đủ thứ. Mẹo nhỏ mách bạn là nếu ra ngoài chơi buổi tối thì không nên đi một mình, tránh đi đường tối tăm vắng vẻ và tốt nhất là luôn mang theo bình xịt cay".

"Chuyến đi đắt đỏ nhất chính là về Việt Nam”

 Đoàn Minh Phượng (25 tuổi, du học sinh Đức)

Đoàn Minh Phượng.

"Đối với du học sinh tại các nước châu Âu, có lẽ chuyến đi đắt đỏ nhất lại chính là về nước.

Nếu bạn so sánh tiền vé khi đi du lịch các nước dao động độ 20~40€ (euro/ hai chiều) thì về Việt Nam sẽ là 550~900€ (tuỳ vào thời điểm) và còn nhiều khoản chi phí cho ăn, ở, tham quan, chơi bời... Xét từ thực tế thì một chuyến du lịch của mình sẽ là 200-300€/lần. Còn về Việt Nam thì tầm 1.500-2.000€/lần. Với du học sinh, việc học và làm thêm đã chiếm toàn bộ thời gian nên điều mơ ước duy nhất là được trở về nhà và quên đi nỗi lo về cơm áo, gạo tiền, các chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên vai.

Đồ ăn cũng là một vấn đề lớn. Mình đã quen ăn cơm nhà nấu, lại còn có tình yêu thương vô bờ với các món ăn Việt, vậy nên các món Tây không thể thay thế được. Và cuối cùng là khả năng bạn bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Với vấn đề này, thần thái và sự tự tin là vũ khí tối thượng giúp bạn dẹp hết mấy thứ đó, tin mình đi".

“Bạn sẽ sớm bị cuốn vào vòng tuần hoàn học – ăn – đi làm”

Đoàn Mạnh Trường (du học sinh Canada, 24 tuổi)

Đoàn Mạnh Trường.

“So với tưởng tượng của mình thì cuộc sống du học sinh không hề màu hồng. Bạn cứ thử tưởng tượng lịch học bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến chiều, rồi sẽ làm thêm đến 10 giờ, 11 giờ đêm sau đó tranh thủ ăn uống, ôn lại bài rồi nghỉ ngơi để tiếp tục... một ngày khác tương tự. Bạn phải xác định rõ ràng: Cuộc sống du học không hề đẹp như cách mọi người. Bạn luôn phải chuẩn bị tâm thế 'có thể chịu khổ quá giới hạn cho phép hay không'. Mọi thứ sẽ rất áp lực, nhưng bù lại những thành quả mà bạn có được, học được là điều không thể phủ nhận".

Những "người ta" này đã làm được, bạn có làm được không?

Thúy Quỳnh