Thứ tư, 27/2/2019, 19:26 (GMT+7)

Cuộc sống ở Triều Tiên qua góc nhìn của một sinh viên nước ngoài

Mất hai năm để được chấp thuận vào một đại học tại Bình Nhưỡng, nhưng Alek Sigley nhận thấy nỗ lực anh bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.

Trang Sky News ghi lại những chia sẻ của Alek về một trong những đất nước bí ẩn nhất thế giới. iOne lược dịch.

Alex Sigley và vợ trong đám cưới ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5/2018. 

Tại sao là Triều Tiên?

Có cha là người một người gốc Trung, đồng thời là nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alek rất quan tâm tới Đông Á. Trong thời gian học ở Trung Quốc, anh quen biết một số sinh viên Hàn Quốc - những người khơi dậy mối quan tâm của anh đối với bán đảo Triều tiên.  

Từ đây, Alek chuyển sang học Hàn Ngữ, sau đó tiếp xúc với sinh viên Triều Tiên ở đây theo diện trao đổi. Sau hơn hai năm rưỡi học Ngôn ngữ và văn học ở Hàn, Alek nảy sinh hứng thú với phim ảnh và văn học Triều Tiên. Anh quyết định sang Bình Nhưỡng, học thạc sĩ tại Đại học Kim Nhật Thành. 

* Alek và các bạn của mình

Triều Tiên chỉ chấp nhận khách du lịch đến nước này thông qua các công ty lữ hành. Sau một chuyến đến Triều Tiên theo tour năm  2012, Alek tự thành lập công ty du lịch riêng mang tên Tongil Tours. 

Việc này giúp Alek có thêm cơ hội thành công nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt khi mà Triều Tiên mới chỉ mở cửa với sinh viên nước ngoài bốn năm trước đó. 

"Mất khoảng hai năm thuyết phục và gửi email qua lại. Họ phải tin tưởng bạn và biết bạn. Công ty du lịch riêng khá có ích, tôi đã đến đất nước này hơn 10 lần", anh nói. 

Cuộc sống ở Triều Tiên

Sigley cho hay, ở Triều Tiên, anh nhìn thấy hầu như ai cũng có điện thoại di động. Người nước ngoài sử dụng một mạng tách biệt với dân địa phương. Họ chỉ có thể gọi cho những người nước ngoài khác hoặc gọi đi quốc tế. 

Người nước ngoài được phép truy cập internet và một số trang bị khóa nhờ sử dụng VPN, như ở Trung Quốc. Nhưng người địa phương đa phần sử dụng mạng nội bộ để đọc một số trang nhất định. 

Theo Alek, việc stream nhạc, phim và các chương trình giải trí trên điện thoại di động với nhiều lựa chọn phim ảnh nước ngoài đang dần trở nên phổ biến với người Triều Tiên. Tất nhiên, các bộ phim nước ngoài phải được sự cấp phép của chính phủ.

"Có cả phim từ Đông Đức lẫn Liên Xô cũ đến phim Trung Quốc. Đặc biệt, phim võ thuật Hong Kong - Diệp Vấn- rất nổi tiếng ở đây. Thậm chí bộ phim Bollywood có tên Bahubali còn được chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng và phát hành cả DVD", Alek nói.

Sigley được tự do hơn những người nước ngoài khác vì anh còn là sinh viên. Anh có thể sử dụng hệ thống tàu điện ngầm và taxi. Những người nước ngoài muốn dùng hai phương tiện này cần phải có người Triều Tiên theo kèm.

Khách du lịch ở Triều Tiên bị hạn chế một số hoạt động trong chương trình tour, họ không thể tới thăm các cửa hiệu, cửa hàng, nhưng người nước ngoài sống ở đây thì có. Tuy nhiên, họ không được phép đến thăm nhà của người dân Triều Tiên. Điều này khiến việc "làm bạn với mọi người trở nên khá khó khăn", anh chàng nhận xét. 

* Những không gian sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của Alek

Hàng hiệu ở Triều Tiên

"Các sinh viên ở Đại học Kim Nhật Thành khá ‘có điều kiện’", Alek nói. Bạn cùng phòng của Alek dùng nước hoa Chanel Bleu và có một vài cửa hàng ở Bình Nhưỡng bán đồ xa xỉ với giá gấp 3 lần bình thường nhưng người dân địa phương vẫn sẵn sàng chi trả.

"Bình Nhưỡng vẫn khá ổn bất chấp những lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất họ từng trải qua trong lịch sử".

"Mỗi con đường có ít nhất một cửa hàng nho nhỏ bán đồ nhập khẩu, đa phần là hàng Trung Quốc nhưng cũng có cả Nhật Bản, hàng Đông Âu và Đức. Mọi người có thể mua được mọi thứ từ thịt bò New Zealand đến Haribo. Tôi thậm chí còn tìm thấy cả sữa tươi từ Australia".

"Nhiều nơi bán sản phẩm của Adidas, thương hiệu này rất phổ biến tại đây".

Alek và những sinh viên nước ngoài khác, Erik- người Thụy Điển và Howard - con lai Hàn Quốc- Canada, phải đến vài cửa hàng "gom đồ" nếu muốn làm món ăn phương Tây. Tuy vậy, họ thường tự xoay xở được. 

Người dân địa phương có các phiếu mua hàng từ cơ quan và Alek thường thấy họ đứng xếp hàng tại một số cửa hàng nhất định để mua sắm những món như trứng gà, thịt gà và gạo.

Tuy vậy, Alek tin rằng nền kinh tế thị trường đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là tại những cửa hàng mà người dân có thể trả hóa đơn bằng ngoại tệ. "Có rất nhiều cửa hàng, công việc kinh doanh đang ngày càng xuất hiện, đặc biệt là làm ăn với Trung Quốc. Điều này giúp kinh tế ở Triều Tiên khởi sắc và tạo ra tầng lớp trung lưu ở Bình Nhưỡng".

"Trong khu chúng tôi ở, có rất nhiều nhà hàng luôn đông người. Đa số cửa hàng sẽ chấp nhận người nước ngoài đến mua hàng, một vài nơi thì không. Điều này thực sự khó chịu bởi các nhà hàng mà những người bạn Hàn Quốc của tôi đánh giá cao thì không chấp nhận người nước ngoài. Chúng tôi có gắng hỏi, nhưng họ sẽ nói bạn cần phải có phiếu mua hàng hoặc "Hàng này chỉ dành cho người địa phương".

Cảm giác của người được làm 'sinh viên phương Tây đầu tiên'

Alek cho hay anh là sinh viên phương Tây đầu tiên của các giảng viên ở trường Kim Nhật Thành. "Các giáo viên bị cuốn hút bởi tôi", Sigley nói. "Họ luôn hỏi tôi những câu hỏi về Australia và Nhật Bản, bởi vì tôi từng đến Nhật Bản và vợ tôi sống ở đó. Các giáo viên đều tốt bụng và thân thiện. Tôi thích đến lớp, điều đó thực sự thú vị". 

Hồi tháng 5/2018, Sigley tổ chức đám cưới với Yuka, ở Bình Nhưỡng trước sự chứng kiến của bố mẹ anh và khoảng 20 người bạn. Anh đã sắp xếp cho họ tới Triều Tiên thông qua công ty Tongil Tours, bởi người nước ngoài không thể đến Triều Tiên mà không tham gia tour. 

Với luận án tốt nghiệp của mình, Sigley đang nghiên cứu tiểu thuyết lãng mạn của Triều Tiên, theo anh chúng lan tỏa những thông điệp mang tính "tập thể" rất mạnh. 

"Các nhân vật rung động trong những hoàn cảnh khi một người nhận ra nửa kia của mình có tinh thần vị tha và cống hiến hết mình để giúp đỡ cộng đồng",  Sigley cho biết. "Điều đó giống như một câu chuyện ngụ ngôn, có rất nhiều bài học đạo đức, dạy ta cách cư xử...".

Huyền Anh