Thứ ba, 27/11/2018, 15:29 (GMT+7)

'Đừng nói với người trẻ: Ung thư là chấm dứt sự sống'

Phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 3 khi mới 24 tuổi và vừa kết hôn được một năm, Bảo Yến vừa điều trị vừa cố gắng tận hưởng niềm vui sống từng ngày.

Thay vì tâm trạng u uất, phiền muộn, Bảo Yến luôn cố giữ nụ cười trên môi khi tiếp chuyện với khách đến thăm.

Bảo Yến, 24 tuổi, giáo viên tiếng Anh.

Chia sẻ với iOne, Bảo Yến cho biết: "Mình phát hiện bệnh cách đây khoảng 2 tuần trong một lần đi khám tổng quát. Lúc nghe tin mình hơi sợ. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là những câu hỏi: "Ung thư phải chữa như thế nào? Có đau không? Nếu như không chữa được, chồng mình phải làm sao, hai đứa mới cưới nhau được một năm? Rồi gia đình sẽ như thế nào trong khi mình là con một? Nhưng đó là những ý nghĩ ban đầu, sau này khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ, gia đình mình cũng tìm được phương pháp chữa xạ trị chiếu trong chọn lọc dành riêng cho bệnh ung thư gan, nên mình cũng bấu víu vào đó để hy vọng chứ không suy nghĩ gì nữa".

'Còn ngày nào phải sống tươi đẹp ngày đó'

Bảo Yến nhớ lại khoảng thời gian trước khi mắc bệnh là những tháng ngày làm việc kín tuần, rồi đến những đêm thức trắng để soạn giáo án, sắp xếp công việc. Đôi khi cô lại "yêu chiều" bản thân, thích gì ăn nấy thay vì chuẩn bị những bữa cơm gia đình đầy đủ dinh dưỡng. Chỉ khi mắc bệnh, Yến mới có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về bệnh thông qua các bản báo cáo khoa học, các video, lúc đó cô nhận ra: Giá như mình biết chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của bản thân.

Nhưng Yến quan niệm "ung thư không phải là dấu chấm hết". Cô giáo trẻ cho biết: "Mình không nghĩ ung thư sẽ là kết thúc, bởi hiện tại vẫn có cách để điều trị; kể cả phải chấm hết đi chăng nữa thì cũng chẳng sao. Dừng lúc nào cũng được, miễn sao khoảng thời gian sống của mình tươi đẹp, chứ sống trong đau khổ, dằn vặt cũng chẳng giải quyết được gì".

Yến trên giường bệnh.

Là bệnh nhân ung thư trẻ tuổi nhất tại khoa Nội tiêu hóa, cũng là người tràn đầy năng lượng, Bảo Yến lúc nào cũng được các bác sĩ lấy làm tấm gương sáng cho các bệnh nhân trong khoa. Yến vui vẻ khoe "thành tích": "Rất nhiều bệnh nhân ung thư khi nhập viện đều có suy nghĩ tiêu cực, thế là các bác sĩ trong khoa lại lôi mình sang các phòng bệnh nói chuyện, chia sẻ với các bệnh nhân để giúp họ có tâm trạng thoải mái hơn. Một đứa con gái mới 24 tuổi như mình, lại mới lấy chồng, bị ung thư giai đoạn ba còn lạc quan như vậy, thì những người bệnh khác cũng cần phải vui vẻ lên, vì chữa ung thư quan trọng nhất chính là tinh thần".

"Ở trong bệnh viện này mình quan hệ rộng lắm người nào cũng quen, ai cũng biết mặt. Đối với mình vào viện không hề buồn tẻ mà vào viện giúp mình hiểu ra nhiều thứ hơn, mình biết được nhiều thông tin bổ ích từ những chính bác sĩ và người bệnh".

"Có những lần chồng trốn sau cánh cửa để... khóc"

Nhắc đến nguồn động lực lớn nhất giúp cô gái 9x với vóc dáng nhỏ bé có thể chiến đấu với bệnh tật, ngoài bố mẹ là chồng của Bảo Yến, anh Nguyễn Văn Khánh. Đó là người luôn nắm chặt tay cô mỗi khi phải thực hiện những thủ thuật xét nghiệm đau đớn, một người chồng mà từ khi vợ nhập viện, cuộc sống của anh gói gọn ở chỗ làm và bệnh viện, còn nhà chỉ là nơi ghé qua.

Hai vợ chồng vừa cưới nhau được một năm.

"Chồng thương mình lắm, lấy nhau được một năm rồi mà tình cảm vẫn như ngày mới yêu. Ngày trước dù bận bịu đến mấy hai vợ chồng vẫn có thời gian đi du lịch; ngay cả khi mình nhập viện điều trị, các dự định của hai vợ chồng không bị ảnh hưởng. Sau đợt hóa trị này, vào Tết năm nay hai vợ chồng mình có đặt tour đi Maldives rồi đến tháng 4 sang năm, chúng mình lại thực hiện chuyến du lịch đến Hàn Quốc lần hai", Yến tiết lộ.

Chia sẻ về chuyện tình cảm với người vợ nhỏ bé, anh Khánh nhớ lại: "Tôi gặp Emma (tên tiếng Anh của Bảo Yến) trong một lớp học tiếng Anh khi tôi là học sinh của cô ấy. Trong mắt tôi, Emma là cô giáo dạy tiếng Anh vô cùng tài năng, thông minh, xinh đẹp, dễ thương và vui tính. Cô luôn biết cách tạo không khí vui vẻ trong lớp để học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất mà không bị căng thẳng. Sau khi kết thúc khoá học tôi đã quyết định chủ động làm quen. Chúng tôi đã sớm thành một đôi, yêu nhau và cưới".

"Tôi vẫn không thể tin bởi cô ấy mới chỉ 24 tuổi, sao có thể mắc căn bệnh thế kỷ đó. Những đêm nằm ôm vợ, bao suy nghĩ tiêu cực cứ bủa vây lấy tôi: 'Liệu tôi còn ôm vợ tôi nằm ngủ như thế này được bao lâu nữa?; Hàng ngày đi làm có vợ đi cùng, không lẽ sau này tôi phải đi làm một mình sao?; Nếu thiếu cô ấy tôi sẽ sống sao đây?... Tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Nhưng sợ vợ nhìn thấy, lại ảnh hưởng đến bệnh, nên tôi thường trốn vào nhà vệ sinh khóc một mình", anh Khánh cho biết

"Một sáng dậy, thấy mắt chồng đỏ hoe, mình chỉ đơn giản nghĩ do anh mới ngủ dậy, bởi chưa bao giờ mình nghe thấy tiếng anh khóc. Thế nhưng gần đây mẹ mình mới kể: khi vào phòng, nhìn thấy con rể khóc, mẹ chạy vào lau nước mắt, xong cả hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Đối với mình càng những lúc như vậy mình lại càng phải mạnh mẽ hơn." Bảo Yến kể.

Từng ngày, được nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong gia đình, Bảo Yến càng mạnh mẽ, vui vẻ và lạc quan hơn. Thay vì hoài niệm hay nuối tiếc về những điều đã làm, giờ đây cô nàng muốn chia sẻ cách sống tích cực đến các bạn trẻ: Hãy sống vì tương lai chứ đừng hoài niệm quá khứ, thay vì làm việc như một con thiêu thân, bạn hãy sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý và hãy biết yêu thương, biết truyền năng lượng đến những người xung quanh mình nhiều hơn.

Thúy Quỳnh