Thứ hai, 10/2/2020, 20:00 (GMT+7)

Hành khách lo lây nhiễm chéo nCoV trên du thuyền Nhật Bản

Virus corona biến chuyến đi trên du thuyền hạng sang Diamond Princess thành "nhà tù nổi' - nơi 3.700 người bị cách ly, 136 người được xác nhận dương tính. 

Khi tàu Diamond Princess cập cảng Yokohama, Nhật Bản hôm 3/2, sau một đêm bị cách ly trên biển, những hành khách ở trong cabin có cửa sổ và ban công nhìn ra thấy xe cứu hỏa và 15 xe cứu thương đang đợi mình. Đó là một dấu hiệu không mấy vui vẻ với 3.700 người bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess - nơi có mật độ ca nhiễm virus corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. 

Vào chiều hôm đó, thuyền trưởng thông báo qua loa rằng có thêm 6 người, trong đó có 5 thủy thủ đoàn xét nghiệm dương tính với nCoV. 8 người khác sẽ được đưa khỏi tàu để chữa các bệnh khác. Sarah Arana (52 tuổi) - một nhân viên y tế xã hội ở Paso Robles, California - cho biết: "Chúng tôi bắt đầu đếm số xe cứu thương và sẽ biết được số người được chuyển ra ngoài".

Tàu du lịch Diamond Princess được cách ly ngoài khơi bờ biển Yokohama, Nhật Bản, kể từ 3/2. Ảnh: Reuters.

Quan chức Y tế Nhật Bản bắt đầu kiểm tra, sàng lọc toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hong Kong đi trên tàu vào tháng trước dương tính nCoV. Nhiều ca mới được thông báo gần như mỗi ngày và hành khách bắt đầu lo sợ biện pháp cách ly - vốn để bảo vệ người dân Nhật Bản - sẽ gây ra rắc rối cho họ. 

Đây là lần đầu đi tàu biển du lịch của Arana. Cô cho biết: "Tôi biết rằng stress và lo lắng sẽ gây hại cho hệ miễn dịch. Tôi cần giữ bình tĩnh vì đã ở đây rồi. Nhưng mỗi ngày tôi đều lo lắng khi thấy hàng dài xe cứu thương bên tàu". 

Hơn 2.600 hành khách được cách ly trên tàu. 1.000 thủy thủ đoàn cũng được cách ly dù họ tiếp tục làm các nhiệm vụ như đưa đồ ăn cho hành khách. Tsutsui Masato (70 tuổi), người Nhật, có mặt trên du thuyền cùng vợ cho biết: "Thật buồn khi được biết rằng lại có thêm ca nhiễm nữa. Tôi không biết mình nên thấy thế nào cho đến khi hiểu được virus corona đang lây lan mạnh". Một số hành khách không hiểu tại sao chỉ có tầm vài trăm người được xét nghiệm, chủ yếu là những người có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc những người bị sốt. 

Gay Courter (75 tuổi) - một nhà văn, yêu thích du lịch - bị cô lập trên tàu cùng chồng Philip. "Tôi không tin được họ đang cố kiểm soát dịch bệnh bằng cách cho chúng tôi cách ly. Có điều gì đó không ổn với kế hoạch này", bà nói. 

Khi chưa có nhiều thông tin về chủng virus thuộc họ corona mới này và cách lây lan, Courter - người từng viết một tiểu thuyết án mạng trên tàu - cho biết, dù thủy thủ đoàn đang phải làm việc vất vả để bảo vệ hành khách, không có cách nào để biết họ có an toàn không. "Không ai có thể cho chúng tôi biết điều gì chắc chắn. Không có bằng chứng khoa học nào về việc virus này có thể lây lan qua việc đưa đồ ăn hay qua cả găng tay cao su", bà nói. 

Nhân viên mặc đồ bảo hộ lên tàu vào 7/2 để di chuyển một người nhiễm coronavirus đến bệnh viện. Ảnh: Reuters.

Hành khách trên du thuyền sang trọng 17 tầng suy đoán rằng virus có thể lây truyền qua hệ thống thông khí của tàu. Một số người chia sẻ mối lo ngại này với Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo. 

Ngày 9/2, Đại sứ quán đã gửi 428 hành khách một bức thư từ nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) nói rằng - hiện chưa có căn cứ nào cho thấy virus có thể lây lan qua hệ thống kiểm soát không khí của tàu. Một người đại diện cho công ty tàu du lịch Princess cho biết, tàu được trang bị hệ thống lọc khí đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tương đương với hệ thống có trong các khách sạn, resort và casino. 

Một tin đồn khác cho thấy chính phủ Mỹ cố gắng đưa công dân nước này xuống tàu trước khi thời hạn cách ly 14 ngày kết thúc. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, sự nhất trí và các thủ tục về y tế cho rằng cách an toàn và chắc chắn nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên tàu là cho các khách trên tàu cách ly. Khi đợt cách ly kết thúc, công dân Mỹ có thể về nước bằng máy bay dân sự và không phải cách ly thêm. 

Một hành khách nhìn ra từ ban công vào 9/2. Ảnh: AP. 

Hôm 5/2, Carol Montgomery (67 tuổi) - một thư ký hành chính đã về hưu ở San Clemente, California - bị sốt nhẹ. Chồng bà - John, một giám đốc về quy hoạch thành phố về hưu - lo lắng về bệnh tiểu đường của mình và cả việc liệu ông có nên làm sạch hệ thống thông khí đang sử dụng cho chứng ngưng thở khi đi ngủ hay không. "Chúng tôi ngồi trong phòng và số ca nhiễm đang tăng. Mọi thứ khá lúng túng khi chúng tôi không thể xét nghiệm xem mình có nhiễm bệnh hay không", ông nói. Cuối cùng, bà Montgomery đã thuyết phục được phòng y tế của tàu kiểm tra cabin của mình. Họ đã được xét nghiệm cúm với kết quả âm tính. 

Lịch trình dự kiến ban đầu của chuyến đi là kết thúc vào ngày 4/2. Nhiều người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường đang dần hết thuốc. Hôm qua, Bộ trưởng Y tế cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng các loại thuốc hoặc vật tư y tế cần thiết đã được chuyển lên tàu cho khoảng 100 người. Nhiều hàng hóa y tế sẽ được chuyển sau cho thêm 500 người nữa.

Matthew Smith, người Mỹ, một trong hơn 2.600 hành khách khoe ảnh đồ ăn trên du thuyền 5 sao Diamond Princess. Ảnh: Matthew Smith.

Vợ chồng ông bà Montgomery tận hưởng bầu không khí trong lành bên ngoài tàu nhưng vẫn giữ khoảng cách với những người khác. Một số hành khách cảm thấy thất vọng vì thiếu thông tin. Trước đó, họ đọc báo mạng và biết được rằng số ca nhiễm trên tàu đã tăng gấp ba. Bà Arana giết thời gian bằng việc vẽ, thử nghiệm các loại mặt nạ mua ở Đài Loan và tìm hiểu trên mạng về các biện pháp tránh virus bằng thảo dược. "Tôi cảm thấy buồn cho những người được người thân thông báo rằng có thêm người bị mắc bệnh trên tàu. Khi đó chúng tôi nghĩ rằng mình là những người cuối cùng biết về những thông tin như vậy", bà nói.

Nhiều người đã lần lại những hành động của mình trên tàu trước khi cách ly và hy vọng rằng không có tiếp xúc với những người nhiễm bệnh. Bà Courter nhớ lại về những bữa ăn, đêm trò chơi và những buổi biểu diễn kịch mà mình từng tham dự, trong đó có một vở opera được tổ chức vào đêm trước khi lệnh cách ly có hiệu lực.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, ngày 10/2, có thêm khoảng 60 người được báo cáo dương tính với nCoV trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số ca lên 136. 

Tàu Diamond Princess từng dừng tại Kagoshima (Nhật Bản), Hong Kong, Thái Lan, Việt Nam trước khi cập cảng ở Yokohama. Trước đó, con tàu này bị cách ly hôm 1/2 khi dừng tại một cảng ở Okinawa, Nhật Bản. Tuy nhiên, do có thêm một người phát hiện dương tính với nCoV, Bộ Y tế đã quyết định tiếp tục cách ly tàu khi đến Yokohama. Hiện toàn bộ hành khách cùng thủy thủ đoàn được yêu cầu cách ly trên tàu 14 ngày, thời gian ủ bệnh tối đa, bắt đầu từ 5/2.

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, khó thở và ho. Bệnh diễn biến nặng có thể gây suy thận, viêm phổi dẫn đến tử vong.

Chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với Vũ Hán và một phần của vài thành phố lân cận nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Gần 60 triệu người bị ảnh hưởng khắp trong và xung quanh Vũ Hán. Sáng 10/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc báo cáo thêm 97 trường hợp tử vong mới do nCoV, nâng tổng số người chết trên toàn thế giới lên 910. Con số này đã vượt mốc số người chết vì đại dịch SARS năm 2002 - 2003 (813 người), theo số liệu của WHO. Số người nhiễm trên toàn cầu vì virus corona hiện là 40.553.

>>Xem thêm: 
* 'Bà ngoại lây cho cả nhà' - tình huống phổ biến giữa tâm dịch
* 9 người nhiễm nCoV sau khi tụ tập ăn lẩu
* Du thuyền hạng sang biến thành 'nhà tù nổi' ở Nhật Bản

Huyền Anh (Theo NyTimes)