Vietnam Thứ sáu, 8/11/2019, 13:58 (GMT+7)

Hành trình liều lĩnh chui container vào Anh của một người Việt

Tuấn được phát 3 túi nilon: túi lớn nhất dùng để chui người vào, tránh bị phát hiện qua hơi thở, túi nhỏ nhất để 'đi nhẹ'; còn túi lỡ cỡ để 'đi nặng', tránh dây mùi ra container.

Trong gian nhà rộng chừng 20m2 ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, anh Tuấn mặc đồ bảo hộ công nhân xám nhạt, quần một ống xắn lên quá mắt cá chân, bên kia buông thõng. Anh ngồi trên bộ ghế gỗ nâu góc nhà, đọc không sót tin tức nào về vụ 39 nạn nhân thiệt mạng trong container nơi xứ người. 

"Tôi rùng mình. Tôi cảm thấy đau lòng vì mình từng giống họ, cũng chui vào container ở cảng Calais, Pháp rồi vào đến Anh. Chuyện xảy ra gần chục năm nhưng chưa lúc nào tôi quên được hành trình đó. Sự thực là chẳng ai muốn đánh đổi tính mạng cả, họ đã đi quá xa để có thể quay đầu", người đàn ông 33 tuổi, da ngăm, gầy, nhớ lại. 

Ảnh: Đình Tùng. 

Cách đây hơn 10 năm, chính Tuấn cũng mang thân phận "người rơm". Tuấn bị thu mọi giấy tờ khi đặt chân đến Anh, bắt đầu cuộc sống không có quyền lợi gì, đúng nghĩa một "người rơm", như cách dân bản địa nói về họ. 

"Học hết cấp 3, tôi đi làm vài năm rồi quyết định sang Tiệp (CH Czech) lao động vào tháng 8/2007, lúc vừa 21 tuổi. Năm 2009, khủng hoảng kinh tế lan rộng khắp châu Âu khiến nhiều nhà máy đóng cửa, tôi chuyển sang làm cho một chủ người Việt nhưng rất khó khăn. Mỗi tháng được trả khoảng 13 triệu đồng, trừ chi phí nhà cửa, ăn uống không dành dụm được bao nhiêu. 2 năm 3 tháng ở Tiệp coi như công cốc, chẳng được gì. Nghe theo người quen rỉ tai sang Anh kiếm ăn được, tôi gọi cho ông bà ở quê, bán nhà bán đất, vay mượn 10.000 USD để đi Anh. Số tiền không phải là nhỏ. Mà lúc ấy, không sợ khổ, chỉ sợ nợ nần, thế là quyết tâm phải vượt sang đấy", anh nhớ lại. 

Ngày ngủ, đêm băng rừng sang Anh

Anh Tuấn tìm hiểu, cập cảng Dover là "con đường dễ dàng nhất" để vượt biên vào Anh. Thông qua môi giới, anh sử dụng một hộ chiếu giả để di chuyển từ Tiệp đến Pháp. Đặt chân đến Pháp, Tuấn được đưa đến một trang trại ẩn náu trong rừng sâu ở khu vực Calais, gần eo biển Manche, Anh - chờ đợi phần mạo hiểm nhất của chuyến đi. Tại đây, họ phải băng rừng đến khu trạm xăng rồi lẻn lên container để tới cảng Calais, sau đó tiếp tục nằm trong container qua cảng Dover. 

"Một người đàn ông khoảng 35 tuổi, tên Lò (tức Cửa Lò ấy, anh giải thích), dẫn chúng tôi đến một lán trại trong rừng sâu, gọi là khu tập kết. Lán trại 2 tầng. Những người dẫn đầu đoàn vượt biên trực tiếp sẽ ở lán trên, bọn tôi ở dưới. Tất nhiên chúng tôi chẳng bao giờ gặp được người đứng đầu thật sự, họ chẳng bao giờ ở đó, mọi việc đều thông qua nhánh dưới bằng điện thoại. Vừa đến, họ cũng tịch thu toàn bộ điện thoại, hộ chiếu và mọi giấy tờ liên quan khác. Một số người được hỏi ai đưa sang đây, có người thân quen ở Anh không. Nếu không, họ sẽ mời chào về gói dịch vụ giúp tìm công việc khi vượt trót lọt. Khi ấy, tôi đã có người quen bên ấy". 

Nhóm anh ngày đầu chỉ có độ 10 người, nhưng nhanh chóng tăng lên 40 vào những hôm sau đó. "Mọi người đều chờ để vượt biên như nhau cả. Đội hỗ trợ chia chúng tôi thành từng tốp nhỏ 5-7 người, xác định rất rõ người nào là của ai để tránh giành khách của nhau". 

Hành trình liều lĩnh vào Anh bằng container của một người Việt
 
 
Anh Tuấn nhớ lại về hành trình vượt biên bằng container. Video: Đình Tùng

Chặng đường tốn nhiều thời gian nhất trong hành trình là lúc băng rừng đến trạm xăng để trèo lên container - nơi anh 4 lần bị bắt mới có thể qua trót lọt. "Tụi tôi cứ ngày ngủ, đợi màn đêm xuống là khoác áo, xỏ giày bắt đầu vượt rừng. Cứ khoảng 11h đêm là lên đường, tầm 2h sáng là có mặt ở cây xăng nơi chốt container đỗ. Một đội quân đi thám thính xem container nào ngủ rồi báo hiệu cho anh em lẻn lên. Nhiệm vụ của mình là phải thật nhẹ nhàng trèo lên để chủ xe không phát hiện", anh nhớ lại ký ức của hành trình 22 ngày chờ vượt biên trên đất Pháp. 

"Tôi bị bắt 4 lần mới qua trạm. Ngồi trên xe trong tiết trời lạnh từ 4 giờ đến 7 giờ sáng thì 'số đen': tài xế mở thùng xe phát hiện, xua cả lũ xuống. "Mấy ông xe công này không bao giờ mắng chửi đâu, họ chỉ nhíu mày, ra hiệu ý bảo tụi mày xuống đi. Và thế là mình lại trèo xuống, quay ngược trở lại lán và chờ đến đêm thử lại ở lần tiếp theo. Có những lúc tưởng chừng yên vị trong container thì lại bị phát hiện lúc lên phà, thế là phải bắt tàu trở lại". 

Khi sang Pháp, trong người Tuấn mang 200 euro, được anh giấu kín trong lỗ khoét ở vạt áo. Anh bảo sau 4 lần bị "trả về", trong người còn đúng 25 euro. "Lần nào cũng nghĩ, nếu mày bắt tao thì bắt luôn ở chỗ đậu xe của container đi, chứ thêm hai lần nữa về tàu thì tao chỉ có chết. Bản thân mình lúc ấy xác định không còn đường lui nữa rồi đấy, tiền hết, giấy tờ cũng nộp cho chúng làm sao mà đòi", anh cười buồn. 

Cuối cùng, một chuyến container chở 5 người, 4 nam giới - trong đó có Tuấn - và một phụ nữ, vào một đêm thoát khỏi cảng Calais. Lúc này, hành trình cân não đến Dover mới thực sự bắt đầu. 

Khu trại của các di dân trái phép ở Calais, miền bắc Pháp. Ảnh: AFP.

Chuyến xe tử thần 

Anh kể, những người di cư được "training" một khóa kĩ năng trong thời gian đợi ở lán tị nạn để nắm được hành trình vạch sẵn. "Mỗi người được phát 3 chiếc túi nilon cuộn tròn. Cái túi lớn nhất để sử dụng mỗi khi qua chỗ 'sật sật sật' (gờ giảm tốc độ khi qua trạm kiểm soát - PV), mình phải nhanh chóng chui vào, túm thật chặt để tránh kiểm tra khí CO2. Một túi nhỏ hơn, cỡ khoảng túi nước mía để đi vệ sinh nhẹ, cái lớn hơn một chút thì 'đi nặng'. Họ dặn không được để rớt ra container hoặc thoát mùi ra ngoài nhằm tránh chốt kiểm tra có chó nghiệp vụ. Mỗi xe được cấp thêm một điện thoại cục gạch bọc trong giấy bạc, kèm theo một chiếc dao lam. Mình không được phép sử dụng dao tem, chỉ được dùng trong trường hợp bất thường".

"Họ dặn từ cảng Calais đến Dover sẽ trải qua 6 chặng 'sật sật sật', khi thấy xe dừng hẳn nghĩa là đang được chuyển lên phà. Sau đó, sẽ mất thêm 3 tiếng nữa là cập cảng Dover. Xe tiếp tục chạy trên đường thêm 1,5 tiếng nữa là bắt đầu rạch bạt. Lúc này cũng chọn đúng trên quãng đường 'sật sật sật' rồi phi thân ra, trốn vào lề đường. Mình phải căn chuẩn theo hành trình sẵn, nếu để lâu đi theo xe vào đến nhà kho sẽ bị phạt cải tạo. Họ còn dạy cách nếu gặp cảnh sát, phải khai có người truy sát, muốn giết tôi để xin tị nạn". 

Đường cảng Calais xoáy như vòng thúng, chạy qua đúng 6 trạm kiểm soát mới cập được cảng Dover. Mỗi cảng đều có kiểm tra bức xạ nhiệt CO2, X-quang khiến mọi người phải ngồi nín thở, cầu nguyện vượt qua được an toàn. "Tất cả đều ngồi trong im lặng, một tiếng thở thật khẽ cũng không dám vì sợ bị chó nghiệp vụ phát hiện ra". 

Thiết bị quét X-quang phát hiện người di cư trong một container ở cảng Dover, Anh. Ảnh: DailyMail.

Thế nhưng, hành trình của anh Tuấn không suôn sẻ. "Chúng tôi thoát được 6 trạm 'sật sật sật', đi quá hơn 3 tiếng phà, rồi thêm 2 tiếng nữa mà vẫn cảm giác đang lênh đênh trên biển. Cảm thấy ở trong container quá lâu so với thời gian định trước, cả nhóm 5 người quyết định đập báo hiệu hy vọng có ai đó mở thùng xe cho cả nhóm ra. Nhưng đập mãi kêu cứu không có ai tới, lại đợi thêm nửa tiếng thì nghe tiếng còi báo động cảng vang lên. Cùng lúc đó, nhân viên của phà mở cửa thùng. Ngẩng mặt lên, 15-20 cảnh sát đen sì vây quanh. Họ gọi xuống và cho ra ngoài cửa cảng. 

Tâm trí lúc ấy rất hoang mang, chỉ biết trấn tĩnh bằng cách xin họ điếu thuốc. Rít liền hai điếu, dáo dác nhìn quanh thấy có chữ Dover, lúc đấy vẫn chưa biết là đến nước Anh. Mãi khi lên xe cảnh sát chở về khu tạm giam, nhìn vào xe tay lái nghịch mới biết đã sang. Về đó, họ khám xét người và phỏng vấn trực tiếp, kết nối phiên dịch qua điện thoại", anh nhớ lại.

"Chúng tôi được đối xử tốt", anh nói. "Mình ra dấu hiệu khát nước là họ cho uống, muốn cafe thì bảo coffee, hay 'sen guýt' (sandwich) cũng được ăn no. Mình cảm nhận họ đối xử rất tốt dù biết thừa mình là dân vượt biên sang chứ đâu". 

Anh Tuấn phải trải qua 4 lần thẩm vấn mới được dẫn đến nhà tị nạn, trong khi những người cùng chuyến với anh bị trả về Pháp. Anh bảo, mình đã may mắn hơn người ta quá nhiều rồi. 1h đêm anh cùng một người Mông Cổ khác được đưa đến khu nhà tị nạn. Họ được cho một bát súp, mà theo như anh nói "trông không khác gì cám lợn". "Tôi không thể nuốt nổi. Lúc đấy mới đưa cho anh bạn Mông Cổ bảo mày ăn đi, rồi cho tao mượn điện thoại gọi cho người quen đến đón". 

"Đánh một giấc đến 8 giờ sáng, sờ túi còn vỏn vẹn đúng 25 euro. Đứng giữa đường phố Anh, nhớ mãi trông thấy xe bus số 38 hướng đi ghi chữ Beckham, nhưng lạ đường nên phải gọi điện cho người quen đón. Sau đó bọn tôi đến khu chợ có người Việt Nam, ăn một phát hết 2 đĩa bánh cuốn. Sau đấy, mất 15 ngày mới hoàn hồn để bắt đầu đi xin việc". 

Gục ngã trước cổng 'thiên đường'

Anh tìm đủ việc, từ vẽ nail, bán hàng và cuối cùng theo đi trồng cỏ. Suốt 8 tháng ở Anh, 5 tháng anh Tuấn đi trồng cỏ, 3 tháng còn lại lang thang giúp việc cho cửa hàng tạp hóa người Việt. Anh bảo nếu không có sự cố gì xảy ra ví như cây không chết, không bị cướp thì vài tháng có thể "hòa vốn". Nhưng nếu bị công an sờ gáy là "ốm đòn", cây càng nhiều tội càng nặng. 

"Cực lắm, sống chui sống lủi. Nhà có hai tầng, chốt trong chốt ngoài chằng chịt vì sợ cảnh sát tóm. Phòng rộng bên dưới không được ở, tầng trên chỉ có điện và cây. Mình chỉ có thể ngủ cầu thang, ở nhà vệ sinh, nói chung bất cứ nơi nào ngả lưng được là nằm. Đợt đó mùa tuyết rơi, ngoài trời âm 5 độ. Nhiều lần công an hoặc người đưa thư gõ cửa là ngồi trong nhà run bắn lên. Mà đau hơn là bị chính chủ nó trộm cây, hoặc ăn chia không đều, tiền chả được mấy". 

Anh Tuấn tâm sự, niềm an ủi lớn nhất trong hành trình vượt biên là những ngày tham gia hội chợ từ thiện ở lán trại. "Cứ đến chủ nhật là không phải đi vì còn bận đón khách. Một nhóm từ thiện người Pháp thường đến đây vào cuối tuần, họ mang đồ ăn và tổ chức cắm trại rất vui. Mình gói nem Việt cho họ ăn, họ thích lắm. Việc gặp gỡ đồng hương người Việt cũng là động lực giúp anh xoay xở nơi xứ người". Anh bảo, người Thái Bình đi Anh hiếm, đa số là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, có cả Hải Phòng.  

Từ bỏ phận 'người rơm'

Suốt cuộc trò chuyện, Tuấn kiểm soát được cảm xúc, nhưng khi nhắc đến bố mẹ, đến anh trai, giọng anh lạc đi, nước mắt chỉ chực trào ra. "Ở Anh được 8 tháng, bố mẹ ở quê khi ấy tuổi cao sức yếu tha thiết mong về. Họ không muốn tôi làm công việc đó nữa. Và cuối cùng tôi quyết định ra đại sứ quán thú nhận, xin về nước. Ông anh ra đón tận sân bay, rưng rưng khóc. 2 giờ đêm về đến quê nhà, người từ lớn đến nhỏ vẫn ngồi chờ, lúc ấy bủn rủn chân tay. 3 năm 4 tháng đi xa mới gặp lại, cả nhà òa khóc, vừa tủi lại vừa mừng. Mà hồi đấy, mọi người nghĩ đi Tây làm gì có gà mà ăn nên bữa nào cũng toàn gà là gà. Biết đâu là ngán tận cổ rồi, bên ấy chỉ có gà là rẻ nhất", anh cười. 

Những người di cư từ thị trấn Calais như anh Tuấn tưởng như đã chạm vào giấc mơ 'miền đất hứa' khi cập cảng Dover, hạt Kent. Thế nhưng, trở về sau hơn 3 năm, anh chỉ xây được căn nhà ống. "Hành trình đó giống như ván bài đỏ đen. Sang được đến nơi trót lọt là một chuyện, làm được không còn phụ thuộc nhiều thứ nữa. Tôi biết có những người sang ấy xin làm phụ việc, ở đến mười mấy năm mà chui nhủi, không được ra khỏi nhà, cực khổ lắm".

Anh Tuấn về nước rồi lập gia đình. Nhưng họ ly hôn khi cậu con trai được 16 tháng tuổi. Anh nay gà trống nuôi con, ở với người mẹ đã già yếu.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

>>Xem thêm: 

Trò 'mèo vờn chuột' trong hành trình liều lĩnh của người di cư vào Anh
Bên trong trại ẩn náu của người Việt ở khu rừng Pháp
Chủ đề: 39 thi thể trong container

Như Quỳnh – Đình Tùng