Thứ tư, 20/11/2019, 09:57 (GMT+7)

Ký ức của thầy cô miền xuôi lần đầu lên 'cắm bản'

Những ngày mới lên bản dạy học, các thầy cô phải làm quen với cảnh bị vắt rừng cắn chảy máu chân, lội bộ 6 - 7 km đường rừng và thường cả tuần chỉ ăn lạc với cá khô.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên) có 46 giáo viên, ngoài 7 thầy cô người địa phương, 39 người còn lại là người Kinh, phần lớn đều ở dưới xuôi. Có những giáo viên đã gắn bó 20 - 30 năm, người trẻ nhất mới chỉ giảng dạy ở đây 5 - 6 năm, nhưng mỗi khi nhìn lại, họ vẫn rùng mình về ngày đầu tiên lên mảnh đất của cực Tây dạy học.

Lên công tác tại điểm trường San Sả Hồ (thuộc tiểu học Hừa Ngài) từ năm 1990, trong trí nhớ của cô Vũ Thị Nhuần (55 tuổi) để đến trường, cả thầy và trò phải men theo những con đường mòn của ngựa.

Gọi là bản nhưng nhà này cách nhà kia cả quả đồi. Một lớp học dựng tạm bằng phên tre, bàn của học sinh ghép cũng lại từ phên tre, lấy thêm miếng gỗ dài làm ghế. Là cô giáo duy nhất tại điểm trường, lớp đầu tiên cô Nhuần dạy gồm 14 em được học chương trình dạy chữ 120 tuần dành cho người H'Mông.

So với học sinh bây giờ ngày ấy các em khổ lắm. Mỗi lần về thị trấn, cô Nhuần chở vài cân gạo trắng, mấy gói mì tôm lên bản để tích trữ. Nhìn học sinh thèm thuồng, cô lại đưa mì tôm và gạo cho các em, còn mình ăn củ mài, bột ngô.

Những năm 1990 trở về trước, nhiều gia đình người Mông không quan tâm đến chuyện học tập của con cái. Trong đầu họ luôn tồn tại suy nghĩ "học ít thôi, đi làm nương nhiều mới có cái ăn". Vì thế, việc vận động các em đi học rất khó khăn. "Ngày nào cũng đi vận động học sinh, nhà gần thì khoảng 30 phút đi bộ, xa thì mất 3 tiếng, nhưng điều duy nhất mình muốn là có nhiều em đi học", cô nói. 

Một mình giữa núi rừng Tây Bắc, không ít lần cô Nhuần thèm được nói chuyện với người Kinh. Từ người dân lên lao động hay đoàn cán bộ đến công tác, cứ thấy người Kinh là cô níu lấy nói chuyện rồi hỏi tin tức dưới xuôi.

Lên Hừa Ngài sau cô Nhuần 17 năm, năm 2008, thầy Trần Trung Quyền (34 tuổi) từ Thái Bình lên nhận công tác. Gần 12 năm dạy học, thầy giáo miền xuôi không thể quên những túi cá khô và hộp lạc rang cất kỹ trong hành lý mỗi lần lên trường.

"Không biết các thầy cô dưới xuôi thế nào, chứ trong hành lý của bọn mình lúc nào cũng có gói cá khô và lọ lạc rang vì để được lâu mà không bị hỏng, chứ ngày ấy làm gì có điện. Một tuần 7 ngày thì 6 ngày ăn cá khô hoặc lạc rang, họa hoằn lắm mới có bữa được ăn thịt, khi nhờ được người xuống thị trấn", thầy Quyền nhớ lại.

Khó khăn về đường đi, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng thầy Quyền luôn tự nhủ, học sinh toàn ăn cơm với nước lã, bữa nào sang thì có rau luộc chấm mắm, các thầy các cô có cá ăn là sướng rồi.

Gắn bó với Hừa Ngài được 8 năm, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thùy Dương (30 tuổi, Hà Tây, Hà Nội) rùng mình nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy vắt rừng.

Cô giáo Dương.

Năm 2012, cô Dương lên công tác tại điểm trường tiểu học Nậm He cách trường trung tâm chừng 6 km - một nơi không điện, nước, sóng điện thoại, khi tắm phải ra suối và muốn biết tin từ người thân phải viết thư gửi về. Lần đầu tiên phải băng rừng, vượt suối, cô giáo trẻ đã định bỏ về khi đi được nửa đường.

Nghe thấy tiếng sột soạt của giày dép chạm vào lá cây khô, những con vắt rừng nhảy đến, bám chặt vào chân người mà hút no máu. Cái cảnh đi 6 - 7km đường rừng, chân mỏi rã rời mà không dám nghỉ, chân tay khua loạn xạ để "đánh lạc hướng những kẻ cuồng máu" khiến cô không thể nào quên.

8 tháng sau, cô Dương chuyển về Tiểu học Hừa Ngài công tác. "Tiến gần ra trung tâm", ít vắt hơn nhưng sóng điện thoại chập chờn khiến việc liên lạc với gia đình không dễ dàng. "Ngày ấy mình ở khu nhà cho giáo viên nữ. Bốn năm chị em đặt điện thoại ở nguyên một góc cửa vì chỉ chỗ đó có sóng. Muốn gọi phải bật loa, ai nấy cũng thi nhau nói nhưng có nghe thấy gì đâu, oang oang như một cái chợ", cô Dương bật cười nhớ lại. 

Cô Dương đã có hai cô con gái, đứa con lớn được gửi về Hà Tây ở cùng ông bà ngoại. Cô con gái hai tuổi vợ chồng cô gửi về ông bà nội ở thị trấn Mường Lay (cách trường chừng 30km) để tiện việc học hành. Xa con, một năm vợ chồng cô chỉ gặp con gái lớn hai lần vào dịp hè và Tết, còn con gái hai tuổi được gặp bố mẹ một tuần một lần.

Thương con không nhận đủ tình thương của bố mẹ, nhưng hai vợ chồng cô không thể bỏ học sinh để về xuôi. Mỗi lần nhớ con, cô giáo trẻ ứa nước mắt. 

Cô Hoàng Thu Trang trong buổi dạy học sinh lớp 1.

Cô giáo Hoàng Thu Trang (30 tuổi, Thái Bình) lên Hừa Ngài công tác cũng được 6 năm. Cô quyết tâm bám trường, bám lớp, chăm sóc cho các em học sinh và từ chối thẳng thừng khi bố mẹ khuyên về xuôi công tác. Tuy nhiên,  sâu thẳm trong lòng, cô giáo trẻ luôn khao khát được đoàn tự với gia đình, được vui vầy bên người thân.

"Mỗi lần nhìn thấy anh chị em tụ họp trong ngày lễ, Tết rồi đăng ảnh lên mạng, mình lại thấy chạnh lòng. Buồn lắm chứ nhưng nhìn học sinh của mình còn thương hơn, sao lỡ bỏ chúng mà đi", cô Trang tâm sự. 

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ