Thứ ba, 2/4/2019, 15:44 (GMT+7)

Ký ức rùng mình của những nạn nhân bạo hành trường học

Sau hơn 10 năm, Thanh vẫn run rẩy khóc khi nhớ lại vết dao đâm vào van tim mà em nhận được khi cùng một bạn học đi 'nói chuyện phải trái' với cô nữ sinh lớp dưới.

Lê Thanh (sinh năm 1993) đang là du học sinh Việt tại Trung Quốc. Những thông tin gây chấn động gần đây về cô nữ sinh Hưng Yên bị đánh đập, lột đồ, đã khiến Thanh nhớ lại câu chuyện xảy ra với chính mình nhiều năm trước, khi cô đang học lớp 11 tại trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình). Lúc đó, Thanh, từ một trong hai kẻ đi gây hấn, trở thành nạn nhân của một vụ bắt nạt bất thành.

Tâm - bạn cùng lớp với Thanh - xích mích từ trước với một nữ sinh khóa dưới. Tâm rủ Thanh hẹn gặp cô bé đó để giải quyết mâu thuẫn. Nhưng khi vừa gặp, Tâm chỉ nói vài câu rồi xông vào đánh đàn em. Bị tấn công bất ngờ, em gái này rút dao ra chống trả lại. Mũi dao trúng Thanh, bị đâm vào van tim. Cô được đưa đi cấp cứu và phải nằm viện 5 ngày. Sau sự việc, Tâm và cô nữ sinh lớp 10 bị đình chỉ học một năm.

"Bây giờ nhớ lại mình chỉ thấy bản thân thật ngu ngốc. Vô cớ bị cuốn vào vụ việc nhưng mình bị mang tiếng nhiều nhất. Vết đâm khiến bạn bè nhìn mình ác cảm hơn trước. Mỗi lần nhớ lại là một lần mình muốn khóc, hối hận vì đã làm khổ gia đình. Đặc biệt chua chát hơn là sau sự việc, mình không nhận được sự hỏi han nào của Tâm", Thanh chia sẻ.

Bạo lực trong trường học hình thành từ rất nhiều nguyên nhân: mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp; sự ghen ghét, ganh tỵ lẫn nhau thậm chí có thể chỉ từ cảm giác thích được làm đàn anh, đàn chị trong trường. 

Thùy Linh (Hà Nam) không phải là nạn nhân của bạo lực học đường song trong quãng thời gian đi học nội trú, không hiếm lần cô chứng kiến chuyện bạn học bị bắt nạt. Linh chia sẻ: "Năm em học cấp 2, do học dưới trường chuyên của huyện nên em ở ký túc xá. Thời đó, ký túc trường em chỉ tách riêng khu vực nữ và nam, còn các lớp khác nhau từ lớp 9 xuống lớp 6 đều ở chung. Phòng nội trú rộng bằng cả một lớp học, được xếp các giường tầng.

Thông thường, các bạn được tự chọn giường cạnh nhau. Mọi chuyện dường như yên ổn với nữ, còn với các bạn nam thì không - "ma mới" luôn bị bắt nạt. Em từng chứng kiến một nam sinh lớp 9 bắt một cậu lớp 6 phải "chào đại ca" đủ 100 lần cho buổi ra mắt phòng. Cậu bé còn phải ôm cột giường hát quốc ca, phải đi giặt đồ cho một nhóm bạn đàn anh. 

Linh cho rằng, ở tuổi mới lớn, rất nhiều cậu con trai thích bắt nạt kẻ yếu, thích được bạn bè nể sợ.

Từng làm việc nhiều năm tại một trường THCS ở Thái Bình, cô N.T.Minh khá sốc trước những gì vừa diễn ra tại Ân Thi, Hưng Yên; dù với cô, bạo lực học đường không phải là chuyện gì mới mẻ.

Vài tháng trước, cô Minh cùng hội đồng kỷ luật nhà trường phải kỷ luật Đ, một học sinh lớp 9 do cô chủ nhiệm - cùng 6 bạn nam sinh khác vì đánh hội đồng đàn em lớp dưới. Đ nghĩ nam sinh lớp 8 này đã "cua" cô bạn gái mà mình thích. 

"Đ cầm đầu 6 bạn nam xông vào lớp đánh bạn học lớp dưới. Cậu học sinh lớp 8 bị tím bầm mặt vì những cú đấm, và bị xước màng ngoài thủy tinh thể mắt. Trước khi đánh, nhóm của Đ còn hắt dầu gió vào mặt bạn khiến khuôn mặt nạn nhân sưng phồng", cô kể. 

Trường sau đó mời 7 phụ huynh đến làm việc nhưng chỉ có 5 gia đình tới. Do học sinh vi phạm lần đầu, lại tỏ ra ăn năn, hối lỗi nên sự việc chỉ dừng lại ở hình thức phê bình cấp trường. 

Một lần khác, ba học sinh lớp 9 đánh chảy máu mũi một học sinh lớp 7. Sự việc bắt nguồn từ việc nam sinh lớp 7 chơi bắn bi bị thua nhiều lần và phải dùng tiền ăn sáng để "trả nợ". Hội lớp 9 đã kết nạp thêm 2 thành viên khác, cứ đến giờ ra chơi là đến tận lớp của cậu em đòi tiền. Nếu không đòi được tiền, họ sẽ đánh. "Phải mất hai buổi làm việc đối chất, nhóm học sinh mới chịu thú nhận nguyên nhân sự việc", cô Minh nói. 

Dựa trên những quan sát của mình, cô Minh rút ra rằng, các vụ bạo hành trường học được thực hiện bởi các phe nhóm. "Những học sinh ngỗ nghịch thường lập thành nhóm, ỷ mạnh hiếp đáp kẻ yếu thế. Vì có hội, có nhóm nên các em này thậm chí còn gây sợ hãi cho bạn bè vô can khác, khiến họ ngại ngần trong việc can ngăn". 

Vụ bạo hành ở Hưng Yên là một điển hình của sự tồn tại các nhóm thế lực  trong lớp học. Chia sẻ với iOne sau sự việc, nhiều học sinh lớp 9A, THCS Phù Ủng gọi 5 nữ sinh đánh bạn là "nhóm chị T". Trong đó T là nữ sinh hơn các bạn khác một tuổi, được xác định là người cầm đầu, thường xuyên chửi bậy, cáu giận và không ngại gây gổ với bất cứ ai. Nhiều học sinh trong lớp không dám dây với "Nhóm chị T" vì sợ bị đánh.

Nữ sinh bị đánh ở Hưng Yên: "Em không muốn quay lại trường thêm một lần nào nữa"
 
 

Nguy cơ bạo lực học đường luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, từ bất cứ nguyên nhân nào. Để giảm nạn bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý cho rằng người lớn cần lắng nghe, quan sát những biểu hiện bất thường của trò để kịp thời phát hiện. Một vài trường hợp cho thấy, nhiều em có vấn đề về tâm lý, bị ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình dẫn đến việc trút hằn học lên bạn khác chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhưng không kiểm soát được bản thân. Với những học trò này thay vì áp dụng ra lệnh, những người làm giáo dục nên là người cô đồng thời là người bạn để giúp các em chia sẻ, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các em.

* Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Huyền Anh