Thứ sáu, 12/7/2019, 09:28 (GMT+7)

Nam sinh cụt tay nuôi ước mơ thành nhà thiết kế từ những vòng hoa bán dạo

Bị mất đi đôi tay trong khi đi làm thêm, Dương Hữu Phúc vẫn hàng đêm bán hoa ở phố đi bộ, kiếm tiền theo học ngành thiết kế nội thất.

Gặp Phúc vào một buổi trưa nắng nóng khi cậu vừa đi học về, định đỡ túi giúp để cậu dễ mở cửa hơn, nhưng Phúc cười tươi nói: "Em làm được mà". Dùng hai cánh tay không còn nguyên vẹn, Phúc thoăn thoắt lấy nước mời mọi người. Tiếp đó, Phúc chạy xuống nhà lấy lên năm, bảy chiếc vòng hoa và nói: "Em gắn đèn vào để cuối tuần còn lên phố đi bộ bán".

Phúc vừa làm, vừa kể: "Bố em mất, chị gái đi lấy chồng, mẹ chỉ còn em. Hai mẹ con nương tựa nhau sống. Hoa này mẹ em làm, em phụ mẹ gắn đèn vào thôi".

Dương Hữu Phúc (sinh năm 1995) quê Bắc Sơn, Lạng Sơn, sinh viên năm 4 ngành Thiết kế nội thất, ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Khoảng 5 năm trước, chỉ còn 12 ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phúc bị tai nạn khi đi làm thêm ở một tiệm cơ khí. Chiếc bình khí quá mỏng đã phát nổ và "nuốt" luôn hai bàn tay của Phúc. Khoảng thời gian từ Lạng Sơn xuống Hà Nội cấp cứu, đến giờ Phúc vẫn không thể nào quên.

'Bác sĩ ơi, hãy cố cứu cho cháu đôi tay'

Từ 9h sáng đến 12h30 xuống tới Hà Nội, Phúc vẫn tỉnh táo. "Không hiểu vì sao em rất đau nhưng không thể ngủ được", cậu nói.

Trên chuyến xe, Phúc thều thào trong đau đớn: "Bác sĩ ơi tiêm cho cháu thuốc gì ngủ được không?", dù cậu đã được tiêm hai liều thuốc morphin cực mạnh. 23h đêm Phúc mới được mổ. Trên đường vào phòng mổ, Phúc yếu ớt: "Bác ơi, bác cố cứu cho cháu đôi tay".

Nhưng sáng sớm Phúc tỉnh dậy, hai tay đã không còn. Cậu tỉnh rụi: "Vậy là không cứu được rồi". Giây phút ấy, Phúc chấp nhận sống chung với đôi tay không còn nguyên vẹn. Được các y tá đẩy ra ngoài bằng xe lăn, gặp Phúc, mẹ cậu òa khóc: "Thế này còn gì là người nữa con ơi". Ghìm nước mắt, Phúc cười nhẹ nói với mẹ: "Con còn sống là tốt rồi". Không muốn chứng kiến sự yếu đuối và nước mắt của mẹ, Phúc nghị lực, bền bỉ sống tiếp với cơ thể thiếu thốn. Phúc tự nhủ với bản thân sẽ sống tốt, vui vẻ cho mẹ thấy và tự hào về đứa con trai duy nhất.

Khoảng thời gian trở về nhà, ai cũng lạ lẫm với cánh tay của Phúc. Cậu kể: "Em có đứa cháu lúc ấy hơn một tuổi, nó nhìn tay cậu rồi xin 'cậu ơi cho con miếng bánh mỳ'. Sự ngây thơ, hồn nhiên đó giúp mình giải tỏa được những mặc cảm ban đầu".

Suốt một năm sau, Phúc tự giam mình trong nhà, ít giao tiếp và giữ khoảng cách với những người xung quanh. Phải đến khi bắt đầu viết được chữ bằng hai khuỷu tay, Phúc xin mẹ cho trở lại trường học. 

Ngày thi đến, như bao cô cậu học trò khác, Phúc phân vân chọn trường, ngành. Được mẹ và các bác định hướng thi Sư phạm, Phúc nghĩ "mình có tay đâu mà cầm phấn". Nhìn những bộ bàn ghế, chiếc tủ sách Phúc cảm thấy tò mò về cấu trúc, muốn tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn. Phúc quyết định tự đăng ký chuyên ngành Kiến trúc của ĐH Kinh doanh và Công nghệ với ước mơ trở thành nhà thiết kế nội thất.

Năm đầu trở thành sinh viên, Phúc mặc cảm với đôi tay không lành lặn. Cậu luôn chọn những chiếc áo dài tay để che đi khiếm khuyết. Đến năm hai, khi xác định con đường sẽ theo đuổi, cộng với mong muốn trở thành nhà thiết kế nội thất ngày một trỗi dậy, Phúc nhận ra sẽ không thành công nếu cứ mãi tự ti. Phúc rũ bỏ hình ảnh lầm lì, thu mình trong chiếc áo. Cậu tự tin đến trường với chiếc áo cộc tay. Nhận được những ánh mắt ái ngại, dò xét từ bạn bè trong trường, Phúc vẫn tự tin mỉm cười.

Những chiếc vòng hoa 40.000 đồng

Cứ cuối tuần, hai mẹ con Phúc chở nhau bằng chiếc xe máy cà tàng lên phố đi bộ bán vòng. Mẹ chỉ ngồi phụ, còn Phúc là người đứng rao bán từng chiếc với giá 40k.

Trước đó, Phúc có đi làm thêm về tết vòng, một tuần ba buổi, được 150 nghìn đồng. Mỗi tháng kiếm được khoảng hơn 500 nghìn nhưng không đủ ăn nên Phúc xin nghỉ. Sau đó, cậu quyết định dùng những đồng vốn ít ỏi để "khởi nghiệp". Từ 500k, Phúc lấy vòng, bán rồi xoay vòng vốn. Tiền bán hàng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho hai mẹ con.

Bán được hơn một năm mẹ Phúc bị ốm nặng, tim, thận suy độ hai nên không còn khả năng làm việc. Mẹ Phúc ở nhà lo cơm nước. Cuối tuần bà lại chở Phúc lên hồ bán vòng.

Những ngày đầu đi bán, Phúc không tránh khỏi cảm giác xấu hổ và ngại ngùng. Một thằng con trai đầu đội vòng hoa, hai tay làm "giá" treo đầy vòng khiến người đi đường không khỏi tò mò. Nhiều bạn trẻ đi qua, thì thầm to nhỏ rằng "Sao cụt tay mà lại đi bán vòng hoa". 

Trước những người có lời nói khiếm nhã, Phúc thường chọn cách mỉm cười đón nhận, không tránh né. Điều Phúc lo nhất lúc này là làm việc để đỡ đần mẹ. Còn chuyện sĩ diện với cậu bạn 9x không quan trọng bằng.

Cuộc sống hiện tại của Phúc tiếp diễn đều đặn với những buổi đi học, đi bán vòng để trang trải cuộc sống. Cậu bạn vẫn nuôi ước mơ trở thành một NTK nội thất trong tương lai. 

Thanh Quỳnh