Thứ bảy, 2/11/2019, 00:02 (GMT+7)

Người phụ nữ vào top 100 thế giới từng bị chế giễu giống 'quái vật'

Nguyễn Thị Vân (32 tuổi) - bị teo cơ tủy sống từ nhỏ nên phải làm bạn với xe lăn - được BBC bình chọn vào top 100 phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới.

Gặp chị Vân tại Trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội) - nơi làm việc của hơn 80 người (chiếm phần lớn là người khuyết tật), ấn tượng đầu tiên với nữ giám đốc cao chưa đầy một mét và nặng vỏn vẹn 20kg là nụ cười thường trực trên môi.

Nguyễn Thị Vân. 

Chị Vân sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em tại vùng quê Nghi Lộc, Nghệ An. Gia đình chị có anh trai và chị được chẩn đoán bị teo cơ tủy sống. Căn bệnh khiến Vân gắn bó suốt đời với xe lăn.

"Ngày bé tôi không khác so với những đứa trẻ bình thường, nhưng lại không thể tự bước đi trên đôi chân", chị Vân nói. 

Sinh ra là người khuyết tật ở một vùng quê nghèo, chị Vân và gia đình từng hứng chịu những ánh mắt kỳ thị, những lời soi mói, bàn tán sau lưng rằng: "Một cặp vợ chồng bình thường sao lại sinh ra những đứa con dị dạng như vậy?".

Bị bạn bè gọi là 'quái vật'

Tiếp xúc trực tiếp với những người khuyết tật, từng nghe nhiều câu chuyện đau lòng về sự kỳ thị của xã hội nhưng điều đó chẳng khiến chị Vân ngạc nhiên. Ai đó có thể nói chị chai sạn cảm xúc, nhưng với Vân, nếu đồng cảm, khóc thương mà khiến cuộc sống tốt hơn thì ai cũng làm.

Ai cũng nhìn thấy một Nguyễn Thị Vân mạnh mẽ, lạc quan ở hiện tại. Nhưng ít ai biết rằng chị từng là nạn nhân của những cuộc bạo hành từ tinh thần đến thể xác.

Càng lớn, cơ và xương bị teo nhỏ, Vân di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn với bộ điều khiển tự động.  

"Thời còn đi học, các bạn cùng lớp thường gọi tôi là 'quái vật', mà trong suy nghĩ của trẻ con, quái vật là kẻ cần bị tiêu diệt", chị nhớ lại. 

Cô gái trẻ không nhớ nổi bao lần bị bạn bè xúc phạm, đánh đập vì muốn cô đừng đến lớp nữa. Thỉnh thoảng, mấy bạn ngồi cùng bàn còn thẳng chân đạp Vân đang ngồi trên ghế xuống dưới đất. Bị ngã đau nhưng chưa bao giờ Vân khóc. Chị nói, vì khóc là kẻ thua cuộc, là trò cười cho các bạn trong lớp.

Để có được một Nguyễn Thị Vân của ngày hôm nay, một Giám đốc công ty Công nghệ Thông tin, một người truyền cảm hứng và hỗ trợ cho những người bị khuyết tật... tất cả đều nhờ vào niềm tin. "Người ta sống và phát triển chỉ vì họ tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi đã có suy nghĩ như thế và khiến mình ngày càng trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn bao giờ hết", chị nói.

Học hết lớp 10 ở quê, Vân xin bố mẹ cho nghỉ học để sang Diễn Châu, Nghệ An, mở một quán điện tử với khoảng 30 đầu máy tính vì muốn giúp đỡ gia đình. Với "máu kinh doanh" sẵn có, chẳng mấy chốc Vân trả hết tiền đi vay và bắt đầu có lãi. Thấy con bỏ học giữa chừng, bố mẹ, thầy cô nhiều lần động viên đi học lại để có bằng cấp bằng cấp 3, nghe thấy "bùi tai", Vân về quê học. Sau tốt nghiệp, cô gái 18 tuổi cùng một người bạn đi vào Tiền Giang, Sài Gòn rồi quyết định lựa chọn Hà Nội là nơi lập nghiệp.

Bước ngoặt trong cuộc đời Vân là khi được tiếp xúc với công nghệ máy tính từ người anh trai. Không cần đến trường lớp hay những khóa đào tạo chuyên nghiệp, mọi thứ Vân đều học trên mạng và những người xung quanh. Sau một thời gian làm việc trong công ty liên doanh về lĩnh vực thiết kế đồ họa, chị xin nghỉ việc để hỗ trợ anh trai Nguyễn Công Hùng mở một trung tâm giới thiệu, hướng nghiệp và đào tạo miễn phí cho người khuyết tật.

Vân làm việc cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm nghị lực sống. 

Từ ngày về làm cùng anh, cô chưa từng nghĩ sẽ tiếp quản lại trung tâm hay trở thành người quản lý. Biến cố xảy đến khi anh trai đột ngột qua đời vào cuối năm 2012. Vân "miễn cưỡng" tiếp quản sự nghiệp mà anh để lại.

Từ một người hỗ trợ, Vân thay anh trai điều hành trung tâm. Những khó khăn về vốn, số lượng học viên giảm, các hợp đồng với đối tác bị cắt đứt ... chưa từng khiến 8x chán nản. Hiện Nguyễn Thị Vân và các đồng nghiệp đã hỗ trợ, giúp đỡ cho rất nhiều người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và tìm kiếm hạnh phúc riêng.

Sau 7 năm, Vân thừa nhận từ sự miễn cưỡng, cô dần yêu công việc tại trung tâm, học được cách sẻ chia và hạnh phúc khi giúp được những người đồng cảnh ngộ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khuyết tật nhưng không khuyết mưu cầu hạnh phúc

Từ bị những ánh mắt xa lánh, những câu hỏi đầy ẩn ý: "Em như thế này thì có ai ngỏ lời yêu chưa?", "Em đã đi du lịch chưa hay chỉ đi du lịch qua màn ảnh nhỏ?...". Đáp lại những lời nói châm biếm ấy, Vân luôn mỉm cười: "Ngoài việc khó khăn trong chuyện đi lại, mọi điều bạn làm được, tôi làm được".

Với Vân, từ công việc cho tới đời sống cá nhân đều được lên lên kế hoạch. Muốn giao tiếp với người nước ngoài thì học tiếng Anh. Muốn hiểu sâu rộng về Công nghệ thông tin thì lên học trên mạng và những người đi trước...

Nguyễn Thị Vân hạnh phúc bên chồng. 

Trong chuyện tình cảm, Vân thừa nhận chỉ cần thích là sẽ là người chủ động. "Trước khi lấy chồng, tôi đã trải qua 7 mối tình. Đó là chuyện bình thường nhưng nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi nghe nó", Vân cười nói.

8x cho biết sở thích lớn nhất là đi du lịch. Hiện cô đã đi hơn 20 quốc gia (Mỹ, Australia, Nhật....), được trải nghiệm những món ăn ngon, những điều mới lạ trong cuộc sống. Cô gái trẻ tự hào: "Mình chẳng ngại ngần mà không trải nghiệm những điều mới mẻ. Cuộc sống là để trải nghiệm, nhất là khi cơ thể cho phép".

Ngoài việc quản lý một công ty ứng dụng công nghệ, Nguyễn Thị Vân còn là một nhà diễn giả, một người truyền cảm hứng ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới về nghị lực sống, ý chí vươn lên đối với cộng đồng người khuyết tật.

Năm 2019, cô gái xứ Nghệ được BBC bình chọn là một trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới và Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 do Forbes bình chọn. 

8x tâm sự: "Tôi không quan tâm đến giải thưởng hay bình chọn. Tất cả những điều mình đã làm chỉ để chứng minh: 'Thành công và hạnh phúc sẽ đến với bất kỳ ai, chỉ cần bạn thực sự cố gắng'".

Thúy Quỳnh